8 Dấu hiệu cảnh báo "Đừng nhận công việc này!" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
03 Thg 06, 2020
Thăng Tiến

8 Dấu hiệu cảnh báo "Đừng nhận công việc này!"

8 Dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua để tìm được công việc ưng ý.
8 Dấu hiệu cảnh báo "Đừng nhận công việc này!"

8 Dấu hiệu cảnh báo "Đừng nhận công việc này!"

Thị trường lao động sau đại dịch đã có khởi sắc. Thực tế trong bối cảnh này, người tìm việc không thể quá "kén cá chọn canh" do sự cạnh tranh cao.

Thế nhưng, nếu không cẩn trọng lựa chọn công việc ngay từ đầu thì môi trường làm việc mới không chỉ là nơi kìm hãm bạn khỏi sự nghiệp mong muốn mà thậm chí, còn là chốn giam lỏng bạn 8 tiếng mỗi ngày với những bất an và chán chường.

Để tránh rắc rối đó, tốt nhất hãy phát hiện ngay những manh mối đáng ngờ từ giai đoạn tìm việc. Cùng Vietcetera tìm hiểu xem đâu là các cảnh báo của một công ty mà bạn cần "chạy ngay đi".

Các cảnh báo trong giai đoạn tìm việc và nộp hồ sơ

May mắn thay, những cảnh báo đầu tiên thường có thể được xác định ngay từ thông tin tuyển dụng. Chỉ cần dành thêm một vài phút nghiêm túc đọc kĩ và phân tích thông tin trong phần mô tả công việc, bạn có thể nhận diện những manh mối chứng tỏ đây không phải lựa chọn đáng thử.

Cảnh báo 1: Thông tin tuyển dụng mập mờ

Mô tả công việc phải luôn luôn cung cấp một ý tưởng cụ thể về vai trò liên quan, nền tảng và kỹ năng cần thiết, để bạn có thể xác định liệu mình có phù hợp với vị trí đó không. Ví dụ, một tin tuyển dụng chỉ ghi rằng "công việc sẽ trao đổi cụ thể khi phỏng vấn" có thể làm mất thời gian của cả bên tuyển dụng và ứng tuyển.

Yêu cầu công việc mơ hồ cũng có thể báo hiệu rằng đây là một tin tuyển dụng scam (lừa đảo).

Các tin scam thường liệt kê các yêu cầu công việc vô cùng đơn giản với mức lương cao, nhằm lôi kéo sự chú ý của nhiều người. Đó có thể là yêu cầu trên 18 tuổi và có quyền truy cập internet hay có thể dành ra 3-4 tiếng làm việc tại nhà mà không liệt kê các năm kinh nghiệm hoặc trình độ giáo dục cụ thể.

Những dấu hiệu này cho thấy công ty không có bộ phận nhân sự chuyên nghiệp và cũng không có quy định rõ ràng về công việc. Dù được tuyển vào thì khả năng lớn là bạn sẽ phải đối mặt với nhiều sự bất công hay không được đảm bảo quyền lợi và điều kiện làm việc phù hợp.

Cảnh báo 2: “...Và những công việc khác theo yêu cầu”

Những gợi ý về một môi trường làm việc không lành mạnh có thể được ngụy trang khéo léo trong các mô tả công việc.

Khi lướt qua tin tuyển dụng, bạn có thể bắt gặp một cụm từ ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý ngầm chỉ công ty không chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên.

Ví dụ, một công việc yêu cầu bạn phải sẵn sàng đội nhiều mũ, làm nhiều công việc cùng một lúc hoặc phổ biến nhất là: “Làm những công việc khác theo yêu cầu của quản lý”.

Điều đó cho biết rằng công ty rất có thể đang thiếu nhân viên và bạn sẽ phải gánh rất nhiều việc ngoài chuyên môn. Đồng thời, chuyện rời khỏi văn phòng sau 8 tiếng sẽ khó mà thực hiện.

Ngoài ra, ông Amy M. Gardner, Huấn luyện viên chuyển đổi nghề nghiệp cũng đã đưa ra một ví dụ về một môi trường công ty không lành mạnh:

"Thông thường, tính linh hoạt hay được liệt kê trong các mô tả công việc. Nhưng nếu tính linh hoạt được nhấn mạnh quá mức qua các thông tin lặp đi lặp lại như 'có thể thay đổi định hướng nhanh chóng', 'có thể làm việc độc lập ngay lập tức' hoặc 'yêu cầu sự nhanh nhẹn' thì đó có thể là dấu hiệu cho tình trạng hỗn loạn tại nơi làm việc."

