Hồng Ánh có thể được gọi là thế hệ diễn viên gạo cội, với sự hóa thân đa dạng từ sân khấu kịch (Công Chúa Chích Chòe - kịch Idecaf, Hãy Khóc Đi Em - kịch Hoàng Thái Thanh…), hay nổi bật nhất là qua các tác phẩm điện ảnh (Trăng Nơi Đáy Giếng, Thanh Xuân Rực Rỡ, Tiệc Trăng Máu). Là diễn viên chưa đủ, Hồng Ánh còn là đạo diễn phim và đạt thành công lớn với Đảo Của Dân Ngụ Cư.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Hồng Ánh chỉ xoay quanh nghề diễn, thứ đã khởi đầu cho sự nghiệp của chị, nhưng tôi học được trong đó, là cả cái tâm của một người làm nghệ thuật.
Ngữ điệu là thứ giúp khán giả yêu nhân vật của bạn!
Một thắc mắc cơ bản của những khán giả khi xem phim rạp về: tại sao có những bộ phim mang lại cảm giác “kịch”, còn có những bộ phim xem lại thấy cực tự nhiên. Trả lời cho câu hỏi này, chị Hồng Ánh đề cập tới 2 yếu tố quan trọng: câu chữ viết xuống, và ngữ điệu nhấn nhá.
Một diễn viên có thể không có nhiều quyền thay đổi câu chữ của biên kịch, nhưng hoàn toàn kiểm soát được ngữ điệu mình sử dụng.
Sân khấu kịch là một không gian rất lớn. Mọi cảm xúc đều được thể hiện qua giọng nói - phải nói to, và cảm xúc phải “bị làm quá”. Nhưng với điện ảnh, khi mọi cảm xúc nhỏ nhất cũng được bắt trọn, một giọng nói to cũng kéo theo cơ mặt căng lên, dẫn đến việc thể hiện cảm xúc quá đà, từ đó bị nhận xét là “kịch”.
Thử thu 1 lời nói chuyện, nhắm mắt lại và nghe nó trên nền nhạc không lời. Bạn có yêu cái giọng đó không? Nếu có, tức là bạn đã làm đúng.
Một đôi mắt trong veo, và một trái tim phức tạp
Cần nhất ở một diễn viên là sự trong sáng. Trong sáng để luôn tò mò và quan sát thật kỹ cách mọi người xung quanh mình sống và làm việc. Bà bán hàng rong thường rao như thế nào, một wedding planner sẽ nói chuyện qua bộ đàm ra sao... Bởi một ngày nào đó, bạn luôn có thể hóa thân vào bất kỳ ai.
Hồng Ánh không tin vào một thế giới khác, còn Hạnh (Trăng Nơi Đáy Giếng) lại nhờ cậy vào một thế lực siêu nhiên để vượt qua nỗi đau của mình. Dù thỉnh thoảng vẫn bị “dội” (trạng thái khi diễn viên không hiểu lý do hành động của nhân vật, từ đó không thể hóa thân trọn vẹn), chị vẫn luôn tự nhủ phải tạm gác lại niềm tin cá nhân để cảm thông cho Hạnh.
Chỉ khi bỏ hết mọi bực dọc, đánh giá dành cho nhân vật, chị mới thực sự bước được vào thế giới họ sống và trở thành họ.
Nên đôi mắt ngây thơ là không toàn vẹn. Người diễn viên cần một trái tim đủ phức tạp. Để khai phá đủ mọi cung bậc cảm xúc, để đi đến tận cùng lý do hành động của nhân vật. Để hiểu và thương họ.
Nghề diễn là một công việc đòi hỏi tinh thần đồng đội
Một diễn viên có khả năng phải hòa hợp với bạn diễn, với đạo diễn, hoặc thậm chí, với camera man.
Trong một cảnh quay với Thái Hòa ở Cây Táo Nở Hoa, trong kịch bản, hai nhân vật chỉ đối thoại đơn thuần. Tuy nhiên, Thái Hòa lại đột ngột ngồi sụp xuống, thể hiện sự giằng xé nội tâm của nhân vật. Một diễn viên làm theo kịch bản sẽ dừng lại tại đó. Nhưng Hồng Ánh cũng ngồi xuống, nâng bạn diễn lên và ôm lấy anh vào lòng.
Sự kết nối đến từ những cuộc trò chuyện, những giờ ăn cơm chung, những lúc sẵn sàng bộc lộ suy nghĩ với đối phương là cần thiết với một diễn viên. Nếu không học cách yêu thương và “cảm” cách làm của những người trong ekip, bạn có thể phải quay đi quay lại vì hiểu sai ý đạo diễn, có thể gương mặt bạn hiện lên màn hình trông cực kỳ lạ (bởi cảm xúc của người quay phim thế nào thì cảnh quay sẽ cho kết quả y hệt thế).
Hoặc trong trường hợp của Thái Hòa và Hồng Ánh, cả hai có thể đã lỡ mất một phân cảnh xuất sắc.
Cơ hội cho ngành diễn vẫn còn rất nhiều
Năm 2017 và 2018, Việt Nam cho ra lò mỗi năm 38 phim chiếu rạp. Đến 2019, con số là 41 phim. Dù 2020 là một năm khó khăn, vẫn có đến 22 phim Việt ra rạp. "Đất" dành cho các diễn viên mới là không hề thiếu.
Nếu thế hệ của Hồng Ánh tiến vào nghề diễn bằng những cuộc thi casting quy mô lớn, thì hiện nay, rất nhiều buổi casting lớn nhỏ được tổ chức liên tục. Thậm chí, có những đạo diễn chọn diễn viên bằng cách tham gia những bữa tiệc, dạo quanh các platform truyền thông (YouTube, Facebook).
Xã hội càng mở rộng nhiều cơ hội bao nhiêu, áp lực dành cho ngành diễn lại càng lớn. Những bộ phim đầu bạn có (nhiều) khả năng bị chửi “te tua”, bị vùi dập, bị mất niềm tin. Nhưng đừng dừng lại. Cứ học tiếp.
Thị trường phim ảnh vẫn còn rất mở cho những diễn viên có cá tính, và không bỏ cuộc.
Tự nhiên, tự nhiên và tự nhiên!
Khi nhận vai trong Trăng Nơi Đáy Giếng, Hồng Ánh đã tìm tất cả những tư liệu liên quan đến chầu văn, chùa chiền, tục cưới người cõi âm... Chị cũng đã tìm đến nhà văn Trần Thùy Mai (tác giả gốc tác phẩm Trăng Nơi Đáy Giếng) để trò chuyện và hiểu thêm về tâm lý nhân vật.
Tư liệu để nghiên cứu nhân vật hiện tại không thiếu (băng đĩa, Google, báo chí), quan trọng là bạn có muốn tìm hay không.
Hạnh là một người phụ nữ xứ Huế dịu dàng và trầm tính. Còn Hồng Ánh lại năng động, vui vẻ. Hóa thân thành Hạnh không chỉ là khoác lên mình những bộ đồ lụa, mà còn là tập cách đi khoan thai, điệu cười nhỏ nhẹ.
Khi là một Hồng Ánh của đời thường, chị luôn ra ngoài và chọn cho mình một nhân vật bất kỳ để quan sát cách họ sống. Thậm chí nếu cần, chị sẽ hóa thân thành một người trong tầng lớp lao động, hòa mình vào cuộc sống của họ để hiểu họ hơn.
Diễn sao cho thật tự nhiên, theo Hồng Ánh, là đỉnh cao của nghề diễn. Nhưng để tự nhiên, người diễn viên phải trải qua một chặng đường dài của quá trình học hỏi và hy sinh không ngừng.