CEO Kambria - Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO

CEO Kambria - Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức

Chia sẻ của anh Thức Vũ (tên đầy đủ là Vũ Duy Thức) - nhà sáng chế, kỹ sư, và đồng thời là người đứng sau hàng loạt các startup công nghệ như Ohmnilabs, Kambria - về quản lý đội ngũ startup, trung hoà giữa đam mê khoa học và kinh doanh, cũng như sự tận tụy trong công việc.

CEO Kambria - Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức

How I Manage: CEO Kambria - Tiến sĩ công nghệ Vũ Duy Thức

Ngay từ nhỏ tôi đã biết chắc rằng, sẽ có ngày tôi biến những ý tưởng của mình thành hiện thực.

Đó là chia sẻ của tiến sĩ Vũ Duy Thức – nhà sáng chế, kỹ sư, và đồng thời là người đứng sau hàng loạt các startup công nghệ. Tốt nghiệp từ Đại học Carnegie Mellon, Thức tiếp tục học lên Tiến sĩ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford. Tiếp đó, anh tạo ra ứng dụng tự động phân loại bạn bè mang tên Katango, hiện đã được Google mua lại. Sau đó, cùng với nữ hoàng startup Thủy Muối, Thức tạo ra ứng dụng Tappy giúp nâng tầm các cộng đồng địa phương thành một mạng lưới xã hội rộng lớn hơn. Ứng dụng này sau đó được Weeby ngỏ lời mua lại với mức giá lên đến 7 con số.

Đến năm 2015, Thức hợp tác sáng lập ra Ohmnilabs, một công ty tập trung vào việc “tái định nghĩa sự phát triển của công nghệ robot truyền thống”. Và một trong những dự án mới nhất của Ohmnilabs là nền tảng blockchain Kambria giúp khuyến khích việc nghiên cứu và hợp tác trong giới công nghệ, robot.

Giữa lịch trình di chuyển liên tục của Thức, chúng tôi đã may mắn được trò chuyện với anh về những bí quyết cá nhân trong việc quản lý đội ngũ startup, làm sao để trung hòa giữa đam mê khoa học và kinh doanh, cũng như sự tận tụy trong công việc của anh ở cả hai quốc gia – Mỹ và Việt Nam.

How I Manage CEO Kambria Tiến sĩ cocircng nghệ Vũ Duy Thức0
Tiến sĩ Vũ Duy Thức – nhà sáng chế, kỹ sư, và đồng thời là người đứng sau các startup công nghệ Ohmnilabs, Kambria.

Trước khi nói về phong cách quản lý, anh có thể giải thích cho chúng tôi về Kambria và phương thức vận hành của nó được không?

Nói một cách đơn giản, Kambria tương tự như các nền tảng Airbnb và Uber. Nghĩa là chúng tôi cung cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các code nền tảng đã có sẵn, để hỗ trợ các chuyên gia tối ưu hóa thế mạnh của họ và đưa ra các giải pháp phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Vì được phát triển trên nền tảng blockchain nên Kambria tuyệt đối minh bạch và cởi mở để các cá nhân và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với kỹ sư của chúng tôi. Tương tự như hai ứng dụng nói trên, sứ mệnh mà chúng tôi đặt ra cho doanh nghiệp của mình là gắn kết cộng đồng cũng như tạo ra lợi ích cho tất cả các bên, chứ không phải chỉ riêng cho một cá nhân hay một doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của chúng tôi.

Khi một doanh nghiệp nào đó tìm đến chúng tôi để đặt vấn đề, bất kể đó là phát triển phần cứng, phần mềm hay cả hai, chúng tôi sẽ thiết lập một “thử thách” trên trang chủ. Và trên trang chủ luôn có rất nhiều “thử thách” như thế để các nhóm kỹ sư có thể lựa chọn, lên ý tưởng và thiết kế sản phẩm. Nó giống như một cuộc thi phát triển phần mềm (hackathon), ai có sản phẩm tốt nhất thì người đó thắng, và phần thưởng mà họ nhận được sẽ là mức giá mà doanh nghiệp đã đưa ra. Việc phân chia tiền thưởng như thế nào sẽ tùy thuộc vào quyết định của các thành viên trong nhóm. Ví dụ, nếu McDonald’s muốn lắp đặt một loại robot có thể làm burger, họ có thể tìm đến Kambria và đưa ra một mức giá để một kỹ sư, hoặc một nhóm kỹ sư tạo ra sản phẩm phù hợp.

Nói về phong cách quản lý, trước tiên, anh hãy mô tả ngắn gọn về nó được không?

Tôi luôn tín nhiệm những người cộng sự của mình. Tôi cố gắng dành để họ tự lập trong công việc, tự đưa ra quyết định và tự giác hoàn thành công việc thay vì chờ được cầm tay chỉ việc.

How I Manage CEO Kambria Tiến sĩ cocircng nghệ Vũ Duy Thức1
Jared (trái), Thức (giữa) và Tingxi giới thiệu những chú robot thế hệ thứ 8.

Anh thường tìm kiếm những tố chất gì ở những người cộng sự tương lai?

