Khải Hoàn Môn bị bọc kín - Một tác phẩm "đẹp đẽ và vô dụng"? | Vietcetera
Billboard banner

Khải Hoàn Môn bị bọc kín - Một tác phẩm "đẹp đẽ và vô dụng"?

Đây có phải là một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa?
Khải Hoàn Môn bị bọc kín - Một tác phẩm "đẹp đẽ và vô dụng"?

L'Arc de Triomphe Wrapped | Nguồn: Lubri/Dezeen

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Tối 18/09, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris chính thức được bao phủ bởi 25.000 mét vuông vải tái chế. Miếng vải này sẽ được giữ nguyên trong vòng 16 ngày.

Trong một phỏng vấn với SMCP, nhiều người tỏ ra bất bình với việc tác phẩm thật sự - công trình Khải Hoàn Môn đang bị che lấp bởi một miếng vải xấu xí.

Bên cạnh đó cũng có nhiều người hào hứng khi nhận ra đây là tác phẩm của cố nghệ sĩ Christo Vladimirov Javache, người đã qua đời vào tháng 05/2020. Và đây cũng không phải lần đầu tiên một công trình bị che khuất bởi một tấm vải khổng lồ.

Đây không phải lần đầu một công trình bị gói lại | Nguồn: Wrapped Reichstag | Christo và Jeanne-Claude

2. Tại sao Khải Hoàn Môn bị gói lại?

Đây là một công trình để tưởng nhớ cố nghệ sĩ Christo và vợ - bà Jeanne-Claude. Lúc sinh thời, cặp vợ chồng nghệ sĩ này đã ấp ủ dự án phủ kín Khải Hoàn Môn và lên kế hoạch tỉ mỉ để có thể xin được giấy phép.

Dự án ấp ủ gần 60 năm chưa kịp thực hiện thì cả 2 đã qua đời. Cho tới hôm nay, Vladimir Yavatchev - cháu của ông Christo đã quyết định hoàn thành nó.

3. Cặp đôi nghệ sĩ này là ai?

Christo cùng bà Jeanne-Claude là hai cái tên không còn xa lạ trong làng nghệ thuật thế giới. Họ đã dành cả cuộc đời tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt (installation) và nghệ thuật cảnh quan (land art).

Đối với Christo, việc vẽ tranh trên một mặt phẳng không thể thỏa mãn được ông. Vậy nên, Christo biến tất cả những thứ xung quanh, từ những tòa nhà cho tới cảnh quan thiên nhiên thành một bức canvas để thể hiện nghệ thuật của mình.

Jeanne-Claude và Christo với tác phẩm Over The River | Nguồn: AP/Dominic Favre

Trong khi Christo đưa ra ý tưởng, thì Jeanne-Claude là người quản lý các dự án. Cặp đôi này đã cùng nhau xây dựng một sự nghiệp cực kỳ thành công xoay quanh việc sử dụng những vật liệu dễ tìm thấy như vải, thùng dầu để tạo lên những công trình khổng lồ.

Các tác phẩm này đều tiêu tốn một khoản thời gian dài để hoàn thành. Nhất là khi quá trình nghiên cứu địa hình và xin giấy phép tốn đến vài năm. Tiêu biểu nhất là tác phẩm The Gates đặt tại Công viên Trung Tâm New York mất tới 26 năm để chuẩn bị.

4. 16.4 triệu USD được sử dụng như thế nào?

Việc che phủ Khải Hoàn Môn tốn tới 16.4 triệu USD và hoàn toàn tới từ quỹ cá nhân của 2 vợ chồng Christo.

Tác phẩm The Gates phủ cam Công Viên Trung Tâm | Nguồn: Christo và Jeanne-Claude

Năm 2005, tác phẩm The Gates ra đời, công chúng ai cũng tò mò về chi phí thực sự của dự án. Nhiều người đã lập danh sách những khoản tiền cần phải trả như sau:

  • Tiền thu mua vật liệu (chủ yếu là vải) theo giá sỉ;

  • Chi phí vận chuyển (Đã được giảm thiểu khi 2 vợ chồng mua vật liệu từ nhà máy trong khu vực);

  • Chi phí thuê nhân công (Bao gồm cả những nhà leo núi chuyên nghiệp);

  • Chi phí để thuê cố vấn (Để tìm cách thực hiện tác phẩm mà không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh);
  • Phí bảo hiểm;

  • Chi phí thuê công ty thu dọn;

  • Chi phí làm khung bảo vệ tác phẩm gốc;

  • Tiền “tài trợ" địa điểm để thuê làm tác phẩm nghệ thuật theo luật.

