Đâu là yếu tố quan trọng cho một Startup thành công? | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 12, 2021
Khởi Nghiệp

Đâu là yếu tố quan trọng cho một Startup thành công?

Nếu buộc phải lựa chọn, hầu hết các nhà đầu tư khởi nghiệp sẽ ưu tiên một người sáng lập có năng lực hơn một cơ hội hấp dẫn. 
Đâu là yếu tố quan trọng cho một Startup thành công?

Nguồn: Vân Tây

Chủ nhật hàng tuần, tôi thường ngồi điểm lại các sự kiện diễn ra trong tuần, và rút ra cho mình những bài học có ý nghĩa. Trong tuần vừa qua, GRIT - Bền bỉ, là hai từ thường trực xuất hiện trong đầu tôi, xuyên suốt từ những quan sát và trải nghiệm trong công việc là một VC - nhà đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đón nhận tin mừng khi Momo nhận được sự đồng hành từ một trong ba tổ chức tài chính lớn nhất Nhật Bản - Ngân hàng Mizuho. Đây cũng là đối tác đầu tư rất lớn của quỹ Genesia Ventures chúng tôi.

Dù chưa được tiết lộ chi tiết, nhưng nhiều thông tin dự đoán, thương vụ đầu tư lịch sử này có thể đưa Momo lần đầu tiên được ghi nhận vào danh sách Unicorn - Kỳ lân (công ty startup được định giá trên 1 tỷ USD) tại Việt Nam.

Về tính bền bỉ trong hệ sinh thái Startup

Tuần qua, tôi có cơ hội được trò chuyện với một nữ sáng lập startup về EdTech - Công nghệ giáo dục ở Việt Nam. Hành trình bền bỉ gần 10 năm đã mang lại cho chị cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở chị tôi thấy sự cố gắng không mỏi mệt, niềm đam mê không dừng lại. Cùng với đó là tầm nhìn và lý tưởng cao đẹp muốn hướng đến, thông qua startup của mình.

Nguồn: Unplash

Cũng trong tuần vừa rồi, tôi nhận được tin một nhà sáng lập startup game NFT gọi vốn thành công hàng triệu USD. Bất ngờ nhất với tôi, không phải nhà sáng lập đó gọi vốn thần tốc thành công ra sao.

Khoảng 6 tháng trước, người đó còn rất nhiệt tình có buổi họp gọi vốn cùng quỹ đầu tư Genesia Ventures chúng tôi, với một startup khác do mình sáng lập. Nhưng nó lại không hề liên quan tới startup game NFT lần này.

Thật may lúc đó chúng tôi đã sáng suốt quyết định không đầu tư vào startup đó. Đây cũng là một trong những ví dụ khiến tôi trăn trở nhiều về tính bền bỉ trong startup.

Nhà đầu tư ưu tiên một người sáng lập có năng lực hơn một cơ hội hấp dẫn

Tôi còn phát hiện một điều thú vị. Điểm tương quan về tỷ lệ startup không thành công, với tỉ lệ phần trăm người không đủ bền bỉ để đạt được mục tiêu đặt ra cho chính mình, đều rất cao, bằng hoặc hơn 90%.

Cụ thể, một nghiên cứu của trường đại học Scranton chỉ ra, có đến 92% người không bao giờ đạt được những mục tiêu họ đã đề ra ra lúc đầu năm mới. Trong vài tuần hoặc vài tháng, mọi người bắt đầu từ bỏ quyết tâm của mình, khi họ gặp những va chạm trên đường khiến họ chệch hướng.

Investopedia trong nghiên cứu năm 2019, đã nói rằng, tỷ lệ thất bại của các công ty khởi nghiệp là 30% trong năm thứ hai, 50% trong năm thứ năm và 70% trong năm thứ 10.

Bài nghiên cứu cũng chỉ ra những nguyên nhân của tỷ lệ thất bại cao này là do:

  • Công ty cạn tiền
  • Chọn sai thị trường
  • Thiếu nghiên cứu để hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng
  • Chọn sai đối tác
  • Làm Marketing sai,..
Nghiên cứu về tỷ lệ tương quan của các startup thành công

Bên cạnh đó, bài nghiên cứu của giáo sư Tom Eisenmann đến từ trường Harvard Business School, trong cuốn sách mới nhất của mình xuất bản năm 2021, với tựa đề Why Startups Fail: A New Roadmap for Entrepreneurial Sucess đã đề cập tới một lý do vô cùng quan trọng.

