Nhà xuất bản và phát hành sách "làm giàu" như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Nhà xuất bản và phát hành sách "làm giàu" như thế nào?

Kể cả khi không có thói quen đọc sách, có thể bạn đang góp phần làm giàu cho các nhà xuất bản và công ty sách mà không hay.
Nhà xuất bản và phát hành sách "làm giàu" như thế nào?

Nguồn: Unsplash

Giai đoạn nửa sau của năm thường là giai đoạn quan trọng với ngành xuất bản trong nước. Đây là khoảng thời điểm các giải thưởng về sách và xuất bản sẽ được trao đi cho những đầu sách và tác giả xứng đáng. Mới đây, giải thưởng Sách hay đã kết thúc phần trao giải, góp phần giới thiệu tới độc giả những tác phẩm độc đáo và có sức lan tỏa.

Trong thời đại của Internet và các doanh nghiệp tư nhân, việc xuất bản và phát hành sách đã trở nên dễ dàng hơn. Một tác giả có thể cầm bản thảo của mình đi chào hàng ở nhiều nơi, hay thậm chí tự xuất bản trên Amazon.

Vậy nếu ai cũng có thể tự làm ra cuốn sách của mình, thì vai trò của các nhà xuất bản và công ty phát hành sách nằm ở đâu? Làm thế nào để họ duy trì hoạt động kinh doanh, xây dựng văn hóa đọc trong một thị trường khó đoán và nhiều cạnh tranh? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu cách mà các đơn vị phát hành sách làm ra lợi nhuận dựa trên thị hiếu, văn hóa, và thương mại điện tử.

Các đơn vị xuất bản và phát hành sách ở Việt Nam

Tại Việt Nam, có sự phân biệt rất rõ ràng giữa một nhà xuất bản sách với một công ty phát hành sách. Điều này được quy định trong bộ luật xuất bản, theo đó các nhà xuất bản phải có chủ sở hữu là các đơn vị công lập, tức các đơn vị thuộc nhà nước.

Các nhà xuất bản có trách nhiệm xin giấy phép phát hành cho một ấn bản. Sau khi đã có giấy phép, nhà xuất bản có thể tự phát hành sách hay liên kết với các công ty phát hành để đưa sách tới với độc giả.

Những nhà xuất bản nổi tiếng tại Việt Nam như Trẻ, Hội Nhà văn, Kim Đồng, Phụ Nữ,... đều có đơn vị chủ quản là những đơn vị công lập khác nhau. Trong khi đó, những nhà xuất bản như Nhã Nam hay Alpha Books là các công ty phát hành sách. Sự phân biệt này quan trọng không chỉ về mặt hành chính và luật pháp, mà còn gián tiếp ảnh hưởng tới quá trình xuất bản và phát hành sách của từng nhà xuất bản hay công ty sách.

1. Doanh thu bán sách giấy

Ngoại trừ những đơn vị chỉ phát hành điện tử thì sách giấy là nguồn thu chính của các bên phát hành sách. Với một số đơn vị như Nhà xuất bản Giáo dục, nguồn thu này chiếm gần trọn bộ tổng doanh thu. Trong năm 2021, NXB Giáo dục báo lãi sau thuế hơn 280 tỉ đồng - mức lãi cao nhất lịch sử của đơn vị này.

Con số lãi khổng lồ ấy chủ yếu tới từ việc phát hành sách giáo khoa - sản phẩm độc quyền của NXB Giáo dục. Theo báo Lao động, 97% lượng doanh thu tới từ hoạt động phát hành, doanh thu từ các hoạt động tài chính và các khoản đầu tư khác chỉ chiếm phần rất nhỏ.

28sep2022nhasachtienphong302792jpg
Phát hành sách giấy là nguồn thu chính của nhiều đơn vị. | Nguồn: Toplist

Công ty phát hành sách lớn thứ hai Việt Nam là Phương Nam cũng chọn sách giáo khoa và sách tham khảo làm sản phẩm chính. Báo cáo tài chính năm 2021 của Phương Nam cho thấy 96% doanh thu tới từ sản phẩm sách giáo dục, trong khi năm 2020 là 96,33%.