Nhiều người ước tính rằng khoảng tiền này phải lên tới 21 triệu USD cho tác phẩm The Gates. Tuy nhiên khi được hỏi về chi phí, Christo trả lời rằng khó có thể đo được giá trị của 26 năm họp mặt, suy nghĩ và lên ý tưởng cho tác phẩm này. (Theo nytimes.com)

5. Các dự án này sử dụng tiền từ đâu?

Cặp đôi Christo nổi tiếng là không bao giở nhận tiền tài trợ cho bất kỳ dự án nghệ thuật nào, ngay cả tiền bán đồ lưu niệm ăn theo các tác phẩm của ông. Rất nhiều dự án công cộng của Christo đã trở thành điểm du lịch miễn phí, thu hút hàng triệu du khách.

Để có đủ tiền để thực hiện những dự án đầy tốn kém lên tới hàng chục triệu USD, Christo đã tận dụng và bán tất cả những gì ông có như những bản vẽ nguyên bản ông dùng để chuẩn bị cho những dự án lớn. Các tác phẩm của ông luôn được giới sưu tập nghệ thuật chào đón và trả giá cao. Đây là cách mà ông sử dụng tiền của các nhà sưu tập giàu có vào những dự án nghệ thuật công cộng.

Bộ 25 bản phác thảo cho dự án Khải Hoàn Môn bị bọc kín có giá từ 150.000 đến 2,5 triệu USD cho một bức | Nguồn: The Guardian

6. Christo nói gì về lý do tạo ra tác phẩm?

Trong một buổi diễn thuyết tại Đại Học New York, khi được hỏi động lực nào để hoàn thành tác phẩm của mình, Christo đã từ chối trả lời. Thay vào đó ông chia sẻ rằng mỗi tác phẩm là một trải nghiệm riêng biệt và độc đáo.

“Chúng tôi làm ra những thứ đẹp đẽ, vô dụng đến khó tin và hoàn toàn không cần thiết.” (Theo artsy.net)

The Floating Piers | Nguồn: Christo và Jeanne-Claude

7. Tác phẩm này có thật sự vô nghĩa?

Christo chưa bao giờ giải thích về ý nghĩa của tác phẩm nhưng ông đã từng so sánh nghệ thuật như tiếng thét của sự tự do. Điều này giải thích cho lý do ông không nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào cốt chỉ để đảm bảo tính đạo đức trong từng tác phẩm.

Các tác phẩm của Christo cho tới nay đều chỉ được lưu lại qua những tấm ảnh chụp. Toàn bộ vật liệu đều được tái chế thành những hình dạng khác xa với bản gốc. Christo không để bất kỳ ai có thể sở hữu được tác phẩm của mình. Đó chính là sự tự do mà ông nhắc tới.

“Cần nhiều sự can đảm để có thể tạo ra một tác phẩm mà ta biết chắc nó sẽ biến mất, thay vì một tác phẩm sẽ tồn tại mãi.”

Bên cạnh đó, các tác phẩm này cũng truyền đi những thông điệp đầy tính môi trường với những vật liệu tái chế, mang tính bền vững. Bản thân ông khi tạo ra các tác phẩm land art cũng đều phải tốn một thời gian dài để có thể thực hiện nó mà không phải tác động tới môi trường xung quanh. "Chúng tôi là những nghệ sĩ sạch sẽ nhất trên thế giới, tất cả mọi tác phẩm đều được xử lý." - Bà Jeanne-Claude viết trên trang web cá nhân của họ.

40 tấn rác của các vùng đảo Miami đã được dọn dẹp khi thực hiện tác phẩm Surrounded Island | Nguồn: Christo và Jeanne-Claude