Giữa đại dịch, hơn 1 triệu du học sinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất | Vietcetera
Billboard banner

Giữa đại dịch, hơn 1 triệu du học sinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất

“Mình yêu thương đất nước Mỹ, nhưng đất nước Mỹ này có vẻ như không yêu mình nhiều lắm rồi"
Giữa đại dịch, hơn 1 triệu du học sinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất

Giữa đại dịch, hơn 1 triệu du học sinh Mỹ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất

1. Điều gì vừa diễn ra?

Hôm 06/07, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) vừa đưa ra thông báo về những thay đổi về quy định thị thực áp cho du học sinh trong học kỳ Mùa thu sắp tới.

Quy định mới chỉ thị rằng các sinh viên đang du học bằng visa F1 và M1 sẽ không được phép ở lại Mỹ nếu trường đại học của họ chuyển sang học hoàn toàn bằng phương pháp trực tuyến.

Các sinh viên đang ghi danh tại những ngôi trường thuộc dạng trên sẽ phải lập tức rời khỏi lãnh thổ Mỹ hoặc không được cho phép nhập cảnh.

2. Vì sao chính phủ Mỹ lại đưa ra quyết định này?

Trên thực tế, việc sinh viên quốc tế học trực tuyến toàn thời gian vẫn luôn bị cấm.

Quy định này chỉ mới được nới lỏng vào học kỳ mùa Xuân và Hè trong thời gian phong tỏa xã hội, cho phép sinh viên lấy nhiều học phần online hơn thường lệ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây không chỉ đơn thuần là quay lại với thông lệ mà là một quyết định toan tính từ phía chính quyền để tạo sức ép khiến các trường đại học mở cửa trở lại. Trong một sự kiện ở Nhà Trắng, ông đã phê phán các trường đại học chỉ mở các khóa học từ xa, và nói rằng ông sẽ gây áp lực lên các thống đốc bang để học sinh tất cả các khối có thể quay lại trường vào mùa Thu.

3. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến du học sinh?

Cộng đồng sinh viên quốc tế hơn 1 triệu người tại Mỹ đang phải đối mặt với một tương lai bất định. Hiện tại, có 24.000 du học sinh người Việt tại Hoa Kỳ, phần lớn đều đang rất hoang mang trước quy định mới trên.

Hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc quay lại trường học trong bối cảnh đại dịch chưa được kiểm soát là một rủi ro lớn.

Du học sinh cũng khó có thể trở về quê nhà khi mà nhiều nước đang đóng cửa biên giới. Các chuyến bay hồi hương không có hoặc có thì sẽ vô cùng đắt đỏ. Nếu bị kẹt tại Mỹ, các sinh viên này có thể bị xem là đang cư trú trái phép và có nguy cơ bị trục xuất và cấm cửa trong tương lai.

Có thể nói, chính sách này đang đưa sinh viên vào thế phải đánh đổi sức khỏe để bảo vệ cơ hội giáo dục và làm việc của mình.

4. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến nước Mỹ?

Sự vắng mặt của sinh viên quốc tế sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế nước Mỹ. Nhóm này đóng góp đến 45 tỷ USD mỗi năm và là một nguồn thu lớn cho các trường đại học.

Có rất nhiều tài năng trên thế giới đến các trường đại học Hòa Kỳ để tìm cơ hội nghiên cứu và làm việc. Họ là một phần không thể thiếu đối trong sự phát triển khoa học và công nghệ của Mỹ. Chính sách này sẽ khiến các nhân tài phải e dè và lựa chọn những quốc gia khác làm điểm đến.

5. Sinh viên quốc tế quan trọng thế nào đến hệ thống giáo dục nước Mỹ?

Các sinh viên quốc tế thường phải phải đóng học phí toàn phần, vốn cao ngất ngưởng so với học phí của sinh viên nội địa. Chênh lệch này thường được dùng để hỗ trợ cho các sinh nội địa.

Thiếu hụt ngân sách do không có sinh viên quốc tế sẽ đẩy các trường đại học khó khăn tài chính và cắt giảm các chương trình cho sinh viên.

6. Các trường học đang đáp trả lại như thế nào?

Nhiều trường đại học, trong đó là những cái tên danh tiếng như Harvard, MIT và đã tức tốc đâm đơn kiện trước quyết định của chính phủ Mỹ. Đại diện MIT đã gọi chính sách này là ‘bất công và tàn nhẫn’ với sinh viên quốc tế và nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

Dưới quy định này, các trường đại học cũng sẽ phải chuyển sang mô hình hybrid (nửa trực tuyến, nửa trực tiếp) nếu muốn tiếp đón sinh viên quốc tế vào học kỳ tiếp theo.

7. Lời phản hồi từ các du học sinh Việt?

Peter Phan, một sinh viên năm hai tại Columbia University, cho biết: "Mình rất bất bình vì quyết định mới của ICE vì nó gây nguy hiểm đến tính mạng của các sinh viên không thể quay về nước. ICE cũng đã từng có những chính sách rất tàn nhẫn với người nhập cư nên cá nhân mình đã chuẩn bị tinh thần. Mình dự định sẽ tiếp tục việc học online từ Việt Nam. Mình không muốn quay trở lại Hoa Kỳ và có nguy cơ bị trục xuất, vì trường mình cũng có thể quay lại học trực tuyến toàn phần nếu như có làn sóng COVID-19 thứ hai".

Sự kiện lần này cũng làm nhiều du học sinh tự vấn quyết định lựa chọn nước Mỹ của mình. Sam Nguyễn, một du học sinh Mỹ chia sẻ: “Mình yêu thương đất nước Mỹ, nhưng đất nước Mỹ này có vẻ như không yêu mình nhiều lắm rồi, bởi sự phân biệt, kì thị rõ ràng trong tư tưởng của một bộ phận người dân và trong các chính sách (mà mình nghĩ từ giờ chỉ có tệ đi nếu chính sách mới nhất này được thông qua) khiến cho cái được gọi là "giấc mơ Mỹ" trở thành một điều gần như bất khả thi”.