Dù nói dạng nội dung “tôi đã kiếm được thu nhập 9 con số như thế nào” trên các nền tảng mạng xã hội đang vô tình gây ra áp lực cho người xem, nhưng không phải ngẫu nhiên mà nó lại trở nên phổ biến.
Làm sao để tăng thu nhập? Làm thế nào để có một công việc đam mê? Trả lời từng điều trên đã khó. Tìm được cả hai lại càng khó hơn, nhưng đó có lẽ là điều ai cũng muốn hướng đến.
Nếu bạn đã có một công việc chính làm 8 tiếng mỗi ngày nhưng nó chưa phải là điều bạn thích, hay đơn giản là bạn đang muốn tăng thêm thu nhập, hoặc cả hai, thì hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để bạn biết khi nào thì mình sẵn sàng phát triển thêm một sự nghiệp nữa.
Thế nào là sự nghiệp thứ 2?
Trước khi đi vào trả lời câu hỏi chính, mình muốn thống nhất quan điểm với bạn đọc ở việc tại sao mình sử dụng từ “sự nghiệp”, thay cho “công việc”.
Với mình, công việc thứ hai là công việc bên ngoài công việc chính, mà ở đó bạn sử dụng đúng kỹ năng chuyên môn bạn đang có, để đơn thuần có thêm thu nhập. Ví dụ: một nhà thiết kế đồ hoạ (graphic designer) làm các dự án freelance về quảng cáo, thiết kế thương hiệu (branding design), v.v.
Trong khi đó, sự nghiệp thứ hai là những việc đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng khác để phát triển thương hiệu cá nhân, từ đó có thể nâng cao hoặc thậm chí có thể trở thành sự nghiệp chính. Ví dụ: graphic designer mở một blog cá nhân để chia sẻ kiến thức, bán khóa học, v.v.
Sự nghiệp thứ hai cũng có thể là việc hoàn toàn không liên quan tới sự nghiệp chính, chỉ đơn giản là bạn có một sở thích cá nhân và bắt đầu muốn dành nhiều thời gian hơn phát triển. Ví dụ: một graphic designer thích đi du lịch và quay video lại những nơi đã đến, kể về những trải nghiệm đã có với những bài học có thể giúp ích cho nhiều người khác.
Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi “Thế tôi đang làm graphic designer, mở công ty với bạn bán đồ ăn vặt để kiếm thêm thu nhập thì gọi là gì?”
Câu trả lời còn phụ thuộc vào lý do bạn quyết định mở công ty là gì? Có thể là vì bạn thích kinh doanh. Vì sao hai bạn lại chọn bán đồ ăn vặt? Có thể là vì bạn thích chế biến đồ ăn vặt, hoặc đơn giản là biết nguồn hàng.
Nhìn chung, mình sẽ gọi một công việc là sự nghiệp thứ hai khi:
- Bạn đã có một công việc chính
- Một công việc thứ 2 do bạn làm chủ
- Có liên quan nhiều tới sở thích cá nhân
Khi nào biết mình đã sẵn sàng cho sự nghiệp thứ 2?
1. Có một kỹ năng chuyên môn đạt cấp độ senior trở lên
Theo kinh nghiệm của mình, trước khi có sự nghiệp thứ 2, hãy tập trung phát triển chuyên sâu một kỹ năng chuyên môn đạt tới cấp độ senior (cấp cao) hoặc expert (chuyên gia). Mục đích là để tạo dựng một nền tảng vững chắc, mà ở đó:
Tài chính cá nhân của bạn ở vùng an toàn. Nghĩa là bạn có thể đáp ứng được các nhu cầu cá nhân, có một khoản tiết kiệm, thu nhập tốt so với công sức bỏ ra, nhờ vậy mà có thêm nhiều quỹ thời gian.
Tư duy cá nhân tốt. Trên con đường bạn đi đến cấp độ chuyên môn cao ở mức độ senior hay expert, tư duy của bạn sẽ được gọt dũa và bồi đắp cho sắc bén – thứ rất cần thiết khi khối lượng công việc của bạn tăng lên.
