Theo nhiều nghiên cứu, việc treo thưởng, dù tỏ ra khá hiệu quả với công việc tay chân, lại không có cùng tác động tới công việc cần nhiều sáng tạo, cụ thể: Gây tâm lý sợ bị mất thưởng, kìm hãm việc đổi mới hay tạo ra sự chia rẽ trong nội bộ...
Nhận thấy điều này, các nhà quản lý bắt đầu tìm hiểu và áp dụng nhiều cách khác, trong số đó có 'Moving Motivator'. Phương pháp này tập trung tìm hiểu nguồn động lực bên trong (intrinsic motivation) để cải tiến môi trường làm việc phù hợp nhất với nhân viên.
10 nguồn động lực nội tại trong Moving Motivator
- Sự tò mò (Curiosity): muốn tìm hiểu và khám phá nhiều thứ xung quanh
- Niềm tự hào (Honor): muốn được tự hào về những giá trị bản thân thể hiện trong công việc
- Sự công nhận (Acceptance): muốn được mọi người xung quanh chấp nhận con người thật và những gì mình làm
- Kỹ năng cao (Mastery): muốn có khả năng xử lí những vấn đề khó khăn và phức tạp trong công việc hoặc lĩnh vực của mình
- Quyền lực (Power): muốn có sức ảnh hưởng tới những điều xảy ra xung quanh
- Tự do (Freedom): không muốn bị ràng buộc với người khác trong công việc và trách nhiệm của mình
- Mối quan hệ (Relatedness): muốn có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh
- Trật tự (Order): muốn có đủ quy tắc và luật lệ cần thiết
- Mục tiêu (Goal): muốn công việc phản ánh đúng với mục tiêu sống
- Trạng thái (Status): muốn có một vị trí tốt và được công nhận bởi những người khác
Một điều đáng chú ý là tiền bạc không nằm trong danh sách này. Khi bạn suy nghĩ xa hơn: “Mình sẽ làm gì khi đã có nhiều tiền?”, thì câu trả lời sẽ quay lại với những yếu tố được kể ra ở trên.
Ứng dụng Moving Motivator thế nào?
Để bắt đầu, mỗi người tham gia sẽ được phát một bộ 10 tấm thẻ tương ứng với 10 động lực kể trên. Tiếp theo thì thực hiện theo các bước:
Bước 1
Sắp xếp 10 tấm thẻ theo mức độ quan trọng theo thứ tự tăng dần từ trái qua phải.
Bước 2
Chia sẻ về lý do hay những điều tác động đến thứ tự này.
(Đây là lúc những người cùng tham gia có cơ hội quan sát sự tương đồng hay khác biệt trong cách nhìn của các đồng nghiệp lên một vấn đề. Từ đó lí giải được nguyên nhân cho các mâu thuẫn nội bộ và đưa ra cách giải quyết để đạt được sự cân bằng.)
Bước 3
Nếu bạn hoặc cả nhóm đang cân nhắc một số thay đổi, hãy hình dung cách chúng sẽ tác động tới các động lực kể trên. Yếu tố nào tăng lên thì sẽ cần di chuyển tấm thẻ đó cao lên một chút, và ngược lại. Sau khi đã xong, cả nhóm cần nhìn lại tác động tổng thể của sự thay đổi, rồi mới ra quyết định.
Một lưu ý là thứ tự ưu tiên của mỗi người có thể thay đổi theo thời gian. Do đó, hãy thực hiện lại trò chơi này sau một khoảng thời gian nhất định và so sánh với kết quả trước đó. Tìm hiểu xem vì sao lại có sự thay đổi này và cần phải làm gì để thích ứng với những thay đổi đó.
Khi nào thì ứng dụng?
Tự suy ngẫm
Tôi có thể tự chơi trò này một mình và tự đặt câu hỏi cho chính mình: Liệu những gì tôi đã và đang làm có thực sự tốt nhất đối với bản thân hay chưa?
Thảo luận 1 - 1 với đồng nghiệp
Tôi thường bắt đầu việc hướng dẫn (mentor) bằng cách chơi Moving Motivator để hiểu rõ hơn và tìm được cách phù hợp nhất để giúp đỡ các bạn mới. Tương tự, các nhà quản lý hay các đồng nghiệp cũng có thể ứng dụng phương pháp này để hỗ trợ nhau tốt hơn.
Phỏng vấn
Trò chơi giúp tôi hiểu được tính cách và mong muốn của ứng viên để cân nhắc xem họ có phù hợp với các thành viên khác trong nhóm hay không.
Thảo luận về các thay đổi lớn trong nhóm làm việc
Trò chơi cũng tỏ ra khá hiệu quả khi có sự thay đổi thành viên trong nhóm, khi cả nhóm đang tìm thành viên mới hoặc cần ra quyết định thay đổi một điều gì đó.
Kết
Moving Motivator là một trò chơi khá đơn giản nhưng thực sự hiệu quả. Bạn có thể ứng dụng ngay bây giờ bằng cách mua bộ thẻ từ Management 3.0 hoặc tải về và tự in ra để áp dụng với nhóm của mình.