Tại sao chúng ta dễ “quạu” với người khác? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
8 giờ trước

Tại sao chúng ta dễ “quạu” với người khác?

Nếu chỉ nhìn thấy sai lầm của người khác, bạn sẽ sống trong bực bội.
Tại sao chúng ta dễ “quạu” với người khác?

Nguồn: Shutterstock

Nếu bạn thường đi làm vào buổi sáng, và được thưởng thức đặc sản kẹt xe của thành phố, chắc hẳn không ít lần bạn nghĩ: "Tại sao anh ta lại quay đầu xe hơi kiểu đó để kẹt đường?" hay " Tại sao cô ta lại chạy xe thiếu dứt khoát như vậy?"

Trong lòng bạn bắt đầu có cảm giác bực bội, không kiềm được mà buông vài lời than phiền. Câu chuyện này không chỉ xảy ra trên đường phố mà còn trong nhiều tình huống đời thường khác – khi một đồng nghiệp mắc lỗi, khi ai đó không hiểu ý bạn, hoặc đơn giản chỉ là khi mọi thứ không theo ý muốn.

Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo, và việc chúng ta dễ “quạu” bắt nguồn từ cách chúng ta nhìn nhận sự không hoàn hảo ấy.
Làm thế nào để chúng ta học được cách bình thản đón nhận, không trách mình quá mức, không trách người quá đáng? Hãy đọc Tư duy về sự thiếu sót này.

alt
Nguồn: @hoangthoughts

Nhìn thấy sự thiếu sót của người khác

Có một lần, dự án của mình bước vào giai đoạn quan trọng. Buổi product demo sắp diễn ra, cả team chuẩn bị kỹ lưỡng suốt cả tuần. Nhưng ngay khi demo bắt đầu, một thành viên mắc lỗi. Một lỗi rất cơ bản. Mình ngồi dưới, bực bội nghĩ: “Chuẩn bị trước cả rồi, sao lại mắc được lỗi như thế này?”.

Khi nhìn vào sai lầm của người khác, phản ứng đầu tiên của mình là phán xét. Nó giống như một cơ chế tự nhiên vậy – bạn dễ dàng chỉ ra những điểm chưa tốt, đặc biệt là khi sai lầm của họ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn.

Nhưng bạn có nghĩ rằng, đôi khi đằng sau một sai lầm có thể là những câu chuyện mà chúng ta không biết?

Nhìn thấy sự thiếu sót của chính mình

Sau buổi họp, mình tiến lại gần đồng nghiệp kia, nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao phần này lại sai vậy?” Cùng với tiếng thở dài, bạn kể rằng hồi hộp quá nên quên mất kịch bản. Dù đã chuẩn bị kỹ, áp lực từ những ánh mắt chờ đợi bên dưới làm bạn quên, nên đành nghĩ gì làm nấy.

Nghe xong, mình như nhìn thấy chính mình trong câu chuyện đó. Những lần đầu tiên ở trong buổi thuyết trình quan trọng, mình đã từng là một người hồi hộp tới mức thở không nổi để nói, vậy thì làm sao có thể trách bạn ấy được.

Thật ra, lỗi sai của bạn ấy phản ánh chính những điểm yếu mà mình cũng từng có: tư duy thiếu mạch lạc và chưa quản lý tốt thời gian để thực hành.

alt
Ở tầng này, mình học được cách đồng cảm. Hiểu rằng phía sau một sai lầm, có thể là một nỗ lực rất lớn mà mình chưa nhìn thấy. | Nguồn: Shutterstock

Sống hòa hợp với sự thiếu sót

Tầng này là nơi bạn chấp nhận rằng: sự thiếu sót là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Không phải ai cũng biết hết mọi thứ, và không phải lúc nào chính bạn cũng đúng. Lần sau, nếu bạn cảm thấy khó chịu vì một ai đó, hãy tự nhủ: “Có lẽ họ cũng đang cố gắng hết sức”. Và khi chính mình mắc sai lầm, hãy nhớ rằng: điều quan trọng là đã học được gì từ điều đó.

Khi sống hòa hợp với sự thiếu sót, bạn không còn quá bận tâm vào việc ai đúng, ai sai. Bạn dành năng lượng để giúp người khác tốt hơn, để lắng nghe và học hỏi.

Nếu chỉ nhìn thấy sai lầm của người khác, bạn sẽ sống trong bực bội.

Nếu nhận ra sai lầm của chính mình, bạn sẽ sống trong sự đồng cảm với sai lầm của người khác.

Và nếu học cách chấp nhận sự không hoàn hảo ở cả hai, bạn sẽ sống trong sự bình an.

Cuộc sống luôn có người sai, luôn có người không biết – đôi khi đó là họ, đôi khi là bạn. Nhưng chính những điều đó làm cho chúng ta trưởng thành hơn, bởi vì lỗi lầm là món quà mà cuộc sống gói bằng loại giấy không dễ mở.