Co-founders: Làm gì để không dẫm đạp quyền lực lên nhau? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
05 Thg 10, 2022

Co-founders: Làm gì để không dẫm đạp quyền lực lên nhau?

Mâu thuẫn cần thiết cho sự phát triển, nhưng có những mâu thuẫn chỉ gây ra lụi tàn. Đây là những chia sẻ tâm huyết tôi dành cho các nhà sáng lập startup, hay bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp. 
Co-founders: Làm gì để không dẫm đạp quyền lực lên nhau?

Nguồn: Thirdman/Pexels

Theo quy luật tự nhiên, các vật thể nặng nhất trong vũ trụ là các lỗ đen, cụ thể là các lỗ đen siêu lớn – những vật thể dày đặc có lực hấp dẫn cực kỳ mạnh, cuốn theo mọi thứ xung quanh nó.

Thế nhưng, có một thứ dường như còn nặng hơn cả những lỗ đen, đó là các nhà đồng sáng lập không-làm-gì. Họ có năng lực tạo ra sức “nặng nề” ghê gớm đến tinh thần của các nhà sáng lập còn lại và cả các thành viên khác trong công ty.

Đacircy lagrave bức ảnh tocirci tigravenh cờ thấy trecircn story Facebook caacute nhacircn Điều thuacute vị lagrave tocirci nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ caacutec nhagrave saacuteng lập startup Họ thấu hiểu được sự thacircm thuyacute magrave bức ảnh nagravey truyền tải vigrave coacute thể họ biết migravenh cũng đatilde hoặc đang phải đối mặt với vấn đề mang tecircn Đồng saacuteng lập
Đây là bức ảnh tôi tình cờ thấy trên story Facebook cá nhân. Điều thú vị là tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ các nhà sáng lập startup. Họ thấu hiểu được sự thâm thuý mà bức ảnh này truyền tải, vì có thể họ biết mình cũng đã hoặc đang phải đối mặt với vấn đề mang tên: Đồng sáng lập.

Theo Noam Wasserman, tác giả cuốn sách The Founder’s Dilemma, có đến 65% công ty khởi nghiệp thất bại vì xung đột giữa các nhà đồng sáng lập. Có lẽ chúng ta cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, “sự lành mạnh” của mối quan hệ đồng sáng lập là chỉ số KPI mà dường như không nhiều người ưu tiên theo dõi. Trong khi thực tế nó gắn chặt với hiệu quả hoạt động của công ty, nếu không nói là sự thành công của startup.

Cũng trong những tuần vừa qua, tôi được chứng kiến sự căng thẳng giữa hai đồng sáng lập của một công ty startup ở giai đoạn sớm mà tôi có duyên được gặp trước đó, và được 2 người tin tưởng mời tham gia làm người hoà giải ở giữa. Ở giữa sự căng thẳng cao trào đó, tôi càng thấm thía hơn những bài học quan trọng để chọn và duy trì được mối quan hệ bền vững lâu dài giữa các đồng sáng lập.

Vì đâu xảy ra căng thẳng giữa các nhà đồng sáng lập?

“Ai quan trọng hơn?” – Quyền lực kiểm soát

Đây được coi là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra việc căng thẳng giữa các đồng sáng lập – khi mà câu hỏi “Ai quan trọng hơn? Ai cần ai nhiều hơn? Ai là người đưa ra quyết định cuối cùng trong công ty?” liên tục được đặt ra. Những câu hỏi này có mối liên hệ trực tiếp đến địa vị cũng như mức lương thưởng, cổ phần mà mỗi nhà sáng lập nhận được.

Nếu chúng không được xác định một cách công bằng và thuyết phục thì sẽ là nguyên nhân rất lớn gây ra sự bức xúc. Từ các nhà đồng sáng lập, họ sẽ trở thành các nhà “đồng đối kháng”, với xu hướng hạ thấp đối phương để nâng cao hình ảnh bản thân, củng cố quyền lực và quyền kiểm soát của mình tại công ty.

“Tôi có được coi trọng?” – Sự tôn trọng và công nhận

“Tôi làm việc chăm chỉ từ những ngày đầu, nhưng những đóng góp của tôi có được ghi nhận và đánh giá cao không? Bạn có đang nhận hết công lao về mình không?”. Đây có lẽ là những câu hỏi thường trực trong mỗi lần căng thẳng giữa các nhà đồng sáng lập.