Kỷ luật cá nhân cao. Ít nhất là ở cấp 2 trong 4 cấp độ kỷ luật, tức là bạn biết cách dùng ý chí cá nhân để vượt qua những cám dỗ nhất thời nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Nhiều giá trị “thật”. Chúng là kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, hoặc trải nghiệm, tư duy cá nhân. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào để bạn khai thác (chia sẻ, mở khoá học).
Hiểu biết về bản thân. Khi đã dấn thân, vấp ngã, có những thành công nhất định và biết giá trị của sự bền bỉ, bạn sẽ rõ hơn nên lựa chọn sở thích hay đam mê nào cho sự nghiệp thứ 2.
2. Có thương hiệu cá nhân bền vững (nếu bạn chưa phải là một senior)
Nếu hiện tại chưa phải là một senior, bạn vẫn có thể bắt đầu sự nghiệp thứ 2 bằng cách xây dựng thương hiệu cá nhân.
Mình không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng đúc rút từ trải nghiệm cá nhân mình tin rằng mục tiêu cuối cùng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân là “ta được trả tiền để được là chính mình”.
Nói cụ thể hơn, trước khi có sự nghiệp thứ 2, song song với việc không ngừng cải thiện chuyên môn, mình phải có khả năng: sống thật theo cách mà mình muốn và có thu nhập từ cách mà mình sống.
Mình áp dụng tư duy này vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua viết lách với bộ 3 nguyên tắc nội dung: Life - Value - Balance. Nghĩa là mình phải bảo đảm những gì mình chia sẻ phải đến từ trải nghiệm cuộc sống, có giá trị thực tế và không quá đề cao đạo lý của bản thân.
Mình tin bắt đầu với tư duy này sẽ giúp tạo ra một thương hiệu cá nhân bền vững. Khi đó việc tiếp theo là phải học thêm các kỹ năng “đóng gói trải nghiệm” như: lên kịch bản, quay phim, dựng hình, thu âm,… và phân phối chúng trên các kênh phù hợp. Tuy nhiên, hướng đi này vấp phải sự thiếu ổn định và cạnh tranh. Điều này dẫn tới ý tiếp theo mà mình sẽ bàn tới.
3. Hiểu rõ sự nghiệp thứ 2 lợi – hại thế nào
Có lẽ khi đã bấm vào đọc bài viết này bạn đã ý thức được việc có sự nghiệp thứ 2 sẽ mang lại lợi ích gì. Nên có lẽ không cần phải nói nhiều nữa. Chắc chắn bạn sẽ an toàn hơn về mặt kinh tế khi có nhiều nguồn thu về mỗi tháng. Bạn có cơ hội khám phá những đam mê, tài lẻ khác. Cuộc sống khi đó cũng có nhiều niềm vui hơn. Bạn tạo dựng được thêm các mối quan hệ ngoài công việc chuyên môn hàng ngày. Kiến thức của bạn được mở rộng. Bộ kỹ năng đa dạng hơn và năng lực giải quyết vấn đề của bạn phát triển mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, “cái gì cũng có 2 mặt” – câu nói này không bao giờ cũ. Mặt hại của sự nghiệp thứ 2 cũng rất đáng nói.
Áp lực về thời gian. Làm nhiều công việc một lúc sẽ ngốn rất nhiều thời gian của bạn. Điều này đặc biệt nghiêm trọng nếu bạn không có khả năng quản lý thời gian tốt, và đã có gia đình. Tài nguyên thời gian lại có hạn nên đây sẽ là một khoảng đánh đổi mà bạn cần nghiêm túc cân nhắc trước khi bắt đầu.
Khủng hoảng duy trì năng lượng. Bên cạnh thời gian, để làm tốt được nhiều đầu việc và duy trì việc không ngừng học tập sẽ gây ra một sức ép lớn lên thể chất lẫn tinh thần.
Sự thiếu ổn định và cạnh tranh. Nếu sở thích cá nhân và bộ kỹ năng phụ của bạn không quá đặc biệt, khả năng sự nghiệp thứ 2 này của bạn sẽ vấp phải một sự cạnh tranh rất cao. Đặc biệt trong thời đại công nghệ - chuyển đổi số, có rất nhiều công cụ AI về hình ảnh, nội dung, giọng nói,… Sẽ rất khó khăn nếu bạn không tạo ra được giá trị nào độc đáo để xã hội đón nhận.
