Liệu Việt Nam có nên áp dụng tuần làm việc 4 ngày? | Vietcetera
Billboard banner

Liệu Việt Nam có nên áp dụng tuần làm việc 4 ngày?

Tuần làm việc 4 ngày đang trở thành xu hướng, đặc biệt sau khi COVID-19 bùng nổ. Liệu Việt Nam có thể hòa vào làn sóng này trong tương lai gần?

Liệu Việt Nam có nên áp dụng tuần làm việc 4 ngày?

Nguồn: Shutterstock.

Tuần làm việc 4 ngày là gì?

Đúng như tên gọi, nhân viên chỉ làm việc 4 ngày trong tuần (32 tiếng), và vẫn nhận được số lương tương đương thời gian làm việc cũ - 5 ngày/tuần (40 tiếng).

Ý tưởng này xuất phát từ mục đích thu hút giới lao động trẻ tuổi (Millennials, Gen Z), những người ngày càng đề cao sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống hay ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp dựa vào mức độ quan tâm tới sức khỏe thể chất, tinh thần của từng cá nhân.

Vì thế bên cạnh 4 ngày/tuần thì các hình thức giảm giờ/ngày làm khác cũng đang được thử nghiệm như làm việc 6 giờ/ngày hoặc 9/80 (làm 80 giờ trong 9 ngày thay vì 10 như thông thường).

Làm việc 4 ngày/tuần đã được thử nghiệm ở một số lượng nhỏ doanh nghiệp trên toàn thế giới, rồi trở thành xu hướng khi dịch COVID-19 bùng phát. New Zealand, Nga và Mỹ là những nước đã đề xuất áp dụng tuần làm việc 4 ngày trên diện rộng

Làm việc 4 ngày/tuần mang lại những gì?

Nhân viên cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống

Qua một khảo sát của đại học Henly thì khi giảm thời gian làm trong tuần, số nhân viên nghỉ ốm cũng giảm hẳn. Lý giải cho việc này là các nhân viên cảm thấy bớt căng thẳng về tinh thần, họ có thời gian để cải thiện toàn diện sức khỏe và kết nối tốt hơn với gia đình. Cụ thể, 70% nhân viên cảm thấy ít stress hơn và 78% cảm thấy hạnh phúc hơn.

Nhân viên có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động kết nối với gia đình và theo đuổi các dự định cá nhân nhờ vậy sức khỏe thể chất và tinh thần cải thiện
Nhân viên có thể tham gia nhiều hơn các hoạt động kết nối với gia đình và theo đuổi các dự định cá nhân, nhờ vậy sức khỏe thể chất và tinh thần cải thiện.

Hiệu suất của doanh nghiệp tối ưu hơn

Sau thời gian thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, nhiều công ty nhận thấy năng suất và hiệu quả lao động của nhân viên tăng lên rõ rệt, cụ thể ở Killer Visual Strategies là 20% và Microsoft Japan là 40%. Và trong khảo sát ở trên của đại học Henley, 64% nhân viên cũng nhận thấy có sự tăng trưởng trong năng suất và 63% công việc được ghi nhận đạt kết quả tốt hơn.

Ngoài ra các công ty cũng tiết kiệm phần lớn chi phí vận hành như tiền điện, tiền đi lại của nhân viên, tiền vật dụng văn phòng,… Điển hình là Microsoft Japan đã tiết kiệm 23% mức điện sử dụng trong văn phòng, 59% giấy in và 25% thời gian nghỉ ốm của nhân viên.

class Liệu Việt Nam có nên áp dụng tuần làm việc 4 ngày1


Điều gì khiến tuần làm việc 4 ngày chưa được áp dụng rộng rãi?

