Học được gì từ phong cách lãnh đạo của Michelle Obama qua bộ phim 'Becoming'? | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 05, 2020
Sự NghiệpLãnh Đạo

Học được gì từ phong cách lãnh đạo của Michelle Obama qua bộ phim 'Becoming'?

Phong cách lãnh đạo học từ Michelle Obama qua bộ phim Becoming.
Học được gì từ phong cách lãnh đạo của Michelle Obama qua bộ phim 'Becoming'?

Học được gì từ phong cách lãnh đạo của Michelle Obama qua bộ phim 'Becoming'?

Nếu để ý các bộ phim tài liệu ra mắt gần đây trên Netflix, chắc chắn bạn không thể bỏ qua "Becoming". Bộ phim thuật lại hành trình quảng bá cuốn sách cùng tên của cựu Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama.

Xuyên suốt bộ phim, người xem tìm thấy một nhà lãnh đạo hào phóng và duyên dáng. Một Michelle Obama tràn đầy nhiệt huyết và tận tâm. Đặc biệt hình ảnh nhà lãnh đạo quyền lực được bà truyền tải rất gần gũi và chân thành, hoàn toàn khác xa với vẻ lạnh lùng, xa cách của những người đi trước.

Được truyền cảm hứng từ câu chuyện của Michelle Obama, Hằng Nguyễn, một tay viết uy tín của Vietcetera, đã rút ra những bài học lãnh đạo mà tất cả chúng ta có thể áp dụng.

Xuất phát từ việc quản lý bản thân...

Chủ động tạo thành công

Là một phụ nữ da màu sinh ra trong gia đình lao động miền Nam Chicago, Michelle Obama trải nghiệm sâu sắc sự phân biệt giai cấp.

Thay vì chấp nhận số phận, bà bỏ ngoài tai những định kiến và tự mình gây dựng thành công. Đầu tiên là trở thành một trong số ít sinh viên da màu theo học tại Đại học Princeton (năm 1981). Tiếp đến, bà gặt hái tấm bằng tiến sĩ tại trường Luật Harvard (năm 1988) và sau đó là vị trí Phó luật sư tại Sidley & Austin Chicago.

"Tôi muốn nói với tất cả những người trẻ, những người đang khốn khó hay xuất thân từ tầng lớp lao động, rằng: dù có bao nhiêu đi nữa những lời nói “bạn không thuộc về nơi này” hay “màu da của bạn không phù hợp”, thì cũng đừng lắng nghe chúng." - Michelle Obama từng chia sẻ.

Học được gigrave từ phong caacutech latildenh đạo của Michelle Obama qua bộ phim Becoming0

Hãy làm tốt những thứ bạn đang làm. Cuộc đời và công việc sẽ lên tiếng thay bạn. Đó là điều Michelle Obama đã tự mình chứng thực.

Chính câu chuyện của Michelle (hay là cả chồng bà) đã là nguồn cảm hứng cho cả Hoa Kỳ về một giấc mơ Mỹ, nơi mọi thứ có thể được xây nên bởi nỗ lực.

Đừng đợi đến khi thế giới bình đẳng để họ chú ý tới bạn.

Công cụ nằm ngay trong chính bản thân bạn. Nó là cách để bạn được nhìn nhận, được lắng nghe và được lên tiếng. - Michelle nhấn mạnh.

Trở nên độc lập

Sự quyến rũ của Michelle Obama đến từ sự độc lập của bà. Trong 1.302 người Mỹ được khảo sát thì có 47% cho rằng Michelle Obama chính là khuôn mặt của nữ quyền. Không bất ngờ khi đọc bình luận về bà, ta bắt gặp những từ như “xinh đẹp”, “thông minh”, “tài giỏi”, “thanh lịch”, “tốt bụng”…

Học được gigrave từ phong caacutech latildenh đạo của Michelle Obama qua bộ phim Becoming1

Michelle Obama khác với các Phu nhân Tổng thống trước. Thay vì đứng sau chồng, bà lại chính là người mở màn cho bài phát biểu tranh cử của Barack Obama.

Chính bà cũng là người hướng dẫn của Barack Obama khi ông mới bước vào công ty luật Sidley & Austin. Nhiều lần, bà đã thay chồng diễn thuyết và chủ động thực hiện những hoạt động xã hội riêng.

'Tôi không muốn chỉ là phần đính kèm trong giấc mơ của ông ấy." - Michelle Obama từng chia sẻ.

