Cuộc hợp nhất của hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 03, 2023

Cuộc hợp nhất của hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ

Lại một ngân hàng nữa ra đi. Lần này, bóng ma tài chính đã tới kinh đô tiền tệ của châu Âu.
Cuộc hợp nhất của hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ

Nguồn: CNN

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 19/3, thương vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính Thụy Sĩ đã diễn ra. Với chính phủ Thụy Sĩ đứng ra làm bên trung gian, ngân hàng lớn nhất nước này là UBS đã đồng ý tiếp quản lại Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, cũng là đối thủ lâu năm của UBS.

Mục đích của thương vụ mua lại này là để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng niềm tin tại Credit Suisse. Ngân hàng này từng đối đầu trực tiếp với những ông lớn tài chính tại phố Wall, và có thời điểm đạt vốn hóa gần 100 tỷ USD. Thỏa thuận giữa UBS và Credit Suisse đã chấm dứt lịch sử tồn tại kéo dài 167 năm của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ.

Nhiều đơn vị truyền thông cũng như những trang viết uy tín về ngành tài chính gọi đây là cuộc “siêu sáp nhập.” Kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, ta mới lại thấy hai ngân hàng có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống tài chính phải hợp nhất để giải quyết những khó khăn và khủng hoảng không thể vãn hồi của một trong hai ngân hàng đó.

2. Credit Suisse sụp đổ như thế nào?

20mar2023g6iqqmtuejlg5o4236hozuskpi1jpg
Dòng chữ xuất hiện trước cửa trụ sở Credit Suisse sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm 30% giá trị vào ngày 16/3. | Nguồn: Getty Images

Sự thất bại của Credit Suisse trong việc quản lý tài chính và kiềm tỏa những vấn đề nội bộ tới từ những chính sách có phần chủ quan sau cuộc khủng hoảng 2008. Khi ấy, ngân hàng này là gương mặt hiếm hoi không cần nhận gói hỗ trợ nào và “tự lực cánh sinh” nhờ vào nền tảng vốn hóa tốt và hệ thống quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng qua đi và các hệ thống ngân hàng toàn cầu chuyển mình trong một trật tự mới, thì Credit Suisse lại điều chỉnh và thích nghi rất chậm.

Họ dựa nhiều vào mảng ngân hàng đầu tư với rủi ro cao, và thất bại trong việc chuyển định hướng đầu tư sang những mảng kinh doanh có tính ổn định. Điều này là một nguyên nhân khiến Credit Suisse chật vật kiếm doanh thu và kiểm soát rủi ro.

Những lục đục và tranh cãi trong nội bộ ban lãnh đạo của Credit Suisse khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ngân hàng này liên tục thay đổi quản lý cấp cao, và mỗi đợt thay đổi lại gây ra những xáo trộn về nhân sự và công tác quản lý, cũng như trong định hướng và chính sách.

Trong vài năm vừa qua, Credit Suisse còn nhiều lần bị kiện, hoặc vướng vào những cáo buộc nguy hiểm. Ví dụ, ngân hàng này được cho là đã trở thành kênh rửa tiền của những kẻ buôn ma túy ở Bulgaria, và bị phạt 475 triệu USD vì cho vay các công ty quốc doanh ở Mozambique. Credit Suisse đã phải trả khoảng 4 tỷ USD tiền phạt, tiền dàn xếp các vụ kiện.

Tất cả những khó khăn này đã làm Credit Suisse sao nhãng khỏi vấn đề chính, rằng nền tảng tài chính vững chắc từng cứu sống họ vào năm 2008 đang chảy máu và vơi dần theo thời gian. Năm ngoái, họ lỗ ròng 7,9 tỷ USD - mức lỗ cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Theo phiên chốt giá tuần trước, vốn hóa của ngân hàng này là chưa đầy 8 tỷ USD.

20mar20231x1png29991679247436jpg
Chênh lệch vốn hóa giữa UBS và Credit Suisse. Cũng dựa vào biểu đồ này, ta thấy rằng vốn hóa của Credit Suisse đã giảm mạnh từ thời điểm cuối 2019, đầu 2020. | Nguồn: Bloomberg

Những sai lầm và khó khăn cộng dồn theo năm tháng đã chạm tới giới hạn. Sau một loạt bê bối và thua lỗ, các cổ đông và khách hàng của Credit Suisse đã không còn niềm tin vào ngân hàng này. Hệ quả là các cổ đông ngừng đầu tư, cổ phiếu bị bán tháo, và khách hàng thì rút tiền, khiến ngân hàng không còn khả năng chi trả.

Mặc dù đã tìm mọi cách “giãy giụa” để tăng cường tính thanh khoản và làm dày lượng vốn, Credit Suisse vẫn không thể tự cứu mình. Cuối cùng, như chúng ta đã thấy, chính phủ Thụy Sĩ phải can thiệp để sự sụp đổ của Credit Suisse không gây hậu quả quá lớn, và những tài sản cũng như di sản của ngân hàng này được tiếp quản bởi UBS.