Các cảnh báo trong giai đoạn phỏng vấn

Khi đã tìm được một tin tuyển dụng đáng tin cậy và phù hợp, bạn ứng tuyển và sau đó được công ty gọi phỏng vấn cho vòng tiếp theo. Bạn thường nghĩ rằng buổi phỏng vấn là lúc để bạn chứng tỏ bản thân.

Thế nhưng cũng đừng quên rằng đây chính là cơ hội để bạn tìm hiểu về đồng nghiệp, môi trường làm việc tương lai hay những dấu hiệu cảnh báo "có điều gì đó không đúng".

Cảnh báo 3: Những câu hỏi giả thuyết và tình huống

Theo Miklusak, CEO của công ty nền tảng tuyển dụng Tilr, một trong những mẹo phỏng vấn là lắng nghe cách các nhà tuyển dụng đặt câu hỏi giả thuyết và tình huống.

Những câu hỏi tình huống giúp nhà tuyển dụng kiểm tra khả năng phản ứng của bạn trước một vấn đề thường gặp trong công việc. Thế nhưng, những câu hỏi này cũng sẽ đưa ra cho bạn các gợi ý về bức tranh công việc hay môi trường văn hoá của công ty.

Ví dụ, nhà tuyển dụng có thể hỏi cách bạn xử lý vấn đề khi định hướng công ty thay đổi liên tục trong khoảng thời gian ngắn (2-3 tháng) hoặc “Anh/ Chị có thấy thoải mái nếu làm việc trong môi trường có nhiều nam giới?”, “Anh/Chị có thể làm việc trong môi trường có quản lý trẻ hơn mình?”...

Những câu hỏi này có thể phản ánh một lỗ hổng, sự thiếu đa dạng hoặc những vấn đề đã gây ra những rắc rối nghiêm trọng trong quá khứ.

Cảnh báo 4: Nhà tuyển dụng không cho bạn sự chú ý, thời gian cũng như sự tôn trọng

Quá trình tuyển dụng là một nỗ lực đắt giá để tìm ứng viên mang đến giá trị cho công ty, vì vậy các nhà tuyển dụng "có tâm" sẽ không tiết kiệm thời gian của họ và dành sự tôn trọng cho các ứng viên.

Hãy chú ý nếu người phỏng vấn bạn đến trễ hơn giờ hẹn 10 phút hoặc kết thúc buổi phỏng vấn sớm vì bận họp.

Đôi lúc sẽ có những trường hợp, nhà tuyển dụng chỉ liếc sơ CV hoặc thậm chí không hề xem trước email xin việc của bạn. Điều này khiến buổi phỏng vấn không thực sự hiệu quả vì người phỏng vấn không biết được thế mạnh hay điểm yếu của bạn.

Từ đó, cũng không biết được khía cạnh bạn có thể đóng góp tốt nhất cho công ty.

Điều này thường ám chỉ nhà tuyển dụng không có chiến lược tuyển dụng và lộ trình phát triển rõ ràng cho nhân viên.

Hậu quả là, cá nhân bạn sẽ khó mà phát huy được tối đa năng lực và phát triển sự nghiệp. Còn công ty cũng sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng vì thiếu đầu tư trong chiến lược nhân sự.

Hãy nâng cao mức độ cảnh giác nếu ngay trong buổi phỏng vấn, bạn cảm thấy không nhận được sự tôn trọng nhất định từ công ty. Vì điều đó rất có thể sẽ không thay đổi kể cả khi bạn được tuyển dụng.

Cảnh báo 5: Nhà tuyển dụng không muốn bạn tỏa sáng

Một nhà tuyển dụng tốt sẽ hiểu rằng buổi phỏng vấn là cơ hội để bạn phát huy những sở trường và thế mạnh của mình. Trong quá trình tuyển chọn, hãy cẩn trọng nếu nhà tuyển dụng có các dấu hiệu muốn “tranh phần thắng" với ứng viên.