Từ một góc nhìn thú vị, họ đã xâu chuỗi giả thiết của tôi về sự trùng hợp về tỷ lệ bằng hoặc lớn hơn 90%, của số người không đủ bền bỉ để đạt được mục tiêu đề ra của mình và số startup thất bại kể trên.

Giáo sư đã đề cập tới phát hiện của mình, đi ngược lại những giả định của nhiều nhà đầu tư mạo hiểm: "Nếu bạn hỏi họ tại sao các công ty khởi nghiệp lại sa sút, bạn rất có thể sẽ nghe nói về “con ngựa” (nghĩa là cơ hội mà các công ty khởi nghiệp đang nhắm đến) và “người cưỡi con ngựa” (người sáng lập)."

Cả hai đều quan trọng, nhưng nếu buộc phải lựa chọn, hầu hết các nhà đầu tư khởi nghiệp sẽ ưu tiên một người sáng lập có năng lực hơn một cơ hội hấp dẫn.

Do đó, khi được yêu cầu giải thích tại sao một dự án mới đầy hứa hẹn cuối cùng lại vấp ngã, hầu hết đều có xu hướng viện dẫn những điểm thiếu sót của những người sáng lập. Đặc biệt là sự thiếu kiên trì bền bỉ, nhạy bén trong ngành hoặc khả năng lãnh đạo.

Một tầm nhìn dài hạn bền vững sẽ đưa startup tới thành công

Ngày nay, chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi những cám dỗ xung quanh. Ở đó mọi thứ vui vẻ hơn, nhẹ nhàng, hào nhoáng hơn, và có thể nhiều tiền hơn.

Như việc, chọn "con ngựa" khác nhìn có vẻ khoẻ hơn để cưỡi, chọn con đường tắt để đi, với hi vọng mình sẽ về đích nhanh hơn người khác. Họ không biết rằng, thực sự việc đi ngựa có nhanh được hay không, nằm phần lớn ở người cưỡi.

Chúng ta chỉ nghĩ chọn "con ngựa có vẻ tốt", hay thấy con bên cạnh bóng bẩy hơn thì nhảy lên, mà không biết rằng nó chất lượng của nó như nào, chạy được đường dài hay không. Trên đường đi, liên tục thay đổi, "xoá đường cũ, vẽ đường mới" để đi lại, cuối cùng có thể bạn lại là người thua cuộc.

Nguồn: Unplash

Những nhà sáng lập startup không thành công, thường là nạn nhân của hội chứng đối tượng hào nhoáng (shiny-object syndrome). Hội chứng này xảy ra khi một việc gì đó không lập tức mang lại kết quả, họ sẽ nhảy sang thứ tiếp theo thu hút sự chú ý của họ lúc đó.

Họ liên tục chuyển trọng tâm và ưu tiên của mình mỗi khi gặp khó khăn. Do đó, họ không thể đạt được thành tựu dài hạn, lớn lao trong sự nghiệp startup của mình.

Hơn bao giờ hết, nhà sáng lập thực sự cần phải giữ cái đầu lạnh, tránh bị phân tâm bởi các cám dỗ xung quanh, biết rõ mục tiêu cuối cùng, và luôn giữ sự tập trung của mình hướng tới đó.

Trên hành trình này, các nhà sáng lập cần tìm ra được đúng KSFs (Key Success Factors: Các nhân tố thành công chủ yếu) của startups, vào đúng thời điểm. Từ đó tập trung đạt được từng KSFs đó, thông qua việc thực hiện hiệu quả các chu kì PDCA (Plan-Do-Check-Act Cycle).

Kiên trì thực thi nghiêm túc chu kỳ PDCA, lần lượt đạt được những "small-win" (chiến thắng nhỏ), các kế hoạch đã đề ra một cách rõ ràng, không ngừng hoàn thiện sản phẩm vì người dùng, với một tầm nhìn dài hạn bền vững, sẽ đưa startup tới thành công.

Cuối cùng, tôi luôn nghĩ rằng, để xây dựng được một doanh nghiệp phát triển bền vững, thành trụ cột "xương sống" của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới, tất cả chúng ta rất cần bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ!