5 Tình huống "quá khiêm tốn" làm bạn tiêu tốn cơ hội | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
01 Thg 11, 2024

5 Tình huống "quá khiêm tốn" làm bạn tiêu tốn cơ hội

Nếu bạn cứ âm thầm nỗ lực, rồi hy vọng người khác sẽ tự nhiên nhận ra thì đó chưa chắc là cách tốt nhất. 
5 Tình huống "quá khiêm tốn" làm bạn tiêu tốn cơ hội

Nguồn: Pexels

Khi nói về sự khiêm tốn người xưa có câu “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”, nghĩa là sông càng sâu thì càng lặng lẽ, lúa chín nặng hạt thì ngọn sẽ trĩu xuống.

Những người có hiểu biết sâu rộng thường rất khiêm nhường, không khoe khoang hay ồn ào. Bởi càng biết nhiều, người ta càng nhận ra có vô số điều mình chưa biết, vậy nên cần giữ khiêm tốn để mở lòng lắng nghe và học hỏi thêm.

Ngoài ra, lớn lên trong văn hóa phương Đông, chúng ta cũng được dạy nên khiêm tốn để hòa nhập và được mọi người yêu quý. Nhưng trong bài viết này, mình muốn đưa ra một góc nhìn khác: Sông sâu tĩnh lặng, còn lúa chín thì… bị gặt!

Mình không phủ nhận tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn. Thế nhưng, trong một số trường hợp, khiêm tốn quá mức có thể mang đến những bất lợi không đáng có. Bởi vì đã đi làm ai mà chẳng muốn sớm thăng tiến đúng không? Nhưng trong môi trường làm việc hiện nay, nếu bạn cứ âm thầm nỗ lực, rồi hy vọng người khác sẽ tự nhiên nhận ra thì đó chưa chắc là cách tốt nhất.

Dưới đây là 5 tình huống mà quá khiêm tốn sẽ làm bạn tiêu tốn cơ hội.

1. Khiêm tốn khi được giao phó thử thách mới

Nếu có gió mà thuyền không dám căng buồm, thuyền sẽ đứng yên. Cũng như nếu ta quá khiêm tốn, không dám đón nhận thử thách mới, thì sẽ chẳng thể hiện được rằng mình đã sẵn sàng cho những nhiệm vụ lớn hơn. Và thế là cơ hội thăng tiến cũng dần biến mất.

Ví dụ bạn đã đi làm ở công ty được 1 năm, một ngày sếp đến vỗ vai hỏi bạn:

“Sắp tới chuẩn bị có dự án quan trọng, em có tự tin dám làm dự án này không? Anh giao!”

Người quá khiêm tốn sẽ đáp:

“Dạ, em chưa làm việc này bao giờ, em thấy anh A có thể làm tốt hơn em đấy? Sao sếp không giao cho ảnh? À, mà nếu ảnh bận quá thì để em làm cũng được.”

Kiểu trả lời này có thể sẽ khiến cho bạn mất cơ hội, vì liệu sếp có dám giao phó dự án quan trọng cho một người đang tỏ ra miễn cưỡng nhận nó? Thay vì vậy, hãy giảm bớt sự khiêm tốn một chút và trả lời thế này:

“Dạ, em chưa làm việc này bao giờ, nhưng em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành. Anh A có nhiều kinh nghiệm trong việc này, nên nếu được sếp nhờ anh ấy hỗ trợ em lần này, em tin dự án sẽ diễn ra suôn sẻ.”

Cách trả lời này vừa thể hiện sự khiêm tốn khi thừa nhận chưa có kinh nghiệm, vừa thể hiện tinh thần sẵn sàng đón nhận thử thách. Bạn vẫn có thể chọn cách trả lời đầu tiên nếu cảm thấy hài lòng với hiện tại. Nhưng nếu bạn muốn phát triển và thăng tiến, hãy nhớ: May mắn chỉ đến khi hội tụ đủ cơ hội, sự chuẩn bị, và hành động.

2. Khiêm tốn khi cần góp ý trong tập thể

alt
Nguồn: Pexels

Vượt qua được bước đầu tiên, buồm đã giương lên, nhưng nếu nó không mở rộng căng mình đón gió thì thuyền cũng chẳng đi nhanh hơn được. Tương tự để làm việc hiệu quả, dù bạn vẫn giữ thái độ khiêm tốn, cởi mở để lắng nghe phản hồi nhưng cũng cần tự tin chia sẻ ý kiến của mình.