Khi giới thiệu về các thành tích bạn gặt hái được, hãy cẩn thận quan sát phản ứng của nhà tuyển dụng.

Nếu họ chỉnh sửa câu trả lời của bạn, phủ nhận những gì bạn chia sẻ hoặc khoác lác về những thành tích mình đạt được, thì có thể bạn đang đối mặt với một người sếp đặt “cái tôi cá nhân” lên trước.

Lẽ dĩ nhiên, bạn có thể hình dung được phong cách quản lý của họ sẽ thế nào nếu bạn vào làm chính thức rồi chứ?

Cảnh báo 6: Nhà tuyển dụng không chắc chắn về câu trả lời cho câu hỏi của bạn

Một buổi phỏng vấn có thể được xem như một buổi xem mắt. Trong thời gian cho phép, bên tuyển dụng và bên ứng tuyển phải hiểu rõ yêu cầu và mong muốn của mình cũng như kỳ vọng ở đối tác.

Cuộc phỏng vấn chính là kịch bản xem trước cho cuộc sống của bạn tại công ty tương lai. Bạn nên thảo luận về cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực của công việc.

Hãy kiểm tra xem nhà tuyển dụng cởi mở như thế nào và nếu họ bỏ qua việc trả lời câu hỏi của bạn, chẳng hạn như công việc đòi hỏi gì? Cam kết về thời gian? Tiền lương? Định hướng của công ty trong tương lai... thì đó chính là một cảnh báo.

Theo bà Abby Koh Kohut, tác giả của quyển sách "100 bí mật trong quá trình tìm việc":

Nếu một người phỏng vấn gạt những thắc mắc của bạn sang một bên, thì họ có thể có điều gì đó để che giấu.

Lý do duy nhất để một công ty thiếu quyết đoán về một vị trí mở là vì họ đã không muốn nói với bạn sự thật. Vì vậy họ nói với bạn rằng họ không biết.

Các cảnh báo trong giai đoạn thử việc

Ngay cả khi bạn vượt vòng phỏng vấn và đã nhận được yêu cầu thử việc, thì vẫn hãy cẩn thận.

Đây là khoảng thời gian để bạn phát huy năng lực, ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, đồng thời cân nhắc, tìm hiểu những lỗ hổng trong văn hoá công ty và tính chất công việc trước khi quyết định tiếp tục gắn bó lâu dài.

Cảnh báo 7: Công việc khác với những gì được đề cập trước đó

Một tình huống đáng báo động và khá phổ biến đặc biệt đối với nhân viên văn phòng là bạn có thể thường xuyên nhận yêu cầu công việc “từ trên trời rơi xuống". Công việc của bạn trong tuần đầu tiên bỗng dưng biến thành một vai trò hoàn toàn khác mà không được đề cập trong mô tả công việc hay buổi phỏng vấn.

Ví dụ, có trường hợp công việc của bạn là nhân viên quảng cáo nhưng thực tế hơn 30% thời gian tại công ty, bạn phải đảm nhận thêm công việc giấy tờ của bộ phận khác.

Nếu người quản lý không có lý do thích đáng và cho rằng cụm từ như “linh hoạt", “làm việc nhóm" đồng nghĩa với “nhiều việc hơn nhưng không được trả nhiều hơn" thì bạn nên nâng mức độ cảnh báo cho công việc này.

Cảnh báo 8: Những quy tắc, luật lệ ngầm không hợp lý

Việc xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp mới cũng như tìm hiểu văn hóa công ty xem có phù hợp không là điều rất quan trọng. Để hoà nhập trong môi trường đó, bạn phải nhanh chóng nắm bắt những luật lệ, quy tắc ngầm và xem xét mức độ hợp lý của chúng.

Trong vài tuần đầu tiên gia nhập một công ty, bạn để ý thấy rất nhiều điều bất ngờ, những nguyên tắc bất thành văn không được đề cập như những cuộc họp “thường xuyên” và “không cần thiết” sau giờ làm mà bạn bắt buộc phải có mặt.

Hoặc có thể bạn phát hiện những người không có năng lực lại được đề cử ở vị trí cao trong công ty thì đồng nghĩa bạn đã gặp một cảnh báo khác.

Càng nhiều quy định, luật lệ ngầm không hợp lý, mức độ báo động càng đỏ thì càng đồng nghĩa công việc đó không dành cho bạn.