Nhà thiên văn học kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nhà thiên văn học kiếm tiền như thế nào?

Nhiều người Việt vẫn tưởng nhà thiên văn chỉ ngồi ngắm trời cả ngày. Thực tế rõ ràng không phải như vậy.
Nhà thiên văn học kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: NASA/ESA/CSA/STSCI

Tối ngày 12/07 theo giờ Việt Nam, cả thế giới trầm trồ trước những phát hiện mới về vũ trụ công bố bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Những bức ảnh mà cơ quan này công bố giới thiệu một vũ trụ cổ xưa và những đại cảnh chưa từng thấy về thế giới tưởng như vô tận bên ngoài địa cầu.

Đây là thành quả nghiên cứu và cộng tác của bốn đơn vị khoa học và thiên văn học tại Mỹ, Canada, và châu Âu, cùng với đó là công sức của nhiều nhà thiên văn học. Để có thể giới thiệu với thế giới các kỳ quan của vũ trụ, các nhà thiên văn học đã phải tổng hợp vô vàn số liệu từ các kính thiên văn.

Vậy chính xác thì công việc của một nhà thiên văn học là gì, và mức thu nhập của họ có tương xứng với công việc khám phá vũ trụ lớn lao? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu về ngành thiên văn học, những cơ hội việc làm trong ngành, và niềm vui của việc nhìn ngắm vũ trụ.

1. Thu nhập từ các đài thiên văn

Thông thường, các đài thiên văn sẽ là địa điểm làm việc của các nhà thiên văn học. Có nhiều đài thiên văn với quy mô khác nhau trên toàn thế giới, và một nhà thiên văn sẽ lựa chọn một đài thiên văn phù hợp với trình độ cũng như điều kiện làm việc mong muốn.

Nhiều người tưởng rằng công việc chính của nhà thiên văn là nhìn kính thiên văn cả ngày để tìm hiểu về các vì sao. Mệnh đề này đúng một nửa: các nhà thiên văn có tìm hiểu về các vì sao, nhưng gần như không nhìn vào kính thiên văn bao giờ.

Với sự giúp ích của công nghệ, các kính thiên văn hiện đại có thể tự hoạt động và gửi dữ liệu về máy tính của nhà thiên văn. Điều này có nghĩa là các nhà thiên văn dành nhiều thời gian để nhìn số hơn là nhìn sao. Các bức ảnh mà NASA mới công bố chính là kết quả của quá trình tổng hợp và xử lý các dữ liệu này.

13jul2022griffith2018072516jpg
Bên ngoài Đài Thiên văn Griffith của NASA. | Nguồn: NASA

Trung bình, một nhà thiên văn học tại NASA có thể thu về khoảng 115 ngàn đô mỗi năm. Tất nhiên con số này dao động theo trình độ và nhiệm vụ của mỗi nhà thiên văn.

Mức thu nhập 115 ngàn đô chỉ dành cho những cá nhân ở mức độ cao tới cao nhất. Trong khi đó, mức lương cho một học viên cao học trong ngành thiên văn nói chung dừng lại ở ngưỡng khoảng 20 ngàn đô.

2. Tiền giảng dạy

Về cơ bản, nhà thiên văn học vừa là nhà phân tích dữ liệu, vừa là nhà khoa học. Do đó, công việc của nhiều nhà thiên văn có nhiều điểm trùng khớp với công việc của một nhà nghiên cứu, nhất là khi các trường đại học hay các cơ quan trực thuộc đại học vẫn là các đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu thiên văn.

Ngoài công việc nghiên cứu, nhiều nhà thiên văn cũng kiêm nhiệm các công việc giảng dạy và đào tạo sinh viên. Họ nhận lương cứng cho công tác quản lý sư phạm và tiền dạy theo giờ. Một giảng viên đại học công lập tại Việt Nam sẽ có mức lương khoảng từ 10 tới 12 triệu một tháng, chưa kể một số khoản hỗ trợ.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có đơn vị nào trực tiếp đào tạo nghiệp vụ thiên văn. Thay vào đó, một số trường đại học giảng dạy các chuyên ngành có liên quan như Vật lý học lý thuyết, Vật lý thiên văn, hay Công nghệ Vũ trụ và ứng dụng.

3. Thu nhập từ phân tích dữ liệu

Thao tác phân tích dữ liệu là công việc mà các nhà thiên văn học chắc chắn sẽ phải thực hiện. Điều này vô tình mở ra một hướng đi mới cho họ trong trường hợp họ không theo đuổi một sự nghiệp trong ngành thiên văn hoặc muốn có một nghề tay trái, đó là trở thành nhà phân tích dữ liệu.

Về cơ bản, các nhà thiên văn học là các nhà phân tích dữ liệu. Họ hoàn toàn có thể “lỡ bước sang ngang” để đi vào các tập đoàn tư nhân và làm công việc thu thập, xử lý dữ liệu.

13jul2022sigmundimcq6hqo10unsplashjpg
Phân tích dữ liệu là công việc mà các nhà thiên văn thường xuyên phải làm. | Nguồn: Unsplash

Từ những công ty công nghệ như SpaceX hay Microsoft, tới những tập đoàn bán lẻ như Walmart hay Amazon, hoặc thậm chí là Be và Grab - tất cả đều cần làm việc với thông tin, số liệu, và là nơi phù hợp cho một nhà thiên văn kiếm thêm thu nhập. Đó là trong trường hợp họ có thể cân bằng lịch trình làm việc của mình.

