Bạn có đang lãng phí tấm bằng đại học? | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 03, 2021
Sự NghiệpThăng Tiến

Bạn có đang lãng phí tấm bằng đại học?

6 Cách để tối ưu hóa tấm bằng đại học, dù bạn đang học hay đã tốt nghiệp.

Bạn có đang lãng phí tấm bằng đại học?

Nguồn: Unsplash

Hầu hết sinh viên đi học vì tấm bằng và một việc làm tốt trong tương lai. Nhưng làm gì để có được tương lai tốt nhất thì không nhiều người biết. Không ít bạn trẻ vào đến giảng đường rồi mà còn mông lung lắm lắm, vô tình để lãng phí những cơ hội mình đã phải đánh đổi mới có được.

Theo học đại học là một quyết định đầu tư quan trọng. Vậy làm sao để tối ưu hóa tấm bằng đại học? Trong bài viết này Ngốc sẽ trả lời câu hỏi đó.

1. Đừng chỉ chăm chăm vào điểm số

Môi trường ở đại học khác hoàn toàn với cấp ba: khi quá quan trọng điểm số, bạn sẽ bị sốc nặng.

Vào Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cách đây hơn 20 năm, bản thân Ngốc và một số bạn trong lớp đã bị sốc khi có môn bị điểm thấp. Hầu hết những bạn này đứng đầu lớp, đầu trường khi còn ở cấp ba, vẫn áp dụng cách học gạo bài, nhưng nó lại không hiệu quả ở môi trường mới. Có bạn vì quá sốc, phải mất một thời gian dài mới lấy lại được sự cân bằng.

Sự thành công của một sinh viên không chỉ là ở điểm số, mà còn ở việc có được lời mời (offer) tương xứng trình độ ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này có nghĩa là nếu mình học đại học, thì sẽ không miễn cưỡng chấp nhận một công việc có yêu cầu và mức lương thấp hơn.

2. Đừng tự cô lập bản thân

Sai lầm thứ hai là chọn cách học lẻ loi. Có những bạn quá tự tin vào khả năng của mình nên không đánh giá cao của việc tham gia vào các nhóm. Nhưng các bạn lại không biết một điều rằng khi làm việc nhóm, bạn sẽ phát triển một số kỹ năng khác cho mình, học thêm những điều hay từ người khác.

Rất nhiều cơ hội có thể đến từ mạng lưới người quen của mình. Ví dụ, khi cần tìm việc hoặc cơ hội thực tập, bạn có thể được bạn học giới thiệu vào nơi bạn ấy đang làm.

Bạn có biết vì sao người xưa hay nói “giàu vì bạn, sang vì vợ”? Làm việc nhóm trong thời gian học đại học là cách tạo dựng các mối quan hệ bạn bè tốt nhất. Học và chơi với nhau lâu, không chỉ tạo dựng được những mối quan hệ bạn bè tốt, mà còn là đối tác tốt. Chi phí của sự tin cậy là rất lớn, và lợi ích của các mối quan hệ lâu dài là như “lãi suất kép”.

3. Thăm dò thị trường lao động và phân loại ưu tiên cho các môn học

Các chương trình đào tạo ở các trường đại học thường đưa vào một số môn cơ bản, mà với rất nhiều người sau khi học xong ra trường, không nhớ nó là gì luôn!

Chính vì vậy, bạn cần tìm hiểu những môn nào cần thiết, bổ trợ cho các môn chuyên ngành mình sẽ học. Rồi ngay cả khi vào giai đoạn chuyên ngành, không phải môn nào cũng cần thiết cho chuyên ngành hẹp và mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Vậy làm sao biết được kiến thức hay kỹ năng nào cần? Một cách tốt nhất là tham khảo các mô tả việc làm trong các tin tuyển dụng, từ LinkedIn hay các website chuyên về tuyển dụng, săn đầu người.

Ví dụ, một chuyên gia phân tích tài chính ngoài các kiến thức về tài chính, cần có thêm các kỹ năng sử dụng R, Python, hay ít ra là VBA.

