Sự khác biệt giữa lý do và "lý trấu" | Vietcetera
Billboard banner

Sự khác biệt giữa lý do và "lý trấu"

Bào chữa là một thói quen xấu, nó làm chúng ta chậm lại và ở mãi trong vùng an toàn của mình.

Sự khác biệt giữa lý do và "lý trấu"

Nguồn: ios

Mình cho rằng cuộc đời là một chiến trường vĩ đại, nơi mà chúng ta sẽ phải trải qua vô số trận chiến nhỏ để có được chiến thắng cuối cùng. 

Và những trận chiến mà ta phải đơn độc tham gia là những trận chiến đáng phải thắng nhất. Bởi vì đó là những lúc ta phải thắng bản thân, vượt qua giới hạn để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Để chiến thắng, ta cần học cách trở thành những chiến binh – chuẩn bị, tập luyện, chủ động để quyết định vận mệnh của chính mình. 

Giờ hãy tự hỏi: Mình có muốn trở thành một chiến binh?

Nếu có, đây là việc đầu tiên bạn cần làm: tự phân biệt giữa “lý do” và “lý trấu” - tức những lời bào chữa. Sau đó tìm ra “lý do” đến từ bên trong.

1. Lý do và bào chữa

Minh họa bởi: Timo Kuilder
Minh họa bởi: Timo Kuilder

“Tôi tới trễ buổi phỏng vấn sáng nay vì…”

Bất cứ điều gì đi sau “vì” đều có thể là lý do hoặc lời bào chữa. Ta thường hay nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, vì chúng đều giải thích tại sao bạn đã làm hoặc cảm nhận về một điều gì đó. 

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất ở chúng đó là “tính trách nhiệm”.

  • Lý do thường tồn tại trước khi mọi việc được thực hiện. Thông thường, chúng là kết quả của việc ta tập trung suy nghĩ và quyết định điều gì nên làm – không nên làm. Ta đưa ra lý do với mục đích giải thích, nhưng vẫn giữ trách nhiệm của kết quả về bản thân mình.

Ví dụ: Tôi tới trễ buổi phỏng vấn sáng nay vì kẹt xe quá, do không lường trước được đường từ nhà tới văn phòng lại dễ kẹt như vậy. Lần tới tôi sẽ xuất phát sớm hơn.

  • Bào chữa là khi ta tìm kiếm sự tha thứ và thường tập trung giải thích những yếu tố ngoại cảnh, trừ bản thân mình. Chúng được sử dụng để trốn tránh trách nhiệm, giữ thể diện hoặc tránh rắc rối.

Ví dụ: Tôi tới trễ buổi phỏng vấn sáng nay vì kẹt xe quá, không ngờ hôm nay đường lại đông như vậy, mong bạn thông cảm.

Ta thấy rõ ràng 2 cách trả lời trên có sự khác biệt về tính trách nhiệm. Người đầu thì tự nhận ra mình phải có trách nhiệm đi sớm hơn, người sau thì cho rằng đường xá là lý do chính đáng, người nghe phải có trách nhiệm tha thứ cho mình.

Ngoài ra, những lý do xuất phát từ sự không trung thực đều là những lời bào chữa. Và thậm chí chúng là những lời bào chữa độc hại nhất cho chính bản thân bạn.

2. Vì sao cần nhận ra sự bào chữa?

Minh họa bởi: Timo Kuilder

Khi chúng tới từ bản thân:

Bào chữa là 1 thói quen xấu, nó làm chúng ta chậm lại và ở mãi trong vùng an toàn của mình. Nó khiến ta tin rằng “lần này là xui thôi, lần sau sẽ không như vậy nữa”. 

Nhưng vấn đề là: làm thế nào để may mắn mới khó, chứ xui thì chả cần làm gì cũng xui.

Bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề của mình bằng cách bào chữa, bởi tác nhân ngoại cảnh là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc dùng chúng để bào chữa chỉ làm lãng phí thời gian cho những quyết định sai lầm cứ lặp đi lặp lại trong cuộc sống.

Có nhiều lý do để ta tìm tới sự bào chữa:

  • Bạn đang sợ hãi
  • Bạn không muốn thừa nhận thất bại
  • Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra
  • Bạn không có mục tiêu cụ thể
  • Bạn so sánh mình với người khác và muốn bảo vệ lòng tự trọng của mình
  • Bạn nghĩ rằng mình thiếu tiền, thời gian, kiến thức, công cụ, hay sự giúp đỡ
  • Bạn tự nhủ đó là điều mình không thể thay đổi, vì bản chất mình như vậy

Mình cũng từng nghĩ mình là người không thể dậy sớm đi làm và tự nhận là mẫu người “Night Owl” (cú đêm) rồi chọn giờ làm việc năng suất nhất là nửa đêm. 

Nhưng hóa ra không phải là như vậy, hơn 3 năm nay mình đã có thể dậy sớm làm việc ban ngày và nhờ vậy mà sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều.

