Trong công việc, thăng chức, tăng lương là một cột mốc ghi nhận sự thăng tiến, nâng cao năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng nhiều. Quyền lợi nhiều hơn thì thích đó, nhưng liệu bạn đã sẵn sàng đón nhận cả những trọng trách nặng nề hơn trong một vai trò mới?
Bài viết này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quan để chuẩn bị, hiểu về những áp lực mà một người quản lý gánh vác, và biết cách đàm phán hiệu quả những quyền lợi, mức lương thưởng tương xứng.
Thực trạng đối diện: Cắt đôi ngân sách, nhân đôi áp lực
Theo CNBC, làn sóng Đại nghỉ việc (The Great Resignation) có thể đã nguội đi, nhưng đây chỉ mới là khởi đầu cho cấp quản lý, đặc biệt là các CEO. Hàng loạt CEO nghỉ việc vì kiệt sức, tình hình công ty đi xuống hoặc muốn tìm kiếm môi trường mới phù hợp hơn.
Khi được hỏi về những khó khăn họ gặp phải trong công ty, quá nửa các quản lý chia sẻ rằng họ phải làm thêm nhiều việc hơn, cố gắng thích nghi với sự thay đổi nhân sự và 42% than phiền vì bị cắt ngân sách. Tóm lại, các quản lý đang phải làm nhiều hơn với ngân sách thấp hơn cùng nhiều xáo động về nhân sự trong đội ngũ.
Báo cáo của Gallup cho rằng những thay đổi này đang gia tăng áp lực cho các vị trí quản lý, đặc biệt là những quản lý trẻ mới nhậm chức, khi họ vẫn chưa quen với nhịp điệu công việc và cân bằng được cuộc sống. Theo Harvard Business Review, những quản lý trẻ thường bị ám ảnh bởi công việc và điều này càng gây ra thêm ảnh hướng tiêu cực đến hiệu suất làm việc của họ.
Đàm phán lương sao cho tương xứng?
Tăng lương là một trong những động cơ hàng đầu để bạn nỗ lực thăng tiến. Nhưng theo một nghiên cứu tại hội nghị ICOEMA, khi lương tăng sẽ đi kèm với khả năng bạn phải làm việc nhiều hơn, đòi hỏi có nhiều kỹ năng hơn và niềm yêu thích với công việc cũng vơi đi.
Cho nên, dưới đây là những yếu tố bạn cần xem xét kỹ càng trong khi đàm phán để đưa ra một mức lương phù hợp trước khi quyết định nhận lời đảm nhiệm chức vụ mới.
Khối lượng công việc
Hãy đọc kỹ bảng mô tả công việc và đặt câu hỏi nếu cần thiết để có được bức tranh chính xác và toàn diện về chức vụ này. Đồng thời, bạn cũng nên tìm hiểu những phương thức đánh giá hiệu suất công việc như KPI, các chỉ số đánh giá (metrics), bạn sẽ phải quản lý một nhóm với quy mô bao nhiêu người? Với kinh nghiệm hiện tại, bạn có đủ khả năng đáp ứng hay không?
Theo James Stanier, số lượng cấp dưới trực tiếp mà một người có thể quản lý còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Tuy nhiên, nhìn chung có thể phân thành 5 cấp độ quy mô đội nhóm kèm theo 5 cấp độ quản lý tương ứng:
- Chỉ có 1-2 người cấp dưới, vai trò người quản lý là không cần thiết.
- Quy mô từ 3-6 người phù hợp với những người mới lên chức quản lý. Họ sẽ dẫn dắt nhóm nhưng đồng thời vẫn tham gia trực tiếp các công việc ở cấp độ thực thi.
- Quy mô lý tưởng là 5-9 người. Bởi theo nhà tâm lý học nhận thức George Miller, trí nhớ ngắn hạn của con người chỉ xử lý được lượng thông tin trong khoảng 5-9 đơn vị, do đó, để một cuộc họp diễn ra thật sự hiệu quả thì số lượng người tham gia cũng chỉ nên nằm trong khoảng tương ứng. Số lượng này vừa đủ để quản lý có thể phân công công việc cũng như hỗ trợ và hướng dẫn các thành viên hiệu quả, đồng thời vẫn đủ thời gian để thực hiện các chức trách của mình.
- Với quy mô nhóm lớn hơn từ 10-15 người, cấp độ quản lý này sẽ chủ yếu tập trung vào việc điều phối, phân quyền và giám sát hoạt động của các thành viên. Tuy nhiên về mặt lâu dài, quy mô này vẫn không thực sự tối ưu, người quản lý nên nên sớm phân chia những nhóm nhỏ hơn và giảm số lượng người báo cáo trực tiếp với mình.
- Và cột mốc từ 15 người trở lên là số lượng quá nhiều sẽ khiến người quản lý quá tải, mệt mỏi và khó có thể nắm bắt được tiến độ công việc.
Ngoài ra, cách thức quản lý sẽ được thực hiện trực tiếp hay diễn ra từ xa? Công việc có đòi hỏi tăng ca hay di chuyển đi công tác nhiều hay không? Tất cả những vấn đề đó sẽ là yếu tố đáng cân nhắc cho một mức lương cao hơn.
