The Winx Saga - Chuyển thể có cần tươi sáng như bản gốc? | Vietcetera
Billboard banner

The Winx Saga - Chuyển thể có cần tươi sáng như bản gốc?

Hiệu ứng biến hình như “thủy thủ Mặt Trăng” có còn là sức hút vào năm 2021?
The Winx Saga - Chuyển thể có cần tươi sáng như bản gốc?

Nguồn: Cinematographe

1. Winx Saga kể về gì?

Fate: Winx Saga là bản người đóng (live action) của series hoạt hình Winx Club. Phim xoay quanh câu chuyện về tiên nữ Bloom. Cô nhập học ở ngôi trường Tiên Giới Alfea để khám phá năng lực tiềm ẩn, giải cứu thế giới khỏi các thế lực hắc ám.

2. Có những thay đổi gì so với bản gốc?

Fate: Winx Saga là phiên bản đen tối và kinh dị của Winx Club. Phim không “bê” hoàn toàn kịch bản gốc mà lấy cảm hứng từ nguyên tác hoạt hình. Những thay đổi chính đến từ:

  • Xuất thân, năng lực và mối quan hệ của nhân vật.
  • Hệ thống phân cấp theo giới tính. Tiên (Fairy) không nhất thiết phải là nữ và Chuyên gia (Specialist) không cần phải là nam, hướng đến sự cân bằng giới.
  • Lược bỏ những màn hóa phép sặc sỡ như “thủy thủ Mặt Trăng”.

Fate: Winx Saga giống với phim kinh dị từng chiếu trước đó trên Netflix là “Sweet Home”. Cả hai đều dựa vào bản gốc và phát triển hướng đi riêng. Tuy nhiên, hướng đi của Winx Saga táo bạo hơn hẳn.

Winx Club phiecircn bản đen tối Nguồn Newsweek
Winx Club phiên bản đen tối? | Nguồn: Newsweek

3. Những tranh cãi xung quanh bản live action?

Ngay từ khi công bố tạo hình nhân vật, nhiều fan của phim gốc phản đối việc chọn nhân vật da trắng cho nhân vật gốc Á hoặc nhân vật da màu, cho rằng đây là hành động tẩy trắng. Một số fan cũng mong muốn giữ nguyên màu sắc tươi sáng, hiệu ứng “nhiệm màu” của Winx Club.

Dù vậy, với kịch bản được viết một cách tử tế, xây dựng trên đề tài phép thuật, phim nhanh chóng chinh phục khán giả trẻ và “thăng hạng” trên danh sách phim hay Netflix.

4. Phim chuyển thể phải luôn bám sát kịch bản gốc?

Phim chuyển thể là chuyển một phần hoặc toàn bộ tác phẩm gốc (truyện, tiểu thuyết…) sang hình thức điện ảnh. Dù có cách thể hiện khác nhưng phim chuyển thể vẫn cần tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm gốc.

Các nhà làm phim tại Việt Nam nếu có được cái gật đầu của chủ sở hữu quyền tác giả, sẽ có quyền khai thác nội dung gốc. Tuy nhiên họ không được xuyên tạc tác phẩm, gây hại đến danh dự và uy tín tác giả (người trực tiếp tạo ra sản phẩm).

Khi làm phim “Trạng Tí”, Ngô Thanh Vân từng bị từ chối vì công ty Phan Thị (chủ sở hữu quyền tác giả) yêu cầu bám sát nguyên tác. Cuối cùng, Trạng Tí vẫn được thực hiện nhờ giữ vững tinh thần của bộ truyện “Thần Đồng Đất Việt”, nhưng thêm thắt yếu tố kỳ ảo gây bất ngờ.

Trạng Tiacute coacute thecircm thắt caacutec yếu tố thần thoại nhưng vẫn giữ nguyecircn nhoacutem nhacircn vật chiacutenh Nguồn Moveek
Trạng Tí có thêm thắt các yếu tố thần thoại nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nhân vật chính | Nguồn: Moveek

5. Phim phóng tác, cải biên khác phim chuyển thể thế nào?

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo từ tác phẩm gốc. Phóng tác, chuyển thể hay cải biên đều là những “nhánh con” thuộc tác phẩm phái sinh, được gọi chung bằng thuật ngữ adaptation trong tiếng Anh. Trong điện ảnh Việt, phim phóng tác, cải biên có sự phân biệt:

  • Cải biên là sửa đổi bản gốc hoặc dựa vào một phần của bản gốc để tạo sản phẩm mới. "Tây Du Ký" là bộ truyện có nhiều tác phẩm cải biên nhất trong nền điện ảnh Trung Quốc.
  • Phóng tác tự do hơn, nhà làm phim có thể sử dụng một phần ý tưởng, hình mẫu nhân vật gốc, sau đó phát triển theo ý riêng. Đôi khi là “đập đi xây lại”.

Theo các tiêu chí trên, Winx Saga vẫn được coi là một tác phẩm chuyển thể.

Phim “Cậu Vàng” ra mắt gần đây là tác phẩm phóng tác. Phim được viết dựa theo chùm tác phẩm của nhà văn Nam Cao. Tại đó, Lão Hạc và Chí Phèo thuộc cùng một “vũ trụ”.

Ở Việt Nam, 2 dòng phim cải biên và phóng tác còn khá mới, khiến khán giả đôi khi nhầm lẫn giữa các khái niệm, gây nên phản ứng trái chiều.

6. Điểm chung của phim chuyển thể thành công?

Trên thế giới có nhiều tác phẩm chuyển thể được xếp vào “hàng ngũ” kinh điển như “Cuốn Theo Chiều Gió”, “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai”. Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm chuyển thể thành công như “Trăng Nơi Đáy Giếng”, “Cánh Đồng Bất Tận” hay “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh”.

Điểm chung của phim chuyển thể thành công là biết cách vận dụng ngôn ngữ điện ảnh, có dàn diễn viên được “đo ni đóng giày” và xây dựng diễn biến tâm lý phù hợp. Sở hữu một cốt truyện hay chỉ là bước đầu để dựng nên một tác phẩm ăn khách.

7. Chuẩn bị gì trước khi chuyển thể phim?

Với gần 2 thập kỷ “lăn lộn” trong ngành công nghiệp điện ảnh, biên kịch Ken Miyamoto - làm việc tại hãng phim Sony Pictures, đúc kết 5 lời khuyên trước khi bước vào “hành trình” chuyển thể phim:

  • Có toàn bộ quyền chuyển thể tác phẩm. Sự bất đồng từ tác giả hay đơn vị sở hữu quyền tác giả có thể khiến bộ phim mất đi giá trị trước cả khi ra mắt.
  • Chọn lọc những tình tiết mang tính điện ảnh và hình dung cách thể hiện (góc quay, bố cục, màu sắc, ngôn ngữ). Bỏ bớt các chi tiết văn học.
  • Chọn ra màu sắc, tinh thần chủ đạo và trung thành với mạch kể chuyện.
  • Mạnh dạn xóa bỏ hoặc kết hợp các tuyến nhân vật phụ.
  • Sau khi nắm được bối cảnh, nhân vật và tinh thần của phim, hãy viết lại toàn bộ kịch bản phim dựa theo chất liệu gốc.