"Để cuộc đời quật cho thì mới học được về tiền" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

"Để cuộc đời quật cho thì mới học được về tiền"

Tôi chắc mình sẽ không nói với con về tiền. Vì đấy là thứ chắc là học qua lý thuyết không nổi, chỉ có để cuộc đời quật cho rồi mới học được thôi.
"Để cuộc đời quật cho thì mới học được về tiền"

Nguồn: Đinh Đức Hoàng

Tôi bắt đầu đọc những bài viết đầu tiên của anh Đinh Đức Hoàng qua mục Góc nhìn của một tờ báo. Lúc đó, ấn tượng của tôi về những con chữ của anh là sự sắc bén và thẳng thắn, đủ sức thuyết phục nhưng cũng đầy mềm mỏng.

Một thời gian sau theo dõi trang cá nhân của anh, tôi nhận ra ở những câu từ của anh không chỉ là sức nặng mà còn có cả những câu chuyện hài hước và đầy nhân văn. Có lẽ, phần lớn độc giả của Đinh Đức Hoàng (hay Hoàng Hối Hận) đã quen với một lối viết chia sẻ như thế ở anh.

Vậy nên, ở bài viết này, tôi muốn tạm đặt sang một bên những góc nhìn hay câu chuyện mang tính xã hội, thời sự. Đây đơn giản chỉ là một cuộc hội thoại của người phỏng vấn và một cây bút chuyên nghiệp kỳ cựu xoay quanh vấn đề tài chính cá nhân, nhưng mong rằng bạn sẽ luôn tìm thấy những thông tin hữu ích như ở những bài viết khác của anh.

1. Kỹ năng nào giá trị nhất trong sự nghiệp của anh?

Tôi nghĩ là kỹ năng đọc. Nghiêm túc với kỹ năng này và bạn sẽ có thể làm chủ bất kỳ kỹ năng nào khác. Thời vận có thể thay đổi, công việc có thể thay đổi và chúng ta rất có thể sẽ phải thay đổi theo.

Khả năng đọc, bao gồm chọn thứ để mà đọc, ghi nhớ và liên hệ nó với cuộc sống, cho phép bạn ứng biến kịp với thời đại.

2. Khoản đầu tư nào anh thấy đáng tiền nhất?

Mua một cái Kindle. Đấy là thứ mà nếu bạn sử dụng thì chắc chắn là lãi. Đời tôi không mất cái gì tiếc như mất cái Kindle, kể cả khi làm ăn thua lỗ.

3. Nếu như có 1 lời khuyên về tiền mà anh chắc chắn phải nói cho con cháu của mình, đó là gì?

Tôi chắc mình sẽ không nói với con về tiền. Vì đấy là thứ chắc là học qua lý thuyết không nổi, chỉ có để cuộc đời quật cho rồi mới học được thôi.

Tôi đến giờ còn chưa quyết định được thái độ ứng xử đúng mực với đồng tiền, mà tôi nghĩ là hầu hết mọi người đến gần đất xa trời rồi cũng không quyết được.

4. Lời khuyên về sự nghiệp tệ nhất mà anh từng nghe?

Tôi nghĩ lời khuyên tệ nhất về sự nghiệp mà hầu hết mọi người đã từng nghe, là đi tìm một "công việc ổn định."

Tôi đã chứng kiến lời khuyên này, và nỗ lực áp đặt này từ phụ huynh, làm u ám không biết bao nhiêu cuộc đời, biến những thanh niên đầy năng lượng thành zombie thậm chí còn không có khả năng tự hỏi mình đang là ai.

alt
Nguồn: Đinh Đức Hoàng

Có lẽ là thế hệ trước chúng ta đã trải qua quá nhiều biến động, và có thể thông cảm được nếu họ mong cầu sự bình an. Nhưng ngày nay, tôi rất nghi ngờ lời khuyên này, vì bản thân xã hội hiện đại rất thù địch với sự ổn định: nó đề cao sự tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo, thay thế. Nó không có nhu cầu với những thứ đứng yên.

Thứ hành vi kinh tế tạm gọi là “ổn định” nhất trong xã hội ngày nay, là đem tiền gửi ngân hàng, thực chất cũng là tăng trưởng 7-8% một năm. Mà làm thế bây giờ là bị kỳ thị lắm rồi. Tăng trưởng gấp đôi sau 10 năm mà còn bị coi là lạc hậu, thì bạn đòi đứng yên thì lấy đâu ra chỗ mà đứng.

5. Anh có nắm được số tiền chi tiêu hằng tháng của mình không?

Tôi không nắm được. Tôi tính toán sổ sách theo năm. Kiểu năm nay mình để ra được bao nhiêu, các khoản để ra này đến từ đâu, sang năm phải tối ưu nguồn thu này mới được. Năm nay không để ra được chứng tỏ công việc hiện tại chỉ đủ nuôi sống nhu cầu cá nhân, mà thế thì không ổn, tìm việc khác mà làm thôi. Đại loại vậy.

