Chàng-Ngốc-Già biết nhiều bạn trẻ khi tham gia thị trường chứng khoán, trong suy nghĩ thì muốn “đầu tư”, nhưng hành động thì lại là “đầu cơ” vì rất thích lướt sóng.
Tuy nhiên, số người lướt sóng thành công chiếm rất ít, vì họ tham gia một bộ môn rủi ro cao mà lại không nắm chắc kiến thức. Rất nhiều trader chưa nhiều kinh nghiệm giỏi gồng lỗ hơn gồng lãi. Trong khi đó, xu hướng giá lên thì nhiều khả năng tiếp tục lên, và giá giảm sẽ tiếp tục giảm.
Là một trader mới, ta có thể phòng tránh việc này như thế nào? Cần chuẩn bị gì để lướt sóng an toàn?
Đầu tiên, cần biết quản trị rủi ro
Trong đầu tư, rủi ro là điều cần nghĩ đến trước tiên. Khi lướt sóng chứng khoán thì điều này còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.
Nhiều nghiên cứu cho thấy xác suất để một nhà đầu tư cá nhân lướt sóng (trader) kiếm sống được với công việc là rất thấp, và những người có thể trụ được là những người có kỹ thuật và kỷ luật. Họ làm việc này như sau:
Xác định mức độ rủi ro tối đa của trade dự kiến
Mỗi người có khẩu vị rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro khác nhau. Đó có thể là 2% của toàn bộ giá trị danh mục, hay 5%, và thậm chí là 10%. Ví dụ, với danh mục 100 triệu đồng, nếu rủi ro tối đa cho lần trade sắp đến là 5% thì số tiền bị thua lỗ tối đa là 5 triệu đồng.
Nhưng trong một trade, đừng đợi vị thế (position) của nó giảm về đến zero, tức mất cả 100%. Ta cần tuân theo nguyên tắc quản trị rủi ro là khi giảm đến một mức nào đó, cần cắt lỗ vì xu hướng giảm hầu như sẽ tiếp tục. Tại đây, mỗi người có thể nghĩ khác nhau về rủi ro. Có người cắt lỗ khi bị giảm 10%, có người là 15% và cũng có người ở mức cao hơn.
Một sai lầm cần tránh của trader là không giữ được mức cắt lỗ của mình. Khi giá đã chạm mức phải cắt lỗ, họ không làm thế mà vẫn hy vọng ở sự hồi phục. Và cứ thế họ tiếp tục gồng lỗ thôi.
... để tính số tiền cần bỏ ra để trade
Khi biết được số tiền tối đa có thể mất và mức cắt lỗ cho một trade, thì chúng ta có thể tính được số tiền cần bỏ ra để mua chứng khoán.
Tiếp tục ví dụ ở trên, số tiền tối đa có thể lỗ là 5 triệu đồng, với mức cắt lỗ là 10% thì số tiền bỏ ra để mua chứng khoán là 50 triệu đồng (5/0.1). Suy ra nếu giá một cổ phiếu là 100 ngàn đồng thì trong trường hợp này ta mua 500 cổ phiếu.
Nếu không may phải đành cắt lỗ, thì số lỗ cho 1 cổ phiếu trong trường hợp này sẽ là 10% của 100 ngàn đồng, tức 10 ngàn đồng. Với 500 cổ phiếu thì sẽ là 5 triệu đồng, đúng như mức lỗ tối đa dự kiến của cái trade này.
Tính toán tỷ lệ thắng/thua, để thắng ít lần nhưng thắng chắc
Nhiều trader có kinh nghiệm đều chia sẻ một điểm chung là không ai có thể thắng liên tục. Trong số 100 lần trade, người giỏi nhất cũng chỉ có thể thắng xoay quanh mốc 50 lần. Nhưng nếu được như vậy, họ vẫn là những người chiến thắng.
Vì sao vậy? Vì họ xác định cho mình những cơ hội mà tỷ lệ thắng/thua là cao, ví dụ 3/1 hay thậm chí 5/1. Trong trading, thuật ngữ này gọi là reward/risk ratio. Khi thua, họ thực hiện cắt lỗ sớm nhưng khi thắng, họ để lợi nhuận tiếp tục chạy.
Tỷ lệ reward/risk được tính toán như sau. Nếu mua 1 cổ phiếu ở giá 10.000đ, trong tình huống xấu và cắt lỗ ở 20%, thì lỗ sẽ là 2.000đ. Tuy nhiên, giả sử giá kỳ vọng là 16.000, thì lợi nhuận trên 1 cổ phiếu sẽ là 6.000. Do đó, reward/risk ratio sẽ là 6.000/2.000 và là 3. Tương tự, nếu giá kỳ vọng là 20.000 thì reward/risk ratio sẽ là 5.
Chính vì vậy, trước khi vào một trade cụ thể, trader phải nghiên cứu và tìm hiểu khá nhiều. Những trader hiệu quả phần lớn đều là những người trade ít, nhưng trade rất chắc.
Và... biết vợt lãi để giữ thành quả
Khi vào một trade đúng xu thế, giá cổ phiếu sẽ tăng và nhiều khi mạnh đến bất ngờ. Thế nhưng, quy luật của thị trường là cái gì nóng quá sẽ sớm hạ nhiệt. Chính vì vậy, các trader có nhiều kinh nghiệm sẽ chốt 50% vị thế khi đã đạt được giá mục tiêu, và để cho giá tiếp tục chạy.
Kỹ thuật để thực hiện việc này được gọi là “trailing stop”. Ví dụ giá từ 10.000 lên 16.000 (đúng mục tiêu) thì sẽ bán ½ vị thế. Sau đó, ta đặt lệnh stop ở mức giá này hoặc thấp hơn, để nếu giá cổ phiếu bị điều chỉnh thì sẽ thực hiện lệnh bán toàn bộ vị thế còn lại. Bằng cách này ta có thể bảo toàn lợi nhuận.
Kết
Như vậy, ta có thể thấy nguyên tắc thì đơn giản, nhưng rất ít trader mới tuân thủ được điều này. Phần lớn là do tâm lý chưa vững.
Chuyện lướt sóng là không thể tránh khỏi khi đã tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, là một nhà đầu tư cá nhân thì chỉ nên dành một tỷ trọng nhỏ của tài sản để “tự thử thách” mình.
Giống như chơi lướt ván, trader có thể chọn những nơi sóng nhỏ, là cổ phiếu có vốn hóa lớn, ít biến động. Hay nếu "liều", ta cũng có thể chọn những nơi sóng dữ là những cổ phiếu penny.
Nhưng dù lựa chọn nào thì cũng cần tuân theo nguyên tắc quản trị rủi ro: xác định mức thua lỗ tối đa, tỷ lệ cắt lỗ, và biết chốt lời khi đã đạt được mục tiêu. Kỹ thuật thì đơn giản, nhưng cần kỷ luật thì mới thực hiện được nhuần nhuyễn.