“Giàu - nghèo không nằm ở số tiền bạn có, mà nằm ở tư duy sử dụng đồng tiền” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

“Giàu - nghèo không nằm ở số tiền bạn có, mà nằm ở tư duy sử dụng đồng tiền”

Với người đứng đầu KASIKORNBANK chi nhánh TPHCM, trưởng thành về tài chính là một quá trình liên tục, dù trẻ hay già.
“Giàu - nghèo không nằm ở số tiền bạn có, mà nằm ở tư duy sử dụng đồng tiền”

Nguồn: Nhân vật cung cấp.

Tổng Giám đốc KASIKORNBANK (KBank) chi nhánh TPHCM Chatuporn Boozaya-Angool có hai cuộc đời gắn với đồng tiền.

Một là cuộc đời của người làm công, bắt đầu với vị trí chuyên viên và nay là giám đốc chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài. Hai là hành trình học cách sống chung với tiền như một người bạn đời - một thứ giúp ông không chỉ hoàn thiện bản thân, đảm bảo việc mưu sinh mà còn là một công cụ để giáo dục con cái.

Và dù với cuộc đời nào, tiền đều có một đặc điểm không đổi. Nó là cách để một Chatuporn hướng nội thể hiện quan điểm, tính cách cá nhân trong việc làm chủ và xử lý các vấn đề trong cuộc sống.

Nhân những ngày chi nhánh TPHCM của ngân hàng lớn nhất Thái Lan chính thức ra mắt vào tháng 8, Vietcetera đã có cơ hội gặp Chatuporn, và nghe ông chia sẻ nhiều hơn về những điểm nhìn này.

1. Một bài học về tài chính mà ông thường tâm niệm?

Tôi thực sự khuyên bạn nên bắt đầu đọc cuốn sách mang tên "Rich Dad Poor Dad" của Robert Kiyosaki. Một cuốn sách hay, nói về kiến thức tài chính cá nhân.

Lý do tôi cảm thấy bị ấn tượng với nội dung quyển sách là vì sự đồng cảm của tôi với cách tiếp cận của nó.

Tác giả lớn lên với 2 người cha. Một là người cha thực sự của anh ấy - "người cha nghèo" và người thứ 2 là bạn của cha anh ấy - "người cha giàu". Ông Robert giải thích sự khác nhau trong suy nghĩ về tiền bạc giữa người giàu và người nghèo.

Trong đó, có một đoạn trích tôi nhớ nhất, cũng có thể là một tóm tắt quan trọng cho nội dung sách. Đó là "Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản mà họ cho là tài sản, người nghèo chỉ toàn trả chi phí”. Điều này đã giúp tôi khai sáng và giúp tôi cải thiện cách quản lý tài chính cá nhân.

2. Nếu như được quay về 23 tuổi, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Với tôi, kiếm tiền khó và dùng tiền cũng khó như vậy. Khi còn trẻ, tôi cũng có nhiều lúc sử dụng tiền không hợp lý. Đơn cử như thử những trải nghiệm lạ và thú vị, mua những cái mình thích để thỏa mãn đam mê, và để cảm thấy không thua kém bạn bè.

Lúc ấy tôi quan niệm rằng tiền cứ tiêu thoải mái, phần còn lại của lương hay thu nhập sẽ tiết kiệm sau. Điều này tạo thành một cái bẫy tuần hoàn. Một sai lầm khác là tôi luôn trông đợi tài khoản của mình được cấp thêm tiền mỗi cuối tháng bởi vì tôi không bao giờ chừa lại quá nhiều tiền trong ví cũng như trong tài khoản.

Mặc dù tôi có tăng thêm thu nhập theo thời gian, tôi vẫn cảm thấy rằng mình luôn cần tiền.

Nhìn lại mình năm 23 tuổi, tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng “Hãy chi tiêu thông minh với phương pháp ví tiền 3 ngăn”. Nếu chi tiêu là dấu trừ, đầu tư là dấu cộng thì tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu giống như dấu bằng vậy. Hãy cố tăng dấu cộng, giảm dấu trừ và chú ý tới dấu bằng.

Ngoài ra, kế hoạch cân bằng này cũng có thể thực hiện đơn giản, bằng việc lên kế hoạch và chia tiền lương thành ít nhất 3 phần: một là cho chi tiêu hàng ngày, hai là cho đầu tư và cuối cùng là cho việc nghỉ hưu.

alt

3. Khoản nợ lớn nhất trong quá khứ của ông là gì?

Khoản nợ lớn nhất trong quá khứ của tôi là khoản vay mua nhà. Nhưng đến nay, tôi vẫn không hối hận về điều này. Đơn giản vì sở hữu một căn nhà là ước mơ của tôi từ thuở bé.

Với tôi, ngôi nhà không chỉ là tài sản mà còn là nơi để ở, là nơi các thành viên gia đình sum tụ, những đứa trẻ lớn lên và sống trong tình yêu thương. Tôi gọi đây là “tổ ấm”.

