Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh: "Không thể cứ đổ lỗi cho tiền" | Vietcetera
Billboard banner

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh: "Không thể cứ đổ lỗi cho tiền"

Để quyết định mua nhà hay thuê nhà, chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh sẽ cân nhắc 4 tiêu chí.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh: "Không thể cứ đổ lỗi cho tiền"

Nguồn: Nguyễn Tuấn Anh.

#TheMoneyDate là nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn của họ về tài chính cá nhân, sự nghiệp và cuộc sống.


Nguyễn Tuấn Anh hiện là Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, Giám đốc Dacademy tại Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT. Anh là người đam mê tư vấn tài chính cá nhân, đặc biệt là sự kết nối tài chính tới cảm xúc - động lực của mỗi người. 

Anh Tuấn Anh tin rằng thử thách là cơ hội để nâng cao năng lực bản thân, coi tài chính là biểu hiện của năng lượng trí tuệ và cảm xúc. 

Ngồi cùng Vietcetera dịp này, anh chia sẻ góc nhìn của bản thân về tiền bạc, với mong muốn giúp các bạn trẻ thịnh vượng tài chính, từ đó tỏa sáng rực rỡ nhất màu sắc của riêng mình.

1. Mua nhà hay thuê nhà?

Để quyết định việc này thì mình cân nhắc 4 tiêu chí.

Thứ nhất là tính hữu dụng. Nhà thuê hay nhà mua đều mang lại tính hữu dụng tương đương, tùy vào mức sống mà bạn đang lựa chọn. 

Thứ hai là sự thuận tiện. Ở đây thì nhà mua không thuận tiện bằng nhà thuê. Vì nhà thuê có khả năng linh hoạt thay đổi khi chuyển công việc hoặc chuyển trường cho con học.

Thứ ba là cảm xúc. Nhà mua thì mang lại cảm giác an toàn và sở hữu hơn nhà thuê. Khi nhắc đến tổ ấm con người không chỉ coi đó là nơi để ngủ, mà là nơi an tâm nghỉ ngơi khi trở về. 

Thứ tư là khả năng sinh lợi. Ví dụ nhà đất thì có tiềm năng tăng giá trong khi sử dụng, nhưng chung cư thì lại thiên về giảm giá do chất lượng giảm dần theo thời gian.

2. Anh có từng vay tiền để lập nghiệp không?

Có chứ, ít nhất là 2 lần, và đều từ rất sớm. Lần đầu mình vay tiền để buôn quần áo từ Trung Quốc về Hà Nội vào năm 2000. Lần sau là vay tiền đầu cơ chứng khoán giai đoạn từ 2005 đến 2008. 

Lần vay tiền đầu cơ chứng khoán cho mình bài học lớn. Khi đó thị trường chứng khoán là cơ hội làm giàu không khó, hầu như bất cứ ai có chứng khoán là lãi lớn, không phân biệt họ có hiểu biết hay kỹ năng ở mức nào. Sở hữu nhiều tiền quá nhanh trong thời gian ngắn khiến mình lầm tưởng đó là công thức thành công. 

3. Nếu tất cả các công việc đều trả lương như nhau thì anh sẽ làm nghề gì?

Mình sẽ làm nghề nào có tương tác trực tiếp đến người khác. Mình tò mò, muốn biết những màu sắc khác nhau của từng người mình gặp có thể phát triển đa dạng như thế nào. 

Mình cũng thích chứng kiến và hỗ trợ khả năng tự tái tạo năng lượng của những người xung quanh mình nữa. Nên nếu làm thì mình nghĩ có thể làm nghề coaching, hoặc làm lead một đội nhóm kinh doanh sản phẩm tư vấn.

4. Nếu được quay về năm 23 tuổi, anh sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Nếu cho đồ thị thị trường chứng khoán trong 10-20 năm tiếp theo thì hơi chán, vì như thế là biết trước tương lai (cười). Nên chắc mình sẽ khuyên cái gì mang tính trí tuệ hơn chút.

23 tuổi mới ra trường thì phải dũng cảm, không quan tâm đến tiền một thời gian để xây dựng năng lực. Hãy yên tâm rằng năng lực sẽ tạo ra tiền. Năng lực phải đủ rộng, tối thiểu cho một chu kỳ của hình thành - phát triển – suy giảm – tan rã.

Ngoài ra cần xác định vị thế là mình dẫn dắt đồng tiền, chứ không để đồng tiền dẫn dắt mình. 

Nguồn: Nguyễn Tuấn Anh.

5. Anh sẽ làm gì nếu trúng số 100 tỷ?

Mình sẽ dành 3-5 ngày để lên kế hoạch định hướng. Khoản tiền này hiện tại hoàn toàn đủ để tạo ra một dòng tiền đều đặn định kỳ. Dựa vào dòng tiền đó mình sẽ lựa chọn làm sao để mang lại nhiều giá trị hơn cho bản thân, gia đình, bạn bè - đồng nghiệp và xã hội. 