Bị phân tâm. Hệ quả của áp lực thời gian và khủng hoảng năng lượng sẽ dẫn đến việc bạn dễ bị phân tâm, không thể tập trung phát triển cho cả việc chính lẫn phụ. Lâu dần, mọi thứ sẽ bị trì trệ và ảnh hưởng không nhỏ lên tinh thần của bạn.
Xung đột với việc chính. Điều này xảy ra ở 2 trường hợp, hoặc là trong hợp đồng lao động chín có cam kết với công ty là không làm thêm các công việc ngoài giờ (thường thấy ở những tập đoàn, vị trí cao,…).
Hoặc là sếp trực tiếp thấy hiệu quả công việc giảm sút, và biết bạn đang có công việc khác, yêu cầu bạn phải dừng một trong hai. Đây là tình huống buộc bạn phải đưa ra lựa chọn dứt khoát cho kế hoạch tiếp theo của mình.
Năm 2016 – 2017, sau khi đi làm được một vài năm thì mình bắt đầu dư ra được một khoản tiền kha khá, mà theo mình thì quá ít để có thể mua nhà, nhưng lại quá nhiều để không “tái đầu tư”.
Vì đã làm công việc quản lý một dãy nhà trọ của gia đình được một thời gian và cảm thấy đã có tương đối kinh nghiệm, cộng với việc thích ở homestay mỗi khi đi du lịch vì cảm giác gần gũi. Mình đã quyết định dùng số tiền đó để thuê lại các căn hộ nhỏ, làm lại nội thất theo kiểu hiện đại, tối giản phù hợp với khách du lịch nước ngoài và các bạn trẻ, để bắt đầu sự nghiệp làm host trên ứng dụng Airbnb.
Năm đầu tiên mọi thứ rất thuận lợi, mình may mắn sớm hòa vốn ngay trong từ 3 tới 5 tháng đầu mỗi căn. Nhờ vậy, mà nguồn thu nhập thụ động này dần tăng và đều đặn hàng tháng. Được gặp gỡ thêm các vị khách thú vị khác nhau cũng khiến cho mình hứng thú với nó.
Tuy vậy, bắt đầu từ năm thứ 2 những việc bất lợi đã xuất hiện. Vì khách lưu trú ngắn ngày, nên những công việc lắt nhắt như kiểm tra phòng, đăng ký tạm trú, xử lý yêu cầu,… chiếm hết khoảng thời gian hàng ngày của mình. Mình bị phân tâm và không thể hoàn thành tốt công việc chính là làm thiết kế sản phẩm cho studio ở Mỹ. Sếp của mình sớm phát hiện và yêu cầu mình phải có giải pháp ngay cho tình trạng này.
Chưa kể, khi chủ nhà thấy công việc thuận lợi cũng bắt đầu làm khó, hay thậm chí chấm dứt hợp đồng và bắt chước lại mô hình của mình. Mình nhận ra dù mình làm chủ việc kinh doanh lưu trú này, nhưng lại không phải là chủ thật sự của bất động sản, nên sự phụ thuộc rất cao khiến cho mình gặp nhiều rắc rối. Việc này giống như mình thích ăn ngon nhưng không hợp làm đầu bếp.
Mình nhận ra công việc này không phải là thứ thật sự thích. Vì thế mình đã dừng nó sau 2 năm để trở lại tập trung cho công việc chính là thiết kế.
Vậy đó, tuy may mắn không thất bại về kinh tế, nhưng lại thất bại nhiều về thời gian và cảm xúc cho lần thử này khi chưa lường trước được hết những thử thách, đánh đổi phải trải qua.
Sau trải nghiệm này, mình tin rằng nếu bản thân có sự sẵn sàng nhất định cho những trắc trở có thể xảy ra như trên thì cơ hội thành công của sự nghiệp thứ 2 sẽ tăng lên đáng kể.
Suy nghĩ cuối
Kinh nghiệm giống như một bộ đồ cũ, có thể sẽ vừa nhưng không phải là thứ bạn muốn. Hãy xem những lời khuyên của mình như là thông tin tham khảo cho sự phát triển của bạn. Và thật tốt nếu công việc hiện tại cũng là đam mê bền vững, thì bạn cũng chẳng cần quá bận tâm tới sự nghiệp thứ 2!