Thị trường và doanh nghiệp nơi bạn làm
Tiền lương có thể sẽ khác nhau tùy theo khu vực mà bạn quản lý. Vị trí mới này sẽ quản lý thị trường trong phạm vi địa phương, vùng miền, toàn quốc hay quốc tế? Từng quy mô quản lý sẽ đòi hỏi hiểu biết của bạn về văn hoá, kinh tế của vùng để quản lý đội ngũ đa dạng cũng như đưa ra chiến lược phát triển.
Tương tự như vậy, bạn cũng cần quan tâm đến quy mô của công ty mình làm việc và quyền hạn đưa ra quyết định của mình. Ở những công ty lớn, quy trình đưa ra quyết định sẽ phức tạp hơn. Điều này sẽ ảnh hướng đến hiệu suất làm việc và sự tự chủ của bạn. Đồng thời, nó cũng yêu cầu khả năng ứng biến và kết nối tốt với những phòng ban khác.
Ngoài ra, bạn cần theo dõi xem công ty mình đang ở giai đoạn nào trong vòng đời doanh nghiệp (business cycle). Mỗi giai đoạn sẽ cần những phương pháp điều hành riêng và có khả năng ảnh hưởng đến văn hoá công ty, sự ổn định trong công việc và khả năng thăng tiến của bạn.
Ví dụ nếu công ty của bạn là một startup đang trong giai đoạn gọi vốn, khối lượng công việc sẽ dày đặc vì hệ thống phân tầng trong công ty còn chưa rõ ràng. Hay khi công ty bước vào giai đoạn suy thoái, trong vai trò lãnh đạo bạn cần có phương hướng đổi mới và thích nghi với thời cuộc.
Đặc biệt, khi bạn làm trong các công ty đang phát triển và đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Công việc quản lý lúc này không chỉ là điều hành đội ngũ của mình mà còn phải làm hài lòng các cổ đông điều hành khác. Trách nhiệm càng tăng cao khi bạn phải trở thành người đại diện của công ty trước công chúng.
Những phúc lợi đi kèm
Bên cạnh quyền lợi rõ ràng nhất là tiền lương, sẽ có những phúc lợi đặc biệt đi kèm dành riêng cho cấp vị trí quản lý như các chế độ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm cho gia đình, kỳ nghỉ dưỡng hàng năm… Bạn hãy đưa ra đánh giá những phúc lợi này đã đủ thỏa đáng hay chưa, nhất là trong trường hợp mức lương đang hơi thấp hơn so với kỳ vọng thì chúng có đủ để bù đắp lại.
Đặc biệt sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường lao động đã có rất nhiều biến động. Những quyền lợi về cơ hội làm việc từ xa, tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần, có thêm ngày nghỉ phép, cung cấp các khóa học đào tạo quản lý… đang là xu thế được quan tâm toàn cầu mà bạn hoàn toàn có thể đàm phán thêm với công ty.
Ngoài ra, ở cấp độ quản lý càng cao, bạn cũng có thể thương lượng về việc sở hữu cổ phần của công ty với một mức ưu đãi hơn. Nếu bạn dẫn dắt cấp dưới giúp công ty phát triển, bạn cũng sẽ nhận được khoản lời tương ứng. Đồng thời gia tăng tầm ảnh hưởng và mức độ làm chủ trong công việc. Qua đó khiến bạn làm việc chủ động và có nhiều động lực cố gắng hơn.
Cuối cùng hãy tự hỏi lại lần nữa: Chức quản lý có phải là điều bạn muốn?
Trong năm qua, có gần 50 triệu người lao động mong muốn nghỉ việc hoặc tìm việc mới, ngay cả những người ở cấp độ quản lý. Phần lớn CEO nghỉ việc là do áp lực công việc cũng như tình hình lao động bất ổn.
LaShawn Davis, nhà sáng lập HR Plug đã chia sẻ rằng công việc của một nhà lãnh đạo thường khiến chị thiếu thời gian cho bản thân và gia đình. Đồng thời, đứng ở một vị trí cao đồng nghĩa phải đối mặt với những khó khăn chỉ có thể tự mình giải quyết, khiến các nhà lãnh đạo chịu đựng áp lực lớn và cả nỗi cô đơn.
Vậy liệu ta nên chọn vị trí thấp ở doanh nghiệp lớn hay vị trí cao ở một công ty vừa hoặc nhỏ? Câu trả lời của Neymar Hullah H.M, một chuyên viên tư vấn trên Quora đã nhận được hơn 12 ngàn lượt theo dõi. Ông khuyên rằng chúng ta nên chọn nơi làm việc nào có thể giúp ta tỏa sáng nhất. Quan trọng là công việc tiếp theo tạo điều kiện phát triển đường dài cho sự nghiệp của bạn.
Bởi vì lên được một vị trí lãnh đạo không phải là điểm đến cuối cùng, mà nó sẽ là một chương mới mở ra rất nhiều bài học về sự quản trị, cân bằng giữa công việc với cuộc sống và đổi mới bản thân. Trên hành trình đó khi bạn nâng cao được năng lực và hiểu được giá trị của mình để đàm phán thì mức lương sẽ song hành cùng phát triển theo.
Bamboo Careers mong muốn đồng hành cùng bạn trên con đường trở thành nhà quản lý tương lai. Ứng dụng tra cứu lương sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về mức lương của vị trí mà bạn tìm so với thị trường.
Bài viết được thực hiện bởi Tường Nguyễn.