Cách chúng ta nghĩ về công việc sau đại dịch liệu có thay đổi? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
22 Thg 08, 2021

Cách chúng ta nghĩ về công việc sau đại dịch liệu có thay đổi?

Sau COVID-19, Mỹ ghi nhận làn sóng nghỉ việc tăng cao trong giới lao động tri thức. Liệu đây có phải là tương lai của Việt Nam sau khi đại dịch kết thúc?
Cách chúng ta nghĩ về công việc sau đại dịch liệu có thay đổi?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Ở Mỹ, khi làn sóng phản đối quay trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian chưa kết thúc, thì hiện tượng nghỉ việc hàng loạt đã diễn ra trong tầng lớp lao động tri thức. Điều “bí hiểm” là chúng xảy ra khi đại dịch vừa có dấu hiệu được kiểm soát - thời điểm nền kinh tế bước vào hồi phục, thị trường lao động có cơ hội ấm lại.

Chỉ trong tháng 4/2021, 4 triệu người - tương đương 2.7% lực lượng lao động toàn nước Mỹ - nộp đơn xin nghỉ việc, con số cao nhất trong hai thập kỷ qua. Tờ Wall Street Journal có bày tỏ quan điểm bằng tiêu đề bài báo:“Khoan Bàn Về Việc Quay Trở Lại Văn Phòng - Vì Tất Cả Đều Nghỉ Việc Hết Rồi".

Vậy thực sự, chuyện gì đang diễn ra?

Bài viết này sẽ góp phần lý giải hiện tượng nghỉ việc và lý do vì sao người lao động phản đối quay trở lại văn phòng toàn thời gian sau đại địch. Từ đó, nó gợi mở cho câu hỏi: Sau khi COVID-19 đi qua, cách chúng ta nghĩ về công việc có thay đổi hay không, và như thế nào?

Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta hiện đang đi sau các nước phát triển trong quá trình phục hồi sau đại dịch, đây có thể là trường hợp đáng để tham khảo.

Chuyện gì xảy ra với người lao động trước và sau COVID-19?

Dựa theo một nghiên cứu toàn cầu đăng trên Frontiers in Medicine, xu hướng nghỉ việc hàng loạt có thể là một phản hồi của người lao động với các tác động tâm lý tiêu cực gây ra bởi đại dịch COVID-19.

Trong lịch sử, thay đổi bất thường trong khủng hoảng không phải là một điều mới. Khi các yếu tố ngoại quan thay đổi quá nhiều, con người trở nên bị động hơn mức bình thường. Vì thế, họ có xu hướng tập trung vào những điều mình có thể kiểm soát được hòng níu kéo cảm giác làm chủ.

Khi đại dịch diễn ra dai dẳng, nhiều người lao động cảm thấy căng thẳng và bí bách với cuộc sống, trách nhiệm gia đình và áp lực đến từ các mối quan hệ. Lúc này, nghỉ việc là cách đơn giản nhất để tạo ra thay đổi và (tạm thời) giải tỏa áp lực. Song, đây không thể là lý do duy nhất.

Văn hóa coi công việc là lẽ sống (workism) đang dần thoái trào.

Khi làn sóng nghỉ việc diễn ra đồng thời với hiện tượng phản đối quay lại văn phòng toàn thời gian, đây có thể cột mốc đánh dấu sự thoái trào của văn hóa nghiện việc (workism), đặc biệt là trong giới lao động tri thức thành thị. Một nghiên cứu của Asana với 13,000 lao động trí tuệ tại 8 quốc gia trên thế giới cho thấy, 71% người được khảo sát cảm thấy kiệt quệ (burnout) vì công việc trong năm 2020. Và sự thật là chúng ta đã kiệt quệ từ rất lâu trước khi đại dịch nổ ra.

Đối với tầng lớp lao động tri thức sống tại các thành phố lớn, văn hóa nghiện việc không chỉ coi công việc là một công cụ kinh tế, mà dần trở thành mục đích sống, một yếu tố quan trọng nhằm định nghĩa một con người.

COVID-19 như một cú “tạm dừng" quy mô lớn và diễn ra trong thời gian đủ dài để khiến nhiều người nhận ra sự kiệt quệ của chính mình, và đặt câu hỏi rằng liệu công việc hiện tại có xứng đáng với những gì mình bỏ ra?

Làm việc từ xa: Liệu có trở thành xu hướng mới?

Mặc dù làm việc từ xa có những khó khăn riêng, nhưng không thể phủ nhận sự chuyển giao về mặt tư tưởng của mọi người (đặc biệt là thế hệ trẻ) trước xu hướng không thể tránh khỏi này.

