Top 5 TED Talk chia sẻ bí quyết làm việc thông minh hơn | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 07, 2020
Kinh DoanhLàm Việc Hiệu Quả

Top 5 TED Talk chia sẻ bí quyết làm việc thông minh hơn

Tận hưởng cuộc sống nhiều hơn nhưng vẫn làm việc hiệu quả hơn? 5 TED Talks sau sẽ chia sẻ bí quyết.

Top 5 TED Talk chia sẻ bí quyết làm việc thông minh hơn

Không ít lần chúng ta phải ước rằng một ngày có hơn 24 giờ và một tuần có hơn 7 ngày để kịp hoàn thành núi công việc không bao giờ vơi. Nhưng trái ngược điều ta ước, thời gian không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên kỹ năng làm việc hiệu quả thì có thể.

Nếu là người luôn phải chạy theo deadline, có lẽ top 5 TED Talks dưới đây sẽ giúp bạn chủ động hơn trong công việc và cuộc sống. Danh sách bên dưới được lựa chọn theo lượng view cao nhất trong chủ đề làm việc hiệu quả trên website của TED Talks.

1. The happy secret to better work - Shawn Achor

(Bí quyết hạnh phúc để làm việc tốt hơn)

Theo Shawn Achor, CEO của Good Think Inc., 25% thành công trong công việc dựa vào IQ, 75% còn lại dựa vào tư duy tích cực. Vì thế nếu luôn nhìn mọi thứ theo hướng tích cực, bạn có thể làm việc hiệu quả hơn 31% so với khi đang tiêu cực hay căng thẳng.

Duy trì trạng thái tích cực có thể khiến não bạn tăng khả năng tư duy, trí thông minh, tính sáng tạo và năng lượng, từ đó tăng hiệu quả và năng suất trong công việc. Để có được điều đó, thay vì dành năng lượng để chú ý các vấn đề hay phiền não, hãy hướng sự tập trung cho những điều tích cực.

Viết nhật ký về các trải nghiệm tích cực, lập danh sách những điều mình biết ơn mỗi ngày trong 21 ngày liên tiếp là những phương pháp hữu ích được Anchor khuyên sử dụng nếu bạn muốn bắt đầu chuyển đổi sang tư duy tích cực.

"Nếu có thể thay đổi cách nhìn thế giới (theo hướng tích cực), thì không những hạnh phúc của chúng ta thay đổi, mà cả kết quả học tập và kinh doanh cũng thế." - Shawn Achor.

2. The surprising habits of original thinkers - Adam Grant

(Thói quen đáng ngạc nhiên của những người tư duy độc đáo)

Thói quen nổi bật nhất nhưng cũng hữu ích nhất của những người tư duy độc đáo là họ thường hay trì hoãn. Đồng nghĩa họ chỉ hoàn thành ý tưởng vào giây phút suýt sao trước deadline.

Việc gặp một vấn đề rồi ngay lập tức đi vào vào giải quyết nó không đồng nghĩa những ý tưởng đưa ra sẽ hiệu quả hơn một ý tưởng ra đời vào phút cuối. Theo khảo sát thực tế thì những người nhảy ngay vào thực hiện một ý tưởng có tỉ lệ thất bại cao hơn (đến 47%) so với những người dành thêm thời gian nghiền ngẫm (hay nhiều người cho là trì hoãn) để cải tiến ý tưởng (chỉ 8% thất bại).

Thói quen trì hoãn cho chúng ta thêm thời gian để phát triển và hoàn thiện ý tưởng. Vì thế hãy thay đổi suy nghĩ về cách bạn định nghĩa năng suất và tập trung vào những việc đem lại hiệu quả dài lâu thay vì quá chú tâm vào đẩy nhanh tốc độ ban đầu.

"Để có một vài ý tưởng tốt, trước tiên bạn phải cho ra đời thật nhiều ý tưởng tệ hại." - Adam Grant

3. How to speak up for yourself - Adam Galinsky

(Làm sao để lên tiếng cho bản thân?)

Nhiều người gặp khó khăn trong việc thuyết phục người khác nghe mình và luôn phân vân giữa việc khi nào nói và nên nói thế nào.

Thực chất việc này không phụ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh mà là linh động theo quyền lực mỗi cá nhân. Càng có nhiều quyền lực, thì phạm vi những điều cá nhân đó được nói hay thời điểm họ được nói sẽ rộng lớn hơn.

Vậy thì làm sao để tăng được quyền lực của mình?

Trước tiên, bạn phải tự tin - Galinsky chia sẻ. Thể hiện sự tự tin qua chính ánh mắt của mình và khiến những người xung quanh tin vào điều đó.

