Lỡ đi trễ? 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
20 Thg 06, 2019

Lỡ đi trễ? 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng

CEO của HR Strategy tiết lộ một số cách ứng biến khi đến trễ để hạn chế hậu quả, đồng thời thể hiện được sự khôn khéo và khả năng xử lý tình huống của mình.

Lỡ đi trễ? 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng

Buổi phỏng vấn việc làm là một trong những cuộc hẹn mà bạn không muốn đến trễ nhất trong cuộc đời. Đó là cánh cửa đầu tiên mở ra, trực tiếp dẫn bạn đến với sự nghiệp tương lai của mình.

Việc bạn đến đúng giờ hẹn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó là ấn tượng đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhớ đến bạn trong buổi gặp mặt trực tiếp. Bên cạnh đó, nó thể hiện thái độ tôn trọng và chuyên nghiệp của một ứng cử viên tiềm năng. Khoảng thời gian ‘vàng’ để bạn có mặt tại buổi phỏng vấn là 10 đến 15 phút trước giờ hẹn, vừa đủ cho bản thân chuẩn bị nhưng không khiến người phụ trách buổi phỏng vấn đó cảm thấy bị hối thúc.

Một khảo sát được thực hiện với 850 nhà tuyển dụng đã cho thấy ‘đi trễ’ là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng xấu đến ấn tượng của họ về ứng viên. Đương nhiên không ai muốn đi trễ cả, nhưng đôi khi kế hoạch của chúng ta không thể diễn ra như dự tính. Cuối cùng, ‘đi trễ’ trở thành một kết quả không thể tránh khỏi.

Trong tình huống này, một ứng cử viên sáng giá nên ứng biến thế nào để hạn chế hậu quả, hoặc tốt hơn là thể hiện được sự khôn khéo và khả năng xử lý tình huống của mình? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu những biện pháp ứng biến hữu dụng được CEO của Tập đoàn HR Strategy, Amy Polefrone tiết lộ.

Chủ động ‘xin’ thêm thời gian

Như bất kỳ cách xử lý khủng hoảng nào, bình tĩnh là yếu tố cần thiết trước tiên. Trễ hẹn phỏng vấn việc làm là một khủng hoảng không thể xem thường và chúng ta càng phải bình tĩnh.

Thay vì hối hả chuẩn bị, lao tới điểm hẹn với hy vọng kịp giờ, bạn nên tự trấn tĩnh mình và báo trước cho nhà tuyển dụng. Bạn thông báo càng sớm, họ càng dễ dàng thông cảm cho bạn vì họ có thể chủ động lấp thời gian trống đó bằng những việc khác.

class Lỡ đi trễ 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng0
Bạn thông báo càng sớm, các nhà tuyển dụng càng dễ dàng thông cảm cho bạn.

Ngoài ra, việc làm này còn giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị mọi thứ chỉn chu hơn. Bạn không thể xuất hiện tại phòng phỏng vấn với bộ dạng nhễ nhại mồ hôi do chạy vội, hay khuôn mặt hớt hải, trôi hết phấn son vì không kịp vào nhà vệ sinh để chỉnh đốn được. Tệ hơn nữa là bạn mang cả tâm lý vội vã, lo lắng trước đó vào gặp họ.

Bà Polefrone cho rằng, trong trường hợp này bạn hãy bình tĩnh và chủ động cho mình thêm thời gian. Bởi đi trễ vốn đã làm phiền nhà tuyển dụng, vì thế bạn nên hạn chế gây thêm phiền hà. Hãy nhắn tin báo trước cho họ kèm theo khoảng thời gian bạn sẽ đến, và chỉ gọi điện cho họ trong trường hợp không nhận được bất kỳ phản hồi nào trong vài phút.

Chỉ “xin lỗi”, tuyệt đối không viện lý do

Một trong những sai lầm mà người trẻ hay mắc phải, thậm chí trở thành một thói quen khi đi trễ là viện lý do. Càng là cuộc hẹn quan trọng, các bạn càng đưa ra những lí do mang tính ’quy mô’ hơn. Đây được xem là một trong những hành động thiếu chuyên nghiệp và dễ gây mất thiện cảm nhất.

Bà Polefrone tiết lộ: “Thật ra chúng tôi không quan tâm nguyên nhân, vì thực tế là bạn vẫn đến trễ. Đừng gây khó chịu và làm mất thêm thời gian để biện minh. Thay vào đó, hãy xin lỗi một cách chân thành rồi nhanh chóng tập trung vào trọng tâm của buổi phỏng vấn.”

class Lỡ đi trễ 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng1
Nếu bạn có lí do hợp tình hợp lý thì nên giãi bày sau buổi phỏng vấn và trong email cảm ơn.

Điều những nhà tuyển dụng quan tâm trong buổi phỏng vấn là thái độ ứng xử và năng lực làm việc của bạn. Trễ hẹn đã làm bạn ‘mất điểm’ ứng xử. Vì thế, một lời xin lỗi — vì đã ảnh hưởng đến tiến độ công việc của nhà tuyển dụng — sẽ phần nào giúp cải thiện ấn tượng của họ. Tiếp đó, bạn hãy thể hiện năng lực của mình một cách nghiêm túc và hợp tác. Những ứng biến chuyên nghiệp này sẽ giúp bạn lấp được lỗ hổng hình tượng của bản thân trước đó.

Nếu bạn thật sự có lí do hợp tình hợp lý, xảy ra bất ngờ thì nên giãi bày sau buổi phỏng vấn và trong email cảm ơn. Còn nếu chỉ để che đậy, chống chế mong họ thông cảm thì tốt nhất bạn chỉ nên xin lỗi và đừng nói gì thêm. Chìa khoá cho tình huống này là bạn nên cung cấp thông tin, không phải viện cớ.

Các nhà tuyển dụng có đủ khả năng để xác minh tính chân thật trong lời nói của bạn và bạn chắc chắn sẽ làm họ khó chịu hơn nếu chúng không đủ sức thuyết phục.

Chấp nhận cuộc hẹn của bạn có thể sẽ bị dời

Nếu nhận được phản hồi rằng buổi phỏng vấn sẽ bị dời vào thời gian khác, bạn nên thông cảm thay vì bực bội. Vì ngoài gặp gỡ bạn, họ còn phải phỏng vấn những ứng viên đã lên lịch hẹn khác. Đồng thời, với khoảng thời gian ‘trống’ chỉ để chờ bạn, họ chắc chắn có thể hoàn tất những phần việc khác của mình.

class Lỡ đi trễ 3 bước giúp bạn giữ điểm với nhà tuyển dụng2
Hãy chấp nhận buổi hẹn của bạn sẽ bị dời với một thái độ tích cực, cùng một lời xin lỗi và đừng quên gửi lời cảm ơn gửi đến nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên cảm thấy may mắn. Bạn là người lỡ hẹn và đánh mất cơ hội của mình. Nhà tuyển dụng đã có thể thực hiện ngay quyền ‘gạch bỏ’, nhưng ngược lại, họ cho bạn một thêm một cơ hội. Vì thế, bạn hãy chấp nhận với một thái độ tích cực, kèm theo lời xin lỗi cũng như cảm ơn gửi đến họ. Quan trọng nhất là hãy đảm bảo rằng mình sẽ có mặt đúng giờ vào lần hẹn sau.

Xem thêm:

[Bài viết]: Cách kết thúc email: Không đơn giản như bạn nghĩ

[Bài viết]: Du học đã dạy tôi điều gì?