3. Có chi tiết nào đáng lưu ý trong thương vụ mua lại này?

Điểm quan trọng đầu tiên là sự góp mặt của cả ngân hàng tư nhân (UBS), ngân hàng quốc doanh (Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ), và chính phủ Thụy Sĩ. Theo đó, UBS chấp nhận lỗ để mua lại Credit Suisse, chính phủ Thụy Sĩ chịu chi trả 9 tỷ USD để bù đắp lỗ cho UBS, và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ sẵn sàng “xuất kho” hơn 100 tỷ đô làm tiền thanh khoản để Credit Suisse giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn.

UBS mua lại Credit Suisse theo thỏa thuận mua cổ phần, và các cổ đông của Credit Suisse không được quyền bỏ phiếu với thương vụ này. Lí do là bởi chính phủ Thụy Sĩ đã cho phép miễn trừ việc các cổ đông phải thông qua nhằm đẩy nhanh việc sáp nhập.

20mar2023cdreuters22521679264996png
Các lãnh đạo tham gia họp báo công bố thương vụ, trong đó có hai đại diện của hai ngân hàng (đầu tiên và thứ hai từ trái sang), Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ và Tổng thống Thụy Sĩ (hai người ngồi giữa). | Nguồn: Reuters

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ khẳng định rằng thương vụ Credit Suisse-UBS cũng như những con số đi kèm không phải là một gói cứu trợ, mà là một giải pháp thương mại để ngăn chặn chuỗi domino từ sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai nước này. Từ phía Thụy Sĩ, đây là một bước đi không thể tránh khỏi trước khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.

4. Ai được lợi và ai chịu thiệt trong vụ việc này?

Những cổ đông của Credit Suisse có lẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Dù họ sẽ có cổ phần tại UBS với tỉ lệ quy đổi là 22,48 cổ phiếu Credit Suisse tương đương 1 cổ phiếu UBS, nhưng họ vẫn lỗ lớn bởi những trái phiếu mà các cổ đông này nắm trong tay - trị giá tương đương 16 tỷ franc - nay hoàn toàn vô giá trị.

Ngược lại, UBS có lẽ là người vui nhất, bởi sự sáp nhập này sẽ tăng quy mô tài sản của đơn vị, đồng thời mang về cho UBS những mảng kinh doanh nội địa của Credit Suisse, vốn có khả năng sinh lời cao. Không những vậy, họ còn gạt bỏ được một đối thủ cạnh tranh lâu năm.

20mar20231072111661679261170727gettyimages1248776426afp33bn424jpeg
Chủ tịch Credit Suisse (trái) và Chủ tịch UBS (phải) bắt tay đánh dấu thương vụ lịch sử. | Nguồn: AFP

Nếu thương vụ này thành công và những hệ quả của nó được giải quyết êm thấm, thì chính phủ Thụy Sĩ sẽ được thở phào nhẹ nhõm. Sự giàu có của quốc gia này chủ yếu tới từ ngành tài chính, và sự đứt gãy mà Credit Suisse đưa ra sẽ vừa làm ảnh hưởng tới Thụy Sĩ, vừa khiến hệ thống ngân hàng châu Âu và toàn cầu lao đao.

5. Vụ việc này khác gì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank?

Mới chỉ cách đây hơn một tuần, một ngân hàng khác tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) cũng gặp những vấn đề khá tương tự. Thế nhưng nếu Credit Suisse được mua lại chứ không chết hẳn, thì SVB không gặp may mắn như vậy.

Cùng là những khó khăn về tài chính và khủng hoảng niềm tin, thế nhưng hai sự kiện này không hoàn toàn tương đồng. Trước hết, cái chết của SVB là “bất đắc kỳ tử” trong một thời gian ngắn. Trong vụ việc này, chúng ta không thấy - hoặc không nhận ra - những dự báo hay chỉ dấu cho thấy thảm họa, cũng không thấy sự góp mặt của các cơ quan chính phủ trong việc kiềm tỏa nguy cơ.

Với Credit Suisse, mọi thứ diễn ra chậm rãi và từ tốn qua nhiều năm. Các vấn đề của họ ngày càng tích lũy, và khi các bên nhận ra là ngân hàng đang gặp vấn đề, thì nó đã quá lớn để Credit Suisse hay bất cứ bên nào tự giải quyết.

Mặt khác, nếu so về quy mô thì vụ việc SVB nhỏ hơn nhiều so với thương vụ Credit Suisse-UBS. Trong khi tổng tài sản của SVB vào cuối 2022 bằng khoảng một nửa quy mô nền kinh tế Việt Nam trong cùng giai đoạn, thì tổng tài sản của Credit Suisse và UBS vào thời điểm chuyển giao nhiều gần gấp đôi GDP của Thụy Sĩ.

Hai vụ việc ở hai châu lục khác nhau, với những điểm tương đồng và khác biệt, nhưng đều cho thấy sự mong manh của hệ thống tài chính toàn cầu ở thời điểm hiện tại.