Có nhiều tranh cãi về chủ đề liệu rằng một người chỉ nên sở hữu nhà, hay dành tiền để đầu tư vào những kênh khác. Tuy nhiên, dường như không có câu trả lời nào là phù hợp cho tất cả mọi người.

Tôi nghĩ điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài sự ổn định tài chính như là lối sống, mục tiêu cuộc đời, và cảm xúc. Về phần mình, tôi biết mục tiêu cuộc đời là tự mình sở hữu một căn nhà.

Bản thân tôi từ sớm cũng đã có một kế hoạch tài chính để đạt được nó. Vay tiền không có gì là xấu, tôi đã làm việc chăm chỉ và thực hiện theo kế hoạch này để đạt được trạng thái cân bằng như bây giờ.

4. Vậy cách ông chi tiêu ở thời điểm hiện tại khác thế nào với năm 20 tuổi?

Tôi vẫn giữ quy tắc chia thu nhập và thiết lập mục tiêu để tiết kiệm. Tuy nhiên, những mục tiêu của tôi cũng khác đi so với trong quá khứ. Hiện tại, tôi đã có nhiều mục tiêu cho việc đầu tư, cho gia đình và cho giai đoạn nghỉ hưu.

Ngoài ra, mối quan tâm của tôi khi chi tiêu cũng thay đổi rõ rệt.

Khi tôi còn trẻ, tôi chỉ nghĩ về chức năng của đồ vật khi mua. Tôi không yêu cầu gì nhiều về hạn sử dụng của đồ vật hoặc trải nghiệm mà chúng mang lại.

Đến tuổi này, tôi bắt đầu cân nhắc lại về điều đó. Tôi tập trung vào các yếu tố như hạn sử dụng, trải nghiệm, tính bền vững và chức năng. Kiểu dáng và màu sắc cũng là mối quan tâm thứ hai của tôi. Sở hữu một đồ vật chất lượng cao và đáng giá dạy tôi về cách đầu tư hiệu quả.

5. Có gì mà tiền không mua được?

Đó chắc chắn là thời gian!

Bạn phải quản lý thời gian rất tốt để có thể có thời gian chất lượng nhất. Tôi thường có một danh sách những mục tiêu của mình trong ngày và cố gắng hoàn thành chúng.

Chỉ cần cố gắng dành khoảng 15 phút vào buổi sáng ngay khi vừa ngủ dậy để viết ra bất kỳ đầu việc nào tôi nghĩ ra, chưa cần quan tâm đến việc chúng quan trọng hay khẩn cấp. Bởi tôi biết trong ngày, mình có thể sắp xếp chúng sau.

Tiếp đó, tôi bắt đầu ngày của mình với những đầu việc tôi nghĩ là quan trọng nhất và sợ rằng mình không thể hoàn thành nhất.

Tôi đã áp dụng phương pháp này trong nhiều năm và nhận ra nó thật sự cải thiện cuộc sống của mình. Kỷ luật bản thân cũng là yếu tố then chốt giúp tôi làm nhiều thứ một cách hiệu quả.

alt

6. Bài học đầu tiên về tiền ông dạy con cái là gì?

Tôi thường khuyến khích con cái hiểu cách kiếm tiền trước khi học cách sử dụng tiền. Nhờ đó, chúng sẽ hiểu giá trị thực sự của tiền.

Con trai tôi chỉ mới 5 tuổi, nhưng tôi vẫn dạy thằng bé hiểu giá trị của đồng tiền. Tôi thường để con dùng tiền của mình để tự mua thứ gì đó, thay vì đòi cha mẹ tiền hoặc đòi cha mẹ mua cho.

Thằng bé có thể làm việc nhà, chăm sóc ông bà để có tiền. Tôi cũng để con tự tiết kiệm tiền để mua một món đồ chơi. Thằng bé rồi sẽ nhận ra liệu khoản tiết kiệm của mình có đáng để sử dụng hay không.

7. Trở về tuổi 20 với vốn kiến thức hiện có, hoặc già thêm 20 tuổi nhưng sở hữu 1 tỷ USD. Ông chọn cái nào?

Tôi sẽ chọn trở lại tuổi 2o với vốn kiến thức hiện có.

Nếu đặc quyền của người trẻ là quyền sai, nhưng có thời gian học hỏi và bắt đầu lại từ đầu, thì món quà của người lớn chính là "kinh nghiệm sống". Kinh nghiệm sống là người thầy tốt nhất. Bạn càng già đi, bạn càng học được nhiều hơn.

Có rất nhiều kiến thức có thể học được từ sách, nhưng cũng có nhiều bài học khác mà bạn phải va vào thực tế, vấp ngã một lần, hai lần hoặc thậm chí nhiều lần trước khi bạn có thể phát triển.

Vì vậy, tôi không vội "lớn lên" từ việc nhận kiến thức từ người khác, mà tôi sẽ đi theo con đường của những người bình thường. Đó là trưởng thành và trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình theo thời gian.