Trung bình, một nhà phân tích dữ liệu tại Mỹ có thể kiếm khoảng 60 ngàn đô một năm. Con số thấp nhất rơi vào khoảng 35-40 ngàn đô, trong khi những nhà phân tích có thu nhập top đầu có thể thu về trên dưới 100 ngàn đô.

4. Thu nhập từ lập trình và viết phần mềm

Để có thể theo dõi các hành tinh hay các thiên thể trong vũ trụ cũng như mô phỏng lại các hiện tượng vũ trụ, các nhà thiên văn học phải viết ra những phần mềm riêng biệt. Giống như hướng đi phân tích dữ liệu, thao tác này mở một cánh cửa nghề nghiệp khác cho những người trong ngành thiên văn: khoa học máy tính và thiết kế phần mềm.

Đây là hướng đi mà nhiều nhà thiên văn học đã chọn để tận dụng triệt để các kỹ năng thiên văn vào việc kiếm tiền. Nhiều nhân viên tại các tập đoàn lớn như Microsoft hay Google từng làm việc trong ngành thiên văn học hoặc có bằng đào tạo trong ngành này.

Ngược lại, cũng có nhiều nhà khoa học máy tính “chuyển sân” sang lĩnh vực thiên văn học. Sở dĩ họ có thể làm điều này là vì hai ngành nghề yêu cầu một khối lượng công việc và thao tác như nhau trong một chừng mực nhất định.

Một ví dụ cho trường hợp này là Wayne Rosing - cựu Phó Giám đốc Kỹ thuật tại Google từ 2001 tới 2005. Trước đó, ông từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ bao gồm Apple và là một trong những người tham gia thiết kế nền tảng Java.

13jul2022wer1jpg
Wayne Rosing (ngoài cùng bên phải) cùng đồng nghiệp tại đài thiên văn. | Nguồn: Independent

Tới năm 2005, ông thành lập và chuyển sang làm việc tại Đài quan sát Las Cumbres tại California. Không dừng lại ở đó, Wayne Rosing còn trở thành Giáo sư ngành Vật lý Thiên văn tại Đại học California.

Ví dụ này cho thấy sự linh hoạt của công việc trong ngành thiên văn: vừa có thể chuyển sang ngành khác và cũng thuận lợi cho những người “ngoại đạo” vào ngành. Ngành khoa học máy tính và thiết kế phần mềm dường như là một nền tảng thuận lợi để bước vào ngành thiên văn học, và ngược lại.

5. Tiền cố vấn quốc phòng cho chính phủ

Một nhà thiên văn học đi cố vấn cho chính phủ về vấn đề quốc phòng, mới nghe qua thì có vẻ không liên quan lắm. Thế nhưng đây là một hiện tượng có thật, và cũng là một hướng đi có thật cho một bộ phận nhà thiên văn.

Ở các quốc gia coi trọng phát triển thiên văn học và công nghệ vũ trụ như Mỹ, Nga, hay Trung Quốc, thiên văn học và chính trị có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, nhiều nhà thiên văn thường đi trên lằn ranh giữa một bên là các công việc và thao tác của một nhà khoa học, và bên còn lại là các mối quan hệ chính trị phức tạp.

Với hiểu biết về bầu trời và thiên thể cũng như về các hiện tượng vật lý, các nhà thiên văn học cấp cao nhất thường xuyên là những tham vấn viên cho các nguyên thủ quốc gia về quốc phòng cũng như an ninh năng lượng. Một “người đi giữa lằn ranh” điển hình là nhà vật lý học, nhà thiên văn học, và cố vấn Charles H. Townes.

13jul202220150127charlestownesvintage021024x576jpg
Charles H. Townes khi còn trẻ. | Nguồn: Furman University

Charles H. Townes là cố vấn trực tiếp cho 10 đời Tổng thống Mỹ từ Harry Truman (1945) tới Bill Clinton (1999) về các vấn đề quốc phòng và phòng không không quân. Ngoài vai trò là nhà thiên văn học và là một giáo sư, ông còn giữ chức Phó Chủ tịch và Giám đốc Nghiên cứu tại Học viện Phân tích Quốc phòng (Institute for Defense Analyses).

Chúng ta khó có thể biết được mức thu nhập của một công việc đặc thù như cố vấn an ninh cho cho chính phủ. Tuy nhiên chắc hẳn khoản thu này không hề nhỏ nếu xét theo tầm quan trọng và khối lượng của công việc.

Kết

Ta có thể thấy rằng công việc thiên văn học là một công việc đặc thù nhưng cũng có nhiều điểm giao thoa với nhiều ngành nghề khác. Chính điều này tạo ra một phổ các phương thức kiếm cơm cho các nhà thiên văn.

Tại Việt Nam, nhiều người vẫn tưởng rằng nhà thiên văn chỉ dành thời gian nhìn ngắm bầu trời như những kẻ mơ mộng. Trên thực tế, công việc này yêu cầu rất nhiều kỹ năng và bằng cấp để có thể thực hiện một lượng lớn công việc phức tạp.

Nhận thức chưa đầy đủ về ngành thiên văn cộng hưởng với việc thiếu hụt đào tạo chính quy ngăn cản sự phát triển của ngành này tại nước ta. Vì thế, thiên văn học không hoàn toàn là một nghề tại Việt Nam.

Thế nhưng trong bối cảnh các quốc gia đang đẩy mạnh nghiên cứu vũ trụ để ứng dụng vào các ngành nghề như khí tượng học hay địa chất học, rất có thể ngành thiên văn học tại Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai. Và một ngày nào đó, biết đâu chính những người Việt Nam sẽ công bố những bức ảnh vũ trụ tiếp theo?