Sadfishing là gì mà câu được nhiều like thế? | Vietcetera
Billboard banner

Sadfishing là gì mà câu được nhiều like thế?

Ranh giới mập mờ giữa khủng hoảng tâm lý và tìm kiếm sự chú ý bằng cách khai thác sự đồng cảm khiến "sadfishing" trở thành một từ cần được xem xét cẩn thận.

Sadfishing là gì mà câu được nhiều like thế?

Nguồn: Unsplash

1. Sadfishing là gì?

Sadfishing /ˈsædfɪʃɪŋ/ (danh từ) chỉ hành động đăng các nội dung buồn của cá nhân lên mạng xã hội, nhằm gây sự chú ý.

2. Nguồn gốc của sadfishing?

Sadfishing là biến thể của từ catfishing (danh từ, chỉ hành động gây chú ý trên Internet bằng những tấm ảnh đẹp hơn ngoài đời). Từ này được tạo ra bởi tác giả Rebecca Reid vào năm 2019 trên tờ Metro tại Vương Quốc Anh.

3. Tại sao sadfishing trở nên phổ biến?

Từ sadfishing bắt đầu xuất hiện nhiều sau một bài đăng trên Instagram của siêu mẫu đình đám Kendall Jenner.

Cô công bố rằng sẽ tiết lộ một câu chuyện “chưa từng kể”, “sẽ truyền cảm hứng cho các bạn trẻ vượt qua khủng hoảng tâm lý”. Nhưng hoá ra, trải nghiệm cá nhân đau đớn mà Kendall Jenner nhắc đến là chuyện điều trị mụn trứng cá, bằng sản phẩm tài trợ của một nhãn hàng. Bài post có gắn tag “Paid partnership with proactiv” là một phần của chiến dịch marketing. Sự cường điệu vấn đề để PR sản phẩm của siêu mẫu gặp phải chỉ trích nặng nề của dư luận.

Nguồn thesuncouk
Nguồn: thesun.co.uk

Đến tháng 10 cùng năm, tranh cãi về cụm từ này bùng nổ. Nguyên nhân xuất phát từ một bài báo cáo cho rằng nhiều người trẻ đang bị buộc tội oan. Họ không ‘sadfishing’ mà đang thực sự gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Cái chết bất ngờ của Sulli, một nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc, không lâu sau đó là một ví dụ điển hình. Sulli từng livestream suốt 10 phút không nói gì, chỉ khóc. Cô từng bộc bạch cô cảm thấy không ổn, nhưng lại nhận được nhiều bình luận vô tình rằng cô chỉ đang cố tạo sự chú ý.

Nhiều người muốn sử dụng từ ‘sadfishing’ nhằm vạch trần những người lạm dụng nỗi buồn để “câu like”, nhưng kết cục lại vô tình gây tổn thương người khác. Buộc tội ai đó ‘sadfishing’ mà không có bằng chứng có thể biến tướng thành ‘cyberbullying’ (bắt nạt qua mạng).

“Không có cách nào để biết một người đang khủng hoảng tâm lý hay tìm kiếm sự chú ý” vì môi trường trực tuyến thường không có nhiều thông tin bối cảnh. Vì vậy, “mỗi bài đăng có dấu hiệu cầu cứu cần được xem xét nghiêm túc”, bác sĩ tâm lý Jelena Kecmanovic chia sẻ.

4. Cách dùng từ sadfishing?

Tiếng Anh

A: My life is so horrible!

B: What’s wrong?? I saw your Facebook post last night.

A: I just don’t want to talk about it now.

B: Oh...Are you sadfishing?

Tiếng Việt

A: Đời em khổ quá!

B: Sao thế?? Chị có thấy bài đăng Facebook của em tối qua.

A: Giờ em không muốn nói đâu.

B: Ủa, em có đang “câu like”?