Thử việc - Đừng mang tinh thần "trải nghiệm cho biết"! | Vietcetera
Billboard banner
28 Thg 05, 2020

Thử việc - Đừng mang tinh thần "trải nghiệm cho biết"!

3 Câu hỏi bắt buộc trả lời để có thời gian thử việc hiệu quả.
Thử việc - Đừng mang tinh thần "trải nghiệm cho biết"!

Nguồn: Pexels

Chẳng phải ngẫu nhiên bạn cần trải qua ít nhất 2 tháng thử việc để trở thành nhân viên chính thức. Không đơn giản là thời gian thích nghi với môi trường mới, ý nghĩa của quá trình thử việc nằm ở yếu tố “thử” - Thử nghiệm và thử thách.

Thử nghiệm thì ai cũng biết, nhưng thử thách bao gồm những gì? Hiểu được điều ẩn sau sẽ giúp bạn học hỏi và phát triển nhiều nhất từ trải nghiệm này.

1. Thử thách lòng tin của nhà tuyển dụng

Một trang CV sơ lược về quá trình học tập và làm việc chưa bao giờ đủ để nói lên con người ứng viên. Đó là lí do cần có buổi phỏng vấn trực tiếp, kế đến là thử việc.

Điều nhà tuyển dụng muốn trả lời được qua những vòng tuyển chọn này là: Liệu có nên đặt lòng tin vào bạn?

Lòng tin này không chỉ được xây bởi khả năng chứng thực những điều bạn viết trong CV về:

  • Kĩ năng làm việc.
  • Khả năng quản lý thời gian.
  • Khả năng kết hợp giữa suy nghĩ độc lập và hành động tập thể.

Mà còn xây bởi tiềm năng cộng tác trong dài hạn của bạn.

Trong một khảo sát thực hiện bởi Linkedin cho các nhà tuyển dụng, gần 45% người tham gia chọn khả năng thích nghi là ưu tiên khi tuyển dụng một thành viên mới.

Nhiều nhà quản lý cũng chia sẻ nhu cầu về thích nghi tăng cao vì dịch COVID-19 khiến nhiều công ty phải nhanh chóng thay đổi để tồn tại. Vì thế, đây cũng trở thành xu hướng tuyển dụng hiện tại.

Cụ thể, nhà tuyển dụng kỳ vọng được nhìn thấy ở bạn:

  • Kỹ năng thích nghi với phong cách làm việc mới.
  • Cách làm việc của bạn với đồng nghiệp.
  • Sự “đồng cam cộng khổ” của bạn.
  • Khả năng học hỏi và tốc độ tiến bộ của bạn.

Trong suốt quá trình thử việc, nhà tuyển dụng sẽ quan sát từng nhịp bước của bạn, chứ không chờ đến cuối kỳ hay đánh giá dựa vào thành tích sau cùng.

Vì thế, hãy luôn sẵn sàng thể hiện tốt nhất và chú ý quan sát các đồng nghiệp, từ tốn hòa mình vào cộng đồng mới. Cuối cùng rồi bạn sẽ vượt qua vòng thử thách này.

2. Thử thách các giá trị bản thân

Khi đọc JD (job descriptions: mô tả công việc), phía tuyển dụng có thể viết gộp hoặc ngắn gọn lại các yêu cầu thực tế. Chưa kể mỗi vị trí tại mỗi công ty khác nhau sẽ có những trách nhiệm khác nhau, tuỳ theo cấu trúc và chiến lược kinh doanh.

Bởi vậy, thử việc là cơ hội để bạn có đánh giá thực tế về công việc và tổ chức.

Thử việc là cơ hội để bạn có đánh giá thực tế về công việc và tổ chức. | Nguồn: Pexels

Lúc này, bạn cần giữ cái đầu tỉnh táo và trung lập để đánh giá khách quan: Liệu công việc này có đáp ứng các tiêu chí mình mong đợi?

Một vài câu bạn có thể tự hỏi là:

  • Liệu bạn có tiếp tục làm nếu công việc không đúng như mô tả?
  • Khối lượng công việc có hợp lý?
  • Vị trí này có hợp với cá tính của bạn?
  • Bạn thoải mái với văn hóa ở đây chứ?