2. Phát hành điện tử

Sự thống trị của sách giấy trên cả thị trường sách lẫn trên các báo cáo tài chính đang dần biến mất và bị thay thế từ từ bởi xu thế phát hành điện tử. Từ ảnh hưởng của trào lưu chuyển đổi số và các dịch vụ phát hành điện tử, ngày càng nhiều đơn vị phát hành đang gia tăng các sản phẩm trên nền tảng số.

Sự tăng trưởng của trào lưu thể hiện qua quy mô tăng trưởng của các đơn vị phát hành điện tử. Đơn vị đứng đầu trong lĩnh vực số hóa sách tại Việt Nam là Waka có hơn 3,2 triệu người đọc ở năm 2020 và có tốc độ tăng trưởng từ 40 tới 50% mỗi năm. Waka hiện sở hữu hơn 13 ngàn cuốn ebook và phát hành qua cả nền tảng web lẫn ứng dụng điện thoại.

Một cuốn ebook thường sẽ có giá bằng khoảng từ 50% tới 60% giá bìa. Nguyên nhân của việc này là do chi phí phát hành của ebook thấp hơn phát hành sách giấy. Hiện sách trên các nền tảng như Waka có nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ, cuốn sách “quốc dân” Đắc nhân tâm có giá 22 ngàn đồng, Hỏa ngục của Dan Brown có giá 89 ngàn, còn 50 sắc thái có giá 129 ngàn đồng.

Bên cạnh ebook, sách nói (audiobook) cũng là một mặt hàng đang phát triển trong thời gian gần đây. Sự thay đổi trong thói quen tiêu thụ văn hóa cũng như sự tăng trưởng của loại hình podcast là những lý do giải thích cho sự gia tăng về cả số lượng và chất lượng các sản phẩm sách nói, lẫn số lượng các đơn vị phát hành.

28sep2022image20220928164008984png
Tăng trưởng sách nói của Waka tính tới năm 2018. | Nguồn: Waka

Ngoài ebook và audiobook, các đơn vị đang tận dụng công nghệ để chuyển đổi sách thành nhiều hình thức khác nhau. Một ví dụ là công ty JoiKid, chuyên sản xuất nội dung số về giáo dục thông qua việc tái tạo sách thành định dạng 3D. Với đối tượng là trẻ em, JoiKid biến việc đọc sách thông thường thành một trải nghiệm tương tác với công nghệ, trong đó sách vừa là ebook, vừa là audiobook, và đôi khi còn là videobook.

3. Bán bản quyền tác phẩm

Bản quyền tác phẩm là một nguồn thu thú vị của ngành xuất bản. Nó thể hiện mối quan hệ giữa tác giả với nhà xuất bản, với đơn vị phát hành, và với bên có nhu cầu mua bản quyền ở ngoài ngành sách.

Một nhà xuất bản chia sẻ tác quyền của một cuốn sách với tác giả có thể bán bản quyền tác phẩm cho nhiều bên khác nhau, và lợi nhuận sau đó chia cho cả nhà xuất bản lẫn tác giả với mức độ tùy theo quy định rõ ràng trong từng hợp đồng bản quyền.

Độc giả thường nghe về những hợp đồng bản quyền giữa tác giả và nhà xuất bản với các công ty điện ảnh. Tuy nhiên, việc bán bản quyền tác phẩm có thể diễn ra giữa các nhà xuất bản với nhau, nhất là trong trường hợp muốn nhập khẩu văn học nước ngoài, hoặc xuất khẩu văn học trong nước.