Mình tin vào kỷ luật đầu tư định kỳ liên tục, cùng thời gian của dòng tiền cho những khoản đầu tư xứng đáng. Mình không tin vào việc phân bổ, ví dụ cho bản thân 10 tỷ, cho gia đình 10 tỷ.

6. Nếu mai là tận thế thì anh sẽ mua gì?

Thường thì khi mua món đồ gì mới mình sẽ cân nhắc 3 tiêu chí: tính hữu dụng, chất lượng sản phẩm và cảm xúc sử dụng.

Nhưng vì đây là ngày cuối cùng nên mình không muốn để lại đồ đạc cá nhân vào ngày cuối đời. Mình sẽ cho hết những gì còn khả năng sử dụng. Khi chết đi rồi vật dụng cá nhân để lại không sử dụng là lãng phí cho tự nhiên. 

Có thể mình sẽ mua 1 cái kem Tràng Tiền để vừa ăn vừa tạm biệt những kỷ niệm thuộc về quá khứ, tạm biệt những người bạn đang sống quanh mình. 

7. Kỹ năng nào giá trị nhất trong sự nghiệp của anh?

Thấu cảm người khác. Mình may mắn được rèn luyện kỹ năng này từ nhỏ. 

Mình sống 1 mình cùng ông bà từ rất sớm, nếu không hiểu bạn bè hàng xóm thì cái giá phải trả là về nhà lủi thủi 1 mình. Khi đi làm thì việc hiểu cảm xúc của đồng nghiệp, của khách hàng là cực kỳ quan trọng. 

8. Trên thang điểm từ 1-10, tiết kiệm quan trọng với anh như thế nào? Vì sao?

Điểm 10 luôn nha. Nhưng với điều kiện là phải có thu nhập nhé, vì không có thu thì không có gì để tiết kiệm đâu (cười).

Chi nhiều hơn thu tức là bạn đang không yêu bản thân, không hiểu điều gì là vừa đủ cho bản thân mình. Lạm chi rồi sẽ phải trả nợ, mà ai sẽ trả khoản nợ này cho bạn ngoài chính bạn trong tương lai? Vậy nên hãy yêu bản thân hơn.

Bạn muốn có nhiều tiền hơn, bạn đầu tư, nhưng tiền đâu ra để đầu tư? Hãy để ý về vòng lặp này và bạn sẽ nhận ra, khả năng tiết kiệm hàng tháng là khởi đầu của hành trình tài chính cuộc đời của mình.

Không thể viển vông đợi khi nào có tiền thì đầu tư, mà đầu tư thì lại đợi khi nào có tiền. Đây là một vòng lặp luẩn quẩn.

Nguồn: Nguyễn Tuấn Anh.

9. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Anh có đồng ý với quan điểm này không?

Mình không đồng ý. Tội lỗi là do con người tạo ra cho người khác. 

Tiền có thể là động cơ, cũng có lúc là phương tiện gây tội lỗi. Hãy hình dung ai đó đưa cho bạn 1 con dao, thì bạn hoàn toàn có thể dùng con dao đó để giết chết hoặc cứu người mà. Đổ lỗi cho tiền tội nghiệp tiền. 

10. Theo anh, có gì mà tiền không mua được?

Có nhiều thứ tiền không mua được lắm. Mình nghĩ tiền chỉ có thể giúp chúng ta sống dễ dàng, thuận tiện hơn thôi. 

Giả sử bạn phải ra đảo hoang, bạn cầm theo rất nhiều tiền. Nhưng không có người bán thì bạn cũng chẳng mua được gì. Hoặc ra đảo không hoang lắm, có người, nhưng người đó không ưa bạn. Lúc đó bạn có tiền người ta cũng không bán.

Ở thành thị, bạn có thể là một người khó ưa nhưng do có nhiều đơn vị cung ứng, bạn đã tìm được 1 người bán hàng vì tiền. Đơn giản vậy thôi.

11. Theo anh, những người giàu thường có điểm gì chung?

Những người giàu dài hạn thường tạo giá trị cho những người xung quanh lớn hơn so với những gì họ tiêu thụ (sử dụng thành quả của người khác). 

Đứng trên trục thời gian, người giàu thường tạo ra được một hệ thống, để tiếp tục cung ứng giá trị đó liên tục và bền vững. Bạn có thể thử bắt đầu làm người giàu ngay từ bây giờ.

12. Nghề nghiệp yêu thích của anh từ hồi nhỏ?

Hồi cấp 1 mình thích làm nghề đưa thư lắm! 

Thời đó thư được mang đến tận nhà, mình thấy người đưa thư được đi nhiều nơi, mang cảm xúc vui buồn đến cho nhiều người.