Nghe pop gõ mail, nghe jazz tìm ý tưởng: Chọn nhạc cũng cần chiến thuật? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
15 Thg 10, 2020

Nghe pop gõ mail, nghe jazz tìm ý tưởng: Chọn nhạc cũng cần chiến thuật?

Bạn có biết nhạc nhẹ có thể giúp bạn brainstorm tốt hơn không? Thực ra thì các thể loại âm nhạc khác nhau sẽ có những tác động riêng đến từng thể loại công việc
Nghe pop gõ mail, nghe jazz tìm ý tưởng: Chọn nhạc cũng cần chiến thuật?

Nguồn: Unsplash.

Theo khảo sát của Webfx, trong số những nhân viên có sử dụng âm nhạc khi làm việc thì 90% thể hiện sự cải thiện về hiệu suất và 88% có sự chính xác cao hơn trong thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, không phải thể loại nhạc nào cũng có tác động giống nhau tới năng suất. Các nghiên cứu về nhạc nền tại môi trường công sở phát hiện: nhạc có lời làm giảm hiệu suất tư duy, đặc biệt với những công việc yêu cầu xử lý ngôn ngữ chuyên sâu (sáng tạo nội dung, biên-phiên dịch, viết lách…), còn nhạc có nhịp độ (tempo) quá nhanh hoặc thay đổi liên tục sẽ làm giảm năng suất đối với các công việc liên quan đến phân tích, nghiên cứu.

Vậy làm thế nào để tận hưởng những cảm xúc tuyệt vời cùng âm nhạc mà vẫn duy trì một trí óc nhanh nhạy để làm việc hiệu quả?

1. Tiết tấu nhanh cho công việc lặp đi lặp lại

Khi đối mặt với những công việc không đòi hỏi quá nhiều suy ngẫm và bạn đã thuần thục như nhập liệu, trả lời email, sắp xếp tài liệu… thì những nhịp điệu nhanh sẽ thúc đẩy năng suất tốt nhất. Loại nhạc này được minh chứng là giúp gia tăng sự tập trung và tính chính xác trong những công việc lặp đi lặp lại.

Để có hiệu quả cao nhất, hãy lựa chọn những bản nhạc không lời. Hoặc nếu có lời thì cũng nên là những bản nhạc thật quen thuộc với lời lẽ không quá ấn tượng để tránh việc giành mất sự chú ý của não bộ.

Một vài playlist bạn có thể nghe trên Spotify: Pumped Pop Playlist; Massive Dance Hits; Mood Booster; Happy Pop Hits.

2. Nhạc truyền cảm hứng cho công việc thể chất

Các công việc như chạy sự kiện, thực hiện photoshoot… là những hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng và đòi hỏi sức bền cao. Vì thế giai điệu bạn nghe nên tương đồng với những loại nhạc thường sử dụng cho các hoạt động thể chất, tức thúc đẩy mạnh mẽ nguồn động lực bên trong.

Nhiều người sẽ đánh đồng những loại nhạc này với các bài có nhịp điệu nhanh, tiết tấu dồn dập, nhưng một nghiên cứu đã chỉ ra khi vượt ngưỡng 145 BPM (beat per minute - nhịp trên phút), bài nhạc không còn tác dụng tăng động lực nữa. Vì vậy thay vì chọn những nhịp điệu ngày càng nhanh, hãy ưu tiên những bài nhạc truyền cảm hứng, những giai điệu sẽ gợi lên cho bạn các ký ức và cảm xúc tích cực.

Vì phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi và sở thích cá nhân, tốt nhất bạn hãy tìm lại những bản nhạc yêu thích để tạo nên danh sách phù hợp nhất cho bản thân.

3. Tiết tấu nhẹ nhàng cho việc tìm kiếm ý tưởng

Khi muốn thu thập nhiều ý tưởng cho một dự án, các vùng trong não bộ của bạn sẽ cần được đánh thức, để sản sinh ra càng nhiều góc nhìn đa dạng, mới mẻ và thú vị càng tốt. Đây là lúc những loại nhạc vui vẻ có tác động tối ưu lên năng suất của bạn.