Mỗi khi tuyển dụng, tôi sẽ tìm những cá nhân biết chủ động, sáng tạo và linh động trước những thử thách mà họ gặp phải. Có như vậy thì họ mới có thể thích nghi trong môi trường startup đầy tính rủi ro, khó lường trước và luôn đòi hỏi những giải pháp sáng tạo.

Quy trình tuyển dụng thường diễn ra như thế nào?

Tôi không thường tuyển dụng những người mà mình không biết rõ, nên hồ sơ xin việc và phỏng vấn không phải là cách mà tôi áp dụng. Thay vào đó, cách tuyển dụng chính của tôi là hỏi thăm các nhà tuyển dụng khác hoặc bạn bè trong ngành. Cái mà tôi quan tâm nhất là nhận xét của các nhà tuyển dụng trước đó, cả về đạo đức cũng như kinh nghiệm làm việc của thí sinh trong lĩnh vực công nghệ.

Và trước khi chính thức gia nhập đội ngũ, thí sinh sẽ phải trải qua khoảng thời gian thử thách và tham gia vào một dự án nhỏ, làm như vậy để chúng tôi có cái nhìn trực quan hơn về tài năng và khả năng làm việc nhóm của họ.

Trong môi trường startup, anh đánh giá cao kiểu lãnh đạo phân tầng rạch ròi hơn, hay một cơ cấu bình đẳng giữa mọi người hơn?

Cách quản lý của tôi thiên về chính sách ít can thiệp hơn. Chính sách phân tầng quá cứng nhắc và cơ cấu quá phức tạp không phù hợp với tôi.

Tôi là kiểu người có cái nhìn tổng quan và thích đề ra những mục tiêu dài hạn, những ý tưởng mới, chứ không ôm đồm và theo sát công việc của mọi người hằng ngày. Đó là lý do vì sao tôi tuyển dụng những người tự chủ và linh động, những người có thể làm việc nhóm tốt mà không cần ai theo sát để chỉ dẫn.

Trước các xung đột và mâu thuẫn trong công việc, anh sẽ giải quyết như thế nào?

Đây gần như là một vấn đề thuộc phạm trù thái độ và ý thức.

Khi có ai đó nói tôi đang mắc lỗi, tôi muốn được biết tại sao họ lại nghĩ như vậy. Mọi người trong công ty luôn được quyền tự do đóng góp ý kiến, miễn là nó mang tính chất xây dựng. Nếu không đưa ra được nhận xét cụ thể mà chỉ phê bình sản phẩm hay phương pháp nào đó, tôi nghĩ là mình không thể giải quyết gì nhiều. Điều này không có nghĩa là tôi sẽ làm theo mọi lời khuyên, nhưng tôi nghĩ rằng việc lắng nghe góp ý của mọi người là rất cần thiết.

Đối với những tranh luận hoặc bất đồng quan điểm giữa các nhân viên, tôi thường để họ tự giải quyết riêng với nhau. Vai trò của tôi không phải là người quản thúc cách mọi người phải đối nhân xử thế ra sao, mà là hỗ trợ họ hướng đến thành công, và đương nhiên, sẽ là lý tưởng nhất nếu họ đồng thời học được cách kiểm soát những quan điểm trái ngược một cách chín chắn.

How I Manage CEO Kambria Tiến sĩ cocircng nghệ Vũ Duy Thức2
Những chú robot Ohmni đủ màu sắc những ngày đầu ra mắt.

Làm cách nào để tạo động lực cho nhân viên?

Một cách khích lệ thông thường thôi, nhưng hiệu quả: tiền thưởng.

Con đường sự nghiệp của anh đã luôn bận rộn từ những ngày đầu. Với khối lượng công việc như vậy, anh thường chọn cách thư giãn như thế nào?

Tôi thường dành khoảng nửa giờ mỗi ngày để thiền. Có thể kết hợp với một số ứng dụng như Headspace với rất nhiều hướng dẫn bổ ích giúp thư giãn đúng cách. Bạn có thể thử xem!

Đối với anh, một môi trường làm việc lý tưởng sẽ trông như thế nào?

Tôi thích không gian yên tĩnh, vì vậy tôi thường làm việc khi mọi người đang ngủ. Thời gian làm việc hiệu quả nhất của tôi là vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn, đi kèm một tách trà ô long.

Anh có thể chia sẻ về công việc của mình tại startup Ohmnilabs được không?

Hiện có rất nhiều robot trên thị trường, nhưng đều rất đắt tiền và khó sử dụng đối với những người không rành về công nghệ hoặc mang chức năng không thực tiễn. Chúng tôi muốn làm một điều gì đó khác hơn. Cộng với đam mê mạng xã hội và kết nối cộng đồng, tôi và người đồng sáng lập đã quyết định tạo ra một sản phẩm robot có thể giúp gắn kết mọi người. Để cắt giảm chi phí, chúng tôi sử dụng công nghệ in 3D để tạo robot và phần mềm để khảo sát mức độ hiệu quả của sản phẩm và khắc phục kịp thời. Chúng tôi muốn thiết bị của mình phải hiệu quả và có giá thành phải chăng để ai cũng có thể mua và sử dụng được.

