Startup “mắc kẹt” giữa Covid-19: Lãnh đạo nên làm gì? | Vietcetera
Billboard banner
03 Thg 08, 2021
Sự NghiệpLãnh Đạo

Startup “mắc kẹt” giữa Covid-19: Lãnh đạo nên làm gì?

Giữa đại dịch thế kỷ, các nhà sáng lập cần nắm rõ 3 bài học này để thành công.
Startup “mắc kẹt” giữa Covid-19: Lãnh đạo nên làm gì?

Mỗi cuộc khủng hoảng cũng là cơ hội để "lửa thử vàng". | Nguồn: Sean Pollock cho Unsplash.

Ngay lúc này, tôi đã làm việc ở nhà được tròn hai tháng. Không chỉ riêng tôi, chắc hẳn có rất nhiều người trong chúng ta cũng đang cảm thấy căng thẳng, bất an. Thậm chí, cảm thấy bị "mắc kẹt" trong tình cảnh giãn cách, phải ở nhà lâu ngày.

Trong khoảng thời gian dài ở nhà phòng dịch vừa qua, tôi tìm được những bài học ý nghĩa và đầy cảm hứng từ một câu chuyện thực tế của một khoá học online miễn phí. Đó là khóa học của Trường Kinh doanh Harvard, tên là "Become a More Resilient Leader in Turbulent Times" (Trở thành một nhà lãnh đạo kiên cường hơn trong thời kỳ hỗn loạn).

Hai tháng giãn cách có vẻ đã là sự mắc kẹt lâu nhất trong sức chịu đựng của con người. Tuy vậy, chúng ta chắc sẽ cảm thấy an ủi hơn khi nghe về câu chuyện sau đây: câu chuyện về sự mắc kẹt suốt hai năm trời của một đoàn thám hiểm, từ cách đây hơn một thế kỷ.

Chuyến thám hiểm định mệnh

Ernest Shackleton là một nhà thám hiểm người Ireland gốc Anh. Ông luôn muốn trở thành người đầu tiên đi tới khám phá Nam Cực.

Tháng 08/1914, Shackleton bắt đầu hành trình từ Anh trên chiếc tàu Endurance cùng 27 đồng đội của mình. Chỉ ba tháng sau, hành trình của tàu bị cản trở bởi thời tiết tồi tệ. Băng tuyết phủ khắp nơi, tàu bị mắc kẹt theo đúng nghĩa đen. Nhưng là thuyền trưởng, Shackleton không để ông và đồng đội “mắc kẹt” trong tinh thần, theo nghĩa bóng.

Con tàu tiếp tục bị kẹt trong hơn 10 tháng sau đó, trước khi bị vỡ và chìm vào đại dương. Tuy vậy, ở vị thế người lãnh đạo, Shackleton đã đảm bảo mọi thành viên trong đoàn bình an trở về đất liền vào tháng 08/1916, đúng hai năm từ ngày khởi hành.

Shackleton đã làm như thế nào? Và chúng ta có thể học được gì từ ông?

Tôi đã học hỏi và rút ra được 03 bài học vô cùng quan trọng để trả lời cho câu hỏi trên, thông qua những chiến lược lãnh đạo hiệu quả của Shackleton. Đồng thời, tôi cũng học hỏi từ các ví dụ thực tế của các startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư ở Việt Nam.

Bài học 1: Tạo ra mental medicine - liều thuốc tinh thần cho đồng đội

Kinh nghiệm từ Shackleton

Trong tình thế bị kẹt giữa biển băng, điều đầu tiên mà Shackleton làm là tập hợp tất cả thành viên sau bữa tối lại với nhau để cùng nói chuyện và chơi trò chơi. Shackleton sau đó còn tổ chức những cuộc thi biểu diễn sân khấu, và cho chó thi chạy trên băng.

Là thuyền trưởng, Shackleton nghĩ ra cách để tạo ra mental medicine - liều thuốc tinh thần. Liều thuốc này giúp ông và 27 đồng đội duy trì sự gắn kết, để luôn bận rộn và tập trung vào những điều tích cực.

Điều này thậm chí quan trọng hơn cả việc cung cấp thực phẩm để duy trì sự tồn tại của đội ngũ. Bởi lẽ trong hoàn cảnh mắc kẹt, nếu không có những liều thuốc tinh thần từ các hoạt động đó, các thành viên sẽ có sự chuyển biến tinh thần tiêu cực. Họ có thể đi từ buồn chán, mất niềm tin, đến thất vọng, tuyệt vọng, và cuối cùng là từ bỏ cuộc sống để chọn cái chết.

