Lần đầu tiên tổn thương bởi sếp | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
27 Thg 03, 2025

Lần đầu tiên tổn thương bởi sếp

Nhờ một câu nói của anh sếp, mình nhận ra 2 điều quan trọng trong phát triển sự nghiệp.
Lần đầu tiên tổn thương bởi sếp

Ảnh: Pexels

Năm 24 tuổi, mình ra trường với một cái tôi cao ngất. Thủ khoa toàn ngành, cộng thêm vài năm lăn lộn làm thêm, kiếm được tiền từ sớm nhiều hơn mức cần để sống.

Bước vào công ty đầu tiên, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Ngay từ tháng thử việc, mình đã được anh giám đốc kéo đi thuyết trình ý tưởng dự án (pitching). Hai tháng sau, khi mình xin nghỉ vì đã nhận lời ở một nơi khác, anh khoác vai bảo:

“Anh còn định đào tạo mày lên làm Design Manager mà chưa gì đã đòi nghỉ rồi!”

Mình chỉ cười, im lặng. Thật ra cũng tiếc hùi hụi.

Rồi mình gặp sếp thứ hai, người mà sau 10 năm vẫn là anh em tốt với mình.

“Sao mấy cái icon này trông dơ dơ vậy em?”

Ngay giữa cuộc họp đông người, anh sếp dán sát mắt vào màn hình đang chiếu thiết kế của mình, chỉ vào mấy cái icon rồi hỏi.

Cái từ “dơ dơ”, không hiểu sao, lại như một cú đấm thẳng vào bụng mình lúc đó. Nghẹn đến mức không biết phải nói gì.

Để bạn hình dung rõ hơn: trong các thiết kế sản phẩm số (như web, mobile app) thì giá trị điểm ảnh nên tròn trịa 1-2-3 pixel thay vì 0.5-0.75-1.5 pixel. Vì nếu không lấy số tròn, hiển thị trên màn hình sẽ bị nhoè.

Cacircu chuyện được kể tại cuốn saacutech quotCoacute Caacutech Nuocirci dưỡng saacuteng tạo từ niềm tin coacute caacutechquot của taacutec giả Hoagraveng Nguyễn
Câu chuyện được kể tại cuốn sách "Có Cách - Nuôi dưỡng sáng tạo từ niềm tin có cách" của tác giả Hoàng Nguyễn.

Quay trở lại câu chuyện, mình tức anh sếp vì câu nói đó, nhưng tức bản thân nhiều hơn vì thói quen thiết kế không để ý đến chi tiết. Đó là lỗi của mình.

Câu nói của anh sếp vừa là "cú đấm", vừa là tiếng chuông cảnh tỉnh, giúp mình nhận ra một trong những điểm yếu của bản thân mà khi khắc phục, mình thật sự đã có bước nhảy vọt trong sự nghiệp Product Design sau này.

Lần đầu tiên bị tổn thương bởi sếp, mình nhận ra hai điều quan trọng.

Thứ nhất: Nếu đã làm, hãy cố gắng làm tốt đến mức không ai có thể chê trách, và tiểu tiết có thể quyết định thành bại.

Từ đó, mình để ý đến từng pixel trong thiết kế của mình. Cái từ “dơ dơ” ngày hôm ấy trở thành một câu thần chú mỗi khi mình kiểm tra thiết kế trước khi gửi đi. Và rồi, không lâu sau đó, mình trở thành người được giao những dự án quan trọng nhất.

Thứ hai: Khi sếp giao việc khó, khi bạn bị chỉnh sửa liên tục, khi áp lực chồng chất, đó là dấu hiệu bạn đang đi đúng hướng.

Những ai không làm được gì, cũng không giữ trọng trách gì quan trọng, thì cũng sẽ chẳng có ai quan tâm góp ý sửa sai cho họ.

Áp lực, suy cho cùng, là một dạng của trọng lực. Nó có thể đè bẹp bạn hoặc giúp bạn bật lên cao hơn, tất cả phụ thuộc vào thái độ bạn đối diện với nó.