Hồ sơ Uber: Có gì trong 124.000 tài liệu vừa được tiết lộ?  | Vietcetera
Billboard banner

Hồ sơ Uber: Có gì trong 124.000 tài liệu vừa được tiết lộ? 

Lách luật, lừa cảnh sát, vận động hành lang... là cách hãng xe công nghệ bành trướng toàn cầu?
Hồ sơ Uber: Có gì trong 124.000 tài liệu vừa được tiết lộ? 

Nguồn: Lucy Naland/Getty/Uber screenshots/iStock. 

1. Điều gì vừa xảy ra?

Ngày 10/07, tờ Guardian (Anh) vừa dẫn đầu cuộc điều tra cũng như chia sẻ dữ liệu với ICIJ và nhiều hãng tin tức, thông tấn khác về Hồ sơ Uber.

Theo đó, loạt tài liệu cho thấy Uber - hãng xe công nghệ của Mỹ đã lách luật, lợi dụng vấn đề bạo lực với các tài xế, vận động hành lang quan chức các nhà nước để mở rộng quy mô trên toàn cầu.

Hồ sơ này gồm hơn 124.000 tài liệu nội bộ kéo dài từ năm 2013-2017 (thời Travis Kalanick lãnh đạo) liên quan đến hoạt động của Uber tại hơn 40 quốc gia.

Ngoài các bản ghi nhớ, bài thuyết trình, Hồ sơ Uber còn bao gồm 83.000 email và 1.000 tài liệu khác gồm các tin nhắn iMessages và WhatsApp.

2. Hồ sơ Uber gồm những nội dung gì?

Hồ sơ Uber cho thấy lãnh đạo công ty này đã cố gắng đưa dịch vụ gọi xe vào các thành phố trên khắp thế giới, bất chấp điều đó vi phạm luật và quy định về taxi.

Công ty này đã bí mật tiếp cận các thủ tướng, tổng thống, tỷ phú, nhà tài phiệt và các ông trùm truyền thông… để vận động hành lang và tìm kiếm sự ủng hộ.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo Uber với những nhân vật quyền lực như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (khi còn là Bộ trưởng Kinh tế Pháp), Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden (khi còn là phó tổng thống) đã diễn ra trong thời gian 2013 -2017. Nhiều chính trị gia đã "bật đèn xanh" hoặc tán thành với những chiến lược của Uber.

Được biết, hơn 90 triệu USD đã được Uber chi ra trong năm 2016 để vận động hành lang cũng như quan hệ công chúng cho các chiến dịch khác tại châu Âu. Uber cũng thuyết phục thành công chính phủ một số nước sửa đổi hoặc cải cách luật pháp có lợi cho công ty này.

Các email nội bộ cho thấy lãnh đạo và nhân viên của Uber đã thực hiện các hoạt động trái quy định ở các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... Các văn phòng của Uber ở nhiều nước cũng tìm cách cản trở việc thực thi luật pháp, hay chống đối những cuộc kiểm tra bất ngờ của chính quyền sở tại.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng nổi bật trong Hồ sơ Uber là việc lợi dụng vấn đề bạo lực với các tài xế. Theo Washington Post, lãnh đạo của Uber đã tận dụng các lợi thế khi tài xế bị tấn công để tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng và cơ quan quản lý khi họ thâm nhập vào thị trường mới.

3. Những người liên quan phản hồi thế nào?

Khi vụ rò rỉ xảy ra, đại diện Uber đã thừa nhận những sai lầm trong quá khứ. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi từ khi giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi lên lãnh đạo từ năm 2017.

Uber tuyên bố: "Chúng tôi chưa từng và sẽ không bào chữa những hành vi trong quá khứ, vốn rõ ràng là không phù hợp với giá trị hiện tại của chúng tôi."

Đại diện của nhà đồng sáng lập Travis Kalanick được nhắc đến trong tài liệu kể trên cũng đã có những phản hồi. Theo đó, các sáng kiến mở rộng của Uber được dẫn dắt bởi hơn 100 lãnh đạo ở hàng chục quốc gia trên thế giới. Những quyết định của Uber cũng luôn chịu sự giám sát trực tiếp và với sự chấp thuận đầy đủ của các nhóm pháp lý.