4. Học cách mở những "cánh cửa may mắn"

Như đã đề cập ở trên, làm việc nhóm trong trường đại học đem lại nhiều lợi ích, từ trau dồi phát triển các kỹ năng, học hỏi những điều hay từ bạn bè, và quan trọng nhất là hình thành các mối quan hệ tốt lâu dài. Chính vì vậy không nên lãng phí các cơ hội làm việc nhóm.

Ngoài ra, các trường đại học đều có các câu lạc bộ đội nhóm, các hoạt động thể thao, văn hóa, công tác xã hội. Việc tham gia các nhóm này như mở thêm một cánh cửa, và đằng sau đó là nhiều cánh cửa khác. Nhiều người cho rằng cơ hội đến từ mạng lưới quan hệ là do may mắn, nhưng thực ra phần lớn là sự lựa chọn và cố gắng của bản thân.

5. Tích cực tương tác với giảng viên

Một điều nữa mà các bạn sinh viên không nên lãng phí là sự tương tác với các giảng viên. Tâm lý tự nhiên thì giảng viên nào cũng thích sinh viên quan tâm đến môn học mà mình dạy.

Vào giai đoạn chuyên ngành, việc trao đổi tích cực với các giảng viên sẽ gia tăng cơ hội được giới thiệu chỗ thực tập hay việc làm sau này. Bởi vì, phía sau giảng viên nào cũng là một mạng lưới mối quan hệ của riêng họ.

Muốn vậy, các bạn cần chủ động hỏi về đề tài mà giảng viên đang nghiên cứu hay hợp tác với doanh nghiệp, nếu may mắn thì có thể có được một chân phụ việc. Bản thân người giảng viên cũng thích hỗ trợ những sinh viên này vì họ biết rằng xác suất thành công của những sinh viên này là cao, sau đó có thể giúp lại cho các thế hệ sinh viên sau này.

6. Tận dụng hệ thống cựu sinh viên và mạng lưới doanh nghiệp

Điều cuối cùng không nên lãng phí là hệ thống cựu sinh viên (alumni) và trung tâm hỗ trợ sinh viên hay kết nối doanh nghiệp của trường.

Trường nào cũng có một hệ thống danh bạ cựu sinh viên, nhất là những sinh viên thành công, và đây chính là tài sản vô hình của các trường. Trường nào càng có hệ thống cựu sinh viên thành đạt thì giá trị của trường càng cao.

Nhiều trường đại học nổi tiếng có quy định ngầm là bảo vệ thanh danh môn phái. Khi người nào đó trong mạng lưới gặp khó khăn thì những người còn lại sẽ hỗ trợ hết mình. Chẳng hạn một người trong mạng lưới vì lý do gì đó bị mất việc, thì sẽ được giúp nhanh chóng tìm được việc làm mới ít nhất là tương đương.

Đây cũng là sự khác biệt khi chúng ta nhìn thấy các chương trình MBA có mức học phí chênh lệch nhau kinh khủng. Có chương trình chỉ vài nghìn USD, nhưng cũng có chương trình lên đến gần 200.000 USD như Wharton, Columbia, hay Haas.

Những chương trình MBA đắt xắt ra miếng không chỉ vì danh tiếng của chương trình, bằng cấp, mà quan trọng hơn là hệ thống alumni và những người bạn học cùng khóa. Thử hình dung trong cùng khóa học, đa phần những người này là những quản lý cao cấp hay chính trị gia, sau hơn một năm học và làm việc nhóm với nhau, khi quay lại công việc thì sẽ thuận lợi hơn cho họ, cả cá nhân và công việc biết dường nào.

Kết

Theo một chương trình đại học hay sau đại học là một quyết định đầu tư quan trọng vì chi phí thực phải bỏ ra và cả chi phí cơ hội là không hề nhỏ.

Ở mỗi mức đầu tư, chương trình và trường đại học sẽ mang lại những giá trị hữu hình và vô hình. Hữu hình đó là cơ sở vật chất, uy tín bằng cấp, chất lượng chương trình. Còn các giá trị vô hình thì người học cần biết để khai thác tối đa từ mạng lưới cựu sinh viên, bạn bè cùng khóa, mạng lưới của giảng viên. Nếu biết khai thác hết, các giá trị này sẽ như là đòn bẩy, giúp người học đạt được những mục tiêu trong cuộc sống và công việc một cách thuận lợi hơn rất nhiều.