Theo một khảo sát của Conference Board:

  • 55% người làm việc thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) thấy việc quay lại văn phòng toàn thời gian sau đại dịch là không cần thiết.
  • 45% người làm việc thuộc thế hệ X (sinh từ năm 1965-1980) hoài nghi tính hiệu quả của việc quay lại văn phòng 5 ngày/tuần.
  • Chỉ 36% người làm việc thuộc thế hệ Baby Boomers (sinh từ năm 1946-1964) đồng tình với quan điểm của các đồng nghiệp trẻ hơn.

Theo Rebecca L. Ray, Phó chủ tịch Nguồn nhân lực tại Conference Board, kết quả này phần nào bắt nguồn từ việc nhân lực trẻ đề cao sự cân bằng giữa công việc - sự nghiệp và sức khỏe tinh thần hơn các thế hệ trước.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ phần bình luận của bài báo đăng trên tờ New York Times, chúng ta nhận ra rằng không chỉ tuổi tác, mà chính hoàn cảnh sống của các đối tượng lao động mới là lý do cho sự khác biệt. Thế hệ Millennials và Gen X phải gánh vác nhiều trọng trách về cả sự nghiệp lẫn gia đình hơn, đặc biệt khi con cái của họ chưa trưởng thành và phải phụ thuộc hoàn toàn.

Nhiều ý kiến cho rằng làm việc tại nhà giúp họ dễ dàng cân bằng cuộc sống hơn.

Vì thế, lý do người lao động đang đấu tranh để được tiếp tục làm việc tại nhà toàn bộ hoặc một phần thời gian sau đại dịch không chỉ bởi họ có nhận thức cao hơn về sức khỏe tinh thần, mà là do những đòi hỏi thiết yếu đến từ cuộc sống. Theo The Atlantic và nhiều bàn luận trên nhiều tờ báo uy tín khác, làm việc tại nhà giúp:

  • Tiết kiệm đến 2 giờ đồng hồ di chuyển mỗi ngày. Thời gian này, người lao động có thể dùng để nâng cao chất lượng dinh dưỡng, tập luyện, chăm sóc trẻ em hoặc người cao tuổi trong gia đình.
  • Cho phép lao động trí tuệ được đánh giá hoàn toàn bằng kết quả công việc, thay vì các yếu tố chính trị tại môi trường làm việc như: kỹ năng giao thiệp, kỹ năng làm hài lòng đồng nghiệp, cấp trên,...
  • Giảm bớt sự sao nhãng, tăng chất lượng tập trung cho một số công việc đặc thù (designer, copywriting, blogger).
  • Hỗ trợ người lao động được sắp xếp thời gian nghỉ và thời gian làm việc phù hợp với sức khỏe của mình mà vẫn đảm bảo hiệu quả, đặc biệt với những người có các vấn đề sức khỏe đặc biệt, không phù hợp với việc ngồi liên tục tại văn phòng 8 tiếng mỗi ngày.

Theo Statistica, 54% lao động Việt Nam đánh giá chất lượng làm việc tại nhà trong giãn cách từ hiệu quả - rất hiệu quả; chỉ 11% cho rằng mình làm việc không hiệu quả hoặc không thể làm việc tại nhà.

Dù work from home không dành cho mọi ngành nghề và chỉ thực sự áp dụng với lực lượng lao động trí tuệ, điều đó vẫn có nghĩa là mô hình làm việc truyền thống không còn phù hợp với hàng triệu người. Nếu làm việc tại nhà giúp tăng chất lượng công việc cũng như chất lượng cuộc sống, tại sao chúng ta không cân nhắc nó?

Làm việc từ xa: Sự cân bằng, giá trị gia tăng, hay nhu cầu thiết yếu?

Trong xã hội hiện đại, cân bằng dường như luôn đến sau hiệu suất, và luôn như một sự can thiệp nhất thời. Chúng ta làm quần quật cả năm, nghỉ mát 2 tuần. Chúng ta gọi thời hạn công việc là “deadline” - nghĩa đen cho lằn ranh của sự chết. Nếu không xong việc, não của chúng ta sẽ ở trong trạng thái căng thẳng tương tự như khi diện kiến cái chết.

Làn sóng nghỉ việc, hay sự phản đối quay lại văn phòng toàn thời gian, có thể là tín hiệu của những người đang đứng lên đòi lại thời gian của mình. Bởi nếu chúng ta đang không “bán” sức mình cho những công việc thực sự mang lại giá trị cho bản thân và xã hội với một cái giá hợp lý, thì có lẽ, chúng ta chỉ nên làm việc bán-thời-gian?