Ohmni vận hành như thế nào? Và nó hỗ trợ gì cho mọi người?

Ohmni được thiết kế thông minh và có tính tương tác để mở rộng kết nối giữa con người bất kể khoảng cách xa gần. Với điểm nhìn cao ngang vai hoặc mặt, kết hợp với màn hình camera độ phân giải cao tương tự như một chiếc iPad. Robot Ohmni có thể di chuyển vòng quanh, giúp người dùng có được trải nghiệm sống động hơn. Thậm chí, nó còn có khả năng nhận dạng các chuyển động cơ thể, chẳng hạn như gật đầu, và mô phỏng lại những chuyển động đó, giúp cuộc gọi trở nên chân thật hơn.

Các dịch vụ chăm sóc y tế sức khỏe có thể sử dụng robot của chúng tôi để kết nối với bệnh nhân thường xuyên hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Các y tá và nhân viên y tế thường bị quá tải công việc, sản phẩm của chúng tôi có thể giúp họ tiết kiệm thời gian, giảm bớt tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế.

Thay vì mất thời gian đến bệnh viện hoặc phòng khám, bệnh nhân có thể liên hệ với các bên chăm sóc sức khỏe một cách nhanh chóng ngay tại nhà. Những người cao tuổi có thể loại bỏ cảm giác bị tách biệt bằng cách trao đổi với bác sĩ, người thân và người chăm sóc thông qua Ohmni.

Cuối cùng, các nhà giáo dục có thể sử dụng Ohmni để tạo ra các lớp học đảm bảo tính tương tác cho những học sinh vắng mặt trong một thời gian dài vì lý do bị thương hoặc bị bệnh. Hiệu quả mang lại vẫn tương đương với việc thuê một gia sư riêng, nhưng ít tốn kém hơn nhờ cắt giảm việc đi lại.

Sử dụng robot này cũng giúp các trường học tổ chức các tiết học với giáo sư thỉnh giảng dễ dàng hơn trong trường hợp họ không thể trực tiếp ghé trường. Tính năng tương tác của sản phẩm sẽ giúp buổi học thú vị hơn là xem trên Youtube hoặc nghe qua Skype.

How I Manage CEO Kambria Tiến sĩ cocircng nghệ Vũ Duy Thức3
Những người cao tuổi có thể loại bỏ cảm giác bị tách biệt bằng cách trao đổi với bác sĩ, người thân và người chăm sóc thông qua Ohmni.

Nếu có ai đó tìm đến anh để xin lời khuyên về việc xây dựng một startup công nghệ, anh sẽ nói gì với họ?

Đừng làm! Mặc dù tôi yêu công việc của mình, nhưng điều hành startup là một thử thách rất lớn, lớn hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người thường mường tượng.

Tìm nhà đầu từ, xây dựng một nhóm mạnh, và hoàn thiện sản phẩm… đều là những vấn đề cho bất kỳ công ty non trẻ nào. Bạn cần phải biết rõ mình đang dấn thân vào đâu trước và chiến lược nào có thể sẽ giúp bạn thành công.

Điều đầu tiên là, bạn cần phải cực kỳ tiết kiệm. Ngay cả khi bạn đang có một khoản kha khá, bạn cũng không tài nào biết được điều gì sẽ xảy đến tiếp theo, nên bạn cần phải sẵn sàng để ứng phó bất cứ lúc nào.

Tiếp đến, đừng tin rằng càng nhiều buổi họp thì việc trao đổi sẽ càng được cải thiện. Theo ý kiến cá nhân tôi, hầu hết thường chỉ tốn thời gian, nên tôi cố gắng chỉ tổ chức các buổi họp khi thật sự cần thiết. Hiển nhiên, việc trao đổi giữa các thành viên là thiết yếu, nên tôi sử dụng Slack để mọi người trao đổi ý tưởng với các thành viên trong nhóm và quản lý các dự án. Phương pháp này rất hiệu quả với chúng tôi, hơn nhiều so với việc tập trung toàn thể công ty vào trong một căn phòng rồi tranh thủ nói hết tất cả mọi thứ một lần.

Cuối cùng, nhà sáng lập LinkedIn có một câu nói mà tôi luôn tâm đắc: "Nếu bạn không cảm thấy xấu hổ với sản phẩm lần đầu ra mắt, nghĩa là bạn đã cho ra mắt quá trễ."

Điểm mấu chốt là bạn cần chấp nhận rủi ro và cải tiến nhanh chóng, hoặc người khác sẽ nhanh tay hơn bạn, kể cả khi điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ đưa ra một sản phẩm thất bại và khiến bạn xấu hổ – với tư duy này, bạn sẽ gặt hái thành công đường dài.

Tìm hiểu về Tiến sĩ Vũ Duy Thức tại LinkedIn

Xem thêm:

[Bài viết] Ứng dụng gọi xe TADA: Giải pháp bền vững trên nền tảng công nghệ chuỗi khối

[Bài viết] “Nữ hoàng rắc rối” Thủy Muối và hành trình đi tìm những giải pháp