Tóm Lại Là: Sập nguồn, đừng sập giờ thiêng | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Sập nguồn, đừng sập giờ thiêng

'Sập nguồn' có thực sự tệ đến vậy?
Tóm Lại Là: Sập nguồn, đừng sập giờ thiêng

Nguồn: Twitter

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào khoảng 19h ngày 14/12, nhiều người dùng ở Việt Nam và trên thế giới không thể truy cập vào các dịch vụ của Google, bao gồm Gmail, Google Calendar, Google Maps and YouTube.

Nguyên nhân được cho là liên quan đến công cụ xác thực của Google (authentication tool). Công cụ này quản lý việc người dùng đăng nhập vào các dịch vụ của hãng.

Sau khoảng 1-2 tiếng, các hoạt động diễn ra bình thường trở lại. Google đồng thời thông báo đã khắc phục sự cố thành công.

2. Điều này ảnh hưởng thế nào đến mọi người?

Mạng xã hội Twitter xuất hiện hàng trăm các bài đăng đính kèm hashtag ‘GoogleDown’, ‘Gmaildown’ (Google/Gmail sập). Các bài viết nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 100.000 báo cáo lỗi trên trang DownDetector, 1 công cụ theo dõi sự cố trong 24h.

3. Gián đoạn dịch vụ thường diễn ra không?

Hồi tháng 9 năm nay, các dịch vụ của Google như Gmail, Drive, Hangout từng gặp gián đoạn, mất khoảng 4 tiếng để truy cập bình thường trở lại. Chỉ mới 5 ngày trước, nền tảng nhắn tin của Facebook cũng gặp lỗi đường truyền. Ngay cả các dịch vụ trả phí như YouTube TV cũng không tránh khỏi ‘thảm họa’. Tuy nhiên năm 2018, YouTube TV ghi điểm nhờ chính sách ‘đền bù’ cho khách hàng (tặng 1 tuần sử dụng miễn phí dịch vụ).

Hầu như mọi năm, các ‘ông lớn’ công nghệ đều xảy ra sự cố kết nối. Nguyên nhân thông thường là: Lỗi máy chủ, lỗi đường truyền, quá tải lượng truy cập hoặc... bị tin tặc tấn công.

Youtube cũng lagrave nạn nhacircn của sự cố nagravey Nguồn kron4
Youtube cũng là nạn nhân của sự cố này | Nguồn: Kron4

4. Nếu ‘gã khổng lồ’ biến mất?

Thống kê từ Google cho thấy, hiện tại có hơn 49 triệu người dùng Internet tại Việt Nam (hơn nửa dân số), với 62 triệu tài khoản Gmail. Người dùng mạng thường dùng chính tài khoản Gmail để tạo tài khoản trên nhiều nền tảng, dịch vụ và ứng dụng khác nhau. Khó tưởng tượng nếu Google sập, mọi thứ sẽ bị đảo lộn đến mức nào.

Vụ ‘sập nguồn’ của Google vào năm 2013, dù chỉ diễn ra vài phút, đã khiến công ty thiệt hại khoảng 10 tỷ VND (mua được 2 căn hộ cao cấp tại trung tâm các quận 2, 4, Phú Nhuận, Tân Bình). Chuyên gia công nghệ cho rằng, sự cố vừa qua có thể khiến Google thất thoát hàng triệu đô, tính riêng YouTube đã là 1.7 triệu. Điều này phản ảnh trọng trách và áp lực cực lớn đặt trên vai của người đứng đầu. Vì vậy, gần như không thể xảy ra viễn cảnh ‘gã trùm công nghệ này’ đột nhiên biến mất.

5. Làm gì khi sự cố tương tự xảy ra?

Mặc dù đã sớm được khắc phục nhưng chúng ta hãy luôn chuẩn bị tâm thế cho tai nạn tương tự. Nếu không thể truy cập, hãy thử kiểm tra kết nối đường truyền hoặc dùng tab ẩn danh để duyệt web. Trong trường hợp sự cố diễn ra trên diện rộng, các diễn đàn, báo chí sẽ đăng tải thông tin này.

Dưới đây là một vài ứng dụng thay thế nếu một ngày Google tiếp tục “ngay đơ”.

  • Google search: Bing, Yandex, CC Search, DuckDuckGo.
  • Gmail: ProtonMail, Zoho Mail, Outlook, iCloud Mail.
  • Google Maps: MapQuest, Waze, Bing Maps.
  • Google Docs: Microsoft Office, Zoho Docs, Dropbox Paper.
  • YouTube: DailyMotion, Vimeo, TED.

6. Vì sao ta sợ mất kết nối?

Trong thời đại thông tin luôn được cập nhật liên tục, con người dễ mắc phải hội chứng ‘sợ bị bỏ lỡ’ (FOMO - fear of missing out).

Bạn coacute luocircn lo sợ bị mất kết nối Nguồn Freepik
Bạn có luôn lo sợ bị mất kết nối? | Nguồn: Freepik

Bạn đợi chờ thông báo (comment, like) khi vừa đăng 1 bài post, kiểm tra email công việc mỗi 15 phút, vội vã gọi lại cho các cuộc gọi bỏ lỡ, cập nhật liên tục các sự kiện xung quanh. Tóm lại, bạn không muốn thành “người tối cổ”. Cảm giác được kết nối là nhu cầu cơ bản của con người, tuy nhiên sự bùng nổ của kỷ nguyên số đã làm vấn đề tâm lý này trở nên trầm trọng hơn.

7. Tắt kết nối mạng để kết nối với bản thân

“Lúc 19h gia đình tôi dùng bữa. Vợ tôi mở YouTube cho con xem nhưng liên tục báo lỗi kết nối 503 . Cả điện thoại cũng báo lỗi tương tự . Tôi biết ngay YouTube có vấn đề. Hai vợ chồng vừa ăn vừa chơi và giỡn với con. Nghĩ lại YouTube bị sập cũng có cái hay!” - Một người dùng mạng chia sẻ.

Nếu như không dùng YouTube, Google hay Facebook cho mục đích công việc, tại sao bạn không thử tắt mạng một chút, dành thời gian cho gia đình và người thương nhiều hơn. Nếu soi chiếu vấn đề theo lăng kính khác, có lẽ việc ‘mất kết nối’ cũng không thực sự tệ đến thế!

Chỉ hy vọng, sập nguồn, không sập giờ thiêng!