Normcore - Bình thường nhưng không tầm thường | Vietcetera
Billboard banner

Normcore - Bình thường nhưng không tầm thường

Phong cách thời trang cho hội muốn đẹp mà không muốn "gồng".
Normcore - Bình thường nhưng không tầm thường

Barack Obama và Steve Jobs. Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Normcore là gì?

Normcore /‘nɔːmkɔː/ (danh từ) là xu hướng thời trang unisex (phi giới tính), đặc trưng với các kiểu quần áo thường ngày, không chạy theo mốt, không phô trương nhãn hiệu.

Quần áo norcome thường thoải mái, đơn giản, đôi lúc đến mức xuề xoà, như áo thun trơn, áo hoodie, áo sơ mi ngắn tay, quần jeans, sneakers...

2. Nguồn gốc của normcore?

Normcore được ghép từ hai từ:

  • Normal (bình thường, theo chuẩn)
  • Core (thiết yếu), hoặc tiếp vị ngữ -core (nổi loạn, chống lại tiêu chuẩn).

Normcore xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2013, trong một bài báo cáo xã hội học có tựa đề “Youth mode: a Report on Freedom” trên chuyên trang dự đoán xu hướng, K-Hole.

Sau nhiều thập kỷ cố gắng phá cách, thể hiện cá tính, người trẻ dường như quên đi cảm giác thuộc về một tập thể. Thái độ normcore, tận hưởng việc hòa vào đám đông, vì vậy được cho là thái độ cần thiết của thời đại mới.

Để làm dịu cái tôi và giác ngộ “đạo” normcore, người thực hành “phải hiểu rằng không có điều gì là bình thường”.

3. Tại sao normcore trở nên phổ biến?

Từ một thuật ngữ học thuật, normcore trở thành một xu hướng sau khi được định nghĩa theo góc nhìn thời trang trên tờ New York Magazine vào tháng 2 năm 2014.

Jeremy Lewis, nhà sáng lập kiêm người kiểm duyệt nội dung tại Garmento, cho rằng normcore là một dòng chảy chống lại thế giới thời trang đang quá “gồng” và hào nhoáng.

Tác giả bài viết, Fiona Duncan, thì nhận định đây không hẳn là chống đối, mà chỉ là mọi người nhận ra việc “gồng” không cần thiết. Phong cách thời trang thực dụng, một tuần chỉ một kiểu áo như Steves Jobs, giờ cũng đủ để trở nên nổi bật và hấp dẫn.

Normcore sau đó xuất hiện trong tuần lễ thời trang nổi tiếng Paris Fashion Week. Nhà thiết kế Karl Lagerfeld đã mang các kiểu quần áo rách, quá khổ và giày thể thao lên sàn catwalk của Chanel.

Đến năm 2020, không khí ảm đạm và tình hình cách ly do đại dịch khiến normcore nổi trở lại. Nhiều người muốn tìm kiếm sự thoải mái qua những bộ trang phục vintage mà bố mình từng mặc vào những năm 90.

Điều này khiến normcore dễ bị nhầm lẫn với dadcore (cách ăn mặc đơn giản, không màng đến mốt, đặc biệt là của những ông bố). Điểm phân biệt nằm ở việc người mặc “lạc mốt” là vì cố ý (normcore) hay vô tình (dadcore).

Nguồn The Fashionisto
Nguồn: The Fashionisto

Gen Z đặc biệt hưởng ứng phong cách này còn vì áp lực hợp mốt, ngoại hình chuẩn người mẫu. Những trang phục quá khổ và phi giới tính của normcore khiến họ cảm thấy an toàn hơn.

4. Dùng normcore như thế nào?

Tiếng Anh

A: You go to the event with those oversized sweatpants?

B: Nah, it’s normcore. It is fashion!

Tiếng Việt

A: Ông đi tiệc với cái quần thể dục thùng thình đó à?

B: Nè, cái này là “phong cách xuềnh xoàng”. Thời trang đó nha!