Tại sao vụ kẹt tàu Ever Given lại ảnh hưởng đến thế giới? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao vụ kẹt tàu Ever Given lại ảnh hưởng đến thế giới?

Sự cố tàu Ever Given mắc cạn ảnh hưởng đến thế giới như thế nào?
Tại sao vụ kẹt tàu Ever Given lại ảnh hưởng đến thế giới?

Ever Given

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Sáng 23/03 vừa qua, tàu hàng “khổng lồ” Ever Given bị mắc kẹt khi đang trên hải trình. Con tàu “khổng lồ” chắn ngang kênh đào Suez, con đường thủy nhân tạo kết nối vùng biển châu Âu với vùng biển Ấn Độ Dương và các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương. Công tác cứu hộ tàu đã được tiến hành ngay sau đó.

Tàu Ever Given dài 400m và có tải trọng gần 220 nghìn tấn, khiến nó trở thành một trong những con tàu lớn nhất thế giới. Vụ kẹt tàu đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng trên kênh đào Suez. Tính đến ngày 27/03, đã có hơn 200 con tàu xếp hàng sau tàu Ever Given bên ngoài kênh đào, cùng với hơn 100 con tàu vẫn đang trên đường đến đây.

Sáng 29/03, công cuộc giải cứu đã bắt đầu có kết quả khi một phần của con tàu đã nổi trở lại và được kéo ra khỏi bờ cát. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại hoàn toàn kênh đào Suez sẽ còn tốn thời gian.

2. Tại sao tàu bị mắc cạn?

Theo công ty Evergreen Line - đơn vị vận hành Ever Given, con tàu vô tình mắc cạn sau khi di chuyển chệch hướng vì nghi có gió mạnh đột ngột. Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục được giới chức. Trong cuộc họp báo ngày 27/03, ông Osama Rabie – người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) nhận định rằng gió mạnh và các yếu tố thời tiết không phải là nguyên nhân chính khiến con tàu mắc kẹt, mà có thể do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi con người.

Một cuộc điều tra đã được mở vào ngày 26/03 để tìm ra nguyên nhân khiến con tàu mắc cạn. Cuộc điều tra được dẫn dắt bởi Cơ quan Hàng hải Panama.

3. Công cuộc giải cứu đang diễn ra như thế nào?

Cho đến thời điểm hiện tại, phương pháp chính được áp dụng bao gồm nạo vét cát ra khỏi khu vực mũi tàu, đồng thời tận dụng thủy triều lên cao để huy động các tàu kéo và lai dắt tham gia giải cứu. Tính đến ngày 26/03, đã có 20 nghìn tấn cát quanh mũi tàu được nạo vét, kết hợp với 14 tàu kéo siêu trọng tham gia giải cứu tàu Ever Given.

Lực lượng giải cứu cho biết vẫn còn một số lượng lớn cát lớn cần được hút ra để tàu có thể di chuyển hoàn toàn. Nếu tàu Ever Given vẫn không thể di chuyển được trong tuần sau, cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết họ sẽ tháo dỡ 600 container hàng hóa để giảm tải cho tàu. Tuy nhiên, đại diện của SCA cho rằng việc này cũng rất khó khăn do phải tìm được vị trí phù hợp để chứa số container nói trên.

Ever Given 2
Nạo vét cát ra khỏi khu vực mũi tàu Ever Given | Nguồn: Fiji Broadcasting Corporation

4. Tại sao tàu mắc cạn lại là sự việc nghiêm trọng?

Mỗi năm, có tới 15% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez. Việc ùn tắc giao thông hàng hải tại đây vì thế có thể gây tác động lớn đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu.

Theo ông Marko Kolanovic - chiến lược gia của ngân hàng JP Morgan, vụ việc có thể gây gián đoạn thương mại lớn, khiến phí vận chuyển đường biển tăng phi mã, gia tăng mức tiêu thụ năng lượng và gia tăng lạm phát toàn cầu. Các chuyên gia tại JP Morgan cũng nhận định vụ kẹt tàu sẽ khiến con tàu sẽ phải di chuyển bằng tuyến đường vòng qua mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, dẫn đến tốn thời gian và chi phí nhiên liệu.

5. Những hậu quả gì đã xuất hiện?

Theo hãng phân tích dữ liệu Kpler, mỗi ngày có đến 1,74 triệu thùng được vận chuyển qua kênh đào Suez đang bị tắc nghẽn. Đây là lưu lượng vận chuyển dầu khá lớn vì tổng số lượng dầu thô được vận chuyển mỗi ngày trên toàn thế giới là 39,2 triệu thùng.

Giá dầu toàn cầu cũng đã tăng hơn 3% trong ngày 26/03, 3 ngày sau khi tàu Ever Given mắc cạn. Hãng tin Reuters cho biết tác động của vụ việc đối với giá dầu được cho là chưa lớn do hiện tại chưa phải là cao điểm về tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, việc kênh đào Suez nhiều khả năng vẫn chưa thể lưu thông trong thời gian gần sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng cao.

Trên bình diện kinh tế toàn cầu, việc kênh đào Suez bị ách tắc gây thiệt hại 400 triệu USD mỗi giờ.

6. Đã có sự việc tương tự nào từng xảy ra chưa?

Đây không phải là lần đầu tiên kênh đào Suez bị tắc nghẽn giao thông. Năm 2004, tàu chở dầu Tropic Brilliance của Nga từng mắc cạn tại đây khiến kênh đào phải đóng cửa trong 3 ngày.

Tháng 11/2017, tàu container OOCL Japan cũng gặp phải trường hợp tương tự. Tuy nhiên, may mắn hơn Ever Given và Tropic Brilliance, các tàu kéo đã giải cứu thành công con tàu của Nhật Bản chỉ sau vài giờ đồng hồ mắc kẹt.

Tropic Brilliance
Tàu chở dầu Tropic Brilliance | Nguồn: MarineTraffic

7. Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao từ vụ mắc cạn tàu Ever Given?

Theo ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đang đe dọa tới xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sự cố càng kéo dài thì thiệt hại cho doanh nghiệp càng lớn (Nguồn: tuoitre.vn).

Cũng theo ông Hòe, dự kiến các chuyến tàu chở hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ kéo dài thêm ít nhất từ 1 đến 2 tuần do tàu phải đi đường vòng. Giá cước vận tải và chi phí nhiên liệu cho mỗi đợt vận chuyển hàng hóa vì thế sẽ tăng lên, khiến người tiêu dùng phải trả nhiều hơn.

Ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết sự cố này ảnh hưởng ít nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với khu vực châu Âu. Ông Hải cho rằng sự cố sẽ gây chậm trễ giao hàng và gia tăng chi phí.

Trong bối cảnh sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao khả năng thích nghi để ứng phó tốt với những biến động của thị trường.

Thủy sản
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị đe dọa | Nguồn: vietnamplus