Mình tự đánh giá bản thân là một chân chạy trung bình. Và chắc chắn không phải là một người đam mê chạy từ nhỏ, hay có tố chất, năng khiếu bẩm sinh gì cả.
Lần đầu mình đến với bộ môn chạy trail, là do bạn bè dụ dỗ tham gia cự ly 21km đường trail Đà Lạt với mức giá 2 triệu 5. Nếu phải tóm tắt lý do mình đến với bộ môn chạy trail này, thì là do tính sĩ diện cộng với sự ham vui, ham trải nghiệm mới.
Mình luôn nghĩ rằng, ai cũng có thể chạy được, nhưng nếu chạy đúng kỹ thuật, từ cách thở đến dáng người và cách tiếp đất, thì chắc chắn sẽ chạy hiệu quả hơn. Mà hiệu quả hơn, thì đồng nghĩa với việc chạy được nhanh hơn và xa hơn. Cùng với kiến thức về dinh dưỡng hay chương trình tập hợp lý theo mục tiêu của mỗi người, chúng là các yếu tố tiên quyết để thực sự biến chạy bộ thành một hoạt động có ích cho sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, có lẽ hành trang khó nhất để chuẩn bị, là một tư duy “đúng”. Bên cạnh một khoản tiền đầu tư cho một đôi giày xịn giá đâu đó khoảng 4 triệu VND, mình còn mua thêm một bộ quần áo thoải mái để thấm mồ hôi tốt.
Trong quá trình rèn luyện, sẽ có lúc bạn mệt và chán nản. Không phải thỉnh thoảng đâu, cũng thường xuyên đấy. Trên đường chạy thì luôn có nhiều yếu tố trở ngại, chủ quan và khách quan.
Do đó, cần chuẩn bị và rèn luyện một tinh thần thép, luôn cố gắng hết khả năng, và hơn hết là trung thực với bản thân. Mình chạy cho mình, nên thực ra khi mình bỏ bài, bỏ cuộc, thì cũng không ai có quyền đánh giá mình cả. Nhưng đã cam kết với bản thân, thì hãy đừng phụ lòng chính mình.
Những lần đầu còn thiếu kinh nghiệm, nên luôn có phần hăng hái quá đà. Chính vì thế lại dễ bị quá sức, hay là dính chấn thương. Bài học rút ra là, chạy cũng cần phải điềm đạm. Đặt mục tiêu cần thực tế, và bài bản, tránh cắt ngắn công đoạn.
Các giải chạy lớn có cả hàng nghìn vận động viên tham gia, nhưng trừ khi bạn có một nhóm bạn đồng hành từ đầu tới cuối, còn không thì phần lớn thời gian bạn sẽ chạy một mình. Và trong những lúc như thế, nhất là ở những km cuối, những suy nghĩ kiểu: “Thôi đi bộ đi”, “Tại sao mình lại bỏ tiền hành xác thế này?”, “Mệt quá không chạy nổi nữa đâu” luôn thường trực trong đầu.
Cũng không có cách gì cao siêu để làm quen và vượt qua những khoảnh khắc đó đâu, cứ chạy thôi. Chạy nhiều là sẽ quen với những suy nghĩ đó, và sẽ không còn để nó làm mình nhụt chí.
Khi mình không cần phải đợi đến lúc cán đích để thấy sung sướng, mà mình tận hưởng từng km đường đi, thì tâm thế sẽ luôn vui vẻ hào hứng, và cơ thể cũng sẽ bớt mệt đi phần nào.
Suốt quá trình chạy, mình nhận ra, hãy rộng lượng với những người xung quanh. Đừng ngại hỗ trợ kể cả những vận động viên mình không quen biết. Vì chạy mình mình thì nhanh đấy. Nhưng nếu không vào top 3 thì chúng ta đồng hạng bốn hết mà. Nên hãy hào sảng giúp đỡ những người bên cạnh, để tất cả đều cùng có những trải nghiệm tuyệt vời.
Ngoài ra, còn là tận hưởng hành trình. Ví dụ khi mình chạy địa hình đồi núi, sau con dốc này sẽ là con dốc khác. Nên nếu cứ đếm xem còn phải vượt qua bao nhiêu con dốc nữa mới về đến đích, thì nhụt chí lắm.
Ngược lại, khi đã tận hưởng được từng con dốc, hoà mình vào vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp thể thao xung quanh, thì cuộc chạy sẽ giống như một cuộc rong chơi ngắm cảnh vậy (dù vẫn mỏi chân và ở vạch đích thì trông vẫn nát).
Bản thân mình mạnh mẽ hơn mình tưởng. Thực sự là ban đầu đối với mình, 10km là quãng đường không tưởng. Nhưng rồi mình chinh phục được 21km, 42km. Và giờ còn mong muốn chinh phục được các cự ly khó nhằn hơn nữa.
Khi có niềm tin vào bản thân, pha với chút bản lĩnh (hoặc liều lĩnh), chúng ta sẽ không ngừng ngạc nhiên về giới hạn của bản thân mình.
Môn thể thao nào cũng cần đòi hỏi một quá trình rèn luyện nghiêm túc, chăm chỉ và sự đầu tư lâu dài. Chạy bộ cũng không nằm ngoài khái niệm đó.
2 Triệu 5 bỏ ra cho mỗi giải chạy trail hàng năm, mình mua được những niềm vui, sự bền bỉ và trải nghiệm trên cả tuyệt vời trên những đôi giày.
(Câu chuyện được chia sẻ từ bạn Alex Trần)