Giàu có hay giàu nợ? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
30 Thg 03, 2021

Giàu có hay giàu nợ?

Lãi suất thực của khoản vay có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần lãi danh nghĩa.
Giàu có hay giàu nợ?

Nguồn: Bling Empire (2021), Netflix

Chúng ta thường bị ấn tượng về sự giàu có qua các tài sản mà ai đó đang sở hữu hay sử dụng như nhà to đẹp, xe sang, phụ kiện và đồ dùng đắt tiền. Nhưng làm sao biết đó là tài sản ròng (NAV) hay sức khỏe tài chính thực sự của họ? Vì sao có những người rất giàu nhưng lại chọn sống giản dị?

Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng Ngốc áp dụng bảng cân đối tài sản mà các doanh nghiệp đang làm vào tài chính cá nhân nhé.

Ba nốt nhạc về bảng cân đối tài sản

Bảng cân đối tài sản là một trong những báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhằm cung cấp thông tin về tình trạng tài chính tại một thời điểm nào đó, như cuối quý hay cuối năm. Có 3 mục quan trọng nhất trong bảng cân đối tài sản là:

  • Tổng tài sản (assets, A)
  • Nợ (trách nhiệm phải trả, liabilities, L)
  • Vốn chủ sở hữu (owner's equity, E)

Một nguyên tắc bất di bất dịch là tổng tài sản sẽ bằng tổng nợ cộng với vốn chủ sở hữu, được thể hiện qua công thức kinh điển A = L + E.

Chẳng hạn như khi bạn thành lập 1 công ty, phần vốn bạn tự bỏ ra là 1 tỷ đồng, bạn vay thêm của ngân hàng 500 triệu, khi đó tổng tài sản của công ty sẽ là 1,5 tỷ đồng.

Nguyên tắc là vậy, nhưng những ai đã từng học qua kế toán chắc phải ít nhất một lần trải qua cảm giác điên đầu khi 2 cột của bảng cân đối tài sản không cân bằng nhau. Lúc đó, ước gì có người giúp mình, mình sẵn lòng trả công hậu hĩnh!

Tổng tài sản tăng = Giàu lên?

Vì nguyên tắc cân bằng nên khi tổng tài sản tăng, chỉ có thể có các khả năng sau xảy ra: tăng vốn, tăng nợ, hay tăng cả vốn lẫn nợ.

Và có một điểm quan trọng ở đây mà ít người để ý là: tài sản đó tăng mạnh là từ đâu? Từ vốn chủ sở hữu hay từ vay nợ mà hình thành?

Nhiều doanh nghiệp thường đưa ra con số tổng tài sản để tạo ấn tượng với công chúng. Nhưng đối với những người có hiểu biết nhất định, họ cần biết doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực nào, tỷ lệ đòn bẩy (nợ/vốn) là bao nhiêu. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng, bảo hiểm, thường có tổng tài sản rất lớn là vì họ có tỷ lệ đòn bẩy cao.

Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản vì vốn chủ sở hữu âm, tổng nợ và các khoản phải trả lớn hơn tổng giá trị tài sản.

Điển hình là nhiều doanh nghiệp bị phá sản qua đợt dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực hàng không, nhà hàng, du lịch. Một hãng hàng không dù bay hay không thì các chi phí cố định rất lớn, khi các tài sản đang sở hữu bị sụt giá mạnh trên thị trường thì rất dễ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Áp dụng bảng cân đối tài sản với cá nhân

Nhìn ở góc độ tình trạng tài chính tại một thời điểm thì bảng cân đối tài sản của một cá nhân cũng sẽ không khác gì mấy bảng cân đối tài sản của một doanh nghiệp. Nói như vậy là bởi vì trong bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp, có những khoản mục đặc thù hơn như khấu hao, lợi thế thương mại, tài sản vô hình.

Nhưng một cách đơn giản thì nhiều khoản mục quan trọng của bảng cân đối tài sản doanh nghiệp là y hệt nếu áp dụng cho cá nhân.

Tài sản của một cá nhân không chỉ là tiền mặt, các khoản đầu tư, các tài sản có giá trị lớn lâu bền như bất động sản, mà còn là các khoản phải thu.

Tuy vậy, ít người tính được giá trị ròng của tài sản vì có nhiều loại tài sản bị giảm giá qua quá trình sử dụng, không được khấu hao như doanh nghiệp. Mua một chiếc xe ô-tô mới, khi vừa lăn bánh là bạn phải chấp nhận mất giá 5-10%, chạy sau khoảng 3 năm là đã mất đi 30%-50% giá trị của chiếc xe.