Bài học thực tế

Trong giai đoạn giãn cách lâu ngày do Covid-19 hiện nay, tôi học được điều quan trọng là cần luôn giữ mình bận rộn với những điều ý nghĩa, để không rơi vào trạng thái buồn chán hay mất niềm tin. Tôi giao tiếp nhiều hơn với chính bản thân mình, với gia đình, đồng nghiệp, đối tác và với những startup bên quỹ tôi đầu tư.

Gần đây tôi có trò chuyện với Hảo Trần, CEO của Vietcetera, về cách anh cùng đội ngũ của mình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bên cạnh việc nỗ lực cắt giảm những chi phí hoạt động không cần thiết, anh cũng tạo điều kiện để nhân viên có nhiều thời gian thư giãn.

Hảo cũng chia sẻ về cách tạo "liều thuốc tinh thần" cho đội ngũ của mình. Anh chia sẻ việc Vietcetera tổ chức những hoạt động "team happy hours" (giờ vui vẻ), hay "morning book club" (câu lạc bộ sách) là cách để công ty xây dựng sự kết nối thân thiết giữa các thành viên trong lúc phải giãn cách, làm việc tại nhà hiện nay.

Giữ được tinh thần tốt giữa thời điểm khó khăn là rất quan trọng. | Nguồn: Google.

Bài học 2: Thực hiện chiến thuật "Giữ bạn bè gần, giữ kẻ thù gần hơn"

Phiên bản tiếng Anh của chiến thuật này là "Keep your friends close, and your enemies (doubters) closer". Việc áp dụng chiến thuật đơn giản là "cách ly" những thành viên có xu hướng trở nên tiêu cực, mất lòng tin ra khỏi những đồng đội khác.

Kinh nghiệm từ Shackleton

Hơn bao giờ hết, Shackleton hiểu rằng năng lượng tiêu cực như con virus vậy, rất dễ lây lan nhanh sang tất cả mọi người. Thưc hiện chiến thuật này, Shackleton đã sắp xếp lại đội ngũ theo 2 nhóm.

Nhóm 1 gồm những người vẫn duy trì được tinh thần tốt và năng lượng tích cực. Shackleton cho nhóm này ở gần với nhau.

Nhóm 2 gồm những người có dấu hiệu mất niềm tin, xuống tinh thần và suy nghĩ tiêu cực. Nhóm này sẽ được tách ra ở riêng, đặt dưới sự quan tâm chăm sóc đặc biệt từ thuyền trưởng để lấy lại lại niềm tin và năng lượng.

Bài học thực tế

Gần đây, tôi có nói chuyện với một bạn làm startup. Bạn ấy chia sẻ rằng trong giai đoạn khó khăn này có nhiều kĩ sư IT đã nghỉ việc do mất lòng tin với công ty.

Thật khó để thuyết phục nhân sự trong giai đoạn mắc kẹt này tin tưởng công ty sẽ tồn tại và thành công, để tiếp tục đồng hành với mình. Tuy vậy, điều nguy hiểm nhất lại là sự mất niềm tin của người đó "lây lan", "lôi kéo" các đồng đội khác cùng mất niềm tin và rời công ty.

Trong hoàn cảnh đó, nhà sáng lập cần quan sát và giao tiếp thường xuyên với các nhân viên của mình. Việc này giúp nhanh chóng nhận ra những người đang mang năng lượng tiêu cực, để "cách ly" họ với các nhân viên khác. Rồi từ đó, nhà sáng lập mới từ từ thuyết phục, động viên, và hỗ trợ họ xây dựng lại niềm tin với công ty.

Trong trường hợp không thể "chữa lành" được, thì không còn cách nào khác, nhà sáng lập nên để cá nhân mất niềm tin đó rời đi theo nguyện vọng, để họ có cơ hội lên chiếc thuyền khác phù hợp hơn.

Bài học 3: Chọn đồng đội phù hợp tham gia hành trình startup của bạn

Kinh nghiệm từ Shackleton

Từ những ngày đầu tiên chuẩn bị cho chuyến hành tình, Shackleton đã kỹ lưỡng tuyển chọn đồng đội cho chuyến thám hiểm Nam Cực. Đây là bài học quan trọng về team fit - chọn những người đồng hành phù hợp với startup của bạn.