Điều đặc biệt là, không giống những bài nói về nữ quyền khác, những chia sẻ của bà không to tát và xa vời. Đó là những câu chuyện giản đơn, có thể xảy ra tại bất kỳ gia đình nào, nhưng luôn ẩn chứa thông điệp nữ quyền mạnh mẽ.

Hạnh phúc của tôi không dựa vào việc ông ấy làm cho tôi hạnh phúc.

Cụ thể, Michelle chia sẻ quyết định nghỉ việc để dành thời gian chăm con không xuất phát từ chồng, mà vì bà tin “Tôi có thể làm được mọi thứ”.

Cả việc không bó buộc bản thân vào chuyện gia đình, mà tự làm mình hạnh phúc bằng cách đi tập gym (tương tự chồng) cũng là một hành động khôn khéo bộc lộ sự độc lập của Michelle.

Kiên định với mục tiêu

Không ngoa khi nhiều người gọi Michelle Obama là người phụ nữ mạnh mẽ. Bà bị gọi là “con vượn đi guốc”, “kẻ khủng bố”, bị vẽ biếm họa trên The New Yorker, bị báo chí tấn công và kì thị vì là Đệ nhất Phu nhân da màu đầu tiên tại Mỹ...

Học được gigrave từ phong caacutech latildenh đạo của Michelle Obama qua bộ phim Becoming2

Hình ảnh biếm họa cặp đôi Obamas như những kẻ khủng bố trên The New Yorker.

Thay vì tấn công lại, bà lên tiếng công khai bảo vệ phụ nữ da màu, ủng hộ sự đa dạng và chống bất bình đẳng.

Bà đưa ra sáng kiến “Let girls learn” nhằm giúp 62 triệu trẻ em gái đi học. Bà đồng hành cùng chồng trong việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới năm 2015 hay thực hiện sáng kiến “Let’s move” nhằm giúp trẻ em Mỹ nhận thức về ăn uống lành mạnh, chống béo phì…

Đến khi quay lại cuộc sống cũ, Michelle Obama vẫn luôn thể hiện trước công chúng tinh thần tự tin chào đón cuộc sống mới.

Bà tiếp tục các hoạt động tình nguyện, các chiến dịch tích cực nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng, đầu tư cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đều đặn truyền cảm hứng tới hàng triệu người trên thế giới, nhất là thế hệ trẻ.

Cuốn sách ‘Becoming’ hay bộ phim cùng tên trên Netflix là một trong những tiếng nói nổi bật thể hiện mạnh mẽ các giá trị sống và lãnh đạo của bà.

Đến làm chủ các mối quan hệ xung quanh...

Ý thức về nghĩa vụ và sức ảnh hưởng của bản thân

Khi trở thành Đệ nhất Phu nhân, Michelle Obama dần ý thức những trọng trách của bản thân và sức ảnh hưởng từ hình ảnh cá nhân. Một hành động có thể là công cụ hữu hiệu vực dậy tinh thần hàng triệu người, nhưng cũng là vũ khí bén nhọn gây ra nghi kỵ và hoang mang.

Điển hình, việc Michelle Obama dùng nắm đấm cổ vũ chồng trong một cuộc mít-tinh năm 2008 tại St. Paul, Minnesota đã khiến vô số báo đài chỉ trích. Thậm chí, nó còn được cho là một phát động khủng bố.

Trong phim Michelle Obama cũng chia sẻ, khi chia tay Nhà Trắng, dù rất muốn khóc nhưng bà đã phải kìm nước mắt. Bà hiểu cảm xúc này của mình có thể bị bóp méo và tạo ra scandal không đáng có.

Tôi phải chiến lược hơn trong việc thể hiện bản thân vì đến cuối đời, cách tôi được nhìn nhận hoàn toàn phụ thuộc vào điều này. - Michelle chia sẻ trong ‘Becoming’.

Khi nhận ra vai trò của thời trang trong việc tạo dựng hình ảnh trước công chúng, Michelle Obama đã dành nhiều công sức hơn khi lựa chọn trang phục.

Các buổi trò chuyện, phát động của bà cũng được chuẩn bị kĩ lưỡng để đem đến hiệu quả truyền đạt cao nhất. Chuyên gia phân tích: bài nói của Michelle Obama thường chỉ kéo dài trong 14 phút. Đây là khoảng thời gian lý tưởng để vừa truyền tải đầy đủ cảm xúc, vừa giữ được sự hứng thú và chú ý hoàn toàn từ người nghe.

