Người trẻ đi làm: Đến văn phòng hay ra “hoang đảo ký giả”? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Người trẻ đi làm: Đến văn phòng hay ra “hoang đảo ký giả”?

“Hoang đảo ký giả” ám chỉ những nhân sự "hết thời," ngày ngày đi làm nhưng đứng bên lề của công ty. Tuy nhiên, không cần phải già mới ra đảo, nhiều người trẻ cũng đang tự đưa mình đến vùng đất này!
Người trẻ đi làm: Đến văn phòng hay ra “hoang đảo ký giả”?

Nhiều người trẻ cảm thấy lạc lõng, như thể đang trên "hoang đảo" giữa chốn văn phòng | Nguồn: Netflix

“Hoang đảo ký giả” là gì?

“Hoang đảo ký giả” (Scriberia) là cụm từ xuất hiện trong bộ phim về giới tài phiệt nổi tiếng trên Netflix – Inventing Anna. Đây là khái niệm chỉ những cây bút có thâm niên, tuổi đời cao và được gom lại một góc của văn phòng.

Họ không phải là những người thiếu năng lực mà đơn giản những việc họ làm lúc này khá trầm lặng, làm cho qua ngày so với tính chất của công việc của một tờ báo phải chạy tin tức liên tục.

alt
"Hoang đảo ký giả" trong Inventing Anna là nơi hội tụ những cây bút có tuổi, ít được giao những đề tài "nóng" của tòa soạn | Nguồn: Netflix

Hoang đảo ký giả còn có thể được mở rộng ra không chỉ trong tòa soạn, mà ở mọi công ty luôn có những “hoang đảo.” Điều đặc biệt, hoang đảo không phải là nơi chỉ có những người già “sinh sống.” Hoang đảo hoàn toàn có thể xuất hiện những người trẻ tuổi và bằng nhiều lý do, họ đã có mặt ở đây.

Hằng ngày chúng ta đi làm nhưng có thật sự là dấn thân trong công việc, tìm thấy niềm vui và cống hiến? Hay chỉ đến công sở rồi lại thắc mắc về sự tồn tại và mục đích của việc đi làm? Rất có thể, bạn đang có mặt trên hoang đảo mà không hề nhận ra.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang ở “hoang đảo”?

Để có mặt trên hoang đảo thường có hai “cách đi.”

Cách đầu tiên, khi bạn là nhân sự lâu năm và chính sách của công ty lại muốn theo đuổi những gương mặt nhân sự trẻ, năng động hơn, khả năng cao là bạn ra hoang đảo.

Dấu hiệu nhận biết là bạn không còn được sếp giao phó những dự án quan trọng, cần máu lửa, nhiệt huyết. Chính bạn sẽ cảm thấy mình đang đứng bên lề sự vận hành của một tổ chức. Dần dần, bạn sẽ rơi vào trạng thái không còn cảm hứng làm việc.

alt
Văn hóa đi làm khác biệt của Gen Z khiến nhiều người lên hoang đảo ngay khi còn trẻ | Nguồn: Netflix

Tuy vậy, đây hoàn toàn là một sự thay đổi bình thường khi công ty trong các giai đoạn phát triển sẽ cần những chiến lược nhân sự linh hoạt. Đây cũng là một lời cảnh tỉnh về việc thâm niên chưa chắc được cất nhắc.

Cách thứ hai, bạn tự đưa mình đến hoang đảo bởi cảm giác không hòa hợp với đời sống công ty. Có nhiều điểm khác biệt giữa quan điểm đi làm của các bạn trẻ (đa phần là gen Z) với nhà tuyển dụng.

Bạn vẫn làm nhưng luôn cảm thấy có sự trống trải, cô đơn. Ở một số bạn trẻ, hoang đảo còn được nhận ra khi họ cảm thấy bị tụt cảm xúc, không có động lực đi làm.

Nhiều người trẻ bị mắc kẹt trong cảm giác tù túng trong khi vẫn ý thức được giá trị bản thân, biết năng lực của mình. Hằng ngày, cảm giác muốn một mình, tách bản thân ra khỏi thế giới lại trỗi dậy. Có thể thấy đây thật ra là một vấn đề tâm lý hơn là chỉ gói gọn trong việc đi làm.

Vì sao nhiều người chọn “hoang đảo” khi còn trẻ?

Yếu tố bên trong của việc đến hoang đảo nằm ở việc có những mong muốn khi đi làm không được thỏa mãn. Trong đó phải kể đến việc không ít người mãi vẫn không tìm được nơi gọi là “dream place to work” của mình.

Không ít người sau khi nhảy việc quá nhiều lần dẫn đến việc mệt mỏi và quyết định chỉ chọn một công việc mình có thể làm đều đặn.

alt
Để một người chọn lên "hoang đảo" sẽ có cả tác động bên trong từ mất cảm hứng đến yếu tố bên ngoài như mối quan hệ đồng nghiệp | Nguồn: IndesignSing

Và cũng nhiều người đưa mình đến hoang đảo sớm bởi áp lực của cuộc sống. Người trẻ hiện tại hướng đến sự bình ổn do thế giới quá bất ổn. Có hẳn một thế hệ nằm yên, không suy nghĩ gì về thế giới.