Bản thân tôi cũng đã từng ít nhiều tò mò về cảm giác của những đồng sáng lập còn lại khi thấy báo chí đưa tin nhiều về startup của mình. Những lúc như vậy, một trong số những người đồng sáng lập sẽ có thể nhận được nhiều hoặc thậm chí là tất cả sự chú ý của truyền thông, trong khi những người còn lại thì không hoặc ít xuất hiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng đôi khi không phải là họ có được công nhận trên mặt truyền thông, báo chí hay không, mà là có nhận được sự công nhận, quan tâm giữa những đồng sáng lập với nhau không. Nhất là theo thời gian, khi công ty đối mặt với áp lực tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động, các nhà đồng sáng lập dễ bị cuốn vào khối lượng công việc khổng lồ, mà quên dành thời gian chia sẻ, thực sự lắng nghe quan tâm của nhau.

Bản chất của vấn đề này đó là con người hầu như ai cũng muốn cảm thấy rằng họ quan trọng và được quan tâm. Nếu không có sự chân thành ghi nhận sự đóng góp của nhau thì sớm hay muộn cũng sẽ có những xung đột, bất mãn xuất hiện.

“Ai đang làm việc gì?” – Vai trò chưa rõ ràng

Một hiện tượng thường thấy trong các startup là các nhà đồng sáng lập hay rơi vào tình cảnh phải tranh luận về mọi thứ. Điều đó có nghĩa là vai trò cá nhân của họ không đủ rõ ràng. Việc này có thể dẫn đến tất cả những vấn đề kể trên - khi đó có người làm ít hoặc không, có người ôm hết, làm mãi không hết việc, có người bất mãn không còn cảm thấy giá trị tồn tại của mình tại công ty.

Nguồn Annie SprattUnsplash
Nguồn: Annie Spratt/Unsplash

Các bước vượt qua căng thẳng giữa các nhà đồng sáng lập

1. Đầu tiên vẫn phải là lựa chọn người đồng sáng lập phù hợp nhất với mình

Chọn đúng luôn là cách tránh sai hiệu quả nhất. Vậy làm sao để chọn đúng?

Tôi tin chắc hẳn bất kỳ một nhà sáng lập nào khi tìm đồng sáng lập cho mình cũng sẽ có những tiêu chuẩn cơ bản như: kỹ năng của người đó phải bổ sung được cho mình, họ đáng tin cậy và có trách nhiệm, cả hai (hoặc cả nhóm) có “xúc tác hóa học” (chemistry), đồng điệu về tính cách và tinh thần khi làm việc.

Nhưng để chắc chắn hơn về việc mình hiểu được đối phương đến mức nào, bạn hãy thử đặt ra cho đối phương những câu hỏi dưới đây:

  • Đâu là những giá trị bạn muốn theo đuổi? (giàu có, hạnh phúc, sự nổi tiếng, tạo ra giá trị, được xã hội ghi nhận?…)
  • Khi làm việc bạn sẽ là người như thế nào? Bạn sẽ không bao giờ thỏa hiệp với những điều gì?
  • Bạn đối mặt với stress trong công việc và cuộc sống như thế nào?
  • Bạn muốn cùng xây dựng văn hoá công ty, tầm nhìn thế nào để công ty cùng hướng tới?
  • Bạn có thể dành được bao nhiêu thời gian cho công ty này? (Tốt nhất nhà sáng lập nên ưu tiên tìm người “đồng sáng lập” theo đúng nghĩa, không phải là người được “tuyển dụng” nhận công ăn lương, người mang tâm lý “đi làm thêm" hay tham gia “dự án ngoài” công việc chính.)

Trong trường hợp, bạn không thể đồng cảm, tìm được tiếng nói chung thuyết phục từ những câu trả lời của đối phương cho những câu hỏi trên, thì có thể người đó chưa phù hợp với bạn. Một khi chưa thể tìm được người phù hợp, thì bạn cũng không cần vội tìm người chỉ để lấp đầy đội hình.

Làm solo-founder chắc chắn vẫn sẽ tốt hơn là chọn sai co-founder. Nhưng solo-founder sẽ không thành công với một mình họ, mà cần những co-creators – những công thần cùng xây dựng startup với mình.