Tiếp nối ví dụ trên, chẳng hạn bạn đã nhận nhiệm vụ mới ở một dự án quan trọng. Trong buổi họp lên chiến lược, sếp đặt câu hỏi: “Em nghĩ sao về hướng giải quyết này?”

Người quá khiêm tốn có thể sẽ trả lời:

"Dạ, em chưa chắc ý tưởng của mình có phù hợp không. Chắc là để mọi người phát biểu trước ạ."

Đây không phải là kiểu trả lời tự ti, mà đôi khi là do ta muốn giữ thái độ khiêm tốn và tôn trọng người khác. Tuy nhiên, khi bạn không dám chia sẻ, người khác sẽ không biết được bạn có những ý tưởng hay, và điều này có thể làm giảm sự tin tưởng của đồng đội về khả năng đóng góp của bạn.

Thay vào đó, nếu đã có ý tưởng, hãy tự tin hơn và nói:

"Dạ, em có ý tưởng này muốn chia sẻ. Mọi người có thể góp ý thêm để hoàn thiện, nhưng em nghĩ nó có thể giúp dự án tiến nhanh hơn, và ý tưởng của em như thế này..."

Mọi ý tưởng đều có giá trị riêng, nhưng với điều kiện là bạn phải nói nó ra.

Nếu cứ ngại không nói thì dần dần bạn sẽ tự cài cắm vào đầu suy nghĩ rằng mình chưa đủ giỏi, trong khi những người khác nói hay thế, ý kiến của họ thật xịn, rồi tự đánh giá thấp những ý tưởng của mình. Và cứ thế, bạn “tàng hình” trong các buổi họp. Trong khi, như mình đã nói ở bài viết về 6 tư duy để sớm lên trình senior, sự hiện diện chính là yếu tố cực kỳ quan trọng.

3. Khiêm tốn vì sợ bị người khác ghét

Bạn không dám nói ra ý kiến không phải vì sợ ý kiến không hay, mà vì sợ làm người khác phật lòng. Đây là lúc cái tôi khiêm tốn của bạn nên “ở nhà” nhất.

Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, những người đã không thích bạn thì bạn sẽ không thể kiểm soát cách họ cảm nhận về mình, và trách nhiệm của bạn cũng không phải là thay đổi họ.

Mình có một người bạn sinh ra trong gia đình giàu có, lại thông minh và nhanh nhẹn. Khi làm việc, bạn ấy tập trung hoàn toàn vào kết quả, suy nghĩ nhanh, nên lời nói cũng thẳng thắn, không màu mè. Chính vì vậy, những lời nói có phần trực diện của bạn ấy thường dễ làm người khác khó chịu khi chưa hiểu rõ động cơ.

Nhưng dần dần mọi người cũng quen với cách làm việc của bạn và hiểu rằng mọi lời nói đều vì mục tiêu chung. Họ bắt đầu tôn trọng và ngưỡng mộ bạn ấy hơn (dù có thể là vẫn có chút “ghét” bạn).

Vậy nên, miễn là bạn không mang theo định kiến, không công kích cá nhân hay sử dụng từ ngữ thô lỗ, thì đừng ngại nói ra điều cần nói chỉ vì sợ làm mất lòng ai đó. Bạn không cần phải cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, vì điều đó gần như là không thể. Và thuyền chỉ có thể vượt sóng khi dám căng buồm.

4. Khiêm tốn khi bản thân đang bị mất lửa

alt
Nguồn: Pexels

Đây là một trường hợp khá đặc biệt. Bạn mất lửa cũng như chiếc thuyền buồm mất gió. Khi động lực bên ngoài biến mất và cánh buồm đã không còn tác dụng, thì hãy cất buồm đi và khởi động động cơ hoặc sử dụng mái chèo.

Khi mất động lực, nếu còn quá khiêm tốn, sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực.

Hãy tưởng tượng, bạn là một trưởng nhóm. Sau nhiều dự án thành công, gần đây bạn bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì các dự án không còn đạt được kết quả mong đợi do quá nhiều thách thức mới. Bạn bắt đầu tự vấn về năng lực của mình, nhất là khi những đồng nghiệp trẻ, tài năng hơn xuất hiện.