Khả năng quản lý công việc của nhân viên phải thực sự tối ưu mới có thể hoàn thành khối lượng cũ trong 32 tiếng/tuần. Nhiều trường hợp đã ghi nhận, thời gian giảm không làm năng suất tăng, mà thậm chí gây ra sụt giảm chất lượng và khủng hoảng về tâm lý do nhân viên phải tăng giờ làm mỗi ngày thành 9-10 tiếng. 

Có những lĩnh vực hay bộ phận không thể giảm ngày làm của nhân viên như sản xuất, kỹ thuật, xây dựng và dịch vụ, bởi đòi hỏi tính liên tục và sẵn sàng có mặt khi khách hàng cần. Đặc biệt, các thiệt hại gây ra bởi giảm ngày làm ở các bộ phận này sẽ vô cùng nghiêm trọng đối với startup hay doanh nghiệp nhỏ. 

Dễ gây ra sự thiếu công bằng hay mâu thuẫn giữa các thế hệ và bộ phận trong công ty nếu sự chuyển dịch không diễn ra đồng thời. Tuy nhiên, nếu tạo sự chuyển đổi cùng lúc thì sẽ gây bất lợi cho các thế hệ nhân viên lớn tuổi bởi họ khó bắt nhịp với những đổi mới trong phong cách làm việc và quản lý. 

Việt Nam có áp dụng tuần làm việc 4 ngày được không?

“Nhìn trên diện rộng thì chưa do năng suất lao động của người Việt hiện còn thấp so với các nước trong khu vực, chưa nói tới những nước đã phát triển. Nếu năng suất đã thấp mà còn giảm thời gian thì các doanh nghiệp sẽ khó có thể cạnh tranh trong thị trường.” - Theo lời chị Ruby Nguyễn, COO Vietcetera Media.

Hiện tại, dù có sự cải thiện qua từng năm, năng suất lao động của Việt Nam vẫn chỉ bằng 7,2% so với Singapore, 18,4% so với Malaysia, 36,2% so với Thái Lan… Những lý do cơ bản là máy móc, thiết bị và quy trình còn lạc hậu; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp (có tới 78,1% lao động chưa được đào tạo chuyên môn); trình độ tổ chức, quản lý và sử dụng các nguồn lao động còn chưa hiệu quả hay nhiều bất cập trong quản lý vĩ mô. 

Ngoài ra, kinh tế chủ lực của Việt Nam vẫn đang tập trung vào khối ngành sản xuất và song song đó, có đến 98% doanh nghiệp nằm trong dạng vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy như đã nói ở trên về những lý do khó áp dụng tuần làm việc 4 ngày, chính sách giảm giờ làm sẽ chưa thể thực hiện ở Việt Nam trong hiện tại.

“Tuy nhiên nếu nhìn trên phạm vi hẹp, dù không nhiều, sẽ vẫn có những doanh nghiệp có thể áp dụng giảm giờ làm. Họ có thể thử nghiệm với một đội ngũ/phòng ban nhỏ có năng suất lao động cao. Sau đó đo lường hiệu quả/năng suất để so sánh giữa tuần làm việc 4 ngày và 5 ngày. Nếu kết quả khả quan, họ có thể triển khai rộng hơn tới những phòng ban khác.

Dĩ nhiên, đây không phải là một chính sách mà doanh nghiệp nên thay đổi đột ngột vì sẽ gây ra tổn thất lớn về năng suất và chất lượng dịch vụ với khách hàng/đối tác. Và nếu thay đổi thành 4 ngày rồi nhưng không hiệu quả, khi quay lại với 5 ngày sẽ khiến cho nhân viên bất mãn.” - Chị Ruby Nguyễn kết lời.

Kết

Căn cứ dòng lịch sử, số giờ làm của con người có xu hướng ngày càng giảm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cân bằng cuộc sống - công việc. Và bản thân mỗi chúng ta, những người lao động tại Việt Nam, một quốc gia đang gia tăng kết nối với thế giới, sẽ cần đẩy mạnh năng suất để bắt kịp với sự thay đổi mang tính tất yếu này.