Nhận thấy sự bào chữa từ người khác còn có thể giúp bạn nhận ra những mối quan hệ độc hại, hay rút kinh nghiệm cho bản thân sau này.

3. Vì sao cần tìm lý do từ bên trong?

m
Minh họa bởi: Timo Kuilder

Quá trình tìm kiếm lý do thay cho bào chữa là quá trình ta hoàn thiện chính mình. Bởi lẽ ta là nhân vật chính của bộ phim mang tên “Life of me” – khi ta cố gắng bào chữa là ta đang vào vai nạn nhân để cho những thứ khách quan bên ngoài định đoạt số phận mình.

Ngày trước, mình hay được bà nội xem chỉ tay rồi nói về những viễn cảnh tương lai được thể hiện qua những đường kẻ mong manh đấy. Để bà vui mình cũng tham gia phát triển những câu chuyện đó sao cho nghe có vẻ hợp lý nhưng cuối buổi mình luôn kết thúc bằng:

“Cuối cùng thì những đường chỉ tay này cũng nằm trong lòng bàn tay của con. Nắm lại hay mở ra là do con quyết định.”

Điểm mấu chốt ở đây đó là ta phải tìm ra được lý do từ bên trong. Ở ví dụ ban đầu: 

“Tôi tới trễ buổi phỏng vấn sáng nay vì kẹt xe quá, do không lường trước được đường từ nhà tới văn phòng lại dễ kẹt như vậy. Lần tới tôi sẽ xuất phát sớm hơn.”

  • Vì kẹt xe quá – là lý do bên ngoài, hay còn gọi là những lời bào chữa có thể tha thứ được. Vì nó mô tả sự thật hiển nhiên đã diễn ra, nhưng nó lại là thứ không nằm trong tầm kiểm soát của mình.
  • Do không lường trước được đường từ nhà tới văn phòng lại dễ kẹt như vậy – đây là lý do bên trong, xuất phát từ mình do vậy mà cũng dễ có giải pháp hơn “Lần tới tôi sẽ xuất phát sớm hơn.”

Những lý do bên trong này sẽ trở thành những bài học để đưa ra quyết định tốt hơn ở lần sau với sự chủ động hoàn toàn nằm ở chúng ta.

Một lợi ích khác đó là nó giúp ta có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác. Khi đưa ra những lý do từ bên trong, ta xuất phát từ sự bình đẳng giữa mọi người vì ta hướng tới làm tốt hơn ở lần sau thay vì được tha thứ ở lần này. 

Nó sẽ là những thông tin hữu ích để cung cấp thêm bối cảnh cho người kia để cùng tìm ra các giải pháp khả thi cho vấn đề trước mắt.

Đồng thời việc thể hiện mình hiểu rõ những điểm yếu ở bản thân cũng khiến đồng đội tin tưởng và nhờ đó, ta có được những sự giúp đỡ tốt hơn cho mình.

4. Làm thế nào để tìm ra lý do từ bên trong

int4
Minh họa bởi: Timo Kuilder

1. Hãy trung thực với chính mình bằng cách suy xét lại những lý do:

  • Lý do này có chính đáng hay không?
  • Mình có thể tác động lên lý do này hay không?
  • Mình có nhận ra lý do này ngay từ đầu hay chưa?

2. Ngừng lo sợ những điều chưa biết. Nếu ta nghĩ rằng lần sau xuất phát sớm hơn thì vẫn sẽ đi trễ rồi lo sợ điều này thì chỉ khiến mọi thứ tồi tệ đi. Có thể lần tới giải pháp này chưa chắc sẽ hiệu quả, nhưng ít nhất ta cũng sẽ loại bỏ ra 1 sự lựa chọn cho lần sau nữa.

3. Ngừng đổ lỗi cho người khác, hoàn cảnh, điều kiện hay bất cứ thứ gì ở ngoài kia. Vì việc đó sẽ chẳng giúp cho vấn đề của bạn biến mất.

4. Chịu trách nhiệm về tất cả hành động của bạn. Cho dù hành động đó là làm theo lời khuyên từ người khác, hãy nhớ rằng lời khuyên chỉ mang tính chất tham khảo và sẽ không ai phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời bạn.

5. Học hỏi từ sai lầm của mình, và của những người xung quanh. Bạn không chỉ học những điều không nên làm, mà còn phân tích những gì đã làm sai và cách làm tốt hơn trong tương lai.

6. Nhận thức được điểm yếu của mình, nhưng đừng quá tập trung vào nó. Điểm mạnh của bạn là thứ sẽ giúp bạn tạo ra nhiều giá trị nhất có thể.

7. Tin vào bản thân, và nhớ rằng: không hoàn hảo cũng được. Chấp nhận sai lầm và biết rằng người khác cũng sẵn sàng chấp nhận sai lầm của bạn, đặc biệt là nếu khi ta nhận ra và học hỏi từ chúng.

I will either find a way or create a way. I will not make an excuse! 

- Unknown

Lần tới, khi đối mặt với thất bại hãy tìm ra cho ra những lý do bên trong bạn nhé!