Tốt nghiệp chuyên ngành Đồ họa trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Tiên Võ nhanh chóng nhận ra niềm đam mê sáng tạo không chỉ dừng lại ở công việc thiết kế. Chị dành 6 tháng nghỉ việc, tập trung xây dựng một portfolio vững vàng và ngay lập tức nhận việc tại Lowe Vietnam với vai trò Chỉ đạo Nghệ thuật (Art Director).
Hiện tại, Tiên Võ đang giữ vai trò Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) của công ty Ogilvy Việt Nam. Đồng thời, chị còn là một người mẹ, một nghệ sĩ độc lập bán thời gian, và là tác giả của cuốn sách minh họa thiếu nhi The Alphabet I Found In Mom’s Kitchen.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị miêu tả bản thân mình mười năm về trước bằng hai từ “ngông cuồng” và “tham vọng”. Trong series Ask A Senior lần này, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ từ Tiên Võ về những bài học trong sự nghiệp với vai trò là một người làm sáng tạo nói chung, và là một Giám đốc Sáng tạo nói riêng.
Đâu là phong cách thường thấy trong những sản phẩm sáng tạo của chị?
Đó là sặc sỡ – nữ tính – riêng tư. Mình chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa đại chúng và thực hành nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ trên thế giới, đặc biệt là từ hai vị đạo diễn Wes Anderson và Alejandro González Iñárritu.
Wes Anderson mang đến ngôn ngữ hình ảnh rực rỡ và đồ họa tuyệt đẹp, còn Alejandro González gây ấn tượng với lối kể chuyện siêu thực. Mình đã học hỏi từ họ rất nhiều về kỹ thuật làm phim và cách giữ trọn cảm xúc nhân vật cho những thước phim quảng cáo sau này.
Ai là người hướng dẫn ban đầu cho chị?
Mình may mắn được quen biết những anh chị có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quản lý, bán hàng, và cả Account nữa. Mỗi người lại cho mình những lời khuyên khác nhau.
Trong số đó, có hai lời khuyên vẫn luôn theo sát mình suốt tiến trình sự nghiệp. Một là lời khuyên về cách phân bổ và quản lý nhân lực: “Tìm đúng người, đặt làm đúng việc.” Hai là phải có niềm tin vào bản thân mình.
Là một Giám đốc Sáng tạo, bí quyết lãnh đạo và phong cách làm việc của chị là gì?
Mình không cố kiểm soát mọi thứ mà sẽ chia đội ngũ nhân viên thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm có một trưởng nhóm (Associate Creative Director) dẫn dắt. Mình tin tưởng và trao nhiều quyền quyết định cho các bạn, đồng thời đó cũng là cách giúp các bạn rèn luyện tinh thần trách nhiệm.
Bản thân mình là người duy mỹ và thường sử dụng những tính từ như ‘hay’, ‘đẹp’, và ‘hoàn hảo’ khi hình dung một ý tưởng. Điều này vô hình trung tạo áp lực không nhỏ khiến các bạn phải ép mình đi theo những hình dung đó.
Thật ra, mình không đặt nặng vào quá trình mà chỉ tập trung vào kết quả. Mình không muốn ép nhóm đi theo con đường định sẵn. Thay vào đó, mình khuyến khích các bạn tìm đến nhiều phương án khác nhau, miễn là các bạn có thể thuyết phục được mình và khách hàng rằng ý tưởng này hay và hiệu quả.
Đâu là điều chị thích và không thích nhất trong vai trò một Giám đốc Sáng tạo?
Điều mình thích nhất là có thể chủ động trong mọi việc. Nhờ đó, mình sắp xếp công việc hợp lý hơn, có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch cho nhiều dự án và nghĩ ra nhiều phương pháp sáng tạo mới cho nhóm.
Tuy nhiên, đối với một Giám đốc Sáng tạo, làm việc với con người lại là một thử thách khá lớn. Mọi người luôn đùa rằng mình có thể khiêm luôn vị trí của một nhà tuyển dụng khi thường xuyên chiêu mộ thành viên cho nhóm. Với mình, điều này cần rất nhiều sự sáng tạo và tận tâm bởi vì con người luôn khó hiểu và khó kiểm soát.
Làm thế nào một bạn trẻ mới ra trường có thể tham gia làm việc cùng chị trong Ogilvy?