Năm 1913, Shackleton cho đăng một mẫu quảng cáo ngắn gọn trên nhiều tờ báo ở London, với nội dung như sau:

“Tuyển đồng đội nam cho chuyến đi mạo hiểm. Lương thấp, trời lạnh giá, nhiều tháng trời trong đêm đen, đầy hiểm nguy, không chắc ngày về an toàn. Có danh vọng và được tôn vinh nếu thành công”

Để tuyển được người thực sự phù hợp với đặc thù công việc của chuyến thám hiểm, Shackleton đã mô tả rất thực tế về những khó khăn, rủi ro và vinh quang. Ứng viên tìm tới ông không phải là người nhẹ dạ, ứng tuyển cho vui. Chắc hẳn, họ phải là người rất dũng cảm, có ý chí bền bỉ và chuẩn bị sẵn tâm lý cho mọi hiểm nguy của công việc.

Một điều thú vị về mẫu quảng cáo là lúc đầu Shackleton chỉ kì vọng là sẽ nhận được khoảng 50 - 70 phản hồi. Nhưng thực tế, ông nhận được hàng nghìn phản hồi từ các ứng viên tham gia, từ đó chọn ra 27 người phù hợp nhất cho chuyến thám hiểm.

Bài học thực tế

Vừa qua, hai nhà sáng lập của Kamereo là Taku Tanaka và Hiroshi Tokaku đã rất tâm huyết khi dành nhiều thời gian để xây dựng một hiring deck (bản thông tin tuyển dụng) dài 43 trang.

Hiring deck này giới thiệu đầy đủ về tầm nhìn, hoạt động kinh doanh, đội ngũ, giá trị cốt lõi, môi trường làm việc và phúc lợi của công việc. Nó cũng được chia sẻ công khai, để Kamereo và những ứng viên phù hợp có thể tìm thấy nhau.

Từng hỗ trợ giới thiệu đến Kamereo các ứng viên tiềm năng, tôi nhận thấy được sự nghiêm túc của nhà sáng lập trong việc tuyển dụng. Họ chú trọng tuyển người phù hợp với văn hoá, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của công ty.

Ngoài ra, Manabie - một startup công nghệ giáo dục mà chúng tôi đã đầu tư, hỗ trợ ở thị trường Việt Nam và Nhật Bản, gần đây đẩy mạnh việc tuyển dụng kỹ sư IT phát triển sản phẩm. Trên thông tin tuyển dụng, Manabie nhấn mạnh rõ nét văn hoá Tech của công ty:

"Manabie Tech culture of continuous learning with internal open source repositories, which any member can contribute, open discussions for knowledge sharing, and more"

(Tạm dịch: Văn hoá Tech của Manabie là văn hóa học hỏi liên tục, với kho mã nguồn mở nội bộ mà bất kỳ thành viên nào cũng có thể đóng góp, thảo luận mở để chia sẻ kiến thức và hơn thế nữa)

Một điều thú vị là ở phần yêu cầu ứng viên, đối với vị trí tuyển Backend Engineer (Junior Level), Manabie không ưu tiên đề cập đến trình độ hay kỹ năng, mà lại đặt hai điều kiện quan trọng đầu tiên là:

1. Teamwork: “Your problems are my problems, my problems are your problems” (Tinh thần đồng đội: “Vấn đề của bạn là vấn đề của tôi, vấn đề của tôi là vấn đề của bạn”)

2. Strong desire to learn and to grow (Có sự ham muốn học hỏi và phát triển)

Việc tuyển dụng người phù hợp là điều mà bất kỳ nhà sáng lập nào cũng nên thực hiện. Startup cũng không nên vì đang rất cần người mà nhanh chóng tuyển nhân sự không phù hợp, vì điều này về lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công ty.

Việc tuyển dụng người phù hợp là điều mà bất kỳ nhà sáng lập nào cũng nên thực hiện. | Nguồn: Dilligent Corporation.

Kết

Hy vọng 3 bài học từ bài viết sẽ giúp nhà sáng lập có thêm gợi ý, giúp công ty bền bỉ đứng vững trước giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Tôi tin rằng, mỗi cuộc khủng hoảng cũng là cơ hội để "lửa thử vàng". Khủng hoảng giúp tôi luyện năng lực, bản lĩnh cũng như sự bền bỉ, để rồi khi bước qua từ cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.