Hãy tìm đến những bản nhạc cổ điển gợi lên tâm trạng tích cực và kích hoạt những cảm xúc hạnh phúc, hứng khởi ở cường độ cao khi bạn cảm thấy bế tắc trước một vấn đề nào đó.

Trong trường hợp không có nhiều hứng thú với nhạc cổ điển, bạn có thể chọn các bản nhạc (có lời) với tiết tấu nhẹ nhàng như Rumba hay Acoustic. Nhưng hãy nhớ, chỉ nghe chúng khi đang làm các hoạt động sáng tạo không liên quan tới ngôn ngữ, để tránh làm rối rắm suy nghĩ của não bộ.

Một vài playlist bạn có thể nghe trên Spotify: Rumba; Jazz in the Background; Revision Ballads; Chill Lofi Study Beats.

4. Tiếng ồn trắng cho việc đòi hỏi tập trung cao

Nghiên cứu chuyên sâu, phân tích dữ liệu, lên chiến lược,... là các thời điểm mà nhiều người sẽ chọn sự tĩnh lặng, hạn chế tối đa âm thanh gây xao nhãng để não bộ có thể tập trung tuyệt đối cho công việc.

Tuy nhiên, cũng không ít người gặp khó khăn trong việc tập trung với sự yên lặng tuyệt đối (absolute silence). Và trong trường hợp này, việc kiến tạo một môi trường yên lặng tương đối (relative silence) với tiếng ồn trắng (âm thanh với tần số thấp) hoặc những âm thanh yên bình của thiên nhiên được chứng minh có thể vừa đem lại trạng thái thoải mái cho tinh thần, vừa đảm bảo tập trung.

Một vài playlist bạn có thể nghe trên Spotify: White Noise; Nature Sounds; Rain Sounds.

5. Giai điệu lặp lại và chậm rãi để giải stress

Nhiều bằng chứng thể hiện rằng những giai điệu lặp lại có thể kích thích sự chữa lành của các thương tổn về não bộ, còn các bản nhạc chậm rãi thì giúp điều hòa lại sóng não và giúp chúng ta dễ bước vào trạng thái thiền định, thư thái hơn. Vì vậy đây cũng là những âm thanh bạn cần tìm đến khi muốn giải tỏa khỏi căng thẳng và lo âu.

Những âm thanh của tiếng mưa, tiếng sấm pha trộn với chút vị jazz hay nhạc cổ điển sẽ rất phù hợp để nghe trong lúc bạn đang rối bời hay muốn nghỉ ngơi giữa các nhiệm vụ. Ngoài ra, nếu muốn khám phá thêm vài màu sắc âm nhạc độc đáo đem lại tác dụng tương tự, hãy thử nghiệm với các dòng nhạc Celtic hay các giai điệu tạo ra từ những nhạc cụ truyền thống của Ấn Độ hay thổ dân Châu Mỹ.

Một vài playlist bạn có thể nghe trên Spotify: Lo-Fi Beats, Relaxing Songs, Relaxation pluie et eau.

6. Giai điệu quen thuộc cho việc kết nối

“Âm nhạc gắn kết mọi người” không chỉ là một câu nói mà cũng đã chứng minh qua nhiều nghiên cứu, cụ thể là khi cùng lắng nghe hay hát theo những bản nhạc, thì các cá nhân trong một tổ chức thể hiện mức gắn kết cao hơn.

Nhiều người sẽ lo lắng khó mà hòa hợp được với gu âm nhạc của người khác nên thường ít có xu hướng chia sẻ những bản nhạc yêu thích với cộng đồng. Nhưng một nghiên cứu cũng chỉ ra: thực tế không cần phải chọn đúng thể loại nhạc mà người kia thường nghe, chỉ cần đó cũng là một giai điệu mà họ thích thú lắng nghe thì đã có thể tạo ra được sự gắn kết giữa cả hai.

Ngoài ra, những bản nhạc nhắc đến các chủ đề về “chúng ta” hay cộng đồng sẽ có khả năng kết nối cao hơn hẳn những giai điệu chỉ tập trung vào câu chuyện của một cá nhân.

Một số playlist bạn có thể nghe trên Spotify: Best friend songs; The Ultimate Teambuilding Playlist.