Kì thực tập – vấn đề muôn thuở của mọi thế hệ sinh viên, là ngưỡng cửa giữa trường học và trường đời. Dù đã có kinh nghiệm trước đó hay chưa thì bạn cũng khó lòng mường tượng ra được lần thực tập tiếp theo bạn sẽ trải qua như thế nào, kết thúc ra sao. Nhưng ít nhất điều bạn có thể làm là chuẩn bị thật kỹ lưỡng để quãng thời gian thực tập trở thành một kỷ niệm đẹp, chứ không phải là lịch sử đen.
Tôi bắt đầu đi làm từ năm Nhất đại học tại nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Là sinh viên nên tôi chỉ có thể đảm nhiệm các vị trí thực tập sinh, nhân viên part-time hoặc cộng tác viên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, tôi cũng đã góp nhặt được một số bí quyết từ chính bản thân và người xung quanh để không bị các anh chị vỗ vai bảo “em còn ngây thơ quá”.
1. Sẵn lòng hòa nhập cùng mọi người
Hoà nhập vào tập thể là bước đầu tiên để bắt đầu quá trình học hỏi trong thời gian thực tập. Cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để chứng tỏ bạn đang sẵn sàng hoà nhập, đó là ăn trưa cùng mọi người, hoặc tham gia những bữa tiệc “happy hour” sau giờ làm.
Ngoài ra, để thời gian ngồi cùng nhau không rơi vào khoảng lặng bối rối, hãy chuẩn bị một số câu hỏi để bắt chuyện. Chẳng hạn như về vị trí, công việc của mọi người, khi gặp vấn đề gì trong công việc thì nên đến tìm ai,… Đồng thời chuẩn bị sẵn “elevator pitch” – một đoạn giới thiệu về bản thân ngắn gọn, vì đương nhiên các những người khác cũng muốn biết thêm về bạn nữa.
2. Chủ động học hỏi từ bất cứ ai
Bởi vì đây chính là mục đích của thời gian thực tập. Những “tiền bối” cùng ngành là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn, vì thế hãy bước vào công việc với tâm thế cởi mở và sẵn sàng tiếp thu. Đặc biệt là với những kiến thức chuyên môn hoặc quy trình làm việc đã được thống nhất và đúc kết trong nội bộ từ trước.
Với các sinh viên sắp hoặc vừa ra trường vẫn chưa biết phòng ban hoặc vị trí cụ thể nào phù hợp với mình nhất, thời gian thực tập là cơ hội để bạn được gặp gỡ nhiều người ở các phòng ban khác nhau. Trực tiếp trò chuyện với họ về nhiệm vụ thường ngày, về đối tượng khách hàng, về yêu cầu kỹ năng sẽ thực tế hơn là chỉ đọc phần mô tả công việc trên các trang tuyển dụng.
Nếu có thể, hãy chủ động xin được tham gia vào các cuộc họp, tích cực lắng nghe và ghi chép lại. Một khi mọi người nhận ra rằng bạn đang nhiệt tình học hỏi, về sau họ sẽ dễ dàng cân nhắc giao việc cho bạn “cọ xát” thực tế hơn.
3. Chủ động đóng góp ý kiến
Sếp hiện tại của tôi rất thích trò chuyện với các thực tập sinh về góc nhìn của họ đối với công ty và quy trình làm việc. Bởi vì các thực tập sinh là người vừa được trực tiếp trải nghiệm môi trường và quy trình làm việc, đồng thời vẫn có góc nhìn mới và khách quan hơn cấp trên và các nhân viên lâu năm. Hơn nữa, việc chủ động đóng góp sẽ cho thấy bạn là một người năng nổ, biết quan sát và có tinh thần đóng góp cho sự phát triển của công ty, dù ít hay nhiều.
Tuy nhiên, cần lưu ý là phải sàng lọc ý kiến bằng cách thử trò chuyện và hỏi thăm sơ bộ với các nhân viên lâu năm trước khi chính thức trình bày với người giám sát, quản lý, hoặc thậm chí là cấp trên. Đôi khi những phát hiện của bạn thật ra lại không mới đối với nội bộ. Đó có thể là những vấn đề họ đã nhận ra từ trước nhưng chưa giải quyết được, hoặc đang trong quá trình sửa đổi mà bạn không biết. Như vậy bạn sẽ tránh bị đánh giá là đang “múa rìu qua mắt thợ”.
4. Làm chủ quỹ thời gian của bản thân
Năng nổ đồng ý với các công việc được giao là tốt, nhưng bạn vẫn cần phải kiểm soát quỹ thời gian của mình. Nếu bạn đang có nhiều nhiệm vụ cùng lúc và không biết rõ công việc nào cần được ưu tiên, hãy xác nhận lại với người giám sát hoặc quản lý. Họ sẽ hiểu cho bạn, vì bạn là thực tập sinh, đương nhiên sẽ không thể nào nắm rõ tiến độ và thời hạn của tất cả dự án được.
Nếu không biết cách quản lý thời gian, đồng thời không xác định rõ thời gian với người giao việc, bạn sẽ bị quá tải. Học cách từ chối cũng là một kỹ năng cần thiết để cân bằng công việc. Khi đang ôm đồm quá nhiều nhiệm vụ mà vẫn được giao thêm, đừng vội đồng ý ngay mà hãy kiểm tra lại thời gian cần để hoàn thành. Nếu cảm thấy không thể nhận thêm, hãy lịch sự từ chối và giải thích rõ nguyên nhân.
5. Tôn trọng sự khác biệt giữa mọi người
Đôi khi, bạn sẽ làm việc trong một môi trường tập trung nhiều độ tuổi, với quan điểm, thói quen, ngôn ngữ và văn hoá khác biệt. Từ đó, những mâu thuẫn trong cách nghĩ và cách làm việc là không thể tránh khỏi.
Đừng chỉ chăm chăm than phiền về những khác biệt thế hệ bạn phải đối mặt trong quá trình làm việc. Thay vào đó, hãy tôn trọng tất cả mọi người, học cách để giao tiếp phù hợp với nhau. Tập giải thích cho mọi người thấy bạn hiểu những suy nghĩ của họ, đồng thời trình bày rõ ràng cách nghĩ của bạn.
Khác biệt thế hệ hay văn hoá không phải lúc nào cũng chỉ toàn điều tiêu cực. Nó còn có nghĩa là mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Chỉ cần bạn chịu thấu hiểu và mở lòng, bạn sẽ được nhận lại một lượng kiến thức và kinh nghiệm to lớn từ họ đấy.
Kết
Thời gian thực tập không chỉ cho bạn kinh nghiệm thực tế mà còn là bước khởi điểm đưa bạn đến gần với vị trí nhân viên chính thức hơn. Quan trọng nhất chính là tinh thần cởi mở, cầu tiến, luôn quan sát và sẵn sàng lắng nghe. Đặc biệt là hãy chọn cho mình công việc thật sự muốn làm, và tận hưởng quãng thời gian thực tập, vì thời kỳ mà bạn vẫn còn được quyền “ngây thơ” này sẽ trôi qua rất nhanh đấy.
Bài viết này được thực hiện bởi Lan Chi.
Xem thêm:
[Bài viết] 5 Điều cần lưu ý để hoà nhập vào môi trường làm việc mới