Khi nào thì suy nghĩ phản biện trở thành suy nghĩ "phản bội"? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 06, 2021

Khi nào thì suy nghĩ phản biện trở thành suy nghĩ "phản bội"?

Tư duy phản biện thì quá tốt rồi, không phải bàn cãi. Nhưng đừng để mình rơi vào vòng luẩn quẩn của suy nghĩ.
Khi nào thì suy nghĩ phản biện trở thành suy nghĩ "phản bội"?

Suy nghĩ phản biện, tới một mức nào đó sẽ biến thành suy nghĩ quá độ. | Nguồn: freepik.

Chúng ta không bao giờ ngừng suy nghĩ...

Khi bạn đang đọc những dòng này, đang nhấp ngụm cà phê ưa thích hay kể cả trong lúc ngủ, bạn vẫn không thể dừng suy nghĩ. Thiền định, yoga là những hoạt động được hứa hẹn sẽ giúp đầu óc thư giãn, tìm tới chánh niệm. Tuy vậy có một hiểu lầm phổ biến là những hoạt động này có thể giúp ta ngừng suy nghĩ.

Thiền không phải là dừng suy nghĩ, điều này chỉ xảy ra khi bạn chết đi. Thiền là huấn luyện tâm trí để nó ngồi xuống, ở yên và nhẹ nhàng kéo nó lại mỗi khi nó lang thang.

- Phd Neal Newfield.

Chúng ta không ngừng được việc suy nghĩ, bởi vì ẩn sâu trong tiềm thức là niềm khao khát hiểu biết về thế giới xung quanh. Mục đích của suy nghĩ là để hiểu được mọi thứ một cách tốt nhất, rồi từ những hiểu biết đó mà ta đưa ra quyết định cho cách tồn tại, sống và phát triển.

questions
Nguồn: Unsplash.

Quyết định tốt, ta phát triển thuận lợi và có dư dả thời gian để tận hưởng cuộc sống. Quyết định tệ, ta mất thời gian để sửa chữa sai lầm, hay thậm chí còn không có cơ hội để sửa chữa chúng.

Không có kỹ năng nào quan trọng hay có giá trị như khả năng suy nghĩ thấu đáo mọi vấn đề, nhưng nó là loại kỹ năng chỉ có thể học được bởi sự tự nhận thức của mình. Và thứ gì mang lại giá trị càng lớn cũng có thể gây hại càng nhiều ở khía cạnh ngược lại.

Nhiều tổ chức nhân sự đã đưa Critical Thinking - tư duy phản biện vào danh sách những kỹ năng quan trọng nhất từ năm 2020. Nhưng bạn có biết khi nào thì tư duy phản biện trở thành "phản bội"?

1. Tư duy phản biện (Critical Thinking) và Suy nghĩ quá độ (Overthinking)

Vẫn chưa có định nghĩa chính xác hoàn toàn cho các khái niệm liên quan tới tâm lý học - hành vi con người. Nếu quan tâm, các bạn có thể dành thời gian để đọc hết các nghiên cứu có thể tìm thấy trên google, nếu không có thời gian thì bên dưới là những gì mình tổng hợp theo góc nhìn và kinh nghiệm bản thân.

1. Tư duy phản biện

Là quá trình tư duy có hệ thống và phân tích để hiểu, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá những gì đang thực hiện. Mục tiêu của tư duy phản biện là tìm ra và hiểu được hết các khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực của vấn đề, giải pháp để có thể đưa ra những quyết định hợp lý nhất trong bối cảnh.

2. Suy nghĩ quá độ

Là khi cứ mãi suy nghĩ điều gì đó mà không biết điểm dừng, lặp đi lặp lại những suy nghĩ giống nhau. Nếu bạn đang tự mình tìm giải pháp, bạn luôn chỉ thấy những giới hạn của chúng và không dám chọn cái nào. Nếu bạn đang thảo luận, buổi thảo luận sẽ kết thúc mà không có những hành động cụ thể, vì không thể mở rộng suy nghĩ của mình.

Chúng đều là những quy trình thuộc về tinh thần, cho nên chúng dễ bị nhầm lẫn hay chuyển vai trò sau 1 thời gian. Và chiều chuyển đổi tồi tệ là khi critical thinking trở thành overthinking.

what now
Nguồn: Unsplash.

2. Khi nào thì Critical thinking trở thành Overthinking

Khi chúng ta suy nghĩ quá mức xoay quanh vấn đề, thay vì nghĩ tới những giải pháp cho nó.

Ví dụ: Sáng xuống hầm để xe thấy lốp xe bị thủng không kịp giờ cho buổi họp quan trọng.

  • Overthinking: "Trời ơi sao xui vậy, đã vội rồi còn thủng lốp. Rõ ràng là tối qua mình đi vẫn bình thường, hay là có ai ghét nên xì lốp xe không nhỉ. Mà xe ở tận hầm B2 lận làm sao mình dắt xe lên nổi để đem đi vá, tại sao cứ những lúc quan trọng lại chỉ gặp những chuyện không đâu thế này. Cuộc đời này đúng là vận hành theo cái cách cứ ghì ta xuống."
  • Critical thinking: "Để kịp giờ đi làm thì phải bắt Grab mới kịp, nhưng không biết chiều về làm sao sửa để mai đi làm. Xe ở hầm B2, không thể dắt lên nổi nên phải tìm dịch vụ gì vá lốp xe ở nhà thôi. Lát nữa mình lên mạng tìm xem có dịch vụ đó không, nếu không thì đành bắt grab đi lòng vòng hỏi các tiệm sửa xe thử có chịu theo mình về nhà sửa, cùng lắm mình sẽ trả cao hơn một chút."

Khi chúng ta suy nghĩ quá mức cho những vấn đề với xác suất xảy ra nhỏ.

Ví dụ: Khi thiết kế chức năng đặt phòng, bạn nghĩ tới trường hợp người dùng sẽ đi cùng với thú cưng và thiết kế thêm chức năng mua suất đồ ăn cho chúng. Việc này có thể khiến cho thời gian hoàn thành đặt phòng lâu hơn, từ đó làm tăng khả năng người dùng bỏ dở giữa chừng.

Đây là suy nghĩ quá mức về những nhu cầu hiếm thấy của người dùng trong thiết kế ứng dụng

Khi chúng ta mãi suy nghĩ về những thứ ta không thể kiểm soát.

Ví dụ: Lo sợ trời sắp mưa, sợ ướt đồ, trễ hẹn, không lấy được đồ đang phơi, đường dơ trơn trượt dễ té xe.

Khi chúng ta quên mất những giới hạn của vấn đề mà ta có.

Ví dụ: Sáng sớm mai phải giao thiết kế logo cho khách hàng, nhưng 3 giờ sáng vẫn ngồi cặm cụi suy nghĩ thêm ý tưởng thật "Wow" mới cảm thấy thỏa mãn.

3. Tác hại của overthinking

overthinking
Suy nghĩ quá độ rất dễ khiến bạn kiệt sức. | Nguồn: Unsplash.

Có rất nhiều tác hại của suy nghĩ quá độ cho sức khỏe tinh thần: trầm cảm, mất ngủ, lo lắng thái quá, burnout,... Bài viết này mình sẽ tập trung vào khía cạnh công việc, những tác hại dễ thấy đó là:

  • Suy nghĩ quá độ chỉ mang lại những cảm xúc khó chịu và quên đi việc tìm kiếm giải pháp. Trong khi đó, tư duy phản biện có thể dẫn tới hành động hiệu quả.
  • Suy nghĩ quá độ tạo ra những căng thẳng không cần thiết. Căng thẳng sẽ khiến ta khó làm chủ cảm xúc, gây khó chịu cho người khác, làm ảnh hưởng tới khả năng làm việc nhóm.
  • Suy nghĩ quá độ có thể khiến dự án không hoàn thành được trong những giới hạn mang lại giá trị.
  • Suy nghĩ quá độ khiến bạn chỉ muốn quan tâm tới đánh giá của người khác, hoặc chăm chăm vào nỗi sợ bị trách móc, làm sai. Và sẽ luôn cảm thấy những việc mình làm luôn không đủ tốt, mất tự tin trong công việc.

4. Làm thế nào để thôi overthinking

Như đã nói ở đầu bài viết, thôi suy nghĩ quá độ cũng tương tự với việc làm thế nào để suy nghĩ tốt hơn. Chỉ có thể bắt đầu từ việc xây dựng nhận thức tốt hơn:

  • Luôn bắt đầu với mục tiêu và những giới hạn của dự án: những thứ này là điều kiện quan trọng để bạn biết khi nào thì suy nghĩ nên dừng lại để bắt tay vào thực hiện.
  • Sẽ không có giải pháp hoàn hảo: nhận ra tất cả những giải pháp khi chưa được thực thi điều chỉ là những dự đoán. Hãy nhanh chóng bắt tay vào làm và bạn sẽ thấy cơ hội để làm cho nó tốt hơn.
  • Sau khi đã xác định được vấn đề, hãy chỉ tập trung vào suy nghĩ giải pháp. Đặt thời hạn cho giải pháp, và khi thời hạn tới hãy tạm hài lòng với những giải pháp có được.
  • Khi không chắc chắn, hãy hỏi người mình tin tưởng vào năng lực của họ. Và hãy hỏi vì bạn muốn có thêm góc nhìn khác, đừng hỏi chỉ để tìm kiếm những thông tin củng cố cho suy nghĩ của mình. Điều này sẽ dễ đưa tới tình huống tranh cãi hay gây khó chịu.

Cuối cùng, tự trả lời câu hỏi "Điều mình đang suy nghĩ có thực sự đáng để tiếp tục suy nghĩ?".

5. Những suy nghĩ cuối cùng

Thật ra, việc suy nghĩ nhiều về mục tiêu hay khó khăn trong công việc chứng tỏ bạn đang thật sự yêu thích công việc đó. Nó còn đại diện cho sự tập trung, đầu tư tâm huyết vào những thứ đang làm.

why
Chúng ta nghĩ nhiều, vì chúng ta thực sự quan tâm tới những gì mình đang làm. | Nguồn: Unsplash

Vì thế nếu ai đó hét vào mặt bạn và bảo "Mày đang overthinking rồi đó, ngừng ngay đi!" thì hãy cứ bình tĩnh. Có thể họ có lý do khi nói như thế, hãy suy nghĩ về bài viết này để xem ta có thật sự đang overthinking hay không?

Nếu có? Hãy thừa nhận và cảm ơn người đó đã cảnh báo, tránh lặp lại lần sau.

Nếu không? Cứ tự tin đặt thêm những câu hỏi để làm rõ lý do họ nói như thế, vì có thể họ biết những thông tin mà ta đang không biết.

Cuối cùng, nếu là một người overthinking thì bạn cũng có thể làm tốt critical thinking vì bạn dễ dàng đồng cảm với người khác và những vấn đề của họ. Nhưng nếu thiếu sự khéo léo trong suy nghĩ, đó sẽ là lãng phí năng lượng khiến làm bạn mệt mỏi và luôn quá tải trong cuộc sống.

To think is easy. To act is difficult. To act as one thinks is the most difficult of all.

- Goethe.