Nguyễn Thùy Dung: Cảm hứng ngược để “ngày ngày viết chữ” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
14 Thg 05, 2021

Nguyễn Thùy Dung: Cảm hứng ngược để “ngày ngày viết chữ”

Viết lách không phải là công việc “được bữa nay lo bữa mai”. Và để thực hành viết mỗi ngày đừng đợi cảm hứng đến mới nhảy vào làm.
Nguyễn Thùy Dung: Cảm hứng ngược để “ngày ngày viết chữ”

Nguồn: Nguyễn Thùy Dung cho Vietcetera

Cứ 11:28 phút mỗi trưa, fanpage Ngày ngày viết chữ lại “thả” ra một từ tiếng Việt lạ mà quen. Đó là “nhịp sinh học” mà trang mạng này mang đến cho độc giả yêu thích khám phá tiếng nước mình. Từng con chữ xuất hiện với lời giải thích đa chiều, những ví dụ độc đáo kèm lối hành văn mượt mà. “Nhịp sinh học” này đã diễn ra được gần 5 năm và sẽ còn tiếp tục.

Đằng sau Ngày ngày viết chữ chính là Nguyễn Thùy Dung, người nuôi lớn tình yêu tiếng Việt trong mình và nhiều người khác. Cô từng hoạt động ở các lĩnh vực báo chí và marketing trước khi chuyển qua nghiên cứu. Bên cạnh đó, Thùy Dung còn là tác giả của những đầu sách được độc giả yêu thích như Chữ xưa còn một chút này (2021), Đừng vì vẻ ngoài mà lướt qua nhau (2020), Từ vay hay dùng (2019).

Vietcetera đã có buổi trò chuyện với Nguyễn Thùy Dung để tìm một cách giải cho câu hỏi làm sao để “ngày ngày viết chữ” hiệu quả mà không nhàm chán.

1. Từ điển rất quan trọng

Từ điển là thứ vô cùng quan trọng đối với người sáng tạo nội dung, đặc biệt là người viết lách. Tất cả những thứ chúng ta thắc mắc về tiếng Việt đều nằm trong đó. Đặc biệt, tra từ điển là việc không hề khó cũng chẳng mất quá nhiều thời gian. Dù là từ điển phổ thông hay chuyên ngành, người viết nội dung đều nên khám phá nó thường xuyên.

Truyện Kiều cũng là một “cuốn từ điển” vậy. Chúng ta có thể tìm thấy nghĩa, hiểu cách sử dụng, học được cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong những câu thơ của Nguyễn Du. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, thơ của Nguyễn Đình Chiểu, những truyện dân gian, ca dao, tục ngữ… đều phản ánh tâm thức của người Việt Nam mình, đọc nhiều cũng rất có lợi.

2. Không phải lúc nào cũng cần “trending”

Trước hết, Ngày ngày viết chữ không phải là một trang chia sẻ tiếng Việt theo kiểu trending. Nghĩa là không hoặc ít khi có chuyện trend nổi thì chữ lên trang. Điều này không chỉ đến từ định hướng về cách khai thác (người làm), tiếp cận (độc giả) mà còn đến từ mục đích lâu dài của việc viết chữ hay sáng tạo nội dung.

Không viết theo trend nghĩa là độc giả có thể đọc nội dung của bạn bất cứ lúc nào. Họ có thể không đọc ngay lúc vừa được viết ra nhưng có thể sẽ được đọc sau đó. Chính vì thế, “vòng đời” của những bài viết có thể sẽ dài hơn, và hữu ích hơn cho các mục đích đọc khác nhau.

Nguyễn Thugravey Dung Ngagravey Ngagravey Viết Chữ
Nguồn: Nguyễn Thùy Dung cho Vietcetera

3. Viết vừa lòng người đọc và giữ sự độc lập của người viết

Viết sao cho vừa lòng người đọc là rất quan trọng. Nếu người viết tập trung vào chất lượng của sản phẩm và thuyết phục người đọc đến với mình vì chất lượng nội dung, đó là môi trường rất lý tưởng. Việc của chúng ta là tin tưởng và làm theo điều đó.