Mình thường bị thu hút bởi những bạn có con đường sự nghiệp hoặc trải nghiệm đa dạng. Chỉ cần bạn có hứng thú với một lĩnh vực nghĩa là thế giới quan của các bạn đã được mở rộng ra thêm một phần.
Thậm chí, góc nhìn bi quan cũng có giá trị riêng vì nó cho thấy một cách nhìn nhận rất thực tế. Nói như vậy không có nghĩa là mình không thích những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm hay lạc quan. Nếu các bạn có một thế giới quan rộng lớn và một góc nhìn đa chiều, hãy tự tin đề cử bản thân mình!
Là một người có nhiều dự án và ý tưởng, đâu là sự cân bằng của chị về mức độ ưu tiên công việc?
Mình thường áp dụng bài học về bình cát và sỏi để phân chia công việc cần thực hiện cùng lúc. Thay vì thực hiện song song hai dự án lớn, mình sẽ chọn một dự án lớn cùng với một dự án nhỏ có tính linh hoạt hơn.
Đồng thời, mình cố gắng tập trung hoàn thành một việc tốt nhất có thể để không phải suy nghĩ lại lần hai, thay vào đó có thể chuyên tâm với những dự án tiếp theo.
Làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng một cách tốt nhất?
Ý tưởng chỉ là một khung xương để định hình dự án. Nếu quá trình thực hiện không giống như những gì bạn hình dung ban đầu không có nghĩa là bạn đang đi chệch hướng, miễn là thông điệp chính (key message) vẫn vẹn toàn. Ngược lại, trong quá trình hiện thực hoá, bạn có thể phát hiện ra những điểm thiếu sót của ý tưởng và hoàn thiện nó một cách hợp lý nhất.
Việc giữ ý tưởng trọn vẹn cho đến khi thành hình không quan trọng, mà quan trọng là thành phẩm của ý tưởng đó có được cải thiện hay không. Cố chấp với ý tưởng ban đầu không hẳn sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, đó không phải là một việc bất khả thi. Chẳng hạn như dự án We Care For Her mà mình từng thực hiện. Đây là lần đầu tiên mà cả nhóm và khách hàng đều nhất trí giữ nguyên từ ý tưởng cho đến khi kết thúc dự án.
Làm việc trong ngành sáng tạo đôi khi khó tránh việc ý tưởng của mình bị bác bỏ. Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ vừa bước chân vào ngành và đang phải đối mặt với vấn đề này không?
Hầu như ai cũng cho rằng ý tưởng của mình hay và lạ. Khi ý tưởng không được chọn, thay vì mắc kẹt mãi với nó, hãy cất nó vào ‘chiếc hộp tâm trí’, chờ một thời gian rồi mang ra xem lại và tự đánh giá lại ý tưởng.
Việc tập trung vào một điều gì đó quá lâu khiến não bộ tạo nên một ‘thành trì’ lý do để bảo vệ ý tưởng đó. Thay vào đó, hãy cho bản thân một khoảng nghỉ để làm mới tâm trí, sau đó nhìn nhận lại ý tưởng và tự rút ra bài học. Biết đứng dậy sau những lần ngã và rút kinh nghiệm cho lần sau thì mới có thể tiến xa trong sự nghiệp.
Một junior cần chuẩn bị gì để thăng tiến trở thành senior và xa hơn là một Giám đốc Sáng tạo?
Lên một chức vụ cao hơn đồng nghĩa với việc chúng ta cần học cách nhìn dự án trên một bức tranh toàn cảnh, đặt nó trong mối tương quan với nhãn hàng và khách hàng mục tiêu để đưa ra quyết định đúng.
Đầu tiên, bạn cần học cách làm việc ở những vị trí mình chưa quen thuộc. Người chuyên về hình ảnh cần bắt đầu học cách kể chuyện bằng chữ còn người trước đây đã quen làm việc với câu chữ phải học cách tăng gu thẩm mỹ và thể hiện câu chữ thành hình ảnh.
Tiếp theo, tập quan sát và học hỏi từ những người đi trước, điều này quan trọng không kém những kiến thức học từ trường lớp. Mỗi senior sẽ có cách làm việc và thế mạnh khác nhau, đồng nghĩa rằng bạn sẽ học được từ họ những bài học khác nhau. Đó có thể là cách chọn lọc ý tưởng hay, có tính tương quan với nhãn hàng; cách ‘bán’ ý tưởng sao cho khách hàng tin tưởng và thích thú với nó; hoặc là cách điều phối công việc cho các bên liên quan.