Khi họ hỏi bạn về hướng đi của dự án, bạn trả lời một cách dè dặt: "Tình huống này anh/chị chưa gặp, không chắc giúp được cho em."

Câu trả lời thiếu tự tin này có thể làm cho các thành viên khác trong nhóm bối rối về vai trò của bạn, và thậm chí càng củng cố sự tự ti bên trong bạn.

Thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự tin trả lời:

“Thú thật, đây là một vấn đề mới với anh/chị. Nhưng anh/chị có thể chia sẻ một số phương án, cách suy nghĩ mà mình từng áp dụng ở các dự án trước và rất muốn nghe cách em đang suy nghĩ để có thể góp ý cho em.”

Khiêm tốn nên là công cụ giúp bạn nhận ra những gì mình chưa biết, chấp nhận rằng mình có thể sai và sẵn sàng học hỏi thêm. Từ đó, bạn có thể tìm ra hướng đi mới và tiếp tục tiến lên. Chứ khiêm tốn không phải để dằn vặt bản thân hay nghĩ rằng: “Chắc mình không hợp với việc này, nên dừng lại thôi.”

5. Khiêm tốn khi cần thể hiện bản thân

Nếu đang có gió lớn cần tranh thủ điều chỉnh ánh buồm khéo léo để đưa thuyền đi đúng hướng và tới đích nhanh hơn. Cũng như trong cuộc sống, đôi khi bạn phải tinh tế thể hiện bản thân để người khác thấy rõ giá trị của mình.

Trong tiếng Việt có câu “hữu xạ tự nhiên hương”. Bạn hiểu câu này thế nào?

Với mình, “hữu xạ” là thành quả của công việc, là những gì ta đạt được sau nỗ lực. Còn “hương” chính là cách chúng ta chia sẻ thành quả đó đến người khác, để họ biết và công nhận những gì mình đã làm.

Đừng nghĩ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ là người khác tự nhiên sẽ nhận ra giá trị của bạn. Trong thế giới bận rộn này, điều đó không còn đúng nữa. Mọi người chỉ tập trung vào những điều họ quan tâm, và nếu bạn nằm ngoài sự chú ý của họ, họ sẽ không biết đến những gì bạn làm, nhất là nếu bạn quá khiêm tốn và ngại thể hiện.

Chẳng hạn, bạn vừa hoàn thành một dự án lớn tại công ty, nhưng khi họp tổng kết, bạn chỉ nói: “Em chỉ làm những gì cần thiết thôi” mà không tự ghi nhận những khó khăn và công sức của mình cùng cả nhóm. Kết quả là, cấp trên có thể không nhận thấy sự cống hiến của bạn, và cả những đồng nghiệp cùng làm.

Nếu bạn không muốn tự mình nói về giá trị của bản thân, hãy để thành quả của bạn lên tiếng. Chẳng hạn, sự hài lòng của khách hàng, phản hồi tích cực từ đồng nghiệp, hay kết quả rõ ràng từ công việc chính là cách tự nhiên để truyền tải giá trị của bạn. Quan trọng là bạn phải biết cách tạo điều kiện để những điều đó được nhìn thấy và ghi nhận đúng lúc, đúng người.

Kết

Mình muốn nhấn mạnh rằng khiêm tốn vẫn là một đức tính quý báu và cần có. Nhưng cái tôi khiêm tốn này khá phức tạp – quá ít thì dễ trở nên kiêu căng, còn quá nhiều lại khiến mình nhút nhát, thiếu tự tin.

Không chỉ vậy, khi bạn quá khiêm tốn, đôi khi người khác có thể nghĩ đó là “khiêm tốn giả tạo”, trong khi thực sự bạn chỉ đơn giản là không muốn khoe khoang. Tuy nhiên, trên thực tế đúng là có những người khoác lên mình sự khiêm tốn để tạo thiện cảm trong mắt người khác, đó cũng là một chiến lược.

Nhưng theo mình, thà rằng bạn cứ tự tin thể hiện khả năng thực sự, còn hơn là khoác lên sự khiêm tốn giả tạo. Giống như việc điều chỉnh cánh buồm đúng góc để thuyền đi nhanh nhất, việc trung thực với khả năng của mình sẽ giúp bạn được ghi nhận đúng lúc và tạo ra những cơ hội tốt nhất để phát triển.