Kiểm soát cảm xúc trong đầu tư như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 11, 2021

Kiểm soát cảm xúc trong đầu tư như thế nào?

Sợ hãi và tham lam trong đầu tư là điều tốt, nhưng phải xuất hiện đúng lúc đúng chỗ.

Kiểm soát cảm xúc trong đầu tư như thế nào?

Định hình một phương pháp đầu tư cho bản thân là yếu tố tiên quyết. | Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett có một câu nói nổi tiếng: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi, hãy sợ hãi khi thị trường tham lam”. Biết sợ hãi và tham lam trong đầu tư vì thế là điều tốt.

Tổ tiên chúng ta ngày xưa nhờ sợ hãi mới biết chạy trốn các con thú săn mồi để không bị giết. Và cũng do tham lam hơn các loài vật khác nên con người mới biết trồng trọt, biết tích trữ thực phẩm, rồi mới xây dựng được xã hội phồn thịnh như ngày nay.

Vậy nhưng, không phải ngẫu nhiên mà chỉ số EQ lập luận rằng người nào càng có khả năng làm chủ cảm xúc, thì khả năng thành công trong cuộc sống càng cao. Điều này cũng đúng trong đầu tư chứng khoán. Thậm chí, kỹ năng làm chủ cảm xúc còn được các chuyên gia đặt lên hàng đầu, là nhân tố quyết định thắng - thua, được - mất.

Vậy ta nên làm gì để kiểm soát cảm xúc trong đầu tư, để những hành động "sợ hãi" và "tham lam" xuất hiện đúng lúc đúng chỗ?

Cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định đầu tư như thế nào?

Hãy cùng phân tích đặc thù công việc của một nhà đầu tư. Mỗi ngày, khi thị trường chứng khoán mở cửa cũng là lúc ta bắt đầu ngồi trước một cái bảng giá, với các con số nhấp nháy xanh đỏ và biến đổi từng giây, từng phút. 

Nhìn bảng giá chán, ta lại đảo mắt sang những nhà đầu tư khác, những hội nhóm - group chat trên mạng xã hội, để xem người ta đang mua gì, bán gì, giá mục tiêu ra sao, hold mã này mã kia trong bao lâu,... Để rồi đến khi bảng giá đã tắt, thậm chí màn đêm đã buông xuống, ta vẫn suy nghĩ, lạc trong những bàn tán, phân tích.

Và việc mua bán theo cảm xúc cũng xuất hiện từ đây. Ví dụ, nếu ta vui, ta mờ mắt không nhìn thấy những rủi ro. Nếu ta sợ, ta bỏ lỡ những cơ hội tốt. Nếu ta tức giận, ta sẵn lòng chấp nhận rủi ro lớn để cố gắng gỡ gạc dù biết trước hậu quả (revenge trading). 

Sống trong môi trường vạn biến đó, nếu không có đủ bản lĩnh và kiến thức, ta rất dễ mua bán phi lý trí, thiếu kỷ luật. Và thế là tài khoản cũng tự "toang" theo.

Nếu không có đủ bản lĩnh và kiến thức, ta rất dễ mua bán phi lý trí, thiếu kỷ luật.

Làm sao để kiểm soát cảm xúc trong đầu tư?

Định hình một phương pháp đầu tư cho bản thân

Khi đầu tư chứng khoán, trong nhiều trường hợp, bạn phải quyết định liên tục, và phải quyết nhanh. Nhưng để quyết định nhanh và chính xác, thì lại cần phải phân tích xử lý thông tin, thiết lập mục tiêu đầu tư, lên kế hoạch phân bổ,... Có rất nhiều việc phải làm, để đưa ra được một quyết định tốt.

Để làm mọi thứ đơn giản hơn, bạn cần có cho mình một hệ thống đầu tư, hay phương pháp đầu tư. Điều này giúp bạn thực hiện các hành động theo 1 chuỗi logic đã được lập trình sẵn. Nó sẽ là la bàn định hướng, để mỗi khi cần ra quyết định, bạn chỉ cần kiểm tra các điều kiện của hệ thống và làm theo.

Ví dụ, bạn có thể tuân thủ một kế hoạch đầu tư định kỳ (SIP - Systematic investment plan). Bằng việc tiết kiệm đầu tư liên tục từng khoản tiền nhỏ, bạn tận dụng được lợi thế từ việc trung bình giá vốn dài hạn (DCA - Dollar cost averaging). Nhờ có thói quen đầu tư định kỳ trong thời gian dài vào những tài sản quen thuộc, bạn sẽ cẩn trọng hơn trong các quyết định đầu cơ nhất thời nhiều rủi ro.

Có cho mình một hệ thống đầu tư giúp bạn thực hiện các hành động theo 1 chuỗi logic đã được lập trình sẵn.

Xây dựng kiến thức đầu tư

Đọc xong ý trên, có thể nhiều bạn sẽ suy nghĩ: "Tôi chưa biết gì về đầu tư, làm sao xây dựng phương pháp đầu tư cho mình được?" Điều đó dẫn tới yếu tố thứ 2 mà bạn cần tập trung phát triển, đó là xây dựng kiến thức đầu tư.

Nhắc đến kiến thức đầu tư, có thể bạn sẽ nghĩ đến những PE, EPS, các phương pháp định giá,... (nếu theo phân tích cơ bản), hoặc MA, RSI, các chỉ báo kỹ thuật, cách đếm sóng,... (nếu theo phân tích kỹ thuật).