Ngôn từ bà sử dụng rất xúc tích với từ vựng dễ hiểu và đặc biệt lồng ghép vô cùng khéo léo các câu chuyện cá nhân. Việc chủ đích lặp lại và nhấn mạnh các từ ngữ quan trọng, cũng đóng góp tích cực vào hiệu quả truyền đạt của bà.

Bộc lộ nét chân thật

Michelle Obama gieo cảm tình vào lòng công chúng nhờ sự tự tin và mạnh dạn bộc lộ vẻ chân thật không chỉ trong những tiếp xúc cá nhân, mà cả trước hàng triệu người. Người ta có thể thấy bà trêu đùa cùng những em bé, nhảy cùng người già hay trả lời câu hỏi của những đứa trẻ với sự chân thành và vui tươi.

Michelle cũng chẳng ngại chia sẻ câu chuyện gia đình của một Phu nhân Tổng thống và khiến cho công chúng bật cười với những câu đùa bình dị như: “Tôi đưa Barack Obama đến tham vấn hôn nhân để họ chữa trị cho ông ấy!... Tôi hoàn hảo mà!”, hay “Sáng đó tôi phải gọi mấy đứa trẻ dậy. Dậy mau các con, chúng ta phải đi thôi. Nhà Trump đang đến!”.

Những cảm giác gần gũi Michelle mang đến có thể từ cái ôm, từ những câu hỏi nhỏ như “Cô bé mấy tuổi rồi?”, “Mọi chuyện đều ổn chứ?”, “Bạn mặc đẹp thế này là vì tôi sao?”... hay một câu đùa lịch thiệp dỗ dành: “Đừng làm tôi khóc theo nào. Tôi mới làm mặt xong đấy”...

Khá nhiều kênh Michelle chọn trả lời phỏng vấn là những show ăn khách, gần gũi và quen thuộc với các gia đình. Điển hình, người phỏng vấn bà luôn nằm trong top những nhân vật được yêu mến ở Mỹ như Reese Witherspoon, Stephen Colbert, Gayle King hay Oprah Winfrey.

Chính điều này đã giúp đưa hình ảnh Đệ nhất phu nhân, vốn xa cách và bí ẩn, trở nên thân thiện và “đời thường” hơn với công chúng.

Tập trung vào con người, không phải xuất thân

Khi được một nữ sinh đặt câu hỏi: “Làm sao bà tránh được việc bị phớt lờ và gán vào không gì hơn ngoài một con số?”, Michelle Obama nói: “Tôi nghĩ đó là khi bạn tự nhìn vào bản thân và ở đó, bạn thấy nhiều hơn là một con số hay thống kê. Và rồi bạn bắt đầu suy nghĩ “Mình là ai?”.

Với Michelle Obama, chính những câu chuyện, không phải thành tích hay tước vị, làm nên giá trị con người. Bà luôn khuyên mọi người hãy lấy câu chuyện chính mình làm sức mạnh.

Cũng chính vì quan điểm trên, Michelle Obama có quy tắc luôn tập trung vào câu chuyện một người đang nói. Hành động đó khiến họ, dù địa vị thế nào, cũng cảm thấy được tôn trọng và lắng nghe.

Nếu có ai tiến về phía bạn, đừng nhìn quanh hay liếc đi đâu cả. Hãy nhìn vào mắt họ, lắng nghe câu chuyện của họ.

- Michelle Obama chia sẻ với đạo diễn Nadia Hallgren.

Kết luận

Năm 2010, Michelle Obama được Forbes xếp vào danh sách top người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Sau 10 năm, cựu Phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ vẫn là hình mẫu của nhiều người trẻ.

Tất cả bài học về lãnh đạo của Michelle Obama đều xuất phát từ việc bà chấp nhận và làm chủ bản thân. Từ đó các giá trị sống của bà được truyền tải nhất quán và kiên định tới thế giới. Sự hòa hợp giữa phong cách cá nhân và ý thức trách nhiệm đã tạo ra phong cách lãnh đạo độc nhất, chỉ mình Michelle Obama sở hữu. Bạn hoàn toàn có thể học hỏi tư duy này để định hình phong cách riêng và vươn đến những thành tựu lớn lao.

Ảnh bìa: Instyle.com