Không có một khái niệm chính xác cho career break (kỳ nghỉ sự nghiệp) trong tiếng Việt.
Về cơ bản, đây là khoảng thời gian bạn lựa chọn dừng lại và không theo đuổi công việc thường xuyên nào để làm tập trung vào phát triển bản thân hoặc các định hướng trong sự nghiệp. Giai đoạn này có thể kéo dài vài tháng hoặc cả năm.
Bước chân vào trường đại học chưa lâu, mình đã bắt đầu làm việc. Mình làm hết mà không tập trung phát triển một hướng đi ổn trọng nào. Sau gần 3 năm vật lộn, kĩ năng nào mình cũng có nhưng không cái nào đủ thành thục.
Giống như một thiếu niên quên dự giờ hướng nghiệp, thấy bạn bè đã điền đầy đủ nguyện vọng, mình đâm ra hoang mang và mất phương hướng. Một tháng trước ngày tốt nghiệp, mình dừng toàn bộ công việc đang làm, bỏ dở lễ trao bằng cử nhân và trở về nhà.
Khoảng nghỉ này bắt nguồn từ những trăn trở về bản ngã cá nhân, khi mình trở nên tự ti trước những người bạn đồng trang lứa quá xuất sắc và sợ hãi trước thế giới rộng lớn còn quá nhiều điều chưa biết. Sự thiếu ổn định của một người trẻ còn đôi mươi, khiến mình gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi: “Con đường sự nghiệp này, mình nên đi thế nào cho đúng?”.
Mình đã làm gì trong khoảng nghỉ này?
Về nhà, mình thực sự nghỉ ngơi. Sáng ra vườn tối vào nhà, tuần này leo núi tuần sau đi câu, trải qua cuộc sống của một người nông dân thực sự. Những ngày bình yên không bộn bề deadline (thời hạn nộp bài) và áp lực phải cố gắng, một cách tự nhiên mình trở nên bình tĩnh hơn.
Nhưng rất nhanh sau đó mình nhận ra: mình hoàn toàn bị động. Không có sự chuẩn bị về tài chính, mình phụ thuộc vào số dư ít ỏi trong tài khoản và sự hỗ trợ của mẹ. Không có sự chuẩn bị về tâm lý, mình khá mông lung không biết bắt đầu từ đâu.
Quyết tâm không để bản thân chết chìm trong sự lười biếng, mình đặt ra những câu hỏi nhỏ để giải quyết câu hỏi lớn về hướng đi cho sự nghiệp.
1. Khoảng nghỉ này sẽ kéo dài trong bao lâu?
Đặt mục tiêu kết thúc khoảng nghỉ bằng một tầm nhìn rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa mình và sự nghiệp, mình cho bản thân 3 tháng - khoảng thời gian lý tưởng mà các nhà nghiên cứu đề xuất để tạo nên một sự thay đổi lớn trong thói quen, hay với mình là bước chuyển mình hiệu quả.
Dài hơn, khả năng cao mình có thể trở nên lệ thuộc và liên tục trì hoãn trước cám dỗ của những ngày “không làm gì”. Ngắn hơn, mình sẽ không kịp nghiêm túc soi chiếu, sắp xếp và phát triển những giá trị cá nhân một cách có hệ thống.
2. Trong thời gian đó sẽ làm gì?
Mình của thời điểm đó vừa tốt nghiệp cử nhân (dù chưa nhận được bằng), CV có nhiều dự án nhưng lại không biết mô tả mình có thể áp dụng được gì từ những điều đã làm được và học được. Như một bài văn có luận cứ mà không có luận điểm vậy.
Vì thế, mình đã tự tạo ra luận điểm cho bản thân.
Tháng thứ 1: Xác định được mình là ai trong tương lai.
Mình tự ngẫm nghĩ và nhận ra mình không muốn lên kế hoạch làm việc cho công ty A vào năm B hay trở thành quản lý vào năm X. Mình cũng không muốn bị bó buộc vào bất kì công việc hay thành phố nào.
Điều mình muốn là được trở thành phiên bản trưởng thành hơn của bản thân trong 10 năm tới. Và để thực hiện việc này, trước tiên mình cần đa dạng hoá trải nghiệm bản thân bằng việc tham gia vào nhiều vị trí khác nhau tại nhiều nơi khác nhau.
Tháng thứ 2: Phát triển chuyên môn.
Mình quyết định bồi dưỡng thêm những kỹ năng chuyên môn còn thiếu sót trong hai ngành nghề mình theo đuổi là Truyền thông (hoạch định chiến lược, quản trị rủi ro) và Sáng tạo (nhiếp ảnh ẩm thực).
Mình bắt đầu bằng việc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn cao, tham gia một số khoá học nâng cao ngắn hạn, nghiên cứu sâu các case study (dự án điển hình) để rèn giũa thêm khả năng tư duy...
Mình cũng xem lại những dự án cũ đã thực hiện. Việc này giúp mình nhận ra vì sao bản thân thường không cảm thấy có được bài học giá trị nào từ đó. Và mình quyết định sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia các dự án sau này, để đảm bảo mỗi sự cống hiến đều đem đến những ảnh hưởng và giá trị tích cực.
Tháng thứ 3: Chuẩn bị để bước tiếp theo định hướng mới.
