Tiền không phải là tất cả trong cuộc sống, nhưng quản lý tốt tiền bạc của chính mình sẽ ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng cách suy nghĩ khi đề cập đến vấn đề tài chính, bởi vì mỗi người có một money blueprint khác nhau.
Money blueprint là gì?
Định nghĩa tiếng Việt của cụm từ này là “bản thiết kế chi tiêu tiền tệ”, nó thể hiện tư tưởng của bạn về việc quản lý tài chính cá nhân—cách bạn kiếm tiền và tiêu tiền. Điều này được thiết lập xuyên suốt cuộc đời bạn, ngay từ khi bạn còn chưa nhận thức được.
Mọi bản thiết kế đều được hình thành từ mỗi dấu chấm, đường ngang, nét dọc được vẽ riêng biệt, sau đó nối kết với nhau để tạo thành một bản thiết kế hoàn chỉnh. Money blueprint cũng vậy, chỉ khác là chúng ta không thể nhìn thấy hay chạm vào nó được.
Mỗi đường nét trong một bản money blueprint đều được phác hoạ bởi môi trường sống xung quanh chúng ta. Đó có thể là cách cha mẹ và người thân trong gia đình sử dụng tiền bạc hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng cốt lõi của bạn về quản lý tài chính. Đó cũng có thể là những câu chuyện đầu tư của bạn bè và đồng nghiệp, ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ về nguồn vốn và tiếp cận việc làm giàu.
Mọi con người, sự kiện, và diễn biến trong cuộc sống xung quanh đều góp phần hình thành và bổ sung cho money blueprint của bạn. Cách bạn suy nghĩ về tiền bạc sẽ định hướng tư tưởng của bạn, và rồi tư tưởng đó sẽ dẫn đến hành động tương ứng. Cuối cùng, những hành động lặp đi lặp lại như vậy sẽ tạo thành thói quen tiêu xài của bạn.
Làm thế nào để cải thiện bản kế hoạch chi tiêu?
1. Đánh giá mức độ cấp thiết trước khi quyết định tiêu tiền
Đây là một phương pháp tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Mỗi khi cần chi trả cho thứ gì, hãy cân nhắc xem bạn có thật sự cần nó lúc này không.
Tuy nhiên, tránh nhầm lẫn việc này với hành vi “thỏa mãn tức thời“— một thuật ngữ chỉ khuynh hướng bỏ qua lợi ích lâu dài để đạt được một lợi ích tức thời, nhưng ít đáng giá hơn. Ngược lại, việc đánh giá mức độ cấp thiết của hàng hoá và dịch vụ sẽ giúp bạn tránh được cảm xúc thôi thúc tiêu tiền cho những trải nghiệm ngắn hạn không cần thiết.
Vẫn còn một “bài kiểm tra” đơn giản khác để thử xem liệu món hàng yêu thích nhất thời có thể thu hút bạn lâu dài hoặc thật sự cần thiết hay không. Mỗi khi đến mùa khuyến mãi, thay vì tự nhủ phải tránh xa Facebook, Instagram và tất cả các trang bán hàng, bạn vẫn có thể thoải mái lướt xem, nhưng thích món nào thì đừng vội mua ngay. Hãy tạm gác lại hai hoặc ba ngày sau. Nếu vẫn còn nhớ đến thì hẵng xem xét, nhưng nếu đã quên bẵng luôn thì chứng tỏ món hàng đó chưa phải là cấp thiết lắm.
2. Chấp nhận rằng vấn đề tiền nong không chỉ xoay quanh những con số
Mà đằng sau đó còn có những yếu tố khác nữa. Như đã nói, cách tiêu xài của bạn có mối tương tác hai chiều từ những người xung quanh, vì thế những thay đổi về hành vi tài chính của bạn chắc chắn sẽ xảy ra “xung đột” với những yếu tố ngoại cảnh đó. Chẳng hạn, có thể bạn bè sẽ mất vui khi bạn từ chối bữa hẹn ăn tối. Có thể người yêu sẽ không hài lòng khi bạn bỗng nhiên không chi trả cho những cuộc hẹn của cả hai, hoặc không tặng những món quà đắt tiền nữa.
Trong những trường hợp như vậy, hãy chia sẻ để họ hiểu và cùng tìm ra giải pháp tốt hơn cho cả hai bên. Có thể là nhóm bạn sẽ chọn một địa điểm ăn tối với giá cả phải chăng; hay bạn và người yêu vui vẻ chia đôi “tình phí” chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu không thể đi đến một thỏa thuận êm đẹp thì tốt nhất là không nên tranh cãi gay gắt, nhưng cũng đừng đầu hàng.
Đặc biệt là khi đang trong một mối quan hệ nghiêm túc, cả hai người nên thẳng thắn chia sẻ với nhau về vấn đề quản lý tài chính. Đừng để mọi gánh nặng đổ dồn về một phía. Có thể khả năng tài chính của một người sẽ “nhỉnh” hơn người còn lại, nhưng đây là mối quan hệ của cả hai, vì thế cả hai bên đều cần có trách nhiệm, bàn bạc và hỏi ý kiến lẫn nhau. Đây cũng là cách tôn trọng và giữ cho mối quan hệ lâu bền.
3. Hãy ở cạnh những ngọn đèn sáng
Hãy làm quen và trò chuyện với những người có cách chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư đồng nhất với định hướng quản lý tài chính mà bạn đang phấn đấu. Đó có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, hoặc đồng nghiệp. Điều kiện tiên quyết là tư tưởng của họ nên bắt nguồn từ những động lực tích cực và lạc quan, chẳng hạn như để hưởng thụ cuộc sống, chứ không phải kiếm tiền để trả thù, hay làm giàu để ganh đua.
Nhiều tấm gương đã thành công với tư tưởng dùng tri thức để đầu tư cho xã hội và giúp đỡ cộng đồng. Có thể kể đến những ý tưởng kinh doanh bắt nguồn từ mong muốn kết nối cộng đồng như Facebook, điện thoại, Internet,…; hoặc cải thiện lối sống xã hội như xe chạy bằng điện, máy phân hủy rác thải thực phẩm, hay chỉ đơn giản như ống hút làm từ bột gạo hay tre. Miễn là tư tưởng của bạn đi đúng hướng, bạn sẽ có một bản thiết kế hoàn mỹ để làm nền tảng cho thành công lâu dài.
Đồng thời, bạn cũng cần mở rộng vòng tròn kết nối của mình bằng cách tham dự những buổi trò chuyện, hội thảo về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tiền tệ. Ở đó bạn sẽ gặp rất nhiều người có cùng tư tưởng, biết đâu họ sẽ cho bạn thêm vài lời khuyên để hoàn thiện bản money blueprint của mình thì sao. Cứ tự đốc thúc và chủ động học hỏi, noi theo gương tốt, và hành động theo hướng tích cực thì bạn sẽ thành công.
Kết
Việc nhận thức về những yếu tố ảnh hưởng đến cách bạn chi tiêu là một điều tốt, vì nhờ đó mà bạn hiểu hơn về hành vi quản lý tài chính của chính mình. Trên đây là một số lời khuyên cơ bản nhất cho bước khởi đầu. Việc tiếp theo bạn cần làm là tích cực khám phá và học hỏi thêm những phương pháp khác, phù hợp nhất với bản thân, từ đó dần dần hoàn thiện bản kế hoạch chi tiêu money blueprint của mình. Mong tất cả các bạn đều thành công.
Bài viết này được thực hiện bởi Rosie-Ân Hồ.