Cuối cùng là phải biết cách giao tiếp với con người. Làm thế nào để quản lý nhóm, góp ý cho các thành viên và làm việc với các bên khác nhau. Hay làm thế nào để trả lời câu hỏi của khách hàng đúng trọng tâm và thương lượng với họ hiệu quả nhất.
Chị nghĩ sao về mâu thuẫn của người trẻ trong việc kiếm tiền và theo đuổi ước mơ?
Mình cũng từng có thời gian đấu tranh giữa hai lựa chọn này, nhưng sau nhiều năm đi làm, mình nhận ra nếu thích điều gì, bạn sẽ luôn tìm ra cách để dành thời gian cho nó.
Nếu xem kiếm tiền là trách nhiệm bị ai khác đặt lên vai, tất nhiên bạn sẽ khó chịu. Nhưng nếu đổi cách nghĩ khác, xem việc kiếm tiền là phương tiện để theo đuổi ước mơ thì sao? Lúc đó, nó sẽ trở thành mục tiêu, đồng thời thành một phép thử để bạn biết mình có thật sự muốn theo đuổi ước mơ đó hay không.
Đâu là bài học mà chị mất rất lâu để học được?
Đầu tiên là bài học về mối quan hệ với khách hàng. Mỗi dự án là mỗi cuộc song hành giữa người làm sáng tạo vào khách hàng. Khách hàng không phải phe phái ở bên kia chiến tuyến, mà cũng là đối tượng giao tiếp mà mình cần hiểu.
Đôi khi ý tưởng hay nhưng không được duyệt chỉ vì nó không phù hợp với hình ảnh thương hiệu. Cho nên hiểu khách hàng rất quan trọng. Thêm vào đó, thái độ và cách nói chuyện cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thuyết phục khách hàng.
Nhiều người quan niệm rằng làm sáng tạo phải đặt cái tôi cao. Nhưng nên nhớ sản phẩm chúng ta làm ra là để người khác đón nhận. Và để giao tiếp thành công, trước tiên cần phải hiểu đối tượng giao tiếp là ai. Mặt khác, mình thể hiện cá tính thông qua sản phẩm và uy tín, để bất cứ ai nhìn vào cũng nhận biết được người tạo ra.
Bài học tiếp theo mình mất gần 30 năm để học được, đó chính là sự khiêm nhường. Trước đây mình ngông cuồng và ích kỷ trong tình yêu, nhưng sau khi có con mình cảm thấy bản thân như nhỏ lại và khiêm tốn hơn. Mình học cách quan sát nhiều hơn trước khi nói ra điều gì đó.
Theo chị, tương lai ngành quảng cáo sẽ thay đổi như thế nào?
Nhằm hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, các thương hiệu tập trung vào việc phối hợp nhuần nhuyễn ba khía cạnh: nền tảng cốt lõi, các chương trình thường niên (vào các dịp lễ tết), và tương tác thường xuyên bằng những câu chuyện nhỏ nhưng quen thuộc với khách hàng. Có thể thấy quảng cáo đang dần trở thành một hình thức giải trí thường nhật.
Bởi môi trường giao tiếp số dần được dữ liệu hoá, các ngành hàng đang không ngừng chạy đua tốc độ và dữ liệu. Bên cạnh đó, hành vi con người có thể đoán trước, bắt buộc truyền thông phải cho thấy hiệu quả tức thì và bền vững, ngoài ra phải mang tính giáo dục và thay đổi nhận thức người tiêu dùng.
Làm thế nào để chị vẫn có thể liên tục chạy sau 11 năm trong ngành?
Câu trả lời là: phải chạy mỗi ngày. Thực hành nghề thường xuyên giúp mình điêu luyện, có sức bền, dẻo dai, kinh nghiệm, và sáng tạo hơn.
Nếu không làm trong ngành quảng cáo chị sẽ làm gì?
Mình sẽ viết sách. Mình đang ấp ủ quyển sách minh họa cho đứa con thứ hai của mình. Hoặc mình có thể trở thành một nghệ sĩ ý niệm toàn thời gian, nhưng lúc đó có lẽ phải suy xét kỹ lưỡng về vấn đề tài chính nữa.