Ngoài ra, tài sản cá nhân cũng còn bao gồm những tài sản vô hình như những tác phẩm, bản quyền, bằng sáng chế cá nhân. Gần đây, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đã rất thành công trong việc viết các ứng dụng di động, nhiều bạn đã trở thành hiện tượng khi đóng thuế khủng.

Các nghĩa vụ phải trả (nợ) của cá nhân thì còn dễ bị bỏ sót hơn. Không chỉ các khoản nợ vay phải trả bao gồm nợ gốc và lãi, thậm chí lãi phạt khi nợ quá hạn, mà còn có các khoản phải trả khác. Với cá nhân, đó có thể là các khoản chi hiếu hỉ, các khoản nợ ân nghĩa, các khoản phải trả hay thanh toán trong vòng những tháng tới.

Do đó, muốn biết được giá trị tài sản ròng hay vốn chủ sở hữu của một người cần tính đủ và đúng giá trị các tài sản hiện có cũng như các khoản phải trả. Lấy một ví dụ đơn giản một người đang sở hữu một chiếc xe hơi đẹp, nhưng là mua trả góp thì trong những tháng đầu, giá trị ròng của chiếc xe mà người đó sở hữu là rất thấp, vì phần lớn giá trị tài sản là nợ.

Giàu có hay giàu nợ?

Trong tiếng Anh, khi nói về "giàu", người ta có 2 từ khác nhau là “rich” và “wealth”.

Từ thứ nhất chỉ về giá trị bên ngoài của của tài sản, cái mà mọi người dễ nhìn thấy; còn từ thứ hai là chỉ về tài sản ròng, sự giàu có. Vì vậy có thể có 2 trường hợp là giàu có và giàu nợ.

Giàu nợ là giá trị tài sản nhiều, nhưng phần lớn là hình thành từ nợ. Trong khi đó, giàu có mới là giàu thực sự vì đó là vốn chủ sở sữu, là tài sản ròng của người đó.

Đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 đã cho thấy sự nguy hiểm khi phần lớn tài sản hình thành từ nợ.

Nhiều người trước khi khủng hoảng có thu nhập rất cao, nên dễ dàng vay từ ngân hàng để mua nhà to xe đẹp. Có những gia đình chỉ 1, 2 con nhưng mua những căn nhà có vườn rộng rãi, 5-6 phòng ngủ, có khi có cả hồ bơi. Rồi xe xịn thì đổi liên tục sau 2 hay 3 năm, còn các chuyến du lịch sang trọng thì được trả bằng các khoản vay.

Rồi khi khủng hoảng ập đến, hoặc bị mất việc hoặc thu nhập bị giảm đáng kể, các khoản nợ phải trả định kỳ trở thành một gánh nặng, không trả nổi thì bị xiết nhà, xiết xe.

Nhưng giàu nợ không phải lúc nào cũng xấu. Trong tài chính, việc sử dụng đòn bẩy là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp khuếch đại lợi nhuận để từ đó tăng tài sản, nhưng nó cũng có thể làm thiệt hại trở nên tồi tệ hơn. Khi một người có thể tận dụng được cơ hội sử dụng đòn bẩy tốt, thì đó cũng là một con đường giúp họ nhanh chuyển từ giàu nợ sang giàu có.

Nhìn nhận cái sự giàu

Tài sản là biểu hiện của cái sự giàu, và hiểu biết về nguồn gốc tạo nên tài sản là điều hết sức cần thiết.

Nếu nguồn gốc của giàu là từ vốn chủ sở hữu thì đó là điều quá tốt, vì đó đúng nghĩa là giàu có. Còn nếu phần lớn tài sản được hình thành từ nợ thì đó là một điều cần e ngại, vì đó là giàu nợ.

Để từ đó, chúng ta không bị quá ấn tượng về sự hào nhoáng khi thấy tài sản bề ngoài của một ai đó. Và ai đó nếu muốn dùng tài sản bề ngoài để tạo ấn tượng thì cũng cần lưu ý. Vì nếu tài sản tạo từ nợ thì sẽ đi kèm việc trả lãi. Nếu tài sản đó không tạo được giá trị gia tăng, giá trị của nó còn giảm mạnh theo thời gian.

Đặc biệt là đối với các khoản vay. Khi chưa hiểu hết cách tính lãi của bên cho vay, chúng ta có thể không biết được rằng lãi suất thực của khoản vay có thể gấp hàng chục, hàng trăm lần lãi danh nghĩa.

Những bạn nào đã từng sống ở những quốc gia Tây Âu, Bắc Âu, có lẽ hiểu được vì sao phần lớn những người khá giả lại sống đơn giản trong chuyện căn nhà, chiếc xe, quần áo, túi xách.