Người trẻ không thiếu nhiệt huyết nhưng giờ đây chọn làm một công việc vừa sức, không phải làm ngoài giờ, họ muốn nuôi mèo, tập gym… Sau đại dịch, xu hướng làm việc tại nhà và dành thời gian cho bản thân ngày càng tăng lên.

Yếu tố bên ngoài của việc ra đảo phần lớn nằm ở cách giao tiếp và hòa hợp với sếp, đồng nghiệp. Nếu bạn không thể giao tiếp, truyền đạt hay thiếu những kĩ năng cảm xúc thì việc đồng nghiệp và bạn bị mất kết nối rất dễ xảy ra.

Từ đó, bạn cảm thấy lạc lõng và như đang sống trong hoang đảo tại công ty là điều không mấy khó hiểu.

Trên “hoang đảo” có phải lúc nào cũng không tốt?

Một số người sẽ cảm thấy hoang đảo là nơi phù hợp và cho họ cảm giác dễ chịu. Bởi sẽ có những người làm công việc đều đặn, không cần ai quan tâm nhiều, không muốn trở nên nổi bật.

Cần phải nhắc lại rằng trong Inventing Anna hay cả trong đời sống, hoang đảo không phải là nơi tập trung những người không có năng lực. Có rất nhiều người giỏi bước vào "hòn đảo" của riêng mình vì với họ đó được xem là góc bình yên giữa “đao gươm” công sở.

Trường hợp hoang đảo mang ý nghĩa tiêu cực là khi bạn ở trên đó nhưng lại không thoải mái. Bạn cảm thấy như mình bị giam cầm năng lực. Bạn có những cảm giác cô đơn khi đi làm và cảm thấy bản thân không được xem trọng.

Nếu rơi vào trường hợp này thì dù bạn có năng lực và nhiệt huyết đến đâu thì cũng sẽ dần bị bào mòn. Hậu quả là bạn sẽ luôn thắc mắc về giá trị và đóng góp của mình cho công ty.

Làm sao để thoát khỏi đảo hoang?

Điều đầu tiên, bạn cần nhận ra là cảm giác “hoang đảo” này đến từ tính chất công việc, công ty hay bản thân đang gặp những vấn đề khủng hoảng về mục đích sống. Xác định điều này rất quan trọng bởi nó quyết định liệu bạn có thật sự muốn rời đảo hay không.

Kế đến, đôi khi việc tìm kiếm nhiệt huyết bắt đầu từ… nghỉ việc (có thể ở dạng nghỉ phép ngắn ngày hoặc thôi việc hẳn). Thứ bào mòn năng lượng của bạn thường là những điều muốn mà không làm được.

alt
Khoảng thời gian trên "hoang đảo" cũng là lúc bạn có thể tự đánh giá năng lực bản thân | Nguồn: Workthere

Vậy nên, nếu cảm thấy rơi vào trạng thái “hoang đảo” thì nên tạm ngưng công việc trong thời gian ngắn để giải quyết nguyên nhân. Trao đổi lại công việc với sếp, cân nhắc làm tiếp hay không, hoặc chỉ đơn giản một chuyến đi để tìm lại cảm hứng.

Kế đến, “hoang đảo ký giả” thật ra còn là nơi để chúng ta tự có thời gian kiểm nghiệm lại năng lực bản thân. Liệu chúng ta có đủ sức cạnh tranh với những nhân sự thế hệ mới? Chúng ta có cần điều chỉnh cách mình dành thời gian và chất xám cho công việc hay không?

Hoang đảo tuy cô đơn nhưng giúp ta suy ngẫm nhiều điều. Trước khi rời khỏi nơi này, bạn nên cố gắng tìm và xác định nơi mình đang đứng và nơi mình muốn đến. Điều này giúp bạn có thể thật sự trở lại “đất liền” chứ không phải từ đảo này sang đảo khác.

Cuối cùng, "hoang đảo ký giả" thật ra là lời nhắc nhở chúng ta luôn cần chuẩn bị bản thân cho những thử thách có thể gặp trong lúc đi làm.

Sau đại dịch, quan niệm về công việc thay đổi, sự cắt giảm nhân sự, trầm cảm khi đi làm đều là những yếu tố khiến bạn cảm thấy cuộc sống chẳng mấy dễ dàng. Tuy nhiên, nhận thức về hoàn cảnh cho chúng ta bài học để bản thân ở tâm thế có thêm nhiều lựa chọn và hướng đi thích hợp.

Ngay lúc này, bạn nên tự hỏi xem, con thuyền cứu sinh của mình sẽ là gì?