Anh trai tôi đã từng thử việc 2 tháng cho vị trí PR Manager (Quản lý Quan hệ công chúng) chi nhánh Việt Nam của một công ty nước ngoài, để rồi phải từ bỏ bởi những gạch đầu dòng trong JD cứ ngày một dài ra trong khi phúc lợi lại chẳng phản ánh điều đó.

Anh nói công việc ấy là mơ ước của anh, nhưng liệu anh sẽ trụ được bao lâu khi chỉ có 24h một ngày mà phải gánh vác trách nhiệm của 3 bộ phận?

Tựu trung lại, đôi lúc các đầu việc sẽ có sự thay đổi so với thông tin nhà tuyển dụng đưa ra. Nhưng nó nên nằm trong giới hạn chấp nhận được của bạn. Hãy chắc chắn rằng mọi quyết định bạn đưa ra sau kỳ thử việc là lựa chọn chủ động khi đã thấu tỏ mọi ưu, nhược điểm của vị trí này.

3. Thử thách sự kiên định về nghề nghiệp

Cô bạn thân của tôi vừa từ bỏ gần 10 năm theo đuổi ngành Luật để chuyển sang làm bánh và bán cafe. Bản thân tôi cũng đã tự hỏi mình không dưới 10 lần: Hồi đó tại sao lại chọn ngành này? Con đường sự nghiệp mình đang đi có đúng hướng?

Hẳn là có đôi lúc mọi người sẽ nghi ngờ bản thân. Chẳng phải do chênh vênh 25 hay nghiệt ngã 30. Con người là sinh vật luôn tò mò và khám phá, càng hiểu biết sẽ càng cảm thấy nhỏ bé. Vậy nên những băn khoăn về mình, về nghề khá phổ biến.

Thử việc là giai đoạn đôi bên - nhà tuyển dụng và ứng viên - sẵn sàng cởi mở với nhau.

Thử việc là giai đoạn đôi bên - nhà tuyển dụng và ứng viên - sẵn sàng cởi mở với nhau. | Nguồn: Pexels

Vì thế, hãy tranh thủ đặt thật nhiều câu hỏi để xác định điều quan trọng nhất: Liệu đây có phải lựa chọn đúng đắn cho sự nghiệp của bạn?

Những câu hỏi bạn cần tìm ra trong thời gian này:

  • Tiềm năng của công việc này trong dài hạn?
  • Nó có thực sự giúp bạn đạt được mục tiêu sự nghiệp?
  • Công việc này có tạo lợi thế cạnh tranh về lâu dài?

Khi có được các câu trả lời, hãy thật tỉnh táo để chọn bước đi hợp lý nhất. Một lựa chọn sai lầm có thể khiến bạn bị đẩy rất xa khỏi con đường nghề nghiệp mong muốn. Hay ít nhất, cũng lãng phí thời gian đúng lẽ ra là dành cho lựa chọn phù hợp.

Ngoài ra, không nên lạm dụng việc “thử”. Vì việc cứ đi từ hết nơi này tới nơi khác để trải nghiệm mà không xác định hướng đi rõ ràng sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt các nhà tuyển dụng tiềm năng.

Kết

Sau mùa dịch này, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn với các quyết định tuyển dụng và quy trình thử việc sẽ càng được sâu sát hơn. Hãy nắm rõ những thử thách cần vượt qua trong giai đoạn này, bạn sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận quá trình thử việc và đem lại lợi ích cao nhất cho cả bản thân lẫn nhà tuyển dụng.

"Hãy tưởng tượng thời gian thử việc là một bài test cho những kiến thức và kĩ năng cần thiết của công việc này. Có thể bạn sẽ choáng khi phải làm việc với đồng nghiệp mới hay trong vai trò mới, nhưng đừng vội than vãn mà quên rằng nhà tuyển dụng đang âm thầm quan sát bạn.

Hãy để lại ấn tượng đẹp với nhà tuyển dụng dù kết quả sau thời gian thử việc như thế nào.”