Viết vừa lòng công chúng có nghĩa là:

  • Viết cho người đọc cảm thấy dễ hiểu nhất.
  • Nội dung mình viết ra phải có ý nghĩa đối với độc giả.

Cũng phải nói thêm rằng, viết báo, viết sách hay các ấn bản khác đều có chung một câu chuyện, đó là: chúng ta bị rất nhiều ý kiến khác nhau chi phối. Sếp, đồng nghiệp, khách hàng, người xung quanh mình đều có ý kiến với điều mà chúng ta đã và đang viết. Tuy nhiên, người viết càng độc lập bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.

Chúng ta không nên đánh giá thấp các yếu tố chi phối. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là những lời góp ý phải làm cho sản phẩm của mình trở nên tốt hơn trước đó, nếu không thì hãy cố gắng giữ lấy sự độc lập của bản thân.

4. Hãy để dành mọi thứ, kể cả bài viết lỗi

Người viết nên trân trọng ý tưởng của mình hơn và để dành nó. Đang phơi quần áo nghe thấy một câu nói hay, lưu lại. Đang đọc báo thấy một ý tưởng lạ, lưu lại. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy ý tưởng không đi đâu cả, nó ở đó chờ bạn triển khai thành những sản phẩm hoàn chỉnh.

Với những bạn muốn làm page như Ngày ngày viết chữ, để dành chính là mỗi ngày viết một chút thôi. Khi biết 100 câu chuyện chúng ta chỉ nên viết 20 chuyện thôi, nên để dành 80 câu chuyện còn lại cho sau đó. Đây chính là một cách để đi đường dài.

Bên cạnh đó, để viết cho hay, chúng ta phải biết-nhiều-hơn-cái-mình-viết. Nếu chúng ta “có nhiêu viết nhiêu” thì sẽ khó mà hấp dẫn được. Người viết cần lọc ra cái hay viết trước và để dành lại cái chưa hay rồi từ từ đào sâu, khám phá thêm. Nếu có bao nhiêu viết bấy nhiêu tức là mình không có “lương khô” để dành, như vậy những ngày “bí” mình làm gì đây?

Nguyễn Thugravey Dung Ngagravey Ngagravey Viết Chữ
Nguồn: Nguyễn Thùy Dung cho Vietcetera

Bên cạnh đó, một “lỗi” mà không ít người làm content mắc phải khi viết lách là phủ nhận bản thân. Chúng ta nghĩ ra một ý tưởng mới rồi tự cho rằng không hay và xóa bỏ, không lưu lại. Như vậy thì thật tiếc. Ý tưởng là một tài nguyên quý giá và chúng ta nên lưu lại nó, kể cả những ý tưởng mơ hồ, điên rồ nhất.

Nhiều người cũng mắc lỗi xóa hay sửa chữa ngay trên bài viết trước đó. Tuy nhiên, hiệu quả nhất chính là tạo ra một file khác và viết hoặc sửa lại trên đó. Chúng ta, những người viết nên học theo cách làm của thiết kế viên. Họ luôn lưu lại những sản phẩm trong cùng một dự án đang triển khai. Final 1, final 2, final của final… đều có giá trị của riêng nó.

5. Thực hành “cảm hứng ngược” để duy trì nội lực

Nhiều người cho rằng phải có cảm xúc hay cảm hứng mới viết được. Tuy nhiên, đó chỉ là chất xúc tác giúp mình làm tốt hơn trong công việc mà thôi. Cảm xúc nghĩa là lúc trồi lúc sụt, không ổn định, sẽ làm giảm khả năng viết lách và sáng tạo của chúng ta.

