Vaccine Equity - Chìa khóa giúp kết thúc đại dịch COVID-19 | Vietcetera
Billboard banner

Vaccine Equity - Chìa khóa giúp kết thúc đại dịch COVID-19

Tại sao ta cần sự công bằng ngay cả trong việc phân phối và tiêm chủng vaccine COVID-19?

Vaccine Equity -  Chìa khóa giúp kết thúc đại dịch COVID-19

Nguồn: Unsplash

1. Vaccine equity là gì?

Vaccine equity tạo ra sự công bằng trong việc phân phối vaccine COVID-19, để ai cũng có cơ hội được tiêm chủng (Theo who.int).

Sự bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine sẽ làm tăng tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới, góp phần đẩy lùi đại dịch. Tổ chức WHO cũng đã từng cảnh báo rằng: “Không có quốc gia nào an toàn, cho đến khi cả thế giới an toàn”.

2. Nguồn gốc của vaccine equity?

Vaccine equity ra đời giữa cuộc chạy đua vaccine của cả thế giới, giúp cân bằng lại sự độc chiếm của những nước giàu. 

Trước sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc vaccine, vào tháng 04/2020 cơ chế COVAX ra đời để đảm bảo quyền tiếp cận vaccine công bằng trên toàn cầu. 

3. Vì sao vaccine equity trở nên phổ biến?

Tháng 01/2021, WHO kêu gọi cả thế giới cùng chung tay vượt qua đại dịch bằng cách chống lại sự bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine qua chiến dịch #VaccinEquity. 

Sự ra đời của vaccine COVID-19 đầu tiên, Pfizer, đã đem lại hy vọng cho cả thế giới. Nhưng câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Liệu ai là người nên được tiếp cận vaccine sớm, khi cả nguồn lực về tài chính và con người đều có hạn? 

Những nước giàu nhanh chóng khẳng định vị trí trong cuộc đua vaccine khi đứng đầu trong hàng dài những nước chờ đợi. Chủ nghĩa dân tộc vaccine trở nên đáng lo ngại khi số liệu cho thấy các nước lớn như Mỹ hay Canada đều mua vaccine nhiều gấp 3-9 lần dân số cả nước (Nguồn: globalcitizen.org).

Chính vì lý do này mà dù COVAX có cố gắng tới bao nhiêu, thì WHO vẫn phải kêu gọi lãnh đạo những nước lớn cùng chung tay chia sẻ số lượng vaccine họ đang có. 

vaccine equity
Khi mà 10 quốc gia giàu sở hữu số lượng vaccine nhiều hơn hẳn so với số lượng vaccine những nước còn lại được tiếp cận | Nguồn: WHO

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã một lần lên tiếng về vấn đề này khi có nhiều ý kiến trái chiều về việc nhập khẩu vaccine COVID-19. Ông nhấn mạnh rằng: “Vaccine COVID-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì thiếu tiền mà là vì nguồn cung đang khan hiếm.”

Gần đây nhất vào tháng 06/2021, trong buổi họp của WHO, tổ chức này kêu gọi các nước trong khối G7 chung tay đóng góp vaccine để đạt đủ chỉ tiêu 100 triệu liều trong tháng 6 và 7. Thay vì coi đây như một hình thức từ thiện, hãy nghĩ đó là một khoảng đầu tư cần thiết giúp đại dịch sớm kết thúc.

Ở một quy mô nhỏ hơn, sự bất bình đẳng vaccine còn thể hiện qua việc kén chọn vaccine khi có cơ hội được tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng cho những đối tượng không nằm trong diện ưu tiên cũng gây ra nhiều bức xúc trong cộng đồng. 

Có thể thấy sự bất bình đẳng vaccine không chỉ xảy ra giữa các quốc gia mà còn xuất hiện ở quy mô cộng đồng.

4. Dùng vaccine equity như thế nào?

Tiếng Anh

A: It’s so unfair that rich countries have more vaccines than they need!

B: That's why WHO and COVAX are trying their best to ensure vaccine equity.

Tiếng Việt

A: Sao mấy nước giàu người ta có nhiều vaccine hơn họ cần nữa, bất công ghê.

B: Ừa vậy nên WHO và COVAX đang cố gắng để đảm bảo sự công bằng trong việc phân phối vaccine đó.