Rước đèn đêm Trăng qua nét vẽ nghệ sĩ Vietcetera

Tết Trung Thu lại sắp đến rồi. Cứ dịp này, chúng ta lại cảm thấy bồi hồi, ấm áp khi được nhắc rằng thẳm sâu đâu đó trong tâm hồn, vẫn có tồn tại một đứa trẻ. Đứa trẻ từng vui sướng khi được vung vẩy những món đồ chơi lập lòe xanh đỏ trong đêm trăng sáng phủ ánh vàng khắp nhân gian.
Dù đã có nhiều món đồ chơi hiện đại, nhiều chức năng, nhưng chính những đồ chơi cổ truyền mới mang phép thuật kết nối tuổi thơ của chúng ta với tuổi thơ của thế hệ đi trước. Nếu có thể du hành thời gian, bạn có sẵn sàng cùng “phiên bản trẻ thơ” của bố mẹ mình rồng rắn rước đèn với những món đồ chơi sau đây chứ?
Kéo sang trái để bắt đầu nhé!

Đèn lồng
Không thể thiếu được trong đêm hội rước đèn, đèn lồng đa dạng từ đèn con gà, cá chép, thỏ ngọc… bằng giấy bóng kính và tre nứa vót, hoặc đèn lồng giấy xếp.
Cũng có những chiếc đèn Trung Thu đặc biệt trong kỷ niệm của thế hệ 7x, 8x như đèn quả trám làm từ ống lon, đèn film cũ, hoặc đèn lồng vỏ bưởi với bấc đèn là chuỗi hạt bưởi xâu dây thép, khi thắp tỏa hương ngào ngạt.

Đèn kéo quân
Đèn kéo quân được làm bằng giấy, bao quanh “lồng kéo” là một khung tre có thể xoay tròn nhờ lực đẩy của khí nóng tạo ra từ ngọn nến. Khi thắp nến, hình vẽ cắt giấy trong lồng kéo (các “quân”) đổ bóng thành những hình thù đẹp mắt trên mặt đèn và chuyển động theo vòng quay.

Phỗng đất
Phỗng đất được nặn từ đất thó, là hỗn hợp gồm đất sét và giấy bản. Đất sét được giã nhỏ, sàng mịn rồi nhào trộn với giấy bản ngâm nhão 7 ngày trong nước. Từng con phỗng được nặn thủ công, phơi dưới nắng rồi phủ lớp bột vỏ sò điệp trắng trước khi vẽ màu.

Đồ chơi sắt tây
Từ những năm 1920, ở phố Hàng Mã, Hà Nội bắt đầu xuất hiện những món đồ chơi sắt tây như châu chấu, con bướm vẫy cánh, thỏ đánh trống, xe kéo tay,… và nổi bật là tàu thủy sắt tây. Tàu thủy có 2 loại, một loại khi đốt dầu hỏa nung nóng nồi hơi, tàu có thể chạy và phát tiếng kêu “bành bạch” đặc trưng. Loại bình dân hơn chỉ cần gắn ở đuôi tàu một cục xà phòng, khi gặp nước xà phòng tan ra, đẩy tàu trôi đi.

Trống
Lạ nhất là chiếc trống bỏi nhỏ xíu nhưng tạo tiếng đanh giòn - từ “bỏi” trong dân gian để chỉ những thứ nhỏ, đồ của trẻ em. Trống bỏi có dùi trống gỗ, mặt trống bằng bìa, tang trống đất sét. Khi cầm lên xoay, các khía của cán đẩy dùi trống đập liên hồi lên mặt trống.

Tiến sĩ giấy
Năm xưa, ông tiến sĩ giấy luôn có mặt trong mâm cỗ Trung Thu để cầu mong trẻ em chăm chỉ học hành, đỗ đạt hiển vinh. Sau khi phá cỗ, ông được đặt trên bàn học. Một ông tiến sĩ giấy và hai ông đánh gậy tạo thành một bộ đầy đủ, vừa dùng để trưng, vừa có thể đem đi rước đèn trên bộ kiệu và lọng.

Mặt nạ giấy bồi
Từng nhân vật có khuôn đá hoặc khuôn xi măng riêng, nghệ nhân cẩn thận bồi từng lớp giấy dán hồ tạo hình mặt nạ, phơi nắng tự nhiên rồi sơn trang trí. Với 7 công đoạn thủ công, mỗi ngày, một gia đình nghệ nhân chỉ hoàn thành khoảng 30 chiếc mặt nạ.

Còn những món đồ chơi Trung Thu nào đã từng là một phần tuổi thơ bạn? Còn những kỷ niệm nào bạn hằng lưu giữ trong câu chuyện gia đình? Hãy chia sẻ với Vietcetera nhé!
Chúc bạn một mùa Trung Thu an lành, đoàn tụ!