Họ có thể là những nhân viên tham gia vào những ngày đầu tiên, những nhà đầu tư, những đối tác kinh doanh ủng hộ mình. Họ đều là những người tuy không được ghi nhận là những “đồng sáng lập” trên danh nghĩa, nhưng thực sự họ có thể mang lại những nguồn lực, mối quan hệ, ý tưởng quan trọng không kém các đồng sáng lập ở giai đoạn sớm của startup.

Có thể chúng ta chỉ biết Jeff Bezos là nhà sáng lập duy nhất của Amazon, nhưng thực tế là Amazon có một nhà sáng lập bị lãng quên (forgotten founder). Ông là Shel Kaphan – nhân viên đầu tiên tham gia Amazon vào năm 1994 ngay sau khi công ty được thành lập, với vai trò chịu trách nghiệm về công nghệ cho Amazon.

Dù không được nhắc tên trên truyền thông nhiều, không được nhận cổ phiếu dành cho nhà sáng lập (founder’s stock), nhưng ông luôn được Jeff Bezos ghi nhận là công thần – “người quan trọng nhất trong lịch sử của Amazon”.

Shel Kaphan Nguồn Nikki KahnThe Washington Post via Getty Images
Shel Kaphan | Nguồn: Nikki Kahn/The Washington Post via Getty Images

2. Hãy ký Co-founders Agreement – Thỏa thuận giữa các nhà đồng sáng lập

Tôi thường thấy đây là việc hay bị bỏ qua, với tâm lý “anh tin em, em tin anh” khi mối quan hệ đang tràn trề sự hứng khởi ở giai đoạn ban đầu của nhiều startup tại Việt Nam. Trong khi đây thực sự là một trong những việc cần ưu tiên làm sớm nhất khi các đồng sáng lập quyết định đồng hành với nhau.

Trong buổi nói chuyện gần nhất của tôi với Luật sư Nguyễn Tuấn Phát - luật sư phụ trách Chương trình hỗ trợ Startup của Trung tâm hòa giải thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC), anh có chia sẻ:

“Để các nhà đồng sáng lập startup tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ công ty khởi nghiệp non trẻ của mình, thỏa thuận giữa các nhà đồng sáng lập startup cần được soạn thảo một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng. Bao gồm việc tính đến các trường hợp xấu nhất khi một trong số các đồng sáng lập có thể không tiếp tục đồng hành (với điều khoản Good leaver - Bad leaver)”.

Huỳnh Minh Tuấn - cộng sự của chúng tôi tại quỹ Genesia Ventures Việt Nam, cũng có bài blog đầy tâm huyết chuyên sâu về việc thiết kế, xử lý cổ phần sở hữu của đồng sáng lập trong trường hợp họ rời đi, với cả 2 kịch bản thường có là Good leaver hay Bad leaver (người rời đi tạo ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới công ty).

Những nguyên tắc cơ bản được nhắc đến như sau. Một là, bất kỳ nhà đồng sáng lập nào rời đi sớm hơn không được giữ lại mức cổ phần đáng kể trong công ty. Hai là, nếu có quyết định rời đi, nhà đồng sáng lập phải tạo động lực cho những người ở lại tiếp tục làm việc hướng tới việc xây dựng giá trị lâu dài cho sự phát triển của startup.

3. Phân chia vai trò rõ ràng

Sau khi kí Co-founders Agreement, các nhà đồng sáng lập sẽ cần ngồi xuống lập danh sách tất cả các lĩnh vực và công việc cần thiết cho startup của mình. Sau đó, tìm ra ai giỏi nhất ở mỗi phần và chỉ định người phù hợp đứng đầu chịu trách nhiệm cho phần đó.

Ví dụ thường thấy sẽ là, Co-founder & CTO - giám đốc công nghệ sẽ chịu trách nhiệm phần công nghệ và phát triển hạ tầng sản phẩm. Co-founder & CFO - giám đốc tài chính sẽ chịu trách nhiệm liên quan tới phần quản lý tài chính, cùng hỗ trợ CEO tham gia nhiệm vụ gọi vốn làm việc gần với nhà đầu tư…

Mọi người cùng chí hướng, lắng nghe ý kiến lẫn nhau trước khi đưa ra quyết định. Nhưng một khi người chịu trách nhiệm mảng nhiệm vụ nào ra quyết định thì các đồng sáng lập các mảng khác sẽ phải thuận theo, dựa trên tinh thần tin tưởng lẫn nhau, để cuộc thảo luận kết thúc một cách hiệu quả tại đó.