Những bí quyết Galinsky gợi ý để ta đạt được điều đó là: lên tiếng ủng hộ những người khác, tìm kiếm lời khuyên từ họ và tìm cách thấu hiểu góc nhìn của đối phương để có thể cung cấp những gì họ thực sự cần. Từ đó, mũi tên sẽ nhanh chóng đảo chiều về phía bạn.

"Khi những người khác thấy bạn mạnh mẽ, phạm vi bạn được phép cư xử cũng sẽ rộng hơn." - Adam Galinsky

4. Want to be more creative? Go for a walk - Marily Oppezzo

(Muốn sáng tạo hơn? Hãy đi dạo)

Theo Marily Oppezzo, trí não sáng tạo nhất khi nó được thư giãn.

Trong một bài kiểm tra về sáng tạo, Oppezzo chia ra làm hai trường hợp để khảo sát.

Trường hợp 1, nhóm khảo sát chỉ được phép ngồi một chỗ và phải nghĩ ra chức năng độc đáo, mới lạ cho một đồ vật quen thuộc. Buổi kiểm tra kết thúc với chỉ duy nhất một người đạt yêu cầu. Với trường hợp 2, nhóm người này được khuyến khích thực hiện nhiều hoạt động khác như đi lại, dạo chơi… Và kết quả là họ sáng tạo gấp đôi so với lúc chỉ ngồi không.

Vì thế Oppezzo khuyên rằng nếu sắp sửa bước vào một cuộc họp quan trọng hay đòi hỏi nhiều sự động não, hãy đi dạo để đầu óc được thư thái.

Ngoài ra, cô cũng đưa ra một số bí quyết để thúc đẩy khả năng sáng tạo như:

  • Tương tác với ý tưởng như đọc thành tiếng, ghi âm và lắng nghe chúng, rồi tưởng tượng một cuộc hội thoại về chúng
  • Nếu ý tưởng chưa tới, hãy cho não nghỉ ngơi và quay lại với chúng sau. Một vài hoạt động có thể làm lúc này là đi tắm hoặc chạy bộ
  • Cuối cùng là đừng bao giờ bỏ cuộc cho đến khi bạn bắt được ý tưởng mình hài lòng

5. How to get better at the things you care about - Eduardo Briceño

(Làm sao để cải thiện những khía cạnh quan trọng của bản thân?)

Theo Eduardo Briceño, nếu bạn chăm chỉ nhưng mãi vẫn chưa giỏi lên, thì có thể bạn đang tập trung vào sai khu vực cần cải thiện.

Để thực sự giỏi ở một khía cạnh nào đó chúng ta cần trải qua 2 khu vực, là khu học tập và khu thực hành. Khu học tập là nơi bạn đặt mục tiêu phát triển và cải thiện những kiến thức, kỹ năng mình đang thiếu sót. Trong khi khu thực hành là nơi bạn đặt mục tiêu thực hiện nhuần nhuyễn một việc khi đã có đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết.

Vấn đề khiến nhiều người mãi chưa giỏi lên nằm ở việc chúng ta chưa dành đủ thời gian ở khu học tập.

Cuộc sống xã hội với vô số sự cạnh tranh khiến nhiều lúc chúng ta chỉ tập trung vào vùng thực hành để nâng cao tốc độ tức thời, nhằm đạt được sự thăng tiến nhanh chóng, trong khi còn nhiều kiến thức bị hổng ở khu học tập.

"Để thể hiện bản thân tốt nhất hãy luôn nhớ: xen kẽ giữa học tập và thực hành." - Eduardo Briceño.

Nghĩa là hãy xây dựng và rèn luyện kỹ năng mới hoặc còn yếu khi bạn đang ở vùng học, rồi áp dụng những kỹ năng ấy khi bạn ở vùng thực hành.

Chia sẻ từ người viết

Giam mình tại phòng làm việc và hoàn thành các đầu việc không đảm bảo bạn sẽ làm việc hiệu quả. Nó có thể giúp bạn tăng tốc tức thời nhưng lại hạn chế tính sáng tạo để mang lại những đột phá và lợi ích dài lâu.

Hiểu về cách bộ não mình hoạt động và áp dụng các phương pháp làm việc phù hợp là phương pháp bạn nên cân nhắc để nâng cao năng suất nhưng vẫn giữ được cảm xúc tích cực, vui vẻ trong suốt quá trình lao động.

Thay vì gồng mình theo kỳ vọng xã hội, hãy hài hòa công việc với cuộc sống cá nhân. Bạn có thể dẹp bỏ căng thẳng, nhìn cuộc sống tích cực, để tạo điều kiện cho não bộ hoạt động nhanh và chính xác hơn. Ngoài ra, nghỉ ngơi khi bí ý tưởng, cởi mở với những trải nghiệm cũng là cách hay để thu hút các ý tưởng mới đến với bạn.