Văn phòng Tổng thống Emmanuel Macron giải thích rằng vào giai đoạn nói trên, ông Macron - với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế - đã tiếp xúc một cách tự nhiên với nhiều công ty liên quan đến sự thay đổi sâu sắc trong các dịch vụ đã xảy ra trong những năm đó.

4. Nền kinh tế tạm bợ có đang lung lay?

Hồ sơ Uber còn nhắc đến một chi tiết liên quan đến cuộc gặp gỡ giữa nhà sáng lập Uber - ông Travis Kalanick và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo đó, sau khi gặp Kalanick, ông Biden đã thay đổi bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2016.

Ông Joe Biden đã đề cập đến CEO sở hữu công ty (Uber) cho hàng triệu nhân viên "tự do làm việc bao nhiêu giờ tùy thích, quản lý cuộc sống của họ như họ muốn".

Phát biểu này cho thấy sự cổ vũ của ông Joe Biden đối với nền kinh tế tạm bợ (gig economy) mà các hãng xe công nghệ như Uber, Grab, Gojek là đại diện tiêu biểu.

Đối với những công ty như Uber, những tài xế không phải là nhân viên mà là đối tác (partnership)? Vì thế họ không được trả lương cứng, các khoản bảo hiểm hay hỗ trợ khác mà chỉ được chia tiền cước phí theo thỏa thuận.

Năm 2021, Uber đã cấp tư cách nhân viên cho tất cả 70.000 tài xế của mình ở Anh. Họ sẽ được hưởng mức lương tối thiểu, lương kỳ nghỉ và lương hưu. Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng cho các nhân viên trên ứng dụng giao đồ ăn Eats của Uber.

Ngay sau phán quyết ở Anh, đã có những kêu gọi áp dụng tương tự ở Australia và Ấn Độ, những thị trường của gig economy phổ biến. Có thể nói, Uber sẽ phải có những chiến lược mới đối với những thị trường không thu được nhiều lợi nhuận như trước đây.

Tại Việt Nam, Uber chính thức tạm dừng hoạt động, sáp nhập vào Grab từ năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại mối quan hệ giữa tài xế và các hãng xe công nghệ tại Việt Nam vẫn là quan hệ đối tác, thay vì nhân viên - ông chủ.

5. Ngoài Hồ sơ Uber, còn "hồ sơ" nào từng gây chú ý?

Hồ sơ Pandora (2021)

Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) là một cuộc điều tra báo chí lớn nhất từ trước đến nay, tiết lộ 11,9 triệu tài liệu mật, tương đương 2,94 terabytes dữ liệu, về các tài sản ngầm của giới siêu giàu.

Với sự hỗ trợ của các hãng cung cấp dịch vụ ngoại biên (offshore service providers), họ trở thành chủ các công ty vỏ bọc, quỹ tín thác ở các thiên đường thuế. Để thông qua đó, bí mật mua bất động sản, đầu tư, giao dịch tài chính mà không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất ít.

Hồ sơ Paradise (2017)

Hồ sơ Paradise (Paradise Papers) tập hợp khoảng 13,4 triệu tài liệu lưu lại trong khoảng 50 năm từ 21 nguồn khác nhau, phanh phui những tài khoản giữ tiền của các tập đoàn, người nổi tiếng, giới siêu giàu mà hầu hết chính phủ các nước không thể can thiệp.

Hồ sơ Panama (2016)

Hồ sơ Panama (hay tài liệu Panama) gồm 11,5 triệu tài liệu mật với khoảng 2,6 terabyte giữ liệu được tạo bởi công ty luật Mossack Fonseca (Panama), được cho là chuyên cung cấp dịch vụ rửa tiền, trốn thuế.

Tập tài liệu này chứa thông tin chi tiết của hơn 214.000 công ty "ma" được thành lập để trốn thuế, tiết lộ tài sản ở nước ngoài của khoảng 140 chính trị gia và quan chức trên thế giới cũng như các tỷ phú.