Phacircn chia cocircng việc rotilde ragraveng cũng lagrave caacutech bạn tocircn trọng thời gian của chiacutenh migravenh
Phân chia công việc rõ ràng là một công việc mất thời gian ban đầu nhưng tiết kiệm thời gian cho bạn về lâu dài.

4. Chuẩn bị trước cho những “ngày mưa bão”

Việc này đòi hỏi các nhà sáng lập phải thực sự dành nhiều tâm sức trước đó để thiết lập các chu trình ra quyết định hiệu quả, được thiết lập bởi tất cả các đồng sáng lập càng sớm càng tốt. Các đồng sáng lập nên viết rõ những chu trình đó ra và đảm bảo rằng khi vấn đề xuất hiện, bạn có thể nhanh chóng và hiệu quả sử dụng “sách hướng dẫn đó” để giải quyết vấn đề dựa trên sự tôn trọng và đồng thuận của nhau.

Anh Võ Hoàng Nam - Đồng sáng lập & CTO của Fundiin, có chia sẻ với tôi về cách anh và anh Nguyễn Ảnh Cường - Đồng sáng lập & CEO của mình, xây dựng “playbook” với những chu trình xử lý bài bản theo từng bước khi có vấn đề xuất hiện như sau.

Khi có một vấn đề cần được đưa ra để thảo luận, cả hai co-founder sẽ luôn cần giải thích quan điểm của mình tại sao cần thực hiện hay không cần thực hiện điều đó. Sau khi đã chia sẻ để giúp đối phương hiểu vấn đề, thì việc tiếp theo sẽ là đặt ra những câu hỏi phản biện để nhận biết bản chất vấn đề. Thậm chí khi cần thiết, cả hai sẽ cùng đưa ra nhiều hướng thay thế khác nhau, để thảo luận tìm ra cách tốt hơn cả.

Nếu một trong hai người giải thích và trả lời, thuyết phục được đối phương thì cả hai sẽ đồng thuận và cùng thực hiện. Còn nếu một trong hai vẫn chưa thoả mãn và đồng ý với một hướng đề xuất, thì cả hai sẽ thực hiện thử các cách khác nhau được cho là khả thi theo quan điểm của mỗi người, từ đó kiểm chứng xem cách nào hiệu quả hơn.

“Điểm mấu chốt ở đây tôi gọi là hệ quy chiếu. Có nghĩa mỗi người sẽ có 1 hệ quy chiếu nhìn nhận riêng. Nếu 1 trong 2 có góc nhìn khác nhau về một vấn đề thì sẽ cố gắng tìm hệ quy chiếu chung chính là bản chất của vấn đề đó, để cả hai hiểu rõ và đồng thuận”, anh Nam chia sẻ thêm.

Kết

Như trong bất kỳ mối quan hệ nào, hãy luôn cởi mở, tôn trọng ý kiến của đối phương, đồng thời cố gắng luôn minh bạch chia sẻ thông tin kịp thời bằng sự giao tiếp hiệu quả.

Nếu có đồng sáng lập nào không đồng ý về điều gì đó, đừng rời khỏi phòng họp cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng, với những giải pháp thuyết phục và hành động cụ thể. Nếu thời gian trong tuần quá bận rộn không đủ có những sự tương tác và cuộc đối thoại hiệu quả với nhau, thì các đồng sáng lập có thể hẹn nhau cuối tuần tham gia các hoạt động thể thao chung như đi bơi, chạy bộ, leo núi…

Trong công việc là một nhà đầu tư khởi nghiệp, là người đồng hành, “co-creator” với những startup mà mình lựa chọn ở giai đoạn sớm, tôi luôn đặc biệt chú ý tới bất kỳ dấu hiệu nào có khả năng ảnh hưởng tới mối quan hệ lành mạnh của các đồng sáng lập startup. Bởi tôi tin rằng, năng lực đưa ra lựa chọn phù hợp và quản lý khủng hoảng là những năng lực quan trọng mà tất cả những người đồng sáng lập startup cần phải có để đi được nhanh và xa hơn với startup của mình.