Câu chuyện bán bản quyền không đơn thuần là vấn đề về tiền, mà còn thể hiện sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát hành với nhau. Xét từ khía cạnh thị trường, đây là một hiện tượng tích cực. Các nhà xuất bản và công ty phát hành như NXB Trẻ hay Nhã Nam cũng thường xuyên xuất hiện ở các hội sách quốc tế để làm cả việc xuất khẩu lẫn nhập khẩu văn học.

4. Một số nguồn thu nhập khác

Bán văn phòng phẩm và thiết bị giáo dục

Sách là sản phẩm chính, nhưng không phải mặt hàng duy nhất mà các đơn vị phát hành sách cung cấp. Các sản phẩm như giấy, vở, sổ, văn phòng phẩm, và đôi khi là cả đồ chơi cũng nằm trong danh mục kinh doanh của một số đơn vị phát hành.

28sep2022vanphongphamxuanthuyjpg
Văn phòng phẩm cũng là một mặt hàng kinh doanh của một số đơn vị phát hành sách. | Nguồn: Global HTP

Nếu bước vào những nhà sách như Fahasa hay Phương Nam, khách hàng sẽ thấy những quầy hàng nhỏ bán văn phòng phẩm và thiết bị giáo dục bên cạnh những kệ sách nối đuôi nhau. Các sản phẩm này chiếm tỉ trọng doanh thu không nhiều, chỉ khoảng từ 2% tới 4%, nhưng cũng là một nguồn thu của một số đơn vị phát hành.

Tài trợ

Với các đơn vị xuất bản và phát hành công lập, nguồn tài trợ từ đơn vị công chủ quản có thể là một nguồn tiền giúp duy trì một số chi phí vận hành cơ bản. Các công ty phát hành sách thì sẽ nhận tiền từ công ty mẹ, hoặc các đơn vị tài trợ và liên kết.

Bất động sản

Một nguồn thu khá thông minh mà một số công ty phát hành như Nhã Nam đã làm đó là đầu tư vào cafe sách. Mặc dù nguồn thu từ việc bán cafe chắc chắn không thấm vào đâu trong cơ cấu doanh thu của Nhã Nam, nhưng sự đầu tư này mang lại nhiều lợi ích hơn là tiền mặt. Đó là sự nhận diện thương hiệu, sự xây dựng cộng đồng độc giả trung thành cũng như xây dựng văn hóa đọc.

28sep2022nhanamcoffe1jpg
Nhã Nam Books N' Coffee tại Sài Gòn. | Nguồn: Facebook Nhã Nam Books N' Coffee

Việc Nhã Nam sở hữu quán cafe cũng cho thấy là các nhà xuất bản và công ty phát hành sách có tài sản bất động sản nhàn rỗi, và có thể sử dụng chúng vào mục đích đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, chi tiết về hạng mục đầu tư này cũng như lợi nhuận mà chúng mang lại cho các nhà xuất bản không phải là những thông tin dễ truy xuất.

Kết

Sự can thiệp của đại dịch Covid-19 đã thay đổi thị trường sách và ngành công nghiệp xuất bản trên nhiều mặt. Không chỉ thúc đẩy việc phát hành điện tử, dịch bệnh còn thay đổi thói quen tiêu thụ văn hóa của người dân, yêu cầu các đơn vị phát hành phải có những chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp.

Vấn đề lớn nhất của ngành xuất bản vẫn luôn là bản quyền - một chủ đề gây tranh cãi về cả luật pháp lẫn thực tiễn trong ngành. Việc kinh doanh và tiêu thụ sách không có bản quyền ở nhiều định dạng khác nhau đang đe dọa cả doanh thu lẫn khả năng vận hành của các đơn vị chính thống.

Trong quá khứ, sách gần như là cầu nối duy nhất với tri thức. Còn trong thời nay, một người có thể tích lũy kiến thức từ nhiều nguồn khác ngoài sách. Điều này không có nghĩa là sách sẽ thất thế, mà ám chỉ rằng sách sẽ xuất hiện nhiều hơn dưới các định dạng số, phục vụ mục đích nghe nhìn trong khi duy trì sản phẩm sách giấy.