Mình cập nhật CV và tìm kiếm công việc mới. Mình ưu tiên lựa chọn nhóm client (Công ty khách hàng) và các vị trí cần đa kĩ năng. Mình xác định vừa làm full-time (toàn thời gian), vừa làm freelance (làm tự do) để tận dụng mọi nguồn kĩ năng mà mình đang có.
Trong lúc đó, mình cũng nghĩ cách để sau này có thể phân bổ hợp lý số lượng đầu việc tương đối lớn ở trên vào quỹ thời gian giới hạn của bản thân.
3. Trở lại công việc như thế nào?
Khoảng nghỉ này đã giúp gắn kết gia đình mình tốt hơn. Nên lần này mình chọn một thành phố gần nhà làm điểm dừng chân tiếp theo, để sợi dây này trở nên thật vững chãi trước khi mình lại đi thật xa.
Nhờ luôn tuân thủ đồng hồ sinh học và tự thiết lập một chế độ sinh hoạt lành mạnh, mà việc khởi động lại tinh thần làm việc sau 3 tháng với mình khá dễ dàng. Điều khiến mình lo lắng và phải chuẩn bị nhiều nhất chính là việc đối diện với nhà tuyển dụng khi có một khoảng trống 3 tháng trong hồ sơ.
Cuối cùng mình quyết định kể lại chân thành những khó khăn đã gặp phải và cả kế hoạch đã thực hiện để vượt lên bản thân trong 3 tháng vừa qua ở buổi phỏng vấn.
Khá may mắn, mình gặp được một nhà tuyển dụng rất thấu hiểu. Chị lắng nghe câu chuyện của mình và cho mình biết rằng mỗi vấp ngã đều là một trải nghiệm quý giá. Và chị cho mình một cơ hội để chứng minh thời gian 90 ngày vừa qua không chỉ là một kỳ nghỉ.
Kết quả là 2 tháng sau đó, mình trở thành nhân viên trong phòng truyền thông của một công ty tài chính lớn tại Hà Nội, kết thúc kỳ nghỉ công việc đầu tiên trong đời.
Khoảng nghỉ đầu tiên trong sự nghiệp đem lại cho mình những gì?
Lần đầu tiên, mình thực sự chú tâm vào chăm sóc tình cảm gia đình. Xa nhà nhiều năm, mình chẳng còn biết mẹ mình đang già đi thế nào và những đứa em mình đang lớn lên ra sao. Niềm vui chậm rãi nảy nở, trở thành động lực để mình cố gắng mỗi ngày.
Để đánh giá một cách khách quan, kỳ nghỉ này giúp mình hồi đáp một nửa băn khoăn là “Đi như thế nào?”. Mình đã có được một lối đi, một công việc tốt và trở nên tích cực hơn. Mình hoạch định được rõ ràng những điều mình muốn từ những điều đã đạt được và có được hướng đi cụ thể trong tương lai.
Nếu lúc đó mình không lựa chọn dừng chân và nhìn lại, hẳn là mình vẫn sẽ mông lung tiến lên và chậm rãi thôi mục nguồn cảm hứng với nghề.
Tuy nhiên, câu trả lời về việc “Đi thế nào cho đúng?” thì mình vẫn chưa tìm ra. Bởi vậy, mình đang lên kế hoạch cho khoảng nghỉ thứ 2 để học lên cao hơn. Con đường kiến thức đã đưa mình đi tới ngày hôm nay, và mình tin nó sẽ còn đưa mình đi xa hơn nữa. Dù dịch bệnh trì hoãn việc xuất ngoại, nhưng mình chắc chắn sẽ tiếp tục khi thế giới ổn định hơn.
Cách để có một kỳ nghỉ sự nghiệp hiệu quả?
Khoảng nghỉ sự nghiệp là kết quả của một quá trình đầu tư suy ngẫm và có kế hoạch, với đích đến là một mục tiêu cụ thể. Kinh nghiệm của mình là: phải thật cẩn trọng khi quyết định bắt đầu một kì nghỉ sự nghiệp và không nhầm lẫn khái niệm này với job hopping (nhảy việc).
Theo kinh nghiệm bản thân, xác định những điều sau sẽ giúp bạn có một khoảng nghỉ giá trị:
Có mục đích rõ ràng: xác định lý do chính khiến bạn cảm thấy công việc/sự nghiệp của mình thực sự cần có một khoảng nghỉ hoặc một sự thay đổi. Không phải những lý do như không hợp sếp hay không thích đồng nghiệp nhé.
Xác định được hình thức nghỉ: kỳ nghỉ này sẽ đi xuyên Việt, để phục hồi sức khỏe, hay để đi du học? Hình thức này sẽ giúp bạn đạt được mục đích trên như thế nào và vì sao phải thực hiện theo cách này?
Lên kế hoạch cụ thể: giới hạn thời gian nghỉ, tính toán chi phí tài chính, liệt kê những việc cần thiết để đạt được mục tiêu của kì nghỉ là những việc bắt buộc phải làm. Đừng để bản thân trôi nổi không mục đích, nếu không kì nghỉ sẽ không bao giờ kết thúc.
Giữ mình thật cẩn thận: giữ kết nối với những mối quan hệ thân thiết, giữ sức khỏe để luôn hướng về phía trước, giữ tỉnh táo để trải qua một kì nghỉ hiệu quả và trở lại với sự nghiệp tích cực hơn.