Công bằng mà nói, chúng ta không nên đánh giá thấp cảm hứng. Và thường thì nhiều người trong chúng ta cần có cảm hứng mới có thể viết được, dù là bài báo, nội dung quảng cáo, một cuốn sách, hay một bài đăng trên mạng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự tạo ra cảm hứng ngược bằng cách làm việc mỗi ngày để tạo ra nó. Chính việc nghiêm túc viết từng câu, từng chữ, từng bài một, ngày này qua ngày khác, dần dần sẽ trở thành một thói quen, một nguồn cảm hứng bất tận với công việc viết.

Saacutech chữ xưa cograven một chuacutet nagravey
Nguồn: Ngày ngày viết chữ cho Vietcetera

Có thể nói, tạo ra nguồn cảm hứng ngược bắt nguồn từ việc góp nhặt và đào sâu vào công việc của mình mỗi ngày. Khi bạn đã hiểu rõ lĩnh vực của mình và tự tin thì cảm hứng tự nhiên sẽ đến. Cũng chính là, bạn đã có đủ mọi chất liệu để “trải” lên trang giấy.

6. Kế hoạch và hạn nộp là quan trọng

Như bao người đi trước đã khuyên, và nó không bao giờ thừa: Kế hoạch và hạn nộp là quan trọng nhất. Người viết nên chuẩn bị và lên kế hoạch nội dung cho thời gian tiếp theo, không nên để xảy ra chuyện “content viết bữa nay lo bữa mai”. Việc viết không có kế hoạch, không biết ngày mai, tuần sau, tháng tới mình sẽ viết về điều gì sẽ dễ dẫn đến chuyện “giữa đường đứt gánh”.

Nếu người viết duy trì được thói quen viết đều đặn thì sẽ đi được rất lâu trong ngành viết lách. Nhưng một khi bỏ viết một ngày, có thể chúng ta có xu hướng bỏ viết nhiều ngày sau đó. Có nhiều người không duy trì được vì họ đã lỡ bỏ rồi. Một ngày phí phạm là một ngày bạn không làm được gì hết, không viết được gì cả. Bạn sẽ thấy uổng ngày đó. Và kế hoạch của bạn bị đổ bể ngay tại đó.

7. Tự “kiểm duyệt” nội dung của chính mình

Rõ ràng chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều người "xào” nội dung hoặc "viết là phụ quảng cáo là chính" và nhiều kiểu tương tự như vậy. Đây là một phần thực tế của thị trường viết lách ngày nay. Tuy nhiên, người đọc cần tự kiểm duyệt thông tin mình đọc và đặc biệt là viết ra.

Ngày ngày viết chữ định hướng độc giả đến và ở lại vì chất lượng nội dung. Viêc kiểm duyệt nội dung chỉ tuân thủ vào một quy tắc: chất lượng. Nếu độc giả không còn hứng thú với nội dung mà bạn sáng tạo, nó có thể đến từ 2 lý do: 1, vì chất lượng nội dung suy giảm hoặc 2, người đọc không còn mối quan tâm như trước đó.

Vì thế tự kiểm duyệt nội dung của mình viết ra là điều người viết nên làm. Nó không chỉ giúp xác định nội dung đó có tương thích hay không mà còn đảm bảo chất lượng theo ý muốn, mục đích của người viết.

Nguồn: Ngày ngày viết chữ cho Vietcetera

8. Hãy bắt đầu bằng một bước chân

Cuối cùng, có một câu nói trong Đạo Đức Kinh (Lão Tử) như thế này, “Thiên lý chi hành, thuỷ ư túc hạ” – Đi đường ngàn dặm, bắt đầu bằng một bước chân. Kỳ thực, nghề viết là một công việc nghề dạy nghề, đòi hỏi người viết phải kiên trì từng chút một.

Cái chúng ta cần đôi khi chính là thời gian. Thời gian để tích luỹ từng bước chân thành một quãng đường dài. Vừa đi vừa ném đá dò đường, thể nghiệm nhiều cách viết, hôm nay chưa viết hay, ngày mai sẽ viết hay. Ngày mai chưa viết hay, ngày mốt sẽ viết hay, chúng ta cứ tin như vậy, và viết.