Triệu Vy ngã ngựa vì một nền "thịnh vượng chung"? | Vietcetera
Billboard banner

Triệu Vy ngã ngựa vì một nền "thịnh vượng chung"?

Chiến dịch Thịnh vượng chung nhắm đến cả giới giải trí Trung Quốc.
Triệu Vy ngã ngựa vì một nền "thịnh vượng chung"?

Nguồn: Getty Images.

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trong năm 2021, và gần nhất là ngày 17/08 vừa qua, thuật ngữ “Thịnh vượng chung” tiếp tục được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập. Theo đó, chính phủ nước này mong muốn thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội, bằng cách phân bổ lại tài sản của đất nước.

Hưởng ứng chiến dịch, nhiều tập đoàn lớn cùng các tên tuổi trong giới giải trí Trung Quốc lần lượt bị điều tra. Mới đây, diễn viên Triệu Vy cũng bị gạch tên khỏi các nền tảng trực tuyến của Trung Quốc sau nhiều bê bối. (Theo tuoitre.vn)

2. Chiến dịch Thịnh vượng chung là gì?

Đây là chiến dịch nhằm hạn chế bất bình đẳng xã hội. Theo ông Tập, việc những người siêu giàu dù ít, nhưng lại nắm giữ phần lớn tài sản của toàn xã hội là không hợp lý.

Theo tinh thần của chiến dịch, chính phủ sẽ tập trung nâng cao thu nhập của người dân sinh sống tại nông thôn và vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, giới siêu giàu cũng được khuyến khích đóng góp nhiều hơn cho xã hội bằng các khoản từ thiện.

3. Tại sao chiến dịch Thịnh vượng chung được thúc đẩy?

Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất thế giới, với 41% tổng thu nhập quốc dân nằm trong tay nhóm 10% người giàu nhất.

Ý tưởng về một xã hội thịnh vượng chung được đề cập lần đầu bởi Chủ tịch Mao Trạch Đông vào năm 1953. Tuy nhiên, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân mạnh mẽ từ thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình dần khiến tài sản bị tập trung vào một thiểu số người giàu.

Kể từ khi nắm quyền vào năm 2013, ông Tập đã thể hiện quan điểm ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo bình đẳng xã hội. Chiến dịch Thịnh vượng chung vì thế phản ánh nỗ lực quốc gia trong việc phát triển tư tưởng này.

Khoảng cách giàu - nghèo tại Trung Quốc rất lớn. | Nguồn: Reuters.

4. Động thái nào đã được Bắc Kinh đưa ra?

Từ cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt quản lý các tập đoàn lớn. Đầu tiên, Bắc Kinh chặn đợt IPO giá trị 35 tỷ USD của Ant Group. Sau đó là hàng loạt các cuộc điều tra chống độc quyền, cùng các lệnh trừng phạt nhằm vào các tập đoàn lớn. Trong số này có cả những gã khổng lồ như Alibaba, Meituan và Didi.

Ngoài quản lý bằng việc điều tra và trừng phạt, chính phủ Trung Quốc cũng được cho là sẽ thông qua những quy định về thuế mạnh tay hơn. Theo Bloomberg, phát biểu của ông Tập cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc điều chỉnh nhiều loại thuế đối với người giàu, như thuế bất động sản hay thuế thừa kế.

5. Chiến dịch tác động thế nào đến ngành giải trí?

Nằm trong nhóm người siêu giàu, giới giải trí cũng bị chính phủ “sờ gáy”. Nhiều nỗ lực “phong sát” đã diễn ra trong năm 2021, trong đó có cả những tên tuổi lớn.

Chỉ trong vài tháng qua, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã vào cuộc, chỉ ra hàng loạt sai phạm. Tiêu biểu có diễn viên Trịnh Sảng, người bị buộc tội trốn thuế và ca sĩ Ngô Diệc Phàm, người bị bắt vì bị tình nghi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Còn về Triệu Vy, tuy chính quyền chưa lên tiếng chính thức, nhưng hiện tất cả giải thưởng, danh hiệu của cô đã bị thu hồi và xóa bỏ.

Diễn viên Trịnh Sảng. | Nguồn: Sohu.

6. Hưởng ứng chiến dịch, các tập đoàn lớn đã làm gì?

Theo lời kêu gọi “có trách nhiệm hơn” của ông Tập, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã đóng góp những khoản từ thiện lớn.

Trong tháng 8, tập đoàn Tencent đã cam kết trao tặng 7,7 tỷ USD. Số tiền này nhằm hỗ trợ thu nhập cho người nghèo, giải quyết bất bình đẳng giáo dục, và phát triển một số sáng kiến khác. (Theo forbes.com)

Hãng thương mại điện tử Pinduoduo cũng cam kết trao tặng toàn bộ lợi nhuận mà công ty đạt được trong quý 2 năm nay, trị giá 372 triệu USD. Số tiền này sẽ hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp và các vùng nông thôn.

Tính từ đầu năm 2021, 7 tỷ phú Trung Quốc cũng đã quyên góp số tiền lên tới 5 tỷ USD. Con số này tăng 20% so với tổng số tiền quyên góp của cả nước trong năm 2020. (Theo bloomberg.com)

7. Chiến dịch Thịnh vượng chung nói gì về văn hóa làm việc 996?

996 là văn hóa làm việc nổi tiếng của Trung Quốc, phổ biến ở các công ty công nghệ. Làm việc theo phong cách 996 nghĩa là từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, trong 6 ngày một tuần hoặc thậm chí dài hơn.

Văn hóa làm việc này bị chỉ trích là độc hại, tuy nhiên lại được nhiều lãnh đạo các tập đoàn công nghệ tại Trung Quốc hưởng ứng. Tỷ phú Jack Ma còn cho rằng tinh thần làm việc này đã giúp Alibaba có được thành công như ngày nay.

Tuy vậy, chiến dịch Thịnh vượng chung đã lên án văn hóa 996. Ngày 26/08 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã ra phán quyết, trong đó cho rằng áp dụng văn hóa làm việc 996 là vi phạm pháp luật.

Thịnh vượng chung là một chiến dịch tham vọng, hướng sự tập trung đến mọi mặt của xã hội. Qua việc siết chặt quản lý các thực thể giàu có, chính phủ Trung Quốc muốn truyền tải thông điệp: có thể làm giàu, nhưng cũng cần nghĩ đến những người kém may mắn hơn.