Với tôi như thế thì dễ quy hoạch cuộc đời hơn. Chứ hàng tháng thì tôi không lên chiến lược được. Có lẽ nhiều người làm được, và họ cải thiện được tài chính cá nhân theo tháng, tôi thì không quản trị tốt như thế.

6. Thứ gì đắt tiền anh đã mua mà thấy phí?

Có lẽ là máy ảnh. Tôi có có 3-4 đời máy ảnh. Cũng không đắt lắm. Nhưng có những thú chơi đòi hỏi sự nghiêm túc và đầu tư thời gian, tiền thôi thì không đủ.

Tôi trước cũng như nhiều bạn bè, đặc biệt là cánh nam giới, coi thiết bị điện tử là một phương thức giải trí, nhưng thực chất nó vẫn là một công cụ. Nó phải phục vụ cho một nhu cầu một đam mê có sẵn, chứ mua cái thiết bị mấy chục triệu về năm dùng 1-2 lần một cách gượng gạo thì phí tiền lắm (vì mình cũng có thời gian tìm hiểu lý thuyết đâu).

7. Anh cân bằng thế nào giữa công việc và cuộc sống?

Mục tiêu cuối cùng tôi hướng đến là khiến chúng hợp thể với nhau càng nhiều càng tốt. Bây giờ thì chưa, vẫn có những đầu công việc hoàn toàn là nghĩa vụ. Nhưng nếu trong công việc, bạn được học, bạn được đi, bạn được chơi, bạn được vui vầy với thế giới nội tâm của mình, thì nó là một phần đời sống đáng quý.

alt
Góc làm việc ở nhà của Đinh Đức Hoàng | Nguồn: Đinh Đức Hoàng

Bạn đã gặp những người thợ, ví dụ thợ thủ công hay thợ sửa xe, thực sự nheo mắt nhìn thứ đồ lem nhem mình cầm trên tay như một người bạn của họ chưa? Còn hiện tại, tôi mà mở mồm ra nói về sự cân bằng thì bạn bè sẽ cười mất.

8. Anh xem những khoản nợ nào là tốt, và những khoản nào là xấu?

Chắc chỉ có 2 tiêu chí để xem xét một khoản nợ: chi phí phục vụ nợ (đầu vào) và triển vọng thu lợi từ khoản nợ đó (kết quả).

Vay kinh doanh thì không bàn nhé, vì nó có những dữ liệu cụ thể để tính toán. Tôi chỉ vay tiêu dùng, nếu cái món đồ đó giá trị sử dụng tính bằng nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Ví dụ vay xây nhà, mua nội thất hay thậm chí theo đúng lý thuyết đó thì vay mua tranh cũng được – giá trị vẫn tính bằng thập kỷ. Bạn trả nợ cho một mục tiêu dài hơi.

Tốt nhất là chúng ta nên trả nợ khi thứ chúng ta dùng tiền vay để mua vẫn còn đang hiện hữu ở đó. Một khoản nợ xấu có lẽ là khoản nợ mà bạn đã xài hết khấu hao thứ bạn đã mua rồi mà vẫn đang phải trả nợ.

Cho dù đó là máy móc sản xuất (trong kịch bản vay kinh doanh), xe hơi, túi xách, điện thoại, hàng hóa tiêu dùng nhanh. Lúc đó chi phí phục vụ nợ không chỉ có tiền, mà còn tâm lý nữa, rất mệt mỏi.

9. Tài sản vô hình giá trị nhất mà anh sở hữu là gì?

Đó là các liên hệ. Danh bạ có lẽ là thứ tài sản vô hình giá trị nhất, kể cả ở khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh tinh thần mà một người trong xã hội hiện đại có thể có được. Và nó là tài sản có được qua sự đầu tư nhiều năm tháng, bằng sức lực tiền bạc và cả tình cảm.

Ở khía cạnh kinh tế thì thôi khỏi giải thích rồi, tôi tự tin quy hoạch đời mình là nhờ vào một danh bạ khổng lồ các mối quan hệ. Nhưng thứ tài sản này không chỉ phát huy giá trị khi bạn cần đến sự trợ giúp trên đường đời. Nó thường xuyên giúp bạn nhắc nhở chính mình là ai.

alt
Nguồn: Vietcetera

Đôi lúc, tôi nhận một tin nhắn từ một nhân vật rất xa xưa, mười mấy năm trôi qua, cảm ơn tôi vì những dòng đã viết năm đó. Một lúc khác, tôi nhận lời thăm hỏi và rủ đi cà phê từ một người mà tôi đã quên, và rồi chúng tôi ngồi ôn lại những gì đã qua, làm tôi nhớ lại rất nhiều điều mà mình đã trót quên.

Trong đời này quên mất mình đã từng sống thế nào là một dạng bi kịch nguy hiểm và phổ biến.

10. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?

Tôi vẫn làm công việc hiện tại, là người viết thôi.

Tôi vốn làm nó từ đầu vì thấy ý nghĩa của việc kể lại được câu chuyện của mình, và của người khác, những người không tự kể được chuyện của họ, chứ không phải vì kiếm được tiền hơn công việc khác.