Từ nhỏ mình đã là một đứa nhóc thừa năng lượng. Ba mẹ phải cho mình đi học võ để xả bớt sự hiếu động đó. Thể thao với mình vì vậy tự nhiên như hơi thở. Từ học võ, đá banh, bơi lội, chạy bộ, leo núi, đạp xe… môn nào mình cũng chơi. Nhưng ba mẹ mình có một chính kiến rất rõ ràng:
Dù thích thế nào cũng không được theo đuổi thể thao chuyên nghiệp, con phải đi học.
Đối diện với thực tế
“Vận động viên để lên được trình độ có thể sống tốt bằng nghề, rất cạnh tranh, phải là những ngôi sao hàng đầu. Chưa kể sự nghiệp của vận động viên không dài, chỉ từ 5 năm đến 10 năm nếu may mắn, nếu không xuất sắc con còn bị đào thải sớm hơn. Rồi sau đó con sẽ làm gì?”
Những lời của ba mẹ cứ mắc kẹt trong đầu mình như cái băng bị hỏng chỉ tua đi tua lại đúng một đoạn. Mình ngẫm thấy cũng đúng. Không trả lời được câu hỏi “rồi sẽ làm gì?”, đứa trẻ 17 tuổi cuối cùng đã đưa ra quyết định… đi Mỹ du học ngành dinh dưỡng, trong đó có học về dinh dưỡng thể thao.
Suốt những năm đại học, mình vẫn cố gắng duy trì lối sống siêng vận động. Mỗi ngày, mình thức dậy lúc 4, 5 giờ sáng, hoàn thành buổi chạy trước 7 giờ để kịp tới lớp hoặc dành thời gian học ở thư viện. Tới buổi chiều mình tập đấm bốc cho các cuộc thi ở trường và đi làm thêm buổi tối. Nhịp sống ấy làm mình nghĩ mọi thứ có vẻ đã ổn định - vừa đảm bảo tương lai, vừa giữ được đam mê thể thao.
Nhưng đến gần thời điểm tốt nghiệp, câu hỏi “Mình sẽ làm gì tiếp theo?” lại một lần nữa trỗi dậy.
Ở lại Mỹ làm bác sĩ dinh dưỡng? Mình hình dung tới một viễn cảnh ngột ngạt gồng gánh khoản nợ mua nhà, mua xe suốt 30 năm.
Theo đuổi boxing chuyên nghiệp? Một chấn thương đã dập tắt ước mơ đó.
Quay về Việt Nam, mình đã thử làm việc tại khoa dinh dưỡng ở một bệnh viện công nhưng hoàn toàn lạc lõng trong môi trường làm việc. Những cánh cửa cứ dần đóng lại từng cái một.
Đường vòng đến đam mê
Sau nhiều chần chừ, cuối cùng mình cũng chọn về kế nghiệp gia đình, quản lý nhà hàng và công ty xuất nhập khẩu. Nhưng cánh cửa này cũng chưa dẫn mình tới lối đi phù hợp.
Ban đầu, công việc không mấy áp lực vì mình là con của chủ doanh nghiệp. Nhưng cảm giác an toàn đó nhanh chóng biến mất, thay vào đó là cú sốc thiếu kinh nghiệm và kiến thức khiến mình loay hoay giữa thị trường kinh doanh rộng lớn.
Bên dưới phần đa nhân sự lớn tuổi không tin vào những đề xuất của mình. Còn bên trên, gia đình vẫn nhìn mình như một đứa trẻ non nớt, chưa đủ năng lực để đảm nhận các quyết định quan trọng. Mắc kẹt giữa hai tầng áp lực, câu hỏi năm xưa lại treo lơ lửng trên đầu: Rồi mình sẽ làm gì?.
Nhưng chắc là như người ta vẫn hay nói điều tuyệt vời được để dành đến sau cùng.
Cơ hội thực sự đến với mình khi Decathlon – thương hiệu bán lẻ thể thao hàng đầu của Pháp mở rộng thị trường tại Việt Nam. Với nền tảng hiểu biết về văn hóa Pháp và niềm đam mê thể thao, mình trở thành một ứng viên phù hợp được chọn vào đội ngũ tiên phong.
Công việc này tựa như một "sân chơi" lý tưởng, để mình có thể phối hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức dinh dưỡng và đam mê thể thao vào công việc quản lý. Và mình đã gắn bó với Decathlon suốt 6 năm qua – khoảng thời gian mà mình cảm nhận được sự trưởng thành trong từng bước đi.
Huấn luyện viên trong trận đấu thực tế
Decathlon giúp mình học được nhiều bài học lớn, nhưng quan trọng nhất là bài học về con người. Mình hiểu rằng ai cũng cần thời gian để “ngã” và tự đứng dậy, để từ những lỗi sai mà chạm đến bản lĩnh. Công việc của mình như một “huấn luyện viên” trên sân đấu – phải tinh tường nhận ra điểm mạnh, đặt đúng người vào đúng vai trò để đội nhóm bên dưới tỏa sáng.
Và chính mình cũng trở thành huấn luyện viên cho bản thân. Tận dụng được vốn hiểu biết từ quá trình va vấp bên ngoài, mình đã trở lại tham gia điều hành nhà hàng của gia đình với một góc nhìn dày dặn kinh nghiệm hơn xưa, hy vọng sẽ đưa được việc kinh doanh ngày càng chuyên nghiệp và phát triển thêm.
Nhìn lại cả tuổi trẻ của mình, đó không phải là một cuộc chạy đua điên cuồng với đam mê, cũng không phải hành trình sống chỉ vì lý trí. Hai yếu tố tưởng chừng như mâu thuẫn lại bổ trợ cho nhau và có thể giữ thế cân bằng.
- Đam mê cần được hỗ trợ bởi thực tế, để không chết yểu giữa những giấc mơ viển vông.
- Thực tế cần được nuôi dưỡng bởi động lực từ đam mê, để không biến cuộc sống thành một chuỗi ngày vô vị.
Giấc mơ của mình chưa bao giờ mất đi. Nó chỉ chọn một con đường khác để trưởng thành, vững vàng hơn.
Chấp bút từ lời kể của anh Adams Bảo.