Điều này không sai, nhưng nếu không nhìn theo phương pháp đầu tư, những kiến thức trên có thể trở thành mớ kiến thức rời rạc. Những kiến thức đó phải được hệ thống hoá theo góc nhìn của 1 phương pháp, 1 lối tư duy đầu tư cụ thể. Bạn có thể tìm đọc những kiến thức này ở mục Tài chính cá nhân.

Để dễ dàng hơn, bạn có thể tìm đến các chuyên gia tư vấn đầu tư, môi giới, thậm chí là chuyên gia quản lý quỹ - những người mà bạn biết chắc là có hệ thống đầu tư của riêng họ.

Tuy nhiên, khi nhận tư vấn đầu tư, dù đó là phương pháp gì đi nữa, bạn nhớ tìm hiểu kỹ từ chuyên gia về các thành tố quan trọng của một phương pháp đầu tư:

  • Logic tường minh, khách quan (không cảm tính) để đưa ra quyết định mua/bán.

  • Lịch sử đầu tư theo logic nói trên, áp dụng tại thị trường Việt Nam.

  • Nguyên tắc phân bổ danh mục đầu tư, kích cỡ đầu tư phù hợp.

  • Nguyên tắc quản trị rủi ro cần nêu rõ chúng ta sẽ làm gì khi rủi ro xảy ra.

Ngoài ra, kiến thức đầu tư không chỉ là những kiến thức chuyên môn mà còn là sự hiểu biết chung. Chẳng hạn, bạn nên biết trước rằng không có phương pháp nào là toàn thắng; một cơ hội có khả năng mang lại lợi nhuận cao cũng sẽ có mức độ rủi ro cao; không có chuyện doanh nghiệp và cả nền kinh tế làm hùng hục mới tăng trưởng được chục phần trăm mỗi năm, mà bạn mới đầu tư cổ phiếu đã muốn lãi gấp 5 gấp 10,...

Không đứng núi này trông núi nọ

16 năm kinh nghiệm trong thị trường chứng khoán giúp tôi có cơ hội gặp rất nhiều người. Rất nhiều trong số các khách hàng thổ lộ với tôi: “Mình chỉ cần kiếm lợi nhuận đều đặn đôi chục phần trăm mỗi năm là được rồi”.

Tuy vậy, họ lại không vui khi chỉ cầm mã tăng 35%, trong khi một mã X nào đấy tăng gấp đôi. Nhưng cũng có người may mắn, mua đúng mã X tăng gấp đôi rồi thì vẫn tiếc nuối: "Biết thế mua vào nhiều hơn".

Trong trường hợp này, thay vì so sánh mức lợi nhuận thực tế so với mục tiêu đặt ra ban đầu, thì họ lại so sánh với lợi nhuận của kẻ khác, hoặc mức lợi nhuận lẽ ra là có thể có được. Dù có lời nhiều đến đâu, thì kiểu gì họ cũng có lý do để tiếc nuối.

Giải pháp để không lâm vào tình trạng như trên, là quay về với mục tiêu và phương pháp đầu tư của bản thân. Nếu điều này vẫn không đủ mạnh, hãy thử gắn mục tiêu đó với những thứ quan trọng trong cuộc đời bạn.

Trong phát triển phần mềm, có 1 khái niệm là user story, được viết dưới format: “Là…, tôi muốn... để….“. Tôi rất thích cách viết này vì nó tập trung vào chủ thể và mục tiêu.

Ứng dụng vào đầu tư, ví dụ, chúng ta có thể viết như sau: “Là một người bố, tôi muốn đầu tư để có tiền cho con gái đi du học vào năm 18 tuổi". Tôi tin nếu bạn luôn nhớ điều này, bạn sẽ bớt cảm xúc, bớt liều lĩnh và tuân thủ kế hoạch đầu tư đã đề ra hơn, vì bạn biết việc này quyết định tương lai của con gái bạn. Là người bố, bạn không thể mang tương lai của con ra đánh cược được.

Một ví dụ khác, ta có thể viết: “Là trụ cột gia đình, tôi muốn đầu tư để có nguồn thu nhập thụ động bền vững, để gia đình tôi không phải lo lắng về tài chính khi về già". Nếu bạn phát biểu được điều này, hẳn bạn đã nhớ đến trách nhiệm của mình, nhớ mục tiêu an tâm tài chính. Những quyết định theo cảm xúc khiến cho bạn bất an vì thế sẽ không có cơ hội chi phối.

Hãy tận hưởng cảm xúc trong đầu tư một cách có kiểm soát.

Kết

Có cảm xúc là cơ chế tự nhiên của các loài sinh vật, trong đó có con người. Vì vậy, nếu cảm xúc trở nên quá chi phối, ta cũng không nên chối bỏ chúng một cách cực đoan, mà chỉ nên tiết chế và kiểm soát chúng ở một cường độ thích hợp để thuận lợi hơn cho công việc.

Trải qua những cảm xúc trong đầu tư, cũng như leo lên đỉnh Fansipan vậy. Việc leo lên đỉnh có thể sẽ kém vui, nếu ta không trải qua cái buốt giá, những đau mỏi trơn trượt khi leo lên dốc, những lúc phải vật lộn với bùn lầy, phải đu mình vào từng khóm trúc mà đi.

Việc đầu tư cũng tương tự như vậy. Hãy chấp nhận, tận hưởng cảm xúc, nhưng đừng để chúng cản trở ta đến đích, để chúng lấn át